WHĐ (11.12.2023) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 10: KINH VINH DANH
I. VĂN KIỆN
Kinh Vinh danh là một thánh thi rất cổ kính, mà Hội Thánh, được đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn Chiên Con. Không được thay đổi bản văn của kinh này bằng một bản văn khác. Vị tư tế hay, tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi mọi người cùng hát chung, hay luân phiên giữa giáo dân và ca đoàn, hay chỉ ca đoàn. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè đối đáp. Kinh này được hát hay đọc trong các Chúa nhật ngoài mùa Vọng và mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các dịp lễ khá long trọng (QCSL 53).
II. LỊCH SỬ
Kinh Vinh danh (Gloria) là một trong những bài hát rất cổ xưa nhất của Hội Thánh cùng với các kinh Pros hilarion (Ôi nguồn sáng huy hoàng) và Te Deum (Chúng con chúc tụng Chúa).[1]
Kinh Vinh danh được tìm thấy trước tiên trong nguồn phụng vụ Hy Lạp và Syria của nghi lễ Đông phương, nó không được sử dụng trong Thánh lễ mà là kinh chúc tụng ngợi khen được sử dụng như một bài thánh ca rạng đông Phục sinh và dần dần thuộc thành phần kết thúc của Kinh Sáng.[2] Bên Tây phương cũng vậy, kinh Vinh danh hồi đầu không nằm trong Thánh lễ.[3]
Bài ca này xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ thứ IV, nhưng chỉ được đưa vào Thánh lễ Rôma vào đầu thế kỷ thứ V dưới thời của Đức Lêô Cả (400-461). Lúc đó, người ta chỉ hát Gloria trong Thánh lễ nửa đêm Giáng sinh vì là bài ca các thiên thần hát tại Bêlem trong đêm Chúa xuống thế làm người (Lc 2,13-14).[4]
Sau đó, đến đời Đức Giáo hoàng Synmaque (498-514), kinh Vinh danh mới được quyết định cho hát giữa phần kinh nhập lễ (introit) và kinh Kyrie trong tất cả các Thánh lễ Chúa nhật và lễ kính các thánh Tử đạo do Giám mục cử hành.
Sau cùng, kinh Vinh danh được dành cho cả lễ kính các thánh Giáo hoàng, rồi đến lễ các thánh Giám mục.[5]
Cho đến thế kỷ VII, một linh mục thường chỉ được phép hát kinh Vinh danh mỗi năm một lần vào lễ Phục sinh (đêm Canh thức Vượt qua) và trong dịp cử hành Thánh lễ mở tay. Dần dần, khoảng cuối thế kỷ XI, kinh Vinh danh mới trở nên phổ biến được linh mục/giám mục xướng lên trong tất cả những ngày lễ Chúa nhật và lễ kính/trọng.
Thực hành như chúng ta thấy hiện nay, coi như đã thành hình từ thế kỷ XI, nghĩa là kinh Vinh danh được hát vào tất cả những Chúa nhật và những ngày lễ kính, lễ trọng, ngoại trừ những ngày thống hối trong toàn Hội Thánh Tây phương.[6]
III. Ý NGHĨA[7]
Kinh Vinh danh là một thánh thi chúc tụng và khẩn nài hướng lên Chúa Cha và Đức Kitô (QCSL 43). Toàn bản văn chia làm 3 phần: (1) Đoạn mở đầu; (2) Đoạn hướng về Chúa Cha; (3) Đoạn hướng về Đức Kitô.
1/. Đoạn mở đầu: Lời ca thiên thần trong đêm Giáng sinh
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (cho người thiện tâm).
Lời này được tổng hợp từ nhiều bản văn Thánh Kinh, đặc biệt từ lời ca ngợi do các thiên thần hát lên trong đêm Chúa Giáng sinh tại Bêlem (x. Lc 2,13-14). Vì vậy, nó còn có tên gọi là Thánh ca Thiên Thần (x. Ga 1,29; Tv 109, 1; Cv 2,34-36).[8] Bình an dưới thế cho “loài người Chúa thương” thì thích hợp hơn là cho “người thiện tâm” vì bình an chính thức và siêu nhiên không thể do tự thiện tâm con người mà có nhưng phải nhờ tình thương Thiên Chúa ban tặng.[9]
2/. Đoạn thứ II: Lời tôn vinh Thiên Chúa
Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa (Br 3,6; Tv 145,2),/ chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa (Kh 4,11; Rm 11,36; 1Cr 6,20),/ chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa (1Bns 16,24; 2Cr 4,15)./ Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời (Kh 4,8; Tb 13,7; Dn 4,37),/ Là Chúa Cha toàn năng (St 17,1-2; 2Cr 6,18).
