OSCAR ROMERO, VỊ TỬ ĐẠO VÀ VỊ THÁNH
WHĐ (20.7.2020) – Khi các môn đệ đang trên đường đến núi Ôliu sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy, bởi Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên và chiên sẽ tan tác” (Mc 14,27). Khoảng hai ngàn năm sau, vào chiều ngày 24 tháng 3 năm 1980, Đức Tổng giám mục Oscar Romero cử hành Thánh Lễ tại nhà nguyện bệnh viện Chúa Quan Phòng ở San Salvador. Khi ngài vừa giảng xong và đi về phía bàn thờ thì ngài bị bắn. Hôm trước đó, Đức TGM đã kêu gọi quân đội Salvador đừng thi hành mệnh lệnh bắn giết của nhà cầm quyền. Và ngài đã lường trước những hậu quả của hành động công khai này: “Các bạn hãy nói với họ: nếu họ giết tôi, tôi vẫn tha thứ cho họ và tôi chúc phúc cho những người phải thi hành lệnh giết tôi”.
Như cái chết của Đức Kitô, cái chết của Đức TGM Romero vẫn là tảng đá gây vấp ngã. Tin Mừng không phải là một thứ lý thuyết nhạt nhẽo để giải thích thế giới, hoặc một thứ kỹ thuật thiêng liêng để đối diện với những thách thức của cuộc đời, hoặc một chương trình con người dùng để tự cứu bản thân, dù bằng bạo lực hay hòa bình. Không, Thập giá Đức Kitô đi ngược lại tất cả những ai muốn giải mã thế giới bằng cách gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, hoặc bắt Thiên Chúa phải quy phục sự kiểm soát của con người. Sự kiện Đấng vô tội lại phải chịu đau khổ và chết thay cho kẻ tội lỗi là scandal tột cùng trong lịch sử nhân loại. Chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới giải thoát chúng ta khỏi tội và làm cho chúng ta có thể cộng tác vào việc xây dựng Vương quốc của Ngài.
Tác phẩm Scandal của ơn cứu độ dẫn chúng ta đến tâm điểm của mầu nhiệm Đức Kitô. Chúa Giêsu không đem đến tình huynh đệ nhân loại dựa trên nền tảng thiện chí và những lí tưởng đẹp đẽ. Người cũng chẳng phải là nhà thẩm mỹ hay cách mạng, chẳng theo thuyết Tân Platon hay Tam Điểm. Điều mà Đức Kitô công bố là sự trở lại dứt khoát với Thiên Chúa, và lời kêu gọi đó được gửi tới tất cả mọi người: “Thời giờ đã mãn, Vương quốc Thiên Chúa đã gần kề. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chỉ nhờ Thập giá chúng ta mới hiểu được những lời có vẻ nghịch lý của Chúa Giêsu, Đấng đem bình an của Thiên Chúa đến: “Tôi không đến để đem hòa bình, nhưng là gươm giáo” (Mt 10,34). Hòa bình của Người hoàn toàn khác với hòa bình của thế giới này vốn được xây dựng dựa vào sức mạnh chính trị, hệ ý thức, quân sự. Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta hòa bình của Thiên Chúa, kiến tạo trời mới đất mới bằng cách làm cho chúng ta nên mới.
Tác phẩm này gồm những trích đoạn trong nhật ký của Đức TGM Romero, đan xen với những bài giảng trong đó ngài tố cáo sự bất công và gọi đích danh những hành động ám sát, tra tấn. Ngài giảng cho những người bị áp bức và cho cả những người chủ trương bạo động, chỉ cho họ thấy Tin Mừng cứu độ và giải thoát. Romero không cống hiến những tư tưởng đẹp đẽ, có thể nâng lòng chúng ta lên trong giây lát nhưng lại chẳng chất vấn chúng ta trước tiếng gọi triệt để của Chúa đối với các môn đệ. Ngài cũng không chọn những bản văn Kinh Thánh riêng lẻ để củng cố cho một hệ ý thức đã có sẵn. Ngài không chấp nhận thứ tuyên truyền chỉ nhằm kích động cảm xúc.
