TẠI SAO GỌI LÀ LỄ BA VUA?
***
Hôm nay phụng vụ kính lễ Hiển linh. Tuy nhiên nhiều người vẫn quen gọi là lễ Ba vua? Danh xưng nào chính xác hơn?
Nếu chỉ phân tích từ ngữ Hán Việt, thì quả thực là khó nói. “Hiển linh” là gì? Trong Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ học xuất bản, “Hiển linh” (động từ) được định nghĩa là: “thần thánh tỏ rõ sự linh thiêng, theo mê tín”. Từ điển Việt Nam do ông Thanh Nghị xuất bản năm 1958 cho rằng “hiển linh” là tĩnh từ, có nghĩa là: “linh thiêng, rõ ràng”. Xem ra đó cũng là ý kiến của ông Lê Thanh, tác giả cuốn Tiếng nói nôm na (1999): hiển linh là “rất linh thiêng, thiêng liêng lộ rõ ra bằng sự thật”. Dù hiểu “hiển linh” như động từ hay tính từ đi nữa, thì chẳng qua cũng là dịch bởi danh từ gốc Hy-lạp epiphania, có nghĩa là sự “hiện ra, bày tỏ”. Tân ước dùng từ này để nói đến việc Thiên Chúa đã xuất hiện (tỏ lộ, mặc khải) cho nhân loại ở nơi đức Giêsu (Lc 1,79; Tt 2,11; 3,4), hoặc là việc Đức Kitô sẽ xuất hiện trong vinh quang ngày tận thế (2Tm 4,8; Tt 2,13). Phụng vụ (cách riêng là bên Đông phương) nói đến ba cuộc tỏ hiện của Chúa Giêsu: thứ nhất cho các đạo sĩ; thứ hai tại sông Hoà giang; thứ ba tại tiệc cưới Cana. Dù ba biến cố cách xa nhau hơn 30 năm trường, nhưng đều nhằm bày tỏ thiên tính của Đức Giêsu, đặc biệt vào chặng đầu của mầu nhiệm Nhập thể. Cả ba biến cố đều được ghi lại trong Phúc âm, và được tóm lại trong Điệp ca Magnificat Kinh chiều lễ Hiển linh.
Thế còn tại sao gọi là lễ Ba Vua?
Như vừa nói, trong lễ Hiển linh (epiphania), phụng vụ mừng ba biến cố mà Chúa Giêsu xuất hiện cho nhân loại. Tuy nhiên, biến cố thứ nhất (nghĩa là tỏ hiện cho các đạo sĩ) thu hút sự chú ý của dân gian hơn, bởi vì gắn liền với lễ Giáng sinh, mang theo hình ảnh của hài nhi Giêsu sinh ra tại hang đá Bê-lem. Bên cạnh tượng Thánh nhi nằm trong máng cỏ giữa con bò và con lừa, người ta đặt tượng Đức Mẹ, thánh Giuse; xa hơn chút nữa là các mục đồng được các thiên thần gọi đến hang đá. Mãi hơn 10 ngày sau, người ta mới thêm một tốp nữa gồm có ba vua từ phương xa đến thờ lạy Chúa, mang theo lễ phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vì thế gọi là “lễ ba vua”.
Ba ông là Vua của những nước nào vậy?
Chúng ta cần phải phân biệt đâu là nền tảng Kinh thánh, và đâu là truyền kỳ dân gian. Bản văn Tin mừng theo thánh Matthêu 2,1 nói rằng: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bê-lem, miền Giuđê, thời vua Hêrôt trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem”. Bản văn nói đến các nhà “chiêm tinh” chứ không phải là “vua”, và cũng không xác định con số là bao nhiêu vị. Nhiều bức hoạ cổ thời vẽ hai, bốn, sáu, tám, và thậm chí có nơi tăng đến số 12 (có lẽ cho cân xứng với 12 chi tộc Israel). Tuy nhiên, vào thế kỷ III, ông Origène đã nói đến 3 vị, và truyền thuyết này dần dần lan rộng trở thành phổ thông từ thế kỷ V.
Con số 3 có ý nghĩa gì không?