diễn tả sự nối kết giữa trời và đất trong những lời ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa qua 5 động từ (ca ngợi – chúc tụng – thờ lạy – tôn vinh – và cảm tạ Chúa) được vang lên như những làn sóng đại dương không ngớt trào dâng.[10] Kiểu tung hô chúc tụng như thế đã tồn tại trong phụng vụ từ rất xa xưa, là một tập tục diễn ra trong buổi phụng tự công cộng dành cho các hoàng đế, nhưng sau đã được tu chỉnh, được “rửa tội” để dùng trong Hội Thánh.[11] Đoạn này cũng nhấn mạnh đến vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ qua ngôn từ Ngài là Thiên Chúa (Deus), là Vua trên trời (Rex caelestis), đặc biệt Ngài là Cha toàn năng (Pater omnipotens). Vì vậy, loài người phải bày tỏ thái độ “chúc tụng, thờ lạy, tôn vinh và cảm tạ” dành cho Ngài.
3/. Đoạn thứ III: Lời kêu cầu Đức Giêsu
Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô (Ga 1,14. 18),/ Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa/ là Con Ðức Chúa Cha (Kh 1,8; Ga 1,29)./ Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con (Ga 1,29);/ Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn (Ga 14,13)./ Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha (Cl 3,1; Dt 8,1), xin thương xót chúng con./ Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh (Kh 15,4),/ chỉ có Chúa là Chúa (Is 37,20), chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao (Tv 83,18),/ cùng Ðức Chúa Thánh Thần ( Rm 8,9; 1Pr 3,8) trong vinh quang Ðức Chúa Cha (Lc 9,26; Ga 1,14; Pl 2,11).
Trước hết, đoạn này quy hướng về Chúa Kitô với những danh hiệu chính của Ngài là: Chủ Tể (Dominus); Thiên Chúa (Deus); Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei); Con Chúa Cha (Filius Patris). Nghĩa là Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa uy quyền, đồng bản thể với Chúa Cha, vừa là Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Chính Đức Giêsu, Con Chúa Cha (Filius Patris) mới là phản ánh trung thực vinh quang của Thiên Chúa Cha tại trần gian (Dt 1,3).
Bài ca sau đó chuyển sang ca tụng Chúa Giêsu nhưng dưới dạng khẩn cầu với ba lời van nài như trong các Kinh cầu, trong đó, Hội Thánh không những nhắc nhớ công trình cứu độ Chúa Kitô đã chết trên thập giá để xóa tội trần gian mà còn nhìn ngắm Ngài đang khải hoàn ngự bên hữu Đức Chúa Cha.
Tiếp đó, Hội Thánh xưng tụng Đức Kitô với ba danh hiệu: Đấng Thánh (Sanctus); Chủ Tể (Dominus); Đấng Tối Cao (Altissimus) vốn đã từng nằm trong các công thức tuyên xưng đức tin thời kỳ đầu Kitô giáo nhằm khẳng định các tín hữu chỉ tôn thờ một mình Người, các tà thần chỉ là thọ tạo thuộc trần thế.[12]
Phần cuối, kinh Vinh danh kết thúc với lời tôn vinh Đức Kitô, Chúa Thánh Thần và Chúa Cha vì cả Ba Ngôi đều chung nhau một vinh quang: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao, cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha”.
III. MỤC VỤ PHỤNG VỤ
– Kinh Vinh danh được xướng lên bởi linh mục chủ tế [như là người ưu tiên nhất], hay nếu có thể, bởi một lĩnh xướng viên hay bởi ca viên, rồi hoặc tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn, hoặc một mình ca đoàn hát. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè (x. QCSL 53, 126; NTTL 8; LNGM 135; Ordo Cantus Missae [= OCM], số 3; MVTN 138).[13]
– Kinh Vinh danh được hát trong các Chúa nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các dịp cử hành đặc biệt khá long trọng (x. QCSL 53; MVTN 137).[14]
– Không hát kinh Vinh danh vào các Chúa nhật Mùa Vọng và Mùa Chay, nhưng đối với lễ trọng và lễ kính thuộc các mùa này, vẫn hát kinh Vinh danh như thường (x. QCSL 53, 126, 258; MVTN 137).