Sứ điệp của Đức TGM Romero là đức tin Công giáo, được chứng thực trong Kinh Thánh và được dạy cách rõ ràng trong lời tuyên xưng đức tin khi chịu Phép Rửa: Chúng tôi tin vào Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần. Ngài mô tả trái đất là “ngôi nhà cùng chia sẻ”, là cánh đồng nơi đó chúng ta cùng canh tác. Chúng ta không phải đợi đến lúc chết thì mới bước vào Vương quốc của Thiên Chúa. Kitô giáo không phải là tôn giáo của “đời sau”, cũng không phải là tôn giáo của “ở đây và bây giờ”, một thái độ đạo đức giúp thăng tiến điều kiện sống. Vương quốc Thiên Chúa vượt trên thứ nhị nguyên phân biệt “đời sau” và “đời này”. Bởi lẽ Chúa Giêsu là Thiên-Chúa- làm-người, nơi Người sự viên mãn của thời gian đã đến. Hội Thánh lữ hành hướng tới vinh quang sẽ đến, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm hiện tại trong thế giới.
Do chứng từ hùng hồn của ngài bênh vực người nghèo nên tác vụ của Đức TGM Romero bị lôi vào cuộc tranh cãi về ý nghĩa của giải phóng và tương lai của thần học Công giáo. Trong cuộc chiến giữa phe bảo thủ và cấp tiến, cánh hữu và cánh tả, Romero bị lôi về một phía. Phe này phe nọ tố cáo ngài là một minh họa cho việc tư tưởng Marxist len lỏi vào thần học giải phóng (trong mắt một vài người, bất cứ ai liên đới với người nghèo thì lập tức bị nghi ngờ là theo Cộng sản!). Hoặc người ta cho rằng ngài bị lừa nên ủng hộ một hệ ý thức vô đạo và thứ chính trị chết chóc. Cũng chẳng khá hơn gì khi ngài được ca tụng và hiểu sai bởi những người tự cho mình là hiện đại, hợp thời, đơn giản chỉ vì tâm trí họ bị mê hoặc bởi những khái niệm không tưởng của chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu đúng đặc sủng của Đức TGM Romero nếu đi theo những luồng suy nghĩ lệch lạc trên. Romero đã không khởi đầu bằng những tiền đề về chính trị nhưng ngài đặt chính trị phụ thuộc vào chân lý đức tin Công giáo. Khởi điểm của ngài là mặc khải và lịch sử cứu độ. Sứ điệp của Đức Kitô thúc bách ngài phải đối đầu với sự lạm dụng quyền lực trong đất nước ngài, nơi mà phẩm giá con người – con người mà Chúa Giêsu đã đổ máu cho họ – bị chà đạp.
Rõ ràng Oscar Romero là vị tử đạo đích thực vì Đức Kitô. Ngài công bố tình yêu Thiên Chúa và như các mục tử nhân lành, ngài sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên. Vì Romero đã chết cho đức tin mà mọi Kitô hữu chia sẻ, chúng ta phải gạt sang một bên những cực đoan và tranh cãi về việc tuyên thánh cho ngài. Các Kitô hữu không phục vụ Hội Thánh bằng cách đấu đá lẫn nhau, nhưng bằng cách bắt chước Romero trong việc đấu tranh và chịu đau khổ vì Vương quốc Đức Kitô.
Trong tiến trình tuyên phong chân phước cho Đức TGM Romero, câu hỏi đặt ra là liệu có thể phong thánh cho một người bị giết vì những động cơ chính trị không? Tôi nhớ lại những tranh luận trong Bộ Giáo thuyết đức tin về việc có nên chấp thuận không. Khi tôi đứng đầu Bộ này năm 2012, việc tuyên phong hiển thánh cho Đức TGM Romero cũng phải quan tâm đến những vấn đề này. Cuối cùng tôi đã thuyết phục Đức Bênêđictô XVI rồi Đức Giáo hoàng Phanxicô đẩy mạnh trường hợp này bằng cách đặt một câu hỏi đơn giản: “Chúng ta nói đến động lực của ai?” Trong một cuộc tử đạo, động lực của kẻ hành quyết không bao giờ có tính quyết định. Kể cả khi những người giết Đức TGM Romero cho rằng họ làm như thế không phải vì ghét đạo (odium fidei) nhưng vì những lý do chính trị, thì điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng là ý hướng của Đức TGM Romero. Chúng ta có thể thấy điều này khi nhìn vào cái chết của Đức Kitô, hình mẫu của các vị tử đạo. Những động lực nơi những kẻ giết Đức Kitô không phải là cái làm nên chiều kích cứu độ nơi cái chết của Người trên thập giá. Nếu như thế, hóa ra các tên lính đóng đinh Chúa Giêsu lại là các tư tế hiến dâng của lễ ư? Không thể được! Đức Giêsu Kitô là Thượng tế của Giao ước mới, Người hiến dâng chính mình làm của lễ, nhờ đó chúng ta được cứu độ, một lần thay cho tất cả. Theo nghĩa tương tự, một Kitô hữu trở thành vị tử đạo khi kết hợp chính mình với Đức Kitô qua việc sẵn lòng chịu đau khổ và chịu chết cho đức tin.
