ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG GỢI Ý SUY NIỆM CHẦU THÁNH THỂ THÁNG 03/2025 – HỘI THÁNH TIẾP NỐI SỨ VỤ CỦA THIÊN CHÚA
WHĐ (17/02/2025) – Nhằm khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu, Ủy ban Loan báo Tin mừng trong “Kế hoạch thực hiện sống Năm thánh 2025 – Cùng nhau Loan báo Tin mừng” đề nghị mỗi giáo phận chọn một ngày theo chu kỳ tuần/tháng/năm để chầu Thánh Thể cầu nguyện cho việc truyền giáo. Ủy ban Loan báo Tin mừng sẽ có bài gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể mỗi tháng. Sau đây là bài gợi ý suy niệm tháng 03/2025.
ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG – HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
72/12 Trần Quốc Toản – Võ Thị Sáu – Quận 3 – Tp.HCM – Việt Nam
Email: evangelization@cbc-vietnam.org; Đt: 0905.505.022
GỢI Ý SUY NIỆM CHẦU THÁNH THỂ – NĂM 2025
Cùng nhau loan báo Tin Mừng
ĐỀ TÀI 4 – HỘI THÁNH TIẾP NỐI SỨ VỤ CỦA THIÊN CHÚA
Tháng 03/2025
A. Lời Chúa
“Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người” (Mc 3, 13-19).
B. Ơn xin trong giờ chầu
Xin cho con đừng trả lời NO – KHÔNG mà luôn trả lời YES – CÓ trước lời Chúa mời gọi đi ra loan báo Tin Mừng.
C. Gợi ý suy niệm
1. Chúa Giêsu gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn… và các ông đến với Ngài.
– Ngay từ đầu, Chúa Giêsu “đã gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn” là các tông đồ. Thật vậy, các Tông đồ là hạt mầm của Hội Thánh và là nguồn gốc của hàng Giáo phẩm. Chính từ nơi các Tông đồ, Tin Mừng được rao giảng và Hội Thánh được phát triển. Qua Hội Thánh, Chúa Giêsu tiếp tục kêu gọi đến với Ngài “những kẻ Ngài muốn”, đó là cộng đoàn dân Chúa. Trong cộng đoàn ấy có giáo xứ, có gia đình và có từng người chúng ta. Như thế, Chính Thiên Chúa muốn Hội Thánh tiếp nối sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài một cách hữu hình trong trần gian này. Và Ngài cũng muốn mỗi người chúng ta tiếp nối sứ vụ cao cả này.
– Sắc lệnh Truyền giáo dạy rằng: “Sứ mệnh của Hội Thánh tiếp nối và triển khai qua dòng lịch sử sứ mệnh của chính Chúa Kitô, Đấng đã được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, vì thế được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, Hội Thánh cũng phải tiến bước trên chính con đường Chúa Kitô đã đi, con đường của nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân mình đến độ sẵn lòng chịu chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người. Chính các Tông đồ cũng đã bước đi trên con đường đó trong niềm hy vọng, đã chịu nhiều bách hại và đau khổ để làm trọn những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn mà Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Hội Thánh. Và máu tử đạo thường lại là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu” (AG 5).
Câu hỏi gợi ý suy tư: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người ” (Mc 3, 13).
Khi Chúa Giêsu muốn các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, các ông đã lên đường. Chúa Giêsu muốn 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, các ông đã lên đường (x. Lc 10, 1-16). Chúa Giêsu muốn nhiều thành phần trong Hội Thánh đi rao giảng Tin Mừng, họ đã lên đường (hình ảnh các nhà truyền giáo). Chúa Giêsu muốn chính TÔI đi rao giảng Tin Mừng, tôi có lên đường không?
Điều gì đang ngăn cản hoặc cột trói tôi đến nỗi không thể đến với Chúa?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
2. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người…
– Chúa Giêsu gọi các Tông đồ đến không phải để sai họ đi thi hành sứ mệnh ngay, nhưng trước hết là để họ ở với Ngài và được Ngài dạy bảo. Trước khi được Chúa sai đi thì người môn đệ phải trải qua một tiến trình huấn luyện để học về Chúa, học với Chúa và học vì Chúa. Học về Chúa để hiểu Ngài hơn, học với Chúa để yêu Ngài hơn và học vì Chúa để theo sát Ngài hơn trong hành trình sứ vụ. Điều này rất quan trọng bởi vì người môn đệ không thể “đi tiếp” sứ mệnh của Thiên Chúa nếu không hiểu Ngài, yêu Ngài và theo sát Ngài hơn. Chính vì thế Sắc lệnh Truyền giáo dạy rằng: “Thấm nhuần đức tin sống động và đức cậy vững vàng, nhà truyền giáo phải là con người cầu nguyện; phải hăng say nhiệt thành trong tinh thần can đảm, yêu thương và tự chủ” (AG 25).
