GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC: MỘT CON NGƯỜI KHÔNG DI CHUYỂN & MỘT GUỒNG MÁY ĐANG CHUYỂN ĐỘNG
WHĐ (1.9.2020) – Ngày 9-10-1799, Đức cha Pigneau de Béhaine (phiên âm tiếng Việt là Bá Đa Lộc), Đại diện Tông tòa Đàng Trong, qua đời tại Quy Nhơn, thọ 58 tuổi.
Đức cha Bá Đa Lộc là một gương mặt nổi bật của Giáo hội tại Việt Nam thế kỷ 18. Ngài là vị Đại diện Tông tòa thứ bảy của giáo phận Đàng Trong. Các Giám mục Đại diện Tông tòa tiền nhiệm gồm:
- Đức cha Pierre Lambert de la Motte, M.E.P.[1](1659 – 1669)
- Đức cha Guillaume Mahot, M.E.P. (1680 – 1684)
- Đức cha François Perez (1687 – 1728)
- Đức cha Alexandre de Alexandris, B. (1728 – 1738)
- Đức cha Arnaud-François Lefèbvre, M.E.P. (1741 – 1760
- Đức cha Guillaume Piguel, M.E.P. (1762 – 1771).
Đức cha Bá Đa Lộc là Đại diện Tông tòa Đàng Trong từ năm 1771 đến năm 1799, khi đang có mặt tại Quy Nhơn, bên cạnh Chúa Nguyễn Phúc Ánh, trong chiến dịch do quân của Chúa Nguyễn tiến hành, nhằm tấn công thành Chà Bàn (Quy Nhơn) của quân Tây Sơn, đời vua Quang Toản, tức Cảnh Thịnh (1793 – 1802).
Bài viết này như một chia sẻ hướng đến việc chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (1960-2020), qua việc ôn lại lịch sử với một nhân vật đã ghi dấu ấn trong thế kỷ 18: Đức cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), tức Giám mục Adran. Việc ‘ôn cố’ này xin được giới hạn trong phạm vi nhắc lại đôi nét hành trạng và cảm nhận về hai bài văn tế của chúa Nguyễn Phúc Ánh và thái tử Cảnh trong tang lễ Đức cha Bá Đa Lộc tại Sài Gòn năm 1799.
PIGNEAU DE BÉHAINE – BÁ ĐA LỘC
Đức cha Pigneau de Béhaine, tức Bá Đa Lộc, hoặc được gọi theo hiệu tòa là Đức cha Adran, sinh ngày 2-11-1741, tại làng Origny-en- Thiérache, hạt Aisne, vùng Hauts-de-France, Pháp.
Ngài học chủng viện ở quê nhà, rồi chủng viện thuộc Hội Thừa sai Paris (M.E.P.). Năm 24 tuổi (1765), ngài chịu chức linh mục, và ngay sau đó, lên đường sang Đàng Trong (tức miền Nam Việt Nam, từ sông Gianh, Quảng Bình, trở vào) truyền giáo, không cho gia đình hay biết, chỉ viết thư báo cho cha mẹ biết mình đã lên tàu vào tháng 9-1765, rời Lorient (hải cảng ở tây nam nước Pháp), sang Việt Nam.
Tới Đàng Trong vào tháng Ba 1767, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư, rồi mấy tuần sau, làm giám đốc Chủng viện Hòn Đất ở Hà Tiên.
Đầu năm 1770, do tình hình tại Hà Tiên bất ổn, cha Bá Đa Lộc được lệnh đưa Chủng viện Hòn Đất sang Pondichery (Ấn Độ).
Đang ở Pondichery, ngày 24-09-1771, cha Bá Đa Lộc được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục hiệu tòa Adran, Đại diện Tông tòa Đàng Trong.
Ngày 24-02-1774 (cách nay đúng 245 năm), Đức cha Bá Đa Lộc được tấn phong giám mục tại Pondichery, do Đức cha Bernardo de São Caetano, O.S.A. (Dòng Thánh Augustinô), giám mục São Tomé Meliapore (Ấn Độ) chủ phong. Năm tháng sau khi được tấn phong, tân giám mục đáp tàu đi Macao để vào Đàng Trong thi hành chức vụ Đại diện Tông tòa.
Kể từ khi chịu chức linh mục năm 1765, rồi đặt chân tới Đàng Trong năm 1767, cho đến ngày qua đời, 9-10-1799, Đức cha Bá Đa Lộc đã hoạt động truyền giáo tổng cộng 34 năm. Như vậy, vị mục tử này đã dành trọn đời làm linh mục rồi giám mục cho Đàng Trong, vùng đất truyền giáo của Hội Thừa sai Paris.
