TÍNH LAI GHÉP –
MỘT CÁCH NHẬN THỨC VÀ MÔ TẢ HỘI HỌA VIỆT NAM
WHĐ (25.8.2022) – Linh mục Phạm Hoàng Trung là một tu sĩ Dòng Tên (tỉnh dòng Miền Tây, California và Oregon, Hoa Kỳ), đồng thời là họa sĩ, thạc sĩ mỹ thuật (MFA) – giảng viên Khoa nghệ thuật Trường Đại học Seattle University, Tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.
Bài viết “tính lai ghép – một cách nhận thức và mô tả hội họa Việt Nam” được linh mục Phạm Hoàng Trung soạn bằng tiếng Anh, nhân chuyến về thăm, triển lãm một số tranh- tượng, và gặp gỡ giới họa sĩ Công giáo Việt Nam tại hai cuộc triển lãm diễn ra trên địa bàn TGP. Tp.HCM: Triển lãm tranh “Loan báo Tin mừng yêu thương” tại Tu viện Đa Minh Mai Khôi (5-12.8.2014) và triển lãm chum chóe cổ & triển lãm mỹ thuật “lời ru” tại Nhà truyền thống TGP. Tp.HCM (từ ngày 16/8 đến 15.10.2014).
Bản tiếng việt dưới đây do thành thi chuyển ngữ. (Ban biên tập Hiệp Thông)
DẪN NHẬP
1. NGHỆ THUẬT HỘI HỌA VIỆT NAM 3. KHÁI NIỆM TÍNH LAI GHÉP, MỘT CÁCH NHẬN THỨC VÀ MÔ TẢ HỘI HỌA VIỆT NAM |
DẪN NHẬP
Mục đích của bài nghiên cứu này là giới thiệu mảng sáng tác về đề tài tôn giáo của các nghệ sĩ Việt Nam trong thế kỷ XX và từ những tác phẩm hội họa này, lý giải cách thức Kitô giáo đưa giáo huấn thần học đi vào và hội nhập văn hóa Việt Nam.
Bài viết này gồm ba phần, trình bày sự phong phú và những ý nghĩa thần học của nghệ thuật Việt Nam về đề tài Đức Mẹ. Phần thứ nhất, điểm qua một cách ngắn gọn tình hình lịch sử nghệ thuật Việt Nam đã được Nora Taylor mô tả về phương diện dân tộc học. Nỗ lực này nhằm khơi lên ý thức về nghệ thuật Việt Nam và đặt nó vào bản đồ mỹ học Đông Nam Á. Phần thứ hai cố gắng đưa ra câu trả lời vì sao phần lớn các tranh trong bộ sưu tập đều vẽ Đức Mẹ và Chúa Hài Nhi. Sự phát hiện này đặt người nghiên cứu phải tiếp cận tìm hiểu về đạo Mẫu trong tín ngưỡng dân gian. Phần thứ ba, từ bối cảnh đa dạng và phức tạp của văn hóa Việt Nam, thử đưa ra khái niệm lai ghép (hybridity) như một cách nhận thức và mô tả đối với hội họa Việt Nam.
1. NGHỆ THUẬT HỘI HỌA VIỆT NAM
Sự quan tâm đến hội họa Việt Nam trên thị trường tranh tại châu Á bắt đầu từ năm 1990 và hiện vẫn đang tăng lên. Sự bùng nổ này là kết quả của cuộc cải cách kinh tế vào năm 1986, được gọi là cuộc “đổi mới”, được dịch sang tiếng Anh là “new change”. Đảng Cộng sản, sau 15 năm nắm quyền lãnh đạo trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đã chấp nhận nền kinh tế thị trường mở cửa, chào đón sự đầu tư của nước ngoài và thành lập các doanh nghiệp tư nhân, trái với tập thể hóa và sở hữu nhà nước trong các ngành công nghiệp và sản xuất hàng hóa[1]. Cuộc cải cách kinh tế đã thu hút ngành du lịch và đầu tư nước ngoài, nhờ đó, đã thúc đẩy tăng trưởng thị trường tranh Việt Nam. Quốc tế đã đầu tư ồ ạt vào nền nghệ thuật hội họa Việt Nam.