– Học về Chúa để có kiến thức về Ngài, tức là một sự hiểu biết đúng đắn về Thiên Chúa trong mặc khải. Nếu không học về Chúa, người môn đệ có nguy cơ rao truyền sứ điệp lệch lạc, không phải là Tin Mừng (x. 1Tm 1, 3-7; Tt 1, 10; Gl 1, 6-9). Học với Chúa để có tương quan với Ngài, nghĩa là mối tương quan sâu xa và bền bỉ với Ngài. Nếu không học với Chúa, người môn đệ có nguy cơ thi hành sứ vụ theo ý riêng của mình hơn là theo ý Chúa, qua hướng dẫn của Hội Thánh. Học vì Chúa để có thể dấn thân triệt để cho Ngài, nghĩa là trung thành với sứ vụ cho đến cùng, cho dù gặp bao khó khăn. Nếu không học vì Chúa, người môn đệ có nguy cơ thi hành sứ vụ vì cái tôi của mình, nghĩa là vì mình.
Câu hỏi gợi ý suy tư: Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người…
Trước khi được sai đi thi hành sứ vụ, người môn đệ cần ở với lại bên Chúa để học về Ngài, học với Ngài và học vì Ngài. Hiện nay, tôi thường ở với Chúa hay thường “ở” với ai hoặc điều gì? Trong cuộc sống, Chúa hay điều gì đang là mối bận tâm lớn nhất đối với tôi? Nói một cách cụ thể, tương quan giữa tôi với Chúa thế nào? Đời sống cầu nguyện của tôi hằng ngày thế nào? Đâu là nguyên nhân khiến tôi không cầu nguyện hoặc không cầu nguyện cách nghiêm túc?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
3. Và để Người sai các ông đi rao giảng…
– “Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành là truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha” (AG 2). Đây không phải là một khẩu hiệu hay lời mời nhưng là chân lý! Hội Thánh được chính Đức Giêsu thành lập để tiếp nối sứ mệnh của Thiên Chúa. Như vậy, Hội Thánh được thiết lập chỉ để chu toàn một sứ mệnh duy nhất là rao giảng Tin Mừng. Sắc lệnh Truyền giáo dạy rằng: “Phận vụ này phải được chu toàn bởi hàng Giám mục, cùng với người đứng đầu là Đấng kế vị thánh Phêrô, nhờ vào lời cầu nguyện và sự cộng tác của toàn thể Hội Thánh, đây là sứ vụ duy nhất và không thay đổi, tại bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù có thể không được thực hiện theo cùng một cách thức như nhau” (AG 6).
– “Giáo Hội được Chúa Kitô sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết mọi người và mọi dân tộc” (AG 10). Thật vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, qua Bí tích Rửa tội, tất cả Kitô hữu đều được Chúa Giêsu trao trách nhiệm làm chứng cho Ngài bằng đời sống hằng ngày của mỗi người. Hội Thánh dạy rằng “mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ phép Rửa, và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã được củng cố nhờ phép Thêm Sức, để những người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha, cùng nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa đích thực của đời sống con người và mối dây liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại” (AG 6).
Câu hỏi gợi ý suy tư: Và để Người sai các ông đi rao giảng…
Chính Thiên Chúa, qua Hội Thánh, đang nhờ tôi tiếp nối sứ vụ của Ngài. Tôi có nhận điều này không? Nếu đã nhận ra rồi, tôi có sẵn sàng thi hành sứ vụ Chúa trao không? Tôi đang làm việc hay nghề nghiệp gì? Những công việc và nghề nghiệp của tôi có làm chứng rằng tôi đang TIN vào Đức Giêsu không? Có nhiều ngành nghề dễ kiếm ra tiền nhưng không làm chứng về Đức Giêsu: buôn lậu, tham nhũng, cho vay nặng lãi, bài bạc, kinh doanh gian dối và những việc khác tương tự… Ngành nghề và việc tôi đang làm có liên hệ đến tình trạng này không?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
Lưu ý:
1) Những gợi ý cầu nguyện này có thể được suy niệm trong một giờ chầu hoặc mỗi giờ suy niệm một gợi ý. Điều quan trọng không phải là “suy niệm hết ý” nhưng là suy niệm sâu và cầu nguyện sốt sắng.
2) Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, sau mỗi ý suy niệm, người hướng dẫn có thể mời gọi cộng đoàn dâng lời nguyện tự phát hoặc những hình thức khác thích hợp.
3) Các đề tài suy niệm trong năm 2025 có liên hệ mật thiết với nhau để làm nên một tiến trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Vì thế, người hướng dẫn (nếu chọn loạt bài gợi ý này) nên theo đến cùng thì sẽ hữu ích hơn.
#uybanloanbaotinmung #suyniemchauthanhthe