Có thể tóm tắt cuộc đời hoạt động truyền giáo của ngài qua các giai đoạn:
– Giám đốc Chủng viện Hòn Đất (1766 – 1770)
– Tạm lánh ở Ấn Độ, Cao Miên, chờ cơ hội trở về Đàng Trong. Tại Ấn Độ, nhận được bổ nhiệm làm giám mục, Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Trong (1771 – 1778)
– Từ Ấn Độ về đến Việt Nam, trú ngụ tại Tân Triều (Biên Hòa), thực thi sứ vụ Đại diện Tông tòa, đặc biệt công cuộc truyền giáo tại giáo phận Đàng Trong (1778 – 1782)
– Giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh trong công cuộc chống nhà Tây Sơn: đưa thái tử Cảnh, con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Ánh sang Pháp cầu viện; thay mặt Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles (1787) với triều đình Pháp; sau đó giúp chúa Nguyễn xây dựng lực lượng, chuẩn bị đánh quân Tây Sơn (1783 – 1789)
– Sát cánh với chúa Nguyễn Phúc Ánh trong công cuộc khai sinh cơ đồ nhà Nguyễn cho đến khi qua đời (1789 – 1799).
Như vậy, ngoài việc cai quản giáo phận, Đức cha Bá Đa Lộc đã góp công rất lớn trong việc giúp chúa Nguyễn phản công Tây Sơn, giành đất đai, và sau khi ngài qua đời, Nguyễn Phúc Ánh đã thu giang sơn về một mối vào năm 1802, sau khi đánh chiếm Thăng Long.
Vì thế, suốt ba tháng Đức cha Bá Đa Lộc lâm trọng bệnh, từ tháng Bảy đến tháng Mười 1799, giữa lúc quân chúa Nguyễn vây hãm thành Quy Nhơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh và thái tử Cảnh hết lòng săn sóc. Hai người thường xuyên đến thăm viếng và tìm mọi cách chữa trị. Và ngày 9 tháng Mười 1799, Đức cha qua đời, Nguyễn Phúc Ánh đã gửi một cỗ quan tài bằng gỗ quý để tẩm liệm. Hôm sau, ngày 10-10, chúa Nguyễn đã truyền đưa thi hài của Đức cha về Sài Gòn trên một chiếc tàu chiến.
Khi về đến Sài Gòn, thi hài Đức cha Bá Đa Lộc được quàn tại trụ sở Đại diện Tông tòa của ngài để giáo hữu và khách tới kính viếng. Thái tử Cảnh, người đã thụ huấn Đức cha, đã theo lễ nghĩa nho phong, cho dựng một ngôi nhà bên cạnh để thọ tang thầy.
Về tang lễ Đức cha Bá Đa Lộc, linh mục thừa sai Le Labousse thuật lại:
“Lễ an táng được cử hành ngày 16 tháng Mười Hai. Giáo hội và triều đình đã phối hợp với nhau để bày tỏ những sự tôn kính đối với Giám mục Adran như vai vế của ngài đáng được trong Giáo hội và trong Vương quốc. Nhà vương đã giao cho hoàng tử con mình dẫn đầu đám tang. Người ta khởi sự từ hai giờ đêm. Quan tài, được phủ bằng tấm vóc lộng lẫy và đặt trong cái khung hai tầng có 25 cây nến thắp sáng, đặt trên cái cáng dài 20 bộ, do 80 người khiêng, một phương du thêu chỉ vàng bao trùm lên tất cả…
Một đám đông thanh niên Công giáo… tay cầm nến, với các thầy giảng đáng kính nhất của mỗi họ đạo, đi theo cáng và kiệu. Tất cả đội thị vệ của nhà vương gồm 12.000 người, đó là chưa kể đội thị vệ của hoàng tử, mang vũ khí và sắp thành hai hàng, đi đầu là cỗ đại bác. Một trăm hai mươi thớt voi với phục dịch và quản tượng đi hai bên. Trống kèn, nhạc điệu Việt và Miên, pháo thăng thiên, pháo bông v.v. Không thiếu thứ gì: hơn hai trăm lá cờ đủ cỡ, ngoài ra còn vô số đuốc và nến soi sáng cho đám đi bi ai này; ít nhất cũng khoảng 40.000 người, Công giáo và không Công giáo, đi theo xe tang. Nhà vương cũng có mặt với tất cả các quan thuộc nhiều bộ phận khác nhau; và điều lạ lùng nữa là cả thái hậu, hoàng tỷ, hoàng hậu, phi tần, các hoàng tử và tất cả các cung nữ đều cho rằng đối với một con người phi thường, phải bỏ tất cả mọi luật lệ thông thường: tất cả đều đã đi đến tận nơi an táng.”[2]
Phần mộ của Đức cha đặt tại nơi về sau gọi là Lăng Cha Cả[3]. Trên bia mộ đề chữ Hán, dịch là: “Năm Kỷ Mùi tòng chinh ở phủ Quy Nhơn, ngày 11 tháng Chín[4] thì mất ở cửa Thị Nại, thọ 57 tuổi”.
Đặc biệt, trong lễ an táng, có bài văn tế của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Trong tuần cúng tế tiếp theo, thái tử Cảnh cũng đọc một bài văn tế. Cả hai bài đều do Đặng Đức Siêu[5] soạn thảo. Đây là một trong những vinh dự lớn chúa Nguyễn dành cho Đức cha Bá Đa Lộc, người được nhà vương phong tước Bi Nhu Quận Công[6].
Bài văn tế Đức cha Bá Đa Lộc của chúa Nguyễn Phúc Ánh:
“NGƯỜI NƯỚC KHÁC MÀ DẠ LÒNG CHẲNG KHÁC”
Chúa Nguyễn Phúc Ánh đã viếng Đức cha Bá Đa Lộc với bài văn tế sau:
“Hỡi ơi!