– Không được thay thế bản văn của thánh thi Gloria bằng bản văn nào khác (QCSL 53; MVTN 137). Cố gắng hát kinh Vinh danh hơn là đọc (Notitiae 14 [1978] 538, n. 14).[15]
– Mọi người cúi đầu khi đọc/hát danh thánh Giêsu (x. QCSL 275a).
IV. SUY NIỆM[16]
Lạy Chúa Giêsu, bài thánh ca này gợi lên hình ảnh của thực tại trời cao, nâng tâm hồn chúng con lên ngai tòa ân sủng nơi Chúa Cha hiển trị cùng với Chúa, và trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần. Chúng con ngắm nhìn trong chiêm nghiệm bức linh họa về chốn trời cao này. Chúng con đã thấy ở đây bức chân dung về sự hiệp thông thần linh đã được phác họa bằng những lời lẽ đầy thi ca, nhờ vậy chúng con có thể thoáng thấy hình ảnh về cuộc sống vĩnh cửu mai sau mà chúng con được Chúa mời vào.
Mỗi lần hát bài thánh ca này, trong chúng con lại nổi lên nỗi nhớ về lễ đêm Vọng Phục sinh khi những quả chuông thánh đường đồng loại rung lên một cách tưng bừng như muốn đánh thức thế giới đang còn ngủ mê trong bóng đêm tội lỗi. Cũng như trong đêm Giáng sinh, bài Vinh danh lại được cất lên từ trong cõi thinh lặng của bóng đêm và âm thanh được vận hành băng qua biên giới của vũ trụ để loan đi sứ điệp yêu thương này: Ngôi Hai Thiên Chúa – đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng con.
Kinh Vinh danh thưa lên với Chúa là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa bỏ tội trần gian, đang ngự bên hữu Chúa Cha. Chúa đã bị đem đi giết và máu Chúa rửa sạch muôn vàn tội lỗi chúng con. Chúa đổ máu đào để cứu chuộc chúng con, chỉ một lần cho tất cả. Chúa đã cứu độ chúng con, nhưng chúng con cần tắm gội đi tắm gội lại trong dòng suối máu thánh Chúa để được thanh sạch. Chúng con là những người mà Chúa đã quyết định yêu thương cho đến chết. “Chúa xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con”.
“Chúa ngự bên hữu Đức Chúa Cha” để chuyển cầu cho chúng con. “Xin nhận lời chúng con cầu khẩn” và trình bày lời nguyện ấy lên Thiên Chúa tối cao. Chúng con cầu xin Chúa cho những điều bình thường và quan trọng, cho dân chúng và hành tinh này, cho hòa bình và hòa giải, cho tự do và thịnh vượng. Trên tất cả, chúng con cầu xin cho người người khắp chốn, để rồi cuối cùng, họ cũng sẽ nhận biết Chúa, yêu mến Chúa và ôm lấy Chúa là Đấng Cứu Độ họ. Amen.
Đọc thêm loạt bài tìm hiểu về cử hành Thánh Thể:
Bài 10 – Kinh vinh danh
Bài 9 – Kinh lạy Chúa, xin thương xót chúng con (kyrie) Bài 8 – Hành động thống hối Bài 7 – Lời chào và lời dẫn nhập đầu lễ Bài 6 – Dấu thánh giá Bài 5 – Cúi chào – hôn kính – xông hương [bàn thờ] Bài 4 – Ca nhập lễ Bài 3 – Cuộc rước nhập lễ Bài 2 – Quy tụ Bài 1 – Cấu trúc thánh lễ |
[1] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 146.
[2] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV. Thánh Giuse, 2001), 50.
[3] X. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 146.
[4] Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992), 34-35.
[5] Ibid.
[6] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 18.
[7] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 146-149.
[8] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 18.
[9] UBPT, Chú Thích Bản Dịch Nghi Thức Thanh Lễ 1992, 17-18; Anscar J. Chupungco, “The ICEL 2010 Translation,” trong Foley Edward (ed), A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, 140.
[10] X. John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 111.
[11] Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 126.
[12] X. Adolf Adam, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faith, trans. Robert C. Schultz (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 29.
[13] Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 254.
[14] X. McNamara, “Omitting or Adding the Gloria” (01 July 2013), https://www.ewtn.com/catholicism/library/omitting-or-adding-the-gloria–4683.
[15] X. Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, trans. Jane M. A. Burton (Collegeville: The Liturgical Press, 1996), 211.
[16] Anscar J. Chupungco, OSB, Meditations on the Mass (Quezon: Claretian Publications and Flipside Publishing, 2013), dg. Giuse Phạm Đình Ái, SSS.