Con đường nên thánh dành cho giáo dân
WHĐ (16-06-2020) – Chúng ta được mời gọi nên thánh. “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (Lv 11,44; 1Pr 1,16). Đó là đích nhắm và là thách đố cho mỗi người. Đích nhắm vì “anh em hãy nên hoàn thiện.” (Mt 5,43–48), vì nơi đó có bình an, hạnh phúc. Thách đố vì nên thánh là đi ngược lại với những mời gọi của thế trần, nơi đó luôn có nhiều hấp dẫn gọi mời. Mỗi người đều có con đường nên thánh rất riêng, tùy theo bậc sống và môi trường người ấy dấn thân. Chút chia sẻ dưới đây cho chúng ta thấy giáo dân có một con đường nên thánh rất đặc thù.
1. Linh đạo giáo dân
Thời Cựu Ước cho tới trước Công đồng Vaticano II (1962–1965), phải thừa nhận rằng vai trò của giáo dân không mấy quan trọng. Các tài liệu nêu thành phần giáo dân như: dân của Thiên Chúa, cộng đoàn dân Chúa, anh chị em trong Đức Kitô, v.v… Giáo dân thời đó không có nhiều ảnh hưởng trong Giáo Hội. Tuy nhiên, Công đồng Vatican II mở ra một viễn cảnh mới cho giáo dân: linh đạo cho mỗi người giáo dân nên thánh.
Linh đạo là con đường thiêng liêng để đưa con người đến với Thiên Chúa. Điều này dễ hiểu hơn nơi linh đạo của mỗi dòng. Trong khi đó, linh đạo giáo dân là cụm từ khá mới. Tuy vậy, dù linh đạo nào cũng phải khởi đi từ chính Đức Giêsu. Đó là con đường Tin mừng và vị hướng dẫn tối cao là Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần. Nếu những ai được Thiên Chúa thúc đẩy sống theo Tin Mừng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để nên thánh, thì người ấy đang đi trên linh đạo đặc thù theo bậc sống của mình.
Dĩ nhiên giáo dân không phải là giáo sĩ hoặc tu sĩ. Nói cách khác, “danh hiệu giáo dân (laity) được hiểu là tất cả những Kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận.” (x. LG. số 31). Họ là tín hữu sống giữa đời và môi trường đặc trưng của giáo dân là trần thế. Theo đó, Công đồng Vatican II mời gọi giáo dân: “tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách quản trị các sự việc trần thế và xếp đặt chúng theo thánh ý Thiên Chúa một cách đặc biệt”.[1]
Cụ thể hơn, Đức Piô XII nhắn nhủ cho những người lãnh đạo Giáo Hội ý thức hơn về vai trò của giáo dân:
“Các tín hữu, hay chính xác hơn, người giáo dân, có mặt ở hàng ngũ tiên phong trong đời sống Giáo hội; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động cho xã hội nhân loại. Chính vì thế, họ là những người trước hết phải có một ý thức luôn luôn sáng suốt rằng không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là chính Giáo Hội, tức là cộng đoàn tín hữu trên trần gian, dưới sự lãnh đạo của một vị thủ lãnh chung, là đức giáo hoàng, và các vị giám mục hiệp thông với ngài. Người giáo dân là Giáo Hội.”[2]
2. Giáo dân nên thánh
Nên thánh không độc quyền dành cho những người thánh hiến hoặc thông thái. Đó là ơn gọi phổ quát dành cho mọi người. Dù ở hoàn cảnh và bậc sống nào, người ta cũng có thể nên thánh. Hoặc nói như Mẹ Têrêsa Calcutta: “Thánh thiện, đó không phải là món hàng xa xỉ chỉ dành cho một số người. Nó dành cho bạn, cho tôi và cho tất cả chúng ta. Nó là một bổn phận giản dị, vì nếu chúng ta biết yêu thương, chúng ta biết cách nên thánh thiện.”
Tôi có nhiều dịp gặp những giáo dân thật tốt lành. Họ không chỉ có chuyên môn trong nghề nghiệp, mà đời sống thiêng liêng của họ cũng thật sốt sắng. Nơi họ, nhiều người nhìn thấy Thiên Chúa sống động để làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Có khi họ ý thức hoặc chẳng để ý đến linh đạo giáo dân, nhưng họ đã sống trọn con đường nên thánh này.
Dĩ nhiên ai cũng thấy giáo dân là những người sống giữa trần thế. Họ không sống cách ly hoặc ẩn tu như nhiều dòng tu. Họ cũng không có chức thánh như các linh mục, hay giám mục. Họ phải bước vào đời với từng nghề nghiệp, cũng như công việc trần thế khác nhau. Trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Đó là mảnh đất giúp họ nên thánh, hoặc ít ra, để nên muối đất, và ánh sáng cho những người xung quanh. Nên thánh vì trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như muối men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong. Không thiếu những giáo dân giúp cho nhiều người nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng từ đời sống tỏa sáng đức tin, cậy, mến[3].