Chúng ta đừng lẫn lộn lời rao giảng của Hội Thánh với chuyện chính trị. Ở El Salvador (và nhiều quốc gia khác), các linh mục và giám mục đã tranh đấu cho sự công bằng, chống lại những thể chế độc tài, dù thiên hữu hay thiên tả, các ngài bị tố cáo cách sai lầm là đã cổ võ chủ nghĩa Mác và Cộng sản, hoặc ngược lại là cổ võ chủ nghĩa tư bản. Cách nhìn chiếm ưu thế là cho rằng Hội Thánh nên tự giới hạn chính mình vào việc thăng tiến đạo đức cá nhân. Trong thời chiến tranh lạnh, nhiều người cho rằng nếu Hội Thánh không muốn đứng hẳn về một phía trong cuộc chiến giữa tư bản và cộng sản, thì Hội Thánh nên rút khỏi lãnh vực công và lo việc thực hành tôn giáo như chuyện riêng tư cá nhân.
Làm như thế là từ khước Tin Mừng. Vương quốc của Thiên Chúa bắt đầu từ thế giới này. Cái bên trong và cái bên ngoài, hiện tại và tương lai, những thiện hảo vật chất giúp chúng ta duy trì sự sống và những thiện hảo thiêng liêng giúp chúng ta sống với Chúa, tất cả không thể tách biệt nhau. Đây là điều Đức TGM Oscar Romero rao giảng, bằng ngôn từ hoàn toàn chính thống.
Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng là Hiến chương của Hội Thánh trong thế giới hiện đại. Sứ điệp cốt lõi là thế này: Không thể coi việc thăng tiến xã hội và loan báo Tin Mừng Đức Kitô là hai chuyện tách biệt nhau. Đúng hơn, những việc đó tạo thành sứ vụ duy nhất và không thể phân chia của Hội Thánh. Đức TGM Romero đã rao giảng chân lý này đúng theo đường hướng Công giáo. Đức tin cần thiết để được cứu độ, tuy nhiên chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên những công việc của lòng thương xót, phần xác cũng như phần hồn (x. Mt 25). Theo ý nghĩa đó, thần học giải phóng đích thực mà Đức TGM Romero đã sống và thực hành chính là sự diễn đạt tính Công giáo sâu xa trong tâm trí ngài.
Một vài giám mục đã tố cáo Romero lên Tòa Thánh – dĩ nhiên, không đúng đắn – vì cho rằng ngài chính trị hóa Tin Mừng. Cũng như giai cấp cầm quyền ở El Salvador lúc đó bị ám ảnh về quyền lực, các giám mục này cáo buộc Romero là hoạt động cho Cộng sản. Những cáo buộc này không quan tâm đến ý hướng và nỗ lực của Đức TGM Romero. Ngài không quan tâm đến việc lật đổ những cơ chế xã hội để giai cấp vô sản có thể dựng nên một thứ chuyên chế mới, cũng chỉ lại thay thế bất công này bằng thứ bất công khác thôi. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã hoàn tất công cuộc cứu độ và giải phóng nhân loại, một lần cho tất cả. Công cuộc này làm cho mọi người thành anh chị em với nhau trong gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Như Đức TGM Romero thấy, vấn đề không hệ tại ở sự bất bình đẳng về năng lực và quyền lợi, cũng không ở sự khác biệt giàu nghèo, nhưng đúng hơn là sự vi phạm phẩm giá và khước từ nhu cầu vật chất, thiêng liêng của hằng triệu người dân.
