SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
WGPBC (7.7.2020) – Cách ly đang gây hoảng sợ. Văn hoá của chúng ta vốn đã quen với những lối giải trí tức thời không ngưng nghỉ thì viễn cảnh mỗi người phải tự cách ly lại càng gây thêm hoang mang. Chúng ta phải đương đầu làm sao?
Tôi gặp lại chính mình khi nghĩ đến Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận. Tôi đã từng gặp ngài khi ngài còn ở Roma trong những ngày vàng son. Ngài nhận chức Giám mục Nha Trang, Việt Nam, năm 1967 và được bổ nhiệm làm Giám mục Phó Sài Gòn năm 1975 ngay trước những ngày Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt. Tháng tám năm đó, dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngài bị bắt và trải qua mười ba năm sau đó trong tù. Vào ngày được thả, ngài vẫn bị quản thúc tại nhà cho đến ngày bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1991. Có đến chín năm trong thời gian mười ba năm tù đày, ngài bị biệt giam. Chúng ta học được gì nơi ngài?
Rời Việt Nam, Hồng Y Thuận đến Roma. Năm 1998, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt ngài làm Chủ Tịch Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình và vào năm 2000, Đức Thánh Cha mời ngài hướng dẫn tuần linh thao cho giáo triều Roma vốn được tổ chức mỗi năm vào đầu Mùa Chay. Đức Gioan Phaolô II yêu cầu ngài trình bày những trải nghiệm riêng tư của những năm biệt giam. Những bài nói chuyện của ngài sau đó được phổ biến như những Chứng Từ của Niềm Hy Vọng.
Đức Hồng Y đã mô tả những hoàn cảnh bị giam giữ. Ngài ở trong một xà lim không có cửa sổ và trong nhiều ngày nhiều đêm đèn điện không bao giờ tắt; và sau đó, nhiều đêm nhiều ngày ngài lại bị vùi chôn vào bóng tối hoàn toàn. Ngài cảm nhận như thể “đang ngạt thở vì cái nóng và độ ẩm đến phát điên”. Ngài cảm thấy khủng hoảng vì không thể chu toàn sứ vụ linh mục của mình.
Và rồi, vào một đêm, từ sâu thẳm lòng mình, ngài nghe một tiếng nói, “Tại sao con phải dằn vặt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và công việc của Người”. Ngài chợt nhận ra rằng, sứ vụ của ngài là tốt nhưng sứ vụ của ngài đã không là Thiên Chúa mà là công việc của Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa có thể làm điều này điều kia tốt hơn ngài làm rất nhiều, vì thế, ngài phải chọn Thiên Chúa, không phải công việc của Người và chỉ chọn một mình Người.
Trải nghiệm của Hồng Y Phanxicô Xavier, dẫu quá khắc nghiệt như hoàn cảnh của nó, có thể giúp chúng ta suy nghĩ về các ưu tiên của mình trong thời gian dịch bệnh Corona. Đây cũng là một khủng hoảng cá nhân đối với nhiều người trong chúng ta cũng như đối với tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ và các biến động xã hội cũng như chính trị. Một bài học nhớ mãi đối với Hồng Y Phanxicô Xavier là ngài ý thức sâu sắc về giá trị của giây phút hiện tại. Ngài viết, “Đây là thời khắc duy nhất chúng ta đang có trong tay, quá khứ đã qua và chúng ta không biết liệu có một tương lai hay không. Giây phút hiện tại là kho tàng lớn lao của mỗi người”. Khi chúng ta chấp nhận cuộc sống giãn cách xã hội liệu chúng ta có quá để tâm đến quá khứ hoặc quá bứt rứt về tương lai? Hoặc là chúng ta có khả năng nhìn thời gian hiện tại, dẫu có thể đang khó khăn, như một quà tặng?
Việc sống giây phút hiện tại, trong thinh lặng và giãn cách xã hội không làm cho mọi sự nên dễ dàng. Như Đức Hồng Y Phanxicô Xavier giải thích, “Thời gian trôi chậm trong nhà tù, đó là điều đáng nói nhất của việc cách ly. Hãy tưởng tượng một tuần, một tháng, hai tháng và nhiều hơn nữa… trong thinh lặng”. Chúng dài một cách kinh khủng và khi đã trở thành nhiều năm, chúng là vô tận”. Dẫu chúng ta không nghĩ một điều gì đó khốc liệt hơn sẽ xảy ra nhưng những tuần sau đó, những tháng sau đó vẫn rất nghiệt ngã. Hồng Y Phanxicô Xavier thừa nhận rằng, trong cuộc đời ngài, có những giai đoạn mà ngài cảm thấy hết sức đau khổ khi thấy mình không thể cầu nguyện, “Tôi trải nghiệm sâu sắc sự yếu hèn thể xác và tinh thần của mình”. Nhiều lần ngài viết, ngài đã kêu lên như Chúa Giêsu đã kêu lên trên thập giá, “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con”. Mỗi lần như thế, ngài thêm, “Vậy mà, con biết Chúa không bỏ con”. Dẫu thế, những thời khắc này có thể vẫn rất khó khăn cho chúng ta và một đôi khi cũng thật khó để xác tín rằng, đức tin bảo đảm cho chúng ta, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi.
