Mẹ Têrêsa được ghi vào Lịch chung Roma, mừng vào ngày 5 tháng 9
Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã công bố Sắc lệnh hôm 11/2, trong đó Đức Thánh Cha, đáp lại những yêu cầu và ước nguyện của các mục tử, tu sĩ và giáo dân, đã quyết định ghi tên vị thánh được phong năm 2016 vào Lịch Phụng vụ chung. Ngài thiết lập việc cử hành lễ nhớ tùy chọn, được thêm vào tất cả các Lịch và Sách Phụng vụ để cử hành Thánh Lễ và Kinh Thần vụ.
Đã 9 năm kể từ khi được phong thánh và 22 năm kể từ khi được phong chân phước, nhưng mọi người vẫn thường gọi là “Mẹ Têrêsa”, bởi vì – như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi lễ phong thánh ngày 4/9/2016 – “sự thánh thiện của Mẹ quá gần gũi với chúng ta, quá dịu dàng và phong phú đến nỗi chúng ta tự nhiên tiếp tục gọi Mẹ là ‘Mẹ’”. Và chính vì ảnh hưởng mạnh mẽ của người phụ nữ tự nhận mình là “cây bút chì nhỏ trong tay Chúa” vẫn tác động đến hàng triệu tín hữu trên thế giới, Đức Thánh Cha – đáp lại những “lời thỉnh cầu” và “ước nguyện” của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân – đã quyết định ghi tên Thánh Têrêsa Calcutta vào Lịch chung Rôma, lịch quy định các ngày lễ và cử hành trong năm phụng vụ.
Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích được ký bởi Đức Hồng Y Tổng Trưởng Arthur Roche và Đức Tổng Giám Mục Thư ký Vittorio Viola. Trong sắc lệnh, Đức Thánh Cha quy định rằng lễ nhớ tùy chọn của thánh nữ sẽ được cử hành vào ngày 5 tháng 9, ngày Mẹ qua đời năm 1997. Nói cách khác, từ nay, người ta có thể cử hành Thánh Lễ và đọc Kinh sáng, Kinh chiều và các giờ kinh khác trong Kinh Thần Vụ để nhớ Mẹ Têrêsa.
Các bản văn phụng vụ
Sắc lệnh quy định các bản văn phụng vụ bằng tiếng Latinh, được đi kèm với Sắc lệnh, “phải được dịch, được phê chuẩn” và sau khi được Bộ xác nhận, sẽ “được xuất bản” bởi các Hội đồng Giám mục. Các bản văn này bao gồm lời nguyện nhập lễ, các bài đọc, các bản văn liên quan đến Kinh Thần Vụ và bản văn trong Sách các thánh.
Cuộc đời Mẹ Têrêsa Calcuta
Mẹ Têrêsa sinh ngày 26/8/1910 tại Skopje, thuộc Nam Tư cũ. Năm 1929, Mẹ bắt đầu sứ mạng tại Calcutta, Ấn Độ, sau khi rời khỏi dòng Nữ tu Loreto. Năm 1950, Mẹ thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, hiện nay có hơn sáu ngàn nữ tu trên khắp thế giới, hoạt động tại 130 quốc gia, bắt đầu từ những nước nghèo và kém phát triển nhất. Năm 1979, Mẹ được trao giải Nobel Hòa bình, và Mẹ đã yêu cầu dùng số tiền thưởng để giúp đỡ người nghèo ở Ấn Độ. Mẹ qua đời năm 1997 tại Calcutta.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người có mối tương quan thân tình với Mẹ, đã tôn phong Mẹ lên hàng chân phước vào ngày 19/10/2003. Sau đó, ngày 4/9/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho Mẹ với Thánh lễ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của các nữ tu, linh mục và giáo dân từ khắp năm châu. Cũng không phải ngẫu nhiên mà lễ phong thánh được tổ chức trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Như Đức Thánh Cha đã nói trong bài giảng lễ phong thánh, Mẹ Teresa, trong suốt cuộc đời, là “người phân phát quảng đại” lòng thương xót, “sẵn sàng đón nhận và bảo vệ sự sống con người, từ những thai nhi chưa chào đời đến những người bị bỏ rơi và loại trừ”, “cúi xuống trên những người kiệt sức, bị bỏ mặc chết bên lề đường, nhận ra phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ”, và “lên tiếng trước những người quyền lực trên thế giới, để họ nhận ra tội lỗi của mình trước những tội ác của sự nghèo đói do chính họ tạo ra”.
nguồn: Vatican News Tiếng Việt