Người nước khác mà dạ lòng chẳng khác, công non sông thẻ lụa đương cài;
Ân nghĩa tròn mà báo đáp chưa tròn, đường sống thác sớm chầy khó liệu!
Êm giấc hoè, hồn đó thanh thanh;
Nhớ ơn trước, sầu đây triều triệu!
Thủa ta mới quyền trao Nguyên soái, bạn tóc răng vui nghĩa sơ giao;
Ngày ngươi vừa làm khách viễn phương, lòng vàng đá phỉ nguyền tương chiếu.
Nghĩ lúc lưng gầy bước ngặt, đình Nam Vang, bầu Tân Lữ, phiêu lưu cho khỏi kẻ bạo tàn;
Tưởng khi mặt ủ gan phiền, trời cố quốc, bến Hậu Giang, tìm hỏi chẳng từ nơi hiểm yếu.
Cực đến nỗi cha con không giữ, gởi gia nhi, trao quốc bảo, trời Tây phương muôn hộc ai hoài;
May nhờ đâu nhà nước mới về, đưa ấu tử, cầu lương bang, đất Đông phố một đoàn vĩnh hiếu.
Công giáo dưỡng mấy thu khẩn khẩn, phước ta nhiều gần sánh tam vương;
Nghiệp tổ tông ngàn thuở miên miên, công gã giúp ngõ toàn cửu miếu…
Đạo Tây vực một niềm riêng giữ, chẳng cậy ai quốc tử hoàng tôn;
Nạn Nam bang trăm chước mưu lo, dựa thế sức mưu mầu chước diệu.
Nhà Thái học chia ngôi tây tịch, trải tín thành đòi buổi huân đao;
Dặm cô thành hộ giá đông cung, thêm khẳng khái mấy lần thượng biểu.
Mưu tế quốc kinh luân dạ đỏ, từng hay liệu địch chia đồn;
Phép dùng binh thao lược mắt tường, chi quản xông tên đạn pháo.
Chế hoả xa, bày trái phá, dẹp loài loạn tặc thủa long đong;
Đoàn thiết tử, tán hoa ngân, giúp vận nước nhà khi thốn thiếu.
Ân nặng đó mười phần công của, trước sau trọn nghĩa tiên thi;
Lẽ cùng ta ngàn thủa tôn vinh, đây đó phỉ nguyền hậu báo.
Mấy thu trấn biên thành Diên Khánh, tặc đảng đồn mất vía kinh hồn;
Một trận hàng hiểm địa Quy Nhơn, cố nhơn sớm phân bào chia áo.
Ôi!
Núi Nhạc về thần;
Trời Nam để dấu.
Giọt đồng long ô yết dễ đành;
Luỵ lạp chúc sụt sùi khôn ráo!
Trăng tối chợt ngờ nhan sắc, mở rèm đãi khách gia tân;
Mây chiều ngắm tưởng phong nghi, thiết ỷ mong người cố lão.
Chữ “Đạo đồng sinh, dưỡng” chế tâm tang con chút đáp ân;
Câu “Vinh cập một, tồn” tặng Thái phó ta đưa tình thảo.
Theo ý chúng giỏi nghi lề ngoại quốc, cuộc tống chung xác cất hồn cầu;
Hết lòng thành lấy lễ Trung Hoa, cơn tử biệt bài văn lễ điếu.
Trước sống đã suy tình bằng hữu, lòng thành lo sự nghiệp trung hưng;
Nay thác rồi nhớ nghĩa quân thần, linh xin giúp cơ đồ tái tạo.
Hỡi ơi! Thương thay!
Hỡi ơi! Tiếc thay”[7]
Được chúa Nguyễn Phúc Ánh ủy thác, Đặng Đức Siêu viết bài văn tế trên.
Văn tế là một thể văn xưa, đọc trong tang lễ, kể lại công đức và bày tỏ lòng thương tiếc đối với người đã khuất. Sử dụng hình thức Đường phú, bài văn tế Đức cha Bá Đa Lộc của chúa Nguyễn Phúc Ánh, do Đặng Đức Siêu chấp bút, đã diễn tả mối thâm tình giữa Đức cha Bá Đa Lộc và chúa Nguyễn Phúc Ánh, cũng như lòng biết ơn của nhà vương đối với vị giám mục.
Mở đầu bài văn tế, phần Lung khởi, Nguyễn Phúc Ánh bày tỏ mối quan hệ giữa nhà vương và vị giám mục quá cố. Một mối tương quan đầy “ân nghĩa” mà người còn sống nhận thấy mình chưa báo đáp đủ đối với người vừa khuất: “ân nghĩa tròn mà báo đáp chưa tròn”. Đáng chú ý, bậc ân nhân kia lại là người nước ngoài, không cùng nòi giống, vậy mà, tấm thịnh tình đối với nhà vương thật lớn lao, rất thịnh tình: “Người nước khác mà dạ lòng chẳng khác”.
Giữa lúc tiễn biệt vị đại ân nhân, chúa Nguyễn Ánh bồi hồi nhớ lại hơn 20 năm mối tương giao với biết bao tình nghĩa. Thật là một chặng đường chồng chất nguy nan, có khi đe dọa đến tính mạng.