Từ những mời gọi trên đây, chúng ta thấy linh đạo Giáo dân đã thúc đẩy giáo dân trong mọi lãnh vực. Một mặt giáo dân đi vào con đường thiêng liêng cá vị hơn với Thiên Chúa. Nơi đó, họ cũng có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Họ sống tinh thần người con Chúa nơi gia đình, trường học, công sở, v.v… Chính đời sống gương mẫu, làm chứng cho Tin Mừng nâng cao vai trò của giáo dân hơn. Họ cũng được mời gọi tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của giáo họ, giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội hoàn vũ. Nơi đó, họ “được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý để mỗi người một cách, vươn tới sự thánh thiện trọn lành như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành.”[4]
Xin đừng ngần ngại nên thánh! Nhất là giáo dân, mỗi người cũng được Thiên Chúa ban cho nhiều ơn để làm chứng cho Ngài. Nếu lật lại những trang sử hào hùng của các thánh tử Đạo Việt Nam, nơi đó biết bao giáo dân đã làm chứng cho Đức Kitô bằng giá máu. Dĩ nhiên thời chúng ta không cần đổ máu đào, nhưng cần “tử đạo trắng”, nghĩa là:
“Chúng ta được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thân ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung.”[5]
3. Giúp nhau nên thánh
Phải thừa nhận rằng tinh thần thế gian thường thắng thế trong việc cám dỗ người ta từ bỏ con đường nên thánh. Thời đại này cũng thế. Cứ nhìn vào xã hội xung quanh, thế giới đang phủ nhận Thiên Chúa. Họ tự xây dựng thiên đường bằng con đường kinh tế, tự do, mua sắm, thành quả khoa học công nghệ, đời sống hiện đại, v.v… “Sẽ là quê mùa nếu sống con đường nên thánh lỗi thời.”– Ma quỷ nói thế. Đó là cám dỗ rất thật cho người tín hữu.
Trước lời gọi mãnh liệt của thế gian, một mặt chúng ta tín thác và xin ơn Chúa. Mặt khác chúng ta đừng ngần ngại giúp nhau nên thánh. Người ta không thể nên thánh một mình. “Chúng ta cùng nhau nên thánh. Việc nên thánh là một chuyến đi với cộng đồng, cùng bước bên nhau. Không thể nên thánh một mình và Thiên Chúa cũng không cứu rỗi ai một mình.”[6]
Do đó, các nhóm trong giáo xứ, những nhóm bạn sinh viên, học sinh hay công nhân, hãy để Thiên Chúa liên kết mỗi người. Người thánh thiện không có tinh thần chia rẽ, phá đám. Ngược lại, hãy vui với người vui, khóc với người khóc. Ma quỷ sẽ sợ những nhóm tín hữu liên kết với nhau trong Đức Kitô. Chúng muốn kéo từng người ra khỏi nhóm, để đối thoại đến chỗ từ bỏ tinh thần nên thánh. Ước gì mỗi người không chỉ hứng khởi với con đường nên thánh rất gần gũi nơi giáo dân, mà còn hạnh phúc khi bên mình còn nhiều người thánh thiện.
Khi đó, mỗi giáo dân dù sống trong gia đình, văn hóa, xã hội có nhiều đổ vỡ, nhưng không mất hy vọng nên thánh. Dù còn vất vả lao động, làm ăn kinh tế hoặc tham gia chính trị, khoa học, kỹ thuật, xin đừng quên mình có linh đạo giáo dân để biến cuộc sống của mình nên nơi dành cho Thiên Chúa. Khi ấy cuộc sống sẽ khác, thay đổi nhiều lắm!
Tạm kết
Hy vọng với chút gợi ý trên đây, mỗi giáo dân cũng tìm lại con đường tuyệt vời Giáo Hội đang mời gọi mình. Đừng ngần ngại dấn thân. Chúng ta còn nhớ năm 2000, trong dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 15 tại Rôma, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khuyến khích các bạn trẻ: “Các con đừng sợ nên thánh!”
Ước sao những chủ chăn của Giáo Hội cũng chào đón mỗi thành phần dân Chúa tham gia vào các hoạt động của Giáo Hội. Đồng lòng, hiệp nhất sẽ làm cho đời sống nhóm nhỏ, giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội phong phú hơn nhiều. Vì nơi đó, có những vợ chồng, người trẻ và thiếu nhi đang ước ao nên thánh trong bổn phận cụ thể của mình.
Đừng quên cầu xin ơn nên thánh, đặc biệt trong đời sống gia đình.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Phan Tấn Thành, Đời sống Tâm linh, tập III, Rôma, 2003, tr. 378.
[2] Trích theo Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Tấn, Linh đạo giáo dân, Đại Chủng viện Thánh Giuse, 1990-1991, tr. 251.
[3] Đọc thêm: Hiến chế Tín Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, số 31.
[4] Lumen Gentium, số 11.
[5] Tông huấn Gaudete et Exsultate – Vui mừng và hân hoan, số 14.
[6] Tông Huấn Vui mừng và hân hoan, 6.