Trong khi hoạ lại trải nghiệm của mình về sự cách ly, Hồng Y Phanxicô Xavier không bao giờ để mình bị cuốn hút vào đó. Đơn giản, cách ly không bao giờ là tất cả đối với ngài. Trên hết, Ngài giữ cho tinh thần mình phấn chấn bằng một cảm thức mình là thành viên của Hội Thánh mà ngài thể hiện theo một cách thức khiến người khác ngạc nhiên. Ngài kể, khi còn bị cách ly ở Hà Nội, một nữ công an mang đến cho ngài một con cá để làm thức ăn, con cá được gói với hai trang nhật báo Vatican, L’Osservatore Romano, vốn theo sự thường là bị tịch thu. Ngài giấu nỗi vui khi nhìn thấy nó; sau đó, một mình, ngài rửa sạch, hong khô tờ báo và cất lấy nó, ngài coi nó như một vật thánh. Ngài giải thích, “Với tôi, trong một chế độ cách ly ngặt nghèo không khoan nhượng đó, những trang này là một dấu chỉ của sự hiệp thông với Roma, với thánh Phêrô, với Giáo Hội và một cái ôm hôn từ toà thánh”. Ngài thêm, “Hẳn tôi đã không thể sống sót nếu không nhận thức mình là một thành phần của Hội Thánh”.
Thế nhưng, cảm thức về cộng đoàn của Hồng Y Phanxicô Xavier không bao giờ chỉ hẹp hòi trong phạm vi Giáo Hội. Giới răn yêu thương là nền tảng cho cuộc sống của ngài. Không ai bị loại ra ngoài; cách riêng, không phải là những người canh gác ngài. Các nhà chức trách thường xuyên thay đổi những người canh gác ngài vì sợ rằng, đặt họ ở đó, họ sẽ bị “lây nhiễm” bởi ngài. Sau đó họ ngưng đổi người, vì sợ ngài sẽ làm lây nhiễm tất cả. Ngày kia, một trong những người canh gác ngài hỏi, “Ông có yêu thương chúng tôi không?”, ngài trả lời, “Có, tôi yêu các người”. Người ấy không tin, “Nhưng chúng tôi bỏ tù ông nhiều năm, không một phiên toà, không một bản án và ông vẫn yêu thương chúng tôi? Không thể có điều đó”. Hồng Y Phanxicô Xavier nói với người canh gác mình rằng, “Tôi ở với các ông đã nhiều năm, ông thấy đó là sự thật”. Người ấy nói với ngài, “Khi ông được tự do, ông không phái giáo dân tới đốt nhà chúng tôi và giết gia đình chúng tôi chứ?”; “Không! Ngay cả nếu các người muốn giết tôi, tôi vẫn yêu thương các người”; “Nhưng tại sao?”; “Bởi vì Chúa Giêsu dạy tôi yêu thương mọi người, yêu thương ngay cả những kẻ thù của tôi. Nếu tôi không yêu thương, tôi không đáng được gọi là người công giáo”. Đó là một chuyện kể phi thường nhắc cho chúng ta rằng, giới răn yêu thương tha nhân của Chúa Giêsu một đôi khi lên tiếng mạnh mẽ nhất vào những thời điểm khi người ta cần đến nó nhất. Một nét đặc trưng cho hoàn cảnh của chúng ta là chăm sóc, cách ly hay không cách ly, chúng ta cũng phải chăm sóc nhau.
Chuyện kể cuối cùng là khi Hồng Y Phanxicô Xavier còn là sinh viên ở Roma, ngài viếng Lộ Đức. Tại hang đá, ngài suy nghĩ về lời Đức Mẹ nói với Bernadette, “Mẹ không hứa cho con niềm vui và những ủi an trên cuộc đời này, nhưng là thử thách và khổ đau”. Ngài tự hỏi với thoáng chút sợ hãi rằng, liệu những lời này cũng nói với mình chăng. Nhiều năm êm ả dần trôi, từ một Giáo sư chủng viện đến Giám đốc, rồi Tổng đại diện và Giám mục sau đó, thì ngài nghĩ rằng, những lời đó chẳng dính dáng chút nào đến mình. Thế nhưng, đến năm 1975 và với năm đó, “Tôi bị bắt vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời với tù đày, cách ly; bấy giờ tôi mới hiểu, Đức Mẹ đã chuẩn bị cho tôi điều này từ năm 1957”.
Trải nghiệm của chúng ta vào những tuần những tháng sắp tới vốn sẽ không khắc nghiệt như trải nghiệm của Đức Hồng Y Phanxicô Xavier, chúng ta tin như thế; nhưng nó cũng trao tặng chúng ta một cơ hội. Đức Hồng Y nói, “Khi tôi trải qua những giờ phút đau khổ cùng cực về thể xác và tinh thần, tôi nghĩ đến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Với con mắt thế gian, cuộc đời của Ngài là một thất đoạt, thất vọng và thất bại…; vậy mà với cái nhìn của Thiên Chúa, đó là một thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của Ngài, bởi đó cũng chính là lúc Ngài đổ máu ra cho ơn cứu độ toàn thể nhân loại”.
Chúng ta đã sống những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng này. Khắc nghiệt là điều có thể có nhưng phải chăng trong cái nhìn quan phòng thì một điều gì đó xảy ra đã rất trùng hợp với Mùa Chay năm nay? Như Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận tại Lộ Đức, chúng ta có cảnh tỉnh trước những bài học vốn có thể dạy cho mình một điều gì đó?
Rev. Fr. Roderick Strange
Lm. Minh Anh dịch từ thetablet.co.uk
Nguồn: gpbuichu.org
Cha Roderick Strange là một giáo sư thần học của đại học St. Mary, Twickenham; ngài cũng là Viện Trưởng của Mater Ecclesiae College, một học viện giáo hoàng thuộc đại học St. Mary. Cuốn sách mới nhất của ngài là Newman: The Heart of Holiness, do Hodder & Stoughton xuất bản.