Chặng đường đó khởi sự từ năm 1776, khi Đức cha Bá Đa Lộc đang tá túc ở Cao Miên, chờ cơ hội vào Việt Nam, đã che chở và cứu mạng chúa Nguyễn Ánh đang bị quân Tây Sơn dồn vào thế đường cùng. Linh mục thừa sai Louvet thuật lại trong quyển “Tiểu sử Đức cha Pigneau” (1896):
“Lúc quân Tây Sơn, nhờ nội phản, bắt được Huệ vương bất hạnh đang trốn ở làng Cao Giang, gần Long Xuyên, họ muốn bủa lưới bắt tất cả các gia đình hoàng tộc cùng một lúc, trong đó có Nguyễn Ánh, là người từ khi cha mất vẫn sống trong cung như một nhà tù sơn son thiếp vàng. Nguyễn Ánh lúc đó mới 17 tuổi, sau khi Huệ Vương mất, là đại diện duy nhất của nhà Nguyễn và được quyền tổ tiên để lại cho cai trị trên xứ Đàng Trong. Đức giám mục Adran là người có lẽ đã để ý tới Nguyễn Ánh trước và ở cách đó không xa, đã tạo dịp cho ông thoát khỏi tay của kẻ thù và giúp ông trốn một thời gian trong nhà mình ở Cao Miên. Lúc này chưa phải là lúc đem ông lên ngôi mà là giúp ông thoát chết. sau khi trốn một tháng trong nhà của vị giám mục, Nguyễn Ánh cùng với mẹ và một vài thủ hạ tới một đảo hoang vắng trong vịnh Thái Lan. Lúc này vào khoảng tháng 11-1776, người ta có thể nói là toàn bộ Đàng Trong đã nằm trong tay Tây Sơn”[8].
Như vậy, ân nghĩa đầu tiên của Đức cha Bá Đa Lộc dành cho Nguyễn Ánh là công cứu mạng. Do đó, nhà vương không thể không nhắc đến cùng với những ân sâu nghĩa dày tiếp đó:
“Nghĩ lúc lưng gầy bước ngặt, đình Nam Vang, bầu Tân Lữ, phiêu lưu cho khỏi kẻ bạo tàn;
Tưởng khi mặt ủ gan phiền, trời cố quốc, bến Hậu Giang, tìm hỏi chẳng từ nơi hiểm yếu.
Cực đến nỗi cha con không giữ, gởi gia nhi, trao quốc bảo, trời Tây phương muôn hộc ai hoài;
May nhờ đâu nhà nước mới về, đưa ấu tử, cầu lương bang, đất Đông phố một đoàn vĩnh hiếu.
Công giáo dưỡng mấy thu khẩn khẩn, phước ta nhiều gần sánh tam vương;
Nghiệp tổ tông ngàn thuở miên miên, công gã giúp ngỏ toàn cửu miếu…”
Quả thật, làm sao Nguyễn Ánh có thể quên biết bao gian khó của đoạn đường 23 năm vừa trải qua (1776-1799): những lần bôn tẩu tránh Tây Sơn, cuộc “hộ giá đông cung” cầu viện Pháp, việc xây dựng cơ sở kháng Tây Sơn. Chính vì thế, Nguyễn vương thốt lên: “phước ta nhiều gần sánh tam vương” và “công gã giúp ngõ toàn cửu miếu”.
Đối với Nguyễn vương, những giúp đỡ của giám mục Pigneau de Béhaine chính là “phước”, là phúc lành nhận được từ Pigneau. Và công của Pigneau sánh tựa “tam vương”, tức ba vị vua tiên khởi của lịch sử Trung Hoa: Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông, cũng là Thiên Hoàng, Nhân Hoàng và Địa Hoàng (theo Tư Mã Thiên, trong “Sử Ký”).
Sự giúp đỡ của giám mục Pigneau không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với cá nhân Nguyễn Ánh, mà còn đối với cơ nghiệp của nhà Nguyễn: “công gã giúp ngõ toàn cửu miếu”.
Cửu miếu, nghĩa là chín đời chúa Nguyễn (Nguyễn Ánh là vị vương thứ chín). Xét bối cảnh năm 1799, khi Đức cha Bá Đa Lộc mất, thành Quy Nhơn của Tây Sơn phải ít lâu nữa mới thuộc về Nguyễn Ánh, nhưng nhà vương như đã thấy trước triển vọng “ngõ toàn cửu miếu” rồi. Âu cũng nhờ công lao xây dựng chiến lược của giám mục Bá Đa Lộc vậy.
Chính vì thế, Nguyễn Ánh nêu cao ân nghĩa của người đã khuất. Ân nghĩa ấy gồm công sức và tiền của. Công sức xây dựng cơ đồ nhà Nguyễn. Tiền của huy động từ nhiều nguồn ân nhân, giúp xây dựng lực lượng và thế mạnh chính trị, ngoại giao, quân sự:
“Ân nặng đó mười phần công của, trước sau trọn nghĩa tiên thi;
Lẽ cùng ta ngàn thủa tôn vinh, đây đó phỉ nguyền hậu báo.