Số 3 có thể giải thích vừa theo nghĩa đo lường toán học, vừa theo nghĩa biểu tượng. Trước tiên là theo nghĩa toán học. Thánh Matthêu (chương 2 câu 10) nói đến 3 lễ phẩm mà các ông mang đến: vàng, nhũ hương, mộc dược. Người ta suy đoán rằng nếu có 3 lễ phẩm thì hẳn là phải có ba người: nếu ít hơn thì cồng kềnh (không lẽ một ông phải vác ba món quà?), nhiều hơn thì cũng kỳ (chẳng lẽ có người đi tay không!). Theo nghĩa biểu tượng. Trong Cựu ước, người ta nói đến ba thiếu niên cương quyết không chịu bỏ đạo mặc dù bị vua Nabucođonosor doạ bắt bỏ trong lò lửa. Ba nhà chiêm tinh của chúng ta cũng thế: họ can đảm lên đường đi tìm vua dân Do thái, bất chấp những khó khăn của hành trình, và kể cả nguy cơ bị vua Hêrôt ám sát.
Thánh Matthêu nói đến các nhà chiêm tinh, tại sao ba nhà chiêm tinh lại biến thành ba vua?
Theo các nhà chú giải Kinh thánh, các nhà “chiêm tinh” không phải là các ông thầy bói đâu, nhưng có thể so sánh như các nhà thiên văn, và cách riêng ở bên Ba-tư, họ thuộc hàng ngũ tư tế, làm cố vấn cho nhà vua về y khoa và thiên văn. Truyền thống dân gian gọi họ là “các vua” bởi vì móc nối với các lễ phẩm được nói ở thánh vịnh 72 câu 10 “Từ Tharsis và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Saba, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự”. Thực ra thánh vịnh 72 nói đến các vua chúa Ả-rập và Saba đến yết kiến vua Salomon vì khâm phục tài trí khôn ngoan của ông. Nhưng các Kitô hữu áp dụng cho các vua từ tứ phương đến thờ lạy Chúa Giêsu.
Làm sao mà có chuyện “tứ phương thiên hạ”, đang khi mà thánh Matthêu chỉ nói đến những nhà chiêm tinh đến từ phương Đông?
Trong tư tưởng thánh Matthêu, phương Đông chắc chắn không phải là Trung Hoa Việt Nam, mà chỉ là những nước nằm ở bên kia bờ sông Giorđanô, và các giáo phụ cho rằng có thể là từ Ba tư hoặc Ả-rập. Thánh Augustinô đã giải thích các đạo sĩ từ phương Đông như là “hoa trái đầu mùa của muôn dân sẽ được lãnh ơn cứu độ” (Sermo 200,1: PL 38,1028). Nhưng mãi đến thế kỷ XIII mới phát sinh truyền thống nói đến ba vua tượng trưng cho ba châu lục Âu, Á, Phi, thuộc ba dòng dõi của ông Noe: Sem, Cam, Japhet (St 10,1). Từ đó ta thấy ông vua da trắng, da vàng, da đen. Tưởng cũng nên biết là khi mới khám phá châu Mỹ, người ta cũng muốn thêm một ông vua da đỏ nữa, nhưng tục lệ này không được phổ biến cho lắm.
Ba vua không chỉ tượng trưng cho ba châu lục, mà còn có tên riêng nữa phải không?
Đúng thế. Từ thế kỷ VII, ba ông được đặt tên là Balthasar vua Ấn độ, Melchior vua Ba tư, Gaspar vua Ả-rập. Ta thấy các tên này không có màu sắc gì của châu Á và châu Phi cả! Chưa hết đâu, lưu truyền dân gian còn muốn rằng sau khi đã thờ lạy Chúa Giêsu, ba ông trở về Ba Tư. Về sau khi thánh Tôma tông đồ đi truyền giáo, ngài đã gặp lại ba ông và đã tấn phong giám mục cho họ, và cử họ đi loan báo Tin mừng. Cả ba được phúc tử đạo, thi hài được tôn kính ở Ba tư, rồi sau đó chuyển về Milanô (Italia), và từ cuối thế kỷ XII được hoàng đế Federicô I đem qua nhà thờ chánh toà Colonia (Đức).
Như vậy phần lớn chuyện ba vua là do truyền thống dân gian dựng nên. Còn thánh Matthêu muốn nói gì khi kể chuyện các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Chúa?
