NGÀY 06 THÁNG 01: LỄ TRỌNG CHÚA HIỂN LINH
NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ
Ngày 6 tháng 1
Lễ Trọng Chúa Hiển Linh
Hiển Linh trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “biểu lộ”. Ở phương Tây, ngày lễ Chúa Hiển Linh gắn liền với sự kiện các nhà chiêm tinh viếng thăm, qua đó Chúa được “biểu lộ” cho dân ngoại và vì thế cho toàn thế giới. Trong Giáo hội Đông phương, trọng tâm của ngày lễ này là sự “mặc khải” Ba Ngôi trong biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan. Nếu lễ Chúa Giáng sinh nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu được sinh ra, thì lễ Chúa Hiển Linh làm nổi bật rằng Hài Nhi nghèo khó và yếu đuối này chính là Vua, và là Đấng Mêsia, Thiên Chúa của toàn cõi đất.
Với lễ Chúa Hiển Linh, lời ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm, như chúng ta thấy trong bài đọc một: “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giêrusalem!” (Is 60,1). Phụng vụ như muốn nói với chúng ta: đừng khép mình lại, đừng bỏ cuộc, đừng mãi là tù nhân của “những xác tín” của mình, đừng nản lòng; hãy phản ứng, “hãy ngước mắt lên”! Như các nhà chiêm tinh, hãy quan sát “ngôi sao” và bạn sẽ tìm thấy “Ngôi Sao”, chính là Chúa Giêsu.
Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời.” Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. (Mt 2,1-12)
Các nhà chiêm tinh
Các nhà chiêm tinh đã “ngước mắt lên” và lên đường, đi đến một nơi hợp lý để “tìm kiếm” một vị vua, đó là trong cung điện. Sự xuất hiện của họ gây ra một chút xáo trộn, đến mức Vua Hêrôđê phải triệu tập các tư tế và kinh sư, những người thông thạo Thánh Kinh. Họ “biết” rằng Đấng Mêsia sẽ được sinh ra tại “Bêlem”. Nhưng cái “biết” của họ không vượt ra ngoài. Nó không chạm đến cuộc sống của họ, kinh nghiệm của họ. Họ vẫn bị mắc kẹt. Họ không “đứng lên” được; họ vẫn an toàn và thoải mái trong cung điện. Các nhà chiêm tinh đến từ phương xa; các tư tế và kinh sư thì đã ở gần, nhưng họ bị mù quáng bởi kiến thức, bởi sự chắc chắn và vị trí đặc ân của mình… Có vẻ như Thiên Chúa mặc khải chính Ngài cho những ai không mãi chìm đắm trong ánh sáng của riêng họ, cho những ai không tìm kiếm sự hào nhoáng của danh vọng.
Cuộc khủng hoảng
Các nhà chiêm tinh tiếp tục lên đường theo ánh sao, nhưng đến một lúc nào đó, họ không còn nhìn thấy nó nữa. Niềm tin chắc chắn của họ về một vị vua mới sinh phải ở trong cung điện là quá lớn, đến nỗi nó làm mờ mắt họ và khiến họ lạc lối. Nhưng rồi, khi chấp nhận rằng họ đã sai lầm, họ “hoán cải” bản thân và ánh sao lại xuất hiện, dẫn họ đến đích của hành trình. Đây là một bản văn rất đẹp và quan trọng, vì nó giúp chúng ta hiểu rằng bi kịch của con người không bao giờ là sự sa ngã hay lầm lỗi, mà chính là sự bỏ cuộc sau khi sa ngã. Như các nhà chiêm tinh, những người luôn tìm kiếm sự thật, đôi khi hoặc thậm chí thường xuyên, chúng ta có nguy cơ bị ánh sáng của chính xác tín của mình làm lóa mắt đến mức lạc lối.