Mấy thu trấn biên thành Diên Khánh, tặc đảng đồn mất vía kinh hồn;
Một trận hàng hiểm địa Quy Nhơn, cố nhơn sớm phân bào chia áo”.
Đồng thời, theo niềm tin cổ nhân truyền lại, nhà vương xin vị giám mục quá cố phù hộ:
Trước sống đã suy tình bằng hữu, lòng thành lo sự nghiệp trung hưng;
Nay thác rồi nhớ nghĩa quân thần, linh xin giúp cơ đồ tái tạo.
Trong lời ước nguyện trên, người tế ngầm tỏ bày mối tương giao độc đáo của mình và người quá cố. Vừa là “bằng hữu”, vừa là “quân thần”.
Bằng hữu rất thắm thiết: “bạn tóc răng vui nghĩa sơ giao” và thủy chung “lòng vàng đá phỉ nguyền tương chiếu”. Còn nghĩa quân thần thì đầy lòng tin cậy, đến mức “gởi gia nhi, trao quốc bảo, trời Tây phương muôn hộc ai hoài”, đồng thời sủng ái, ngưỡng mộ: “Hết lòng thành lấy lễ Trung Hoa, cơn tử biệt bài văn lễ điếu”.
Quả thật, bài văn tế đã cho thấy lòng tri ân của Nguyễn Ánh đối với Đức cha Bá Đa Lộc, đồng thời, qua đó còn toát lên phẩm cách của vị giám mục qua cái nhìn của vị vương này.
Nguyễn Ánh tỏ lòng tôn trọng tín ngưỡng và sứ mạng của vị giám mục trong phận sự tôn giáo của ngài: “Đạo Tây vực một niềm riêng giữ”. Điều đáng nói, nhà vương rất quý trọng sự chân thật nơi nhân cách của vị giám mục Công giáo: “Người nước khác mà dạ lòng chẳng khác”.
Phải chăng, cốt cách “Người nước khác mà dạ lòng chẳng khác” chính là thứ ánh sáng khác thường chúa Nguyễn Phúc Ánh nhận ra giữa cơn “Nạn Nam bang trăm chước mưu lo” đầy xáo trộn và mịt mù?
Bài văn tế Đức cha Bá Đa Lộc của thái tử Cảnh:
‘GIỮ TÍNH TRỜI MONG HÓA DÂN TRỜI”
Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh đã khóc thầy mình – Đức cha Pigneau de Béhaine, như sau:
“Hỡi ôi!
Mấy năm dư tri ngộ, tính chưa rồi trong cuộc chinh tru;
Năm mươi lẻ xuân thu, sao nỡ rẽ ngoài vòng cực lạc.
Lấy ai nhờ giúp dựng việc nhà;
Lấy ai cậy lo chung việc nước.
Nhớ đức Thượng sư xưa: Suốt giải kiền khôn;
Khỏi trên muôn vật.
Học kinh thánh mảng theo đạo thánh, từ Tây thiên chẳng đoái công danh;
Giữ tính trời mong hóa dân trời, qua Đông thổ vui niềm nhân đức.
Trải năm lạnh thu sương nhiều thuở, đứng trơ cứng tiết bách tùng;
Rửa cột phàm nước trí một bầu, đâu có nghiêng lòng quỳ hoắc.
Duyên giải cấu liền vầy cửa Bắc, yến gia tân từng ngâm ngợi lộc minh;
Vận trung hưng chăm giúp triều Nam, cơ liệu định đã sẵn sàng hỗ lược.
Tục người khác mà tấm lòng chẳng khác, chia vàng đã rõ bạn tương tri;
Thù nước riêng mà tấc dạ chẳng riêng, rèn đá quyết vá trời Việt quốc.
Ngỡ thấy nhà Lưu vận ách, đất Hứa Xương rộng rãi, đã khó khăn giặc quỷ Tào Man;
Từng than thế Hán thiếu binh, nơi Tân Dã hẹp hòi, lại khôn dụng đồ chim Gia Cát.
Cùng thuyền hà việt, dìu dắt đưa lá ngọc cành vàng;
Kể nỗi gian truân, nhục nhằn trải non xanh bến bạc.
Ra Thổ Châu, vào Phú Quốc, giặc sau lưng theo đuổi, cùng nhau hầu khôn chước giải nguy;
Đồ khôi phục, liệu tá binh, con dưới gối lìa trao, muôn việc đã đành lòng ký thác.
Vì người mưu hết sức, ngừng lệ phân tiệc khách đông nam;
Hiềm sự cả khác lòng, rắp mình ẩn góc trời tây bắc.
Thức nhắp lo toàn Triệu Bích, mảng tai nghe yên đảng nguy lâm;
Hôm mai nuôi dưỡng Hán Sử, rắp cánh nhẹ trông miền tử khuyết.
Một nhà tương khánh, ơn lão trượng xiết bao;
Thuở nước huân đào, điểm tiền tinh sáng quắc.
Ra công giúp của, khi loạn ly từng đỡ ngặt nước nhà;
Nói gót rỉ tai, việc triều chính đã tin nhau gan mật.
Nhổ cơm trên cảm tình Cao đế, trí cả đành giúp một cánh tay;
Nắm gạo từng làm núi Phục Ba, thế giặc thấy rõ đôi con mắt.