Thánh Matthêu gói ghém nhiều sứ điệp trong đoạn Tin mừng mà phụng vụ công bố trong ngày lễ Hiển Linh. Như đã nói, thánh sử không nói đến các vua đến thờ lạy Hài nhi Giêsu, nhưng là các nhà chiêm tinh đi tìm thờ lạy Đức Giêsu là vua, như câu hỏi mà các ông đã đặt ra cho triều đình Hêrôđê: “Đức Vua của dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài”. Các ông đi bái lạy Đức Giêsu như là Vua. Các giáo phụ giải thích ý nghĩa của 3 phẩm vật dâng tiến – vàng, hương, mộc dược- như là việc tuyên xưng ba phẩm tính của Người: vàng vì là vua, hương vì là Thiên Chúa, mộc dược như là con người hay chết. Tuy nhiên có lẽ thánh Matthêu không đi xa như vậy. Điểm chính mà thánh sử muốn nhắm tới đó là cho thấy rằng các dân ngoại từ phương xa đã biết nhìn nhận đức Giêsu là vua Mêsia, đang khi mà dân Do thái thì thờ ơ lãnh đạm, thậm chí còn muốn tìm cách thủ tiêu Người nữa.
Nhưng vua Hêrôđê đâu có giết được Chúa Giêsu?
Đúng vậy. Thánh Matthêu cho chúng ta biết rằng một thiên sứ đã hiện ra báo tin cho ông Giuse, và ông đã đưa Đức Mẹ và hài nhi Giêsu lánh nạn sang Ai cập. Tuy nhiên, điều xảy ra vào lúc giáng sinh ra như đã tiên báo số phận tương lai của Đức Giêsu: Ngài sẽ bị dân tộc của mình tẩy chay (Mt 21,42-43), nhưng các dân ngoại sẽ chấp nhận Tin mừng. Mặt khác, ra như thánh sử cũng biện minh phần nào thái độ của dân Do thái, đó là sự hiểu lầm của họ. Vua Hêrôđê nghe nói có một vị vua mới sinh ra, và ông lo ngại cho ngai báu của mình sẽ bị lung lay. Nhưng Đức Giêsu không phải là Vua theo nghĩa chính trị đâu. Ngài làm Vua theo nghĩa khác, vua Mêsia.
Làm sao các nhà chiêm tinh biết được có vua Mêsia giáng trần?
Qua dấu của ngôi sao. Nói cho đúng, chuyện một ngôi sao lạ như là điềm của một vĩ nhân giáng trần không phải là xa lạ trong lịch sử các dân tộc. Tuy nhiên, có lẽ thánh sử Matthêu không dựa vào lịch sử các tôn giáo cho bằng dựa vào chính truyền thống của dân Do thái. Từ đoạn văn sách Dân số (24,17) nói đến “một ngôi sao sẽ xuất hiện từ nhà Giacóp và vương trượng từ Israel”, các rabbi đã chú giải trong sách Targum như thế này: “Một vị vua sẽ chỗi dậy từ nhà Giacóp, và một vị cứu tinh từ nhà Israel”. Vào thời Tân ước, nhiều người gọi Đấng Mêsia như là ngôi sao nhà Đavít, như chúng ta thấy vết tích nơi sách Khải huyền chương 22,16. Trong lịch sử Kitô giáo, đã có nhiều cuộc tranh luận về bản chất của ngôi sao xuất hiện cho các nhà chiêm tinh: phải chăng đó là một sao chổi, hay một ngôi sao nào khác thường? Phải chăng ngôi sao trên bầu trời, hay chỉ là ngôi sao trong tâm hồn của các nhà chiêm tinh (nghĩa là hiểu theo nghĩa bóng)? Thánh sử Matthêu không nói rõ điều đó, mà chỉ ghi nhận rằng: các nhà chiêm tinh từ phương xa đã nhìn nhận Đức Giêsu là vị cứu tinh, và họ lên đường đi tìm kiếm để thờ lạy; còn chính các luật sĩ sống ở Giêrusalem cầm Kinh thánh trên tay, biết rằng Đức Mêsia sẽ giáng sinh tại Belem, nhưng họ không bận tâm tìm kiếm thờ lạy. Hình như bài học này vẫn còn giá trị cho cả chúng ta: chúng ta tự hào vì mình đã tin Chúa, biết Chúa, nhưng chẳng buồn tìm kiếm thờ lạy yêu mến Ngài; đang khi những người ngoại đạo thì lại gần gũi Chúa hơn bởi vì họ không ngừng tìm chính đạo và tuân giữ.
Lm. Phan Tấn Thành
Nguồn: daminhvn.net