Chủ nghĩa Cộng sản đã lôi cuốn người dân bằng hình ảnh một thế giới không tưởng, nơi đó không còn cảnh người bóc lột người nữa. Công giáo bác bỏ thứ không tưởng này, và Đức TGM Romero cũng thế. Tuy nhiên ở nền tảng, khi bác bỏ chủ trương vô thần của triết lý Mác, người Công giáo không cho rằng các triết thuyết và khoa học ngoài Kitô giáo lại không hàm chứa trong nó phần chân lý nào đó. Như Thánh Tôma dạy, “Trong mọi chân lý nhận thức được và nơi mọi thiện hảo được thực hiện, Thiên Chúa được nhìn nhận cách mặc nhiên như là nguồn gốc và cội nguồn”. Không những người Công giáo được phép nhưng họ còn được thúc giục làm việc chung với các học giả và những người thiện chí ngoài Công giáo. Đây là cách tiếp cận của Đức TGM Romero. Ngài không chấp nhận chủ trương vô thần của chủ nghĩa Mác nhưng ngài cũng không tẩy chay khái niệm phải thực hiện cuộc giải phóng về chính trị, kinh tế. Ngài đặt nền móng mọi cuộc giải phóng và cứu độ nơi Thiên Chúa, tin rằng “Hội Thánh không muốn giải phóng người nghèo để họ có nhiều (của cải) hơn, nhưng để họ là người hơn (hiện hữu phong phú hơn).
Sau cái chết đau thương của một người bạn là cha Rutilio Grande, S.J., Đức TGM Oscar Romero đã cam kết phục vụ người nghèo và người bị áp bức. Ngài quyết định hiến cuộc đời, kể cả hi sinh mạng sống, cho cuộc đấu tranh hướng đến sự công chính mới mẻ và vĩ đại hơn của Vương quốc Đức Kitô. Chắc chắn ngài biết đến cuốn Thần học Giải phóng, tác phẩm nền tảng của Gustavo Gutierrez, khởi đi từ những bài thuyết trình cho các linh mục ở Chimbote, Peru, năm 1968. Cũng như Romero, Gutierrez không bao giờ muốn biến thần học thành một thứ lý thuyết thế tục về ơn cứu độ. Nhưng đối diện với những người nghèo, bị áp bức, bị tước đoạt phẩm giá, ông tự hỏi làm thế nào để có thể nói với họ về tình yêu Thiên Chúa, ngay giữa những đau khổ họ phải chịu. Làm thế nào có thể công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa như sự đổi mới mặt địa cầu? Cuộc chiến đấu đó cho Vương quốc của Thiên Chúa, dựa trên ân sủng và đức Ái, chẳng liên quan gì đến “đấu tranh giai cấp” của Mác. Như Romero nói, “Chúng tôi không bao giờ rao giảng bạo lực, ngoại trừ ‘bạo lực’ của tình yêu đã dẫn Đức Kitô đến chỗ chịu đóng đinh trên thập giá. Chúng tôi chỉ rao giảng thứ ‘bạo lực’ mà chúng ta phải làm cho nhau để vượt lên những ích kỷ và để loại trừ những bất bình đẳng tàn ác giữa chúng ta”. Việc rao giảng sứ điệp đơn giản của Kitô giáo đã dẫn Romero đến cuộc tử đạo. Chắc chắn Đức TGM Oscar Romero có thể nói: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa. Tôi đã đi hết chặng đường; tôi vẫn giữ vững đức tin”.
Ở phần kết cuốn Thần học Giải phóng, Gustavo Gutierrez cảnh giác chúng ta về sự “tự mãn trí thức” nơi những người muốn tìm những “cách giải thích mới” trong thần học, chỉ để thích thú về những sự mới lạ.
“Không có thứ thần học chính trị nào, thần học hi vọng nào, cách mạng và giải phóng nào có trọng lượng bằng một sáng kiến chân thực trong sự liên đới với những người bị bóc lột trong xã hội. Không có thứ thần học nào kể trên sánh được với một hành động đức tin, đức ái, đức cậy nghiêm túc, khi đó là hành động dấn thân vào công cuộc giải phóng con người khỏi tất cả những gì hủy hoại phẩm giá của họ và ngăn cản họ sống theo thánh ý của Thiên Chúa Cha”.
Bằng những lời này, Gutierrez đã nói lên sự thật sâu xa về Oscar Romero, vị tử đạo và vị thánh.
Hồng y Gerhard Ludwig Muller
firstthings.com
Thiên Triệu chuyển ngữ
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 107 (tháng 7 & 8 năm 2018}
#Oscar Romero