Dải Duyên Khánh bốn bề sa mạc, lòng bền dạ gắng giúp Đông cung khoẻ sức chống thành;
Thu Quy Nhơn một luỹ Đồ Bàn, thẻ vận màu che, khiến Tây tặc cúi đầu quay bước.
Ra Bến Đá dưa nên bệnh quỷ, bệnh lại thêm dủ nhật dủ tăng;
Về Kỳ Sơn cầu chuộc thuốc tiên, thuốc khôn giúp tư nhân tư tật.
Ôi!
Tôn khách băng chừng;
Thiên đường nhẹ bước.
Sao khách Tử Lăng sớm xế, đoái nhìn lệ luống mông mênh;
Toà nhà Quan Vũ đeo sầu, chạnh tưởng lòng càng thổn thức.
Chép miệng ngẫm được thành Nhạc Bối, song thành kia dễ tạo, tuy rằng mừng chẳng lấy làm mừng;
Vỗ vế than chếch bạn tây song, tưởng bạn ấy khôn cầu, vậy nên tiếc khôn nguôi nỗi tiếc.
Ngày sáu khắc mảng lo chấp chính, vậy càng ngây mắt Thuấn mày Nghiêu;
Đêm năm canh chợt nhớ cố nhân, chẳng êm dựa gối loan nệm hạc.
Cảm là cảm một mai đại cử, ngõ dùng mưu giết giặc, ai hầu cùng ngồi chốn ốc duy;
Thương là thương muôn dặm viễn phương, vì tính việc cho ta, chết chẳng được về nơi quê vực.
Mồ tha hương luống gởi, chập chùng gò đất bi ai;
Tin cố lý chưa thông, bảng lảng phương trời phiêu lạc.
Nào thuở nước Lang Sa, thành Vọng Các, đường xa dặm thẳm, mấy thu trời ai được gặp nhau;
Bây giờ miền âm giới, cõi dương gian, kẻ mất người còn, ba tấc đất mà không thấy mặt.
Trăm mình khó chuộc, gác tía đà mất đấng trí năng;
Một giấc chẳng về, cung xanh lại không ai vũ dực.
Đổi con trẻ cho mà dạy đó, lối cổ nhân dấu hãy rành rành;
Đứt nghĩa này chẳng gác về đâu, trông thiên giới gót đà phảng phất.
Phận tân chủ sẻ chia hai ngả, bồi hồi xiết chạnh lòng đau;
Tả ân tình lao thảo một văn, điếu tế tạm dùng lễ bạc.
Công nặng đó, của thêm nặng đó, ngàn vàng chưa dễ đền bồi;
Còn tưởng nhau, chết cũng tưởng nhau, trăm thuở hãy còn ghi tạc.
Than ôi! Thương thay!”[9]
Nếu bài tế của chúa Nguyễn Phúc Ánh là tiếng khóc của vị vương chủ tiếc bậc quân thần, thì bài của thái tử Nguyễn Phúc Cảnh là dòng nước mắt của một môn sinh khóc vị tôn sư khả kính.
Có thể thấy khá rõ sự tương đồng giữa hai bài văn tế trong phần Thích thực (thuật lại công đức người quá cố). Tuy dị biệt về cách diễn đạt, văn liệu, nhưng ý tưởng khá gần nhau. Bài tế của thái tử Cảnh cũng nhắc lại công trạng của vị giám mục trong việc tạo lập cơ nghiệp nhà Nguyễn:
“Ra Thổ Châu, vào Phú Quốc, giặc sau lưng theo đuổi, cùng nhau hầu khôn chước giải nguy;
Đồ khôi phục, liệu tá binh, con dưới gối lìa trao, muôn việc đã đành lòng ký thác”.
rồi:
“Dải Duyên Khánh bốn bề sa mạc, lòng bền dạ gắng giúp Đông cung khoẻ sức chống thành;
Thu Quy Nhơn một luỹ Đồ Bàn, thẻ vận màu che, khiến Tây tặc cúi đầu quay bước”.
Nhất là những hy sinh lớn lao, khi phải lao tâm khổ tứ:
“Vì người mưu hết sức, ngừng lệ phân tiệc khách đông nam;
Hiềm sự cả khác lòng, rắp mình ẩn góc trời tây bắc”.
Cảm tấm thịnh tình của Đức Bá Đa Lộc, nên khi ngài lâm bệnh, cha con nhà vương hết lòng chăm sóc, chữa trị:
“Ra Bến Đá dưa nên bệnh quỷ, bệnh lại thêm dủ nhật dủ tăng;
Về Kỳ Sơn cầu chuộc thuốc tiên, thuốc khôn giúp tư nhân tư tật”.
Nhưng bệnh tình ngài mỗi ngày một nặng (dủ nhật dủ tăng), và, khi vị giám mục qua đời, thái tử Cảnh bàng hoàng, thổn thức, tái tê:
Ôi! Tôn khách băng chừng;
Thiên đường nhẹ bước.
Sao khách Tử Lăng sớm xế, đoái nhìn lệ luống mông mênh;
Toà nhà Quan Vũ đeo sầu, chạnh tưởng lòng càng thổn thức.