Ngày nay, chúng ta được mời gọi đừng sợ đặt câu hỏi với chính những điều chắc chắn và kết luận của mình, vì một “thụ tạo” đích thực thì biết cách chấp nhận sai lầm và tiếp tục hành trình của mình. Trái tim của chúng ta khao khát mãnh liệt những điều lớn lao – chúng khát vọng công lý và sự thật, niềm vui và hy vọng. Theo ánh sao có nghĩa là bước theo những khát vọng cao cả, cao đẹp, và chính đáng này, những khát vọng đã đi vào trái tim và có khả năng đưa chúng ta bước qua cuộc đời, dấn thân trên hành trình với khả năng đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy và thất bại – như các nhà chiêm tinh đã làm.
Cuộc gặp gỡ với Hài Nhi, vị Vua
Khi hành trình tìm kiếm của chúng ta được thúc đẩy bởi sự thật, chúng ta sẽ tìm thấy điều mình mong đợi, dù điều đó được thể hiện qua một “trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Đây là một bản văn thú vị. Chỉ “tìm kiếm” thôi thì chưa đủ nếu tâm hồn chúng ta không trong sạch, nếu chúng không thoát khỏi định kiến, nếu chúng không được dẫn dắt bởi khát vọng sự thật.
Hêrôđê muốn thờ lạy Hài Nhi, nhưng chúng ta biết ước muốn của ông ta đã bị méo mó (x. Mt 2,16: “Bấy giờ, vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống”; Lc 9,9: “Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu,” vì tò mò về những phép lạ của Đức Giêsu. Bị bao trùm trong nỗi sợ hãi và bất an, bị giam cầm trong tham vọng quyền lực, Hêrôđê không thể nhận ra Hài Nhi ấy là ai. Thay vào đó, ông để cho nỗi sợ biến Hài Nhi trở thành một kẻ thù nguy hiểm chế ngự mình.
Lễ Hiển Linh biểu lộ Chúa Giêsu và tâm hồn chúng ta
Lễ Hiển Linh không chỉ biểu lộ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, mà còn vén mở tâm hồn chúng ta. Nó cho thấy rằng Đấng Cứu Độ có thể được đón nhận (như với các mục đồng và các nhà chiêm tinh) nhưng cũng có thể bị từ chối (như trường hợp của vua Hêrôđê). Chúng ta không thể phủ nhận rằng trong mỗi người đều có những khía cạnh của “các nhà chiêm tinh” và những khía cạnh của “vua Hêrôđê”. Có một phần trong chúng ta luôn sẵn sàng lên đường, để biết và để hiểu, để phát triển và hoàn thiện, vượt qua chính mình. Nhưng cũng có một Hêrôđê luôn chực chờ để hủy hoại những giấc mơ và hy vọng của chúng ta. Một Hêrôđê luôn sẵn sàng tiêu diệt, rình rập đằng sau khát vọng của chúng ta hướng đến những điều tốt, điều đẹp và điều đúng, không muốn chúng ta gặp được “Hài Nhi” – Đấng có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Các nhà chiêm tinh dạy chúng ta rằng cuộc sống là một hành trình, và chúng ta được mời gọi sống hành trình ấy như Chúa Giêsu đã sống. Trong khi đó, những “Hêrôđê” trên thế gian lừa dối và tâng bốc chúng ta, làm chúng ta tin rằng thành công và quyền lực là điều cần thiết để tồn tại.
Các lễ vật
Vàng và nhũ hương gợi nhớ các lễ vật của nữ hoàng Saba dâng lên vua Salômôn, một hình ảnh được nhắc đến trong Thánh vịnh Đáp ca (Tv 71). Vàng tượng trưng cho vương quyền của Chúa Giêsu; nhũ hương tượng trưng cho thiên tính của Người; còn mộc dược chỉ nhân tính của Người, vì nó là chất được dùng để tẩm trên thân xác người chết. Ánh sáng của ngôi sao luôn dẫn đến một hành động tôn thờ, quỳ gối trước mầu nhiệm đã đến gần. Nó dẫn đến việc trao tặng, nhưng hơn hết, dẫn đến sự tự hiến. Chính hành động “tự hiến” này lại ngăn cản nhiều người không dám để mình được cuốn hút bởi Chúa Giêsu, vì họ sợ mất đi địa vị, sự thoải mái, an toàn, đặc quyền, và do đó cản trở họ thay đổi cuộc sống và hoán cải.
Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News