Chép miệng ngẫm được thành Nhạc Bối, song thành kia dễ tạo, tuy rằng mừng chẳng lấy làm mừng;
Vỗ vế than chếch bạn tây song, tưởng bạn ấy khôn cầu, vậy nên tiếc khôn nguôi nỗi tiếc”.
Danh sĩ Đặng Đức Siêu cảm được những gì đang diễn ra trong lòng thái tử Cảnh, đã hạ bút viết những dòng tuyệt hay trong phần Ai vãn (tỏ lòng thương tiếc người quá cố):
“Ngày sáu khắc mảng lo chấp chính, vậy càng ngây mắt Thuấn mày Nghiêu;
Đêm năm canh chợt nhớ cố nhân, chẳng êm dựa gối loan nệm hạc”.
Sự ra đi của Đức cha Bá Đa Lộc, vị tôn sư, khiến môn sinh là thái tử Cảnh thấy cuộc sống nhung lụa trở nên vô nghĩa, dù “gối loan nệm hạc” cũng không dỗ được giấc ngủ, một khi lòng đau như cắt vì vừa mất đi người thầy đáng kính, và vĩnh viễn không thể tương phùng, hội ngộ:
Mồ tha hương luống gởi, chập chùng gò đất bi ai;
Tin cố lý chưa thông, bảng lảng phương trời phiêu lạc.
Nào thuở nước Lang Sa, thành Vọng Các, đường xa dặm thẳm, mấy thu trời ai được gặp nhau;
Bây giờ miền âm giới, cõi dương gian, kẻ mất người còn, ba tấc đất mà không thấy mặt”.
Đáng nói hơn, thái tử Cảnh thấy chẳng riêng mình mất mát, mà cả một cơ đồ trước mặt sẽ chẳng thể tìm ra một bậc “trí năng”, và nhất là đáng tin cậy, để hợp đoàn, đồng tâm nhất trí, “vũ dực” (ăn cánh) như giám mục Pigneau:
Trăm mình khó chuộc, gác tía đà mất đấng trí năng;
Một giấc chẳng về, cung xanh lại không ai vũ dực.
Như vậy, trong lòng môn sinh Nguyễn Phúc Cảnh, ngời lên hình ảnh của Đức cha Bá Đa Lộc, một con người không những có “đôi con mắt” tinh tường việc đời, nhất là khi “thế giặc” đang bừng bừng uy vũ: “Nắm gạo từng làm núi Phục Ba, thế giặc thấy rõ đôi con mắt”, mà còn mang cả một niềm xác tín và nhiệt tâm:
“Học kinh thánh mảng theo đạo thánh, từ Tây thiên chẳng đoái công danh;
Giữ tính trời mong hóa dân trời, qua Đông thổ vui niềm nhân đức”.
Đó là niềm xác tín “mảng theo đạo thánh”, và nhiệt tâm thực thi sứ mệnh “giữ tính trời mong hóa dân trời” của Bá Đa Lộc.
Vâng, con người ấy rất say mê và xác tín lý tưởng “hóa dân trời” (giáo hóa, truyền bá Tin Mừng cho muôn dân).
Và như thế, có lẽ đời sau hẳn sẽ ghi nhớ hình ảnh say mê và xác tín vào lý tưởng truyền bá Tin Mừng của vị giám mục thừa sai này, phải chăng cũng là nhờ câu văn tế Đường phú “giữ tính trời mong hóa dân trời” của thái tử Cảnh?
Vậy đó, trong niềm thương nhớ thầy mình, Thái tử Cảnh đã nói lên được nét nổi bật và đặc sắc nhất nơi cốt cách con người giám mục Pigneau de Béhaine: “giữ tính trời mong hóa dân trời”.
*
Chính từ niềm nung nấu “mong hóa dân trời” – nghĩa là giáo hóa người dân xứ sở Đàng Trong, nên ngay khi vừa đặt chân tới đây, Đức cha Bá Đa Lộc đã chuyên chú học tiếng Việt, chữ Nôm và chữ Hán. Rồi chẳng bao lâu sau, ngài đã soạn xong bộ từ điển Việt-La “Dictionarium Anamitico-Latinum” (1772-1773)[10], và nhất là sách Giáo lý bằng chữ Nôm (in tại Quảng Đông năm 1774). Rõ ràng, cùng với nhiệt huyết truyền giáo, ngài sớm thấy được tầm quan trọng của sách báo trong công cuộc Phúc âm hóa. Trong thư gửi tổng thư ký Bộ Truyền giáo, ngày 15-05-1773, ngài viết:
“Tôi thâm tín rằng, về phương diện nhân loại, để làm cho đức tin phát triển rộng rãi hơn trong vương quốc này, không có gì hữu hiệu hơn là phổ biến, khắp các tỉnh thành và với nhiều ấn bản, những cuốn sách của các tác giả có giá trị nhất”.[11]
Đức cha Bá Đa Lộc quả là vị mục tử có trái tim nhiệt thành và đôi mắt tinh anh nhìn thấu nhiều lẽ của công cuộc truyền giáo. Do đó, cần tiếp cận nhân vật lịch sử này, không chỉ từ góc độ lịch sử- chính trị, mà còn từ lịch sử-truyền giáo.
Hai bài văn tế trên cho thấy: Đức cha Bá Đa Lộc đã khiến các tác giả, vốn là hai nhân vật lịch sử – chính trị, ấn tượng sâu đậm về một nhân cách đầy xác tín vào lý tưởng và phận sự tôn giáo của mình.
Về phần các thừa sai, cộng sự của Đức cha, chắc chắn nhiều người đã cảm nhận được nhiệt huyết tông đồ của vị bề trên. Từ nhiệt huyết tông đồ, giám mục Pigneau đã tận dụng mọi cơ hội vào kế hoạch truyền giáo. Trong đó có cơ hội tiếp cận Nguyễn Ánh. Dù cơ hội này có thể đẩy đến những bước phiêu lưu khôn lường. Nhưng có hề gì, “miễn là Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18).
Và các vị thừa sai đã thấy được sự hy sinh của vị Đại diện Tông tòa khi chấp nhận tình thế phải can dự vào những hoạt động nhân loại.
Linh mục thừa sai Le Labousse đã cảm khái sự hy sinh của Đức Bá Đa Lộc, giám mục Adran, Đại diện Tông tòa Đàng Trong, khi dấn thân vào việc triều chính và binh bị của Nguyễn Ánh, và nhờ đó, công cuộc truyền giáo và hoạt động mục vụ của giáo phận trong vùng cai quản của Nguyễn Ánh được thuận lợi. Cha Le Labousse viết trong thư đề ngày 1-05-1800, bảy tháng sau khi Đức cha Bá Đa Lộc qua đời:
“Đó là do công lao của vị giám mục đáng kính của chúng tôi: ngài làm lợi cho nhà vua, đồng thời cũng làm lợi cho Giáo hội; khi tái lập ngai vàng, ngài cũng tái lập bàn thờ mà cuộc chiến tranh tàn khốc và dai dẳng này đã làm sập ngã. Đúng là khi lo cho quyền lợi của nhà vua và giáo dục thế tử, ngài đã không đi ra được khỏi nhà, để thăm viếng giáo hữu; nhưng một mình ngài tự giam hãm, ngài làm cho chúng tôi được tự do. Mặc dầu ngài không đi đâu cả, nhưng chính ngài làm cho địa phận này được sống động và cứu rỗi, như một điểm tựa, không di chuyển nhưng làm cho cả guồng máy chuyển động”.[12]
Và đó là nét khắc sắc sảo chân dung vị Đại diện Tông tòa thứ bảy của giáo phận Đàng Trong: một con người “không di chuyển nhưng làm cho cả guồng máy chuyển động”.
Khổng Thành Ngọc
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 111 (Tháng 3 & 4 năm 2019)
[1] M.E.P.: Missions Étrangères de Paris: Hội Truyền giáo nước ngoài Paris, quen gọi là Hội Thừa sai Paris.
[2] Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, tập I, Trương Bá Cần, HN, 2008, tr. 368-369.
[3] Năm 1980, chính quyền Việt Nam đã giải tỏa khu lăng mộ, thuộc phường 4, quận Tân Bình. Năm 1983, hoàn tất việc giải tỏa, chính quyền đã bàn giao hài cốt của ngài cho Tòa tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn và được ông tổng lãnh sự Pháp Jean-François Parot (1946-2018), cũng là một nhà văn, đưa về Pháp. Sau đó, một phần hài cốt Đức cố giám mục được đặt trong nhà nguyện của Hội Thừa sai Paris (M.E.P.) tại Rue du Bac, Paris, phần còn lại được đưa về an táng tại quê nhà: làng Origny-en-Thiérache, miền bắc nước Pháp, vào ngày 2-10- 1983. Tại đây, trong nghi thức đặt hài cốt tại nơi an nghỉ mới ở quê nhà của Đức cha, ông tổng lãnh sự Jean – François Parot đã đại diện chính quyền Pháp đọc bài điếu văn vinh danh Đức cố giám mục Pigneau de Béhaine – Bá Đa Lộc.
[4] theo âm lịch, tức ngày 9 tháng Mười dương lịch.
[5] Đặng Đức Siêu (1751 – 1810) là danh thần, danh sĩ dưới thời chúa Nguyễn – Nhà Nguyễn
[6] Bi Nhu: phiên âm tên gọi Pigneau.
[7] Theo bản chụp của Thư viện Quốc gia, tại http://sach.nlv.gov.vn/sach?a=d&d=NFqCTCedXy1924.2.2.25, truy cập ngày 1.9.2020
[8] Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, tập I, tr. 291
[9] Theo bản chụp lại bài “Cuộc giảng diễn hai bài văn tế của quan thượng giáo dục Phạm Quỳnh” đăng trên báo Tràng An báo, Số 70, 29 Tháng Mười 1935.
[10] Giám mục Pigneau biên soạn quyển tự điển này trong thời gian tạm cư ở Pondichery, Ấn Độ (1771-1778), nhưng chưa gửi in. Bản thảo, khổ 0,345 x 0,240, gồm 732 trang, hiện được giữ trong Kho Lưu trữ của Hội Thừa sai Paris.
[11] Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, tập I, tr. 307.
[12] Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, tập I, tr. 360.