Sự bùng nổ của thị trường tranh Việt Nam cũng đã lôi cuốn giới học giả viết về mỹ thuật Việt Nam. Nora Taylor là người đi đầu trong công việc này, tuy nhiên, việc nghiên cứu cũng đã diễn ra hết sức khó khăn vì thiếu tài liệu, không nhận được sự quan tâm từ cộng đồng các nghệ sĩ Việt Nam cũng như giới học giả nước ngoài và không có ngân sách hỗ trợ. Với nỗ lực đưa nền nghệ thuật Việt Nam vượt khỏi phạm vi quốc gia, được biết đến và lưu tâm về phương diện học thuật, Taylor sử dụng cách tiếp cận theo phương pháp mô tả dân tộc học để theo đuổi việc nghiên cứu của mình, bằng cách trao đổi với các họa sĩ, xem tranh và chụp hình các họa phẩm tại xưởng vẽ của các họa sĩ, tại các viện bảo tàng và tại tư gia của các nhà sưu tập tranh. Nỗ lực của bà nhằm hai điều: đặt hội họa Việt Nam vào bản đồ Đông Nam Á, nhằm xóa bỏ tình trạng Việt Nam bị gạt ra ngoài lề lịch sử nghệ thuật châu Á; thứ hai, khắc phục tình trạng khái quát hóa chung chung về khung cảnh nghệ thuật, coi đây là vấn đề “toàn cầu hóa” hoặc “hậu dân tộc chủ nghĩa” và khuyến khích loại nghệ thuật hậu thuộc địa vốn xu thế chung không còn ủng hộ.
Nhằm mang lại sự chú ý đối với nghệ thuật tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hình thành nền nghệ thuật đương đại Việt Nam, tôi muốn tập trung vào mảng sáng tác chưa được phương Tây lưu tâm và đề cập. Việc sưu tập tranh này là một cố gắng của cha Trần Thái Hiệp, người đã có dự định sưu tập tranh tôn giáo cho Giáo Hội. Những tác phẩm hội họa này được sáng tác trong giai đoạn 1970-1990. Chúng gồm nhiều khổ khác nhau và được vẽ bằng màu nước thực hiện trên lụa, sơn mài, do các họa sĩ nổi tiếng, trong số đó có các họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ… Hiện những họa phẩm này được lưu giữ tại Nhà Truyền thống TGP. TPHCM.
Điều đáng nói là những bức tranh này chủ yếu thể hiện đề tài về Mẹ và Con. Đồng thời phần nhiều gần như được bố cục để diễn tả mối tương tác giữa Mẹ và Con. Đặc điểm hội họa trong nghệ thuật thánh của Việt Nam là chọn Đức Mẹ Việt Nam làm chủ đề chính và ít vẽ về Chúa đã phản ánh sâu sắc một đặc điểm văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Để hiểu đặc điểm này, cần phải tiếp cận nền tảng văn hóa, tôn giáo của người Việt Nam.
2. TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM
Tục thờ thần Nữ
Văn hóa Việt Nam là văn hóa đa tôn giáo. Ba tôn giáo chính là Phật, Nho, Lão, gọi là Tam Giáo. Phật giáo là tôn giáo chính thời Lý-Trần, nhưng chỉ kéo dài trong bốn trăm năm[2]. Dưới thời Lê, Nho giáo là quốc giáo. Thiên Chúa giáo cũng đã là một hiện tượng vào thế kỷ XVI với việc sáng tạo chữ quốc ngữ. Tóm lại, tại Việt Nam, tôn giáo có nhiều ảnh hưởng và các tôn giáo đều được du nhập từ nước ngoài như Trung Hoa, Ấn Độ và châu Âu. Vậy trong văn hóa Việt Nam, tôn giáo nào là tôn giáo bản địa?
Người Việt có truyền thống thờ thần Nữ. Sự thực hành tôn giáo này là kết quả của lối sống nông nghiệp, động cơ chính của các hoạt động kinh tế. Việc thờ 75 nữ thần cùng các tín ngưỡng dân gian và truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam đã tạo ra một hệ thống tôn giáo được gọi là tục thờ thần Mẫu tại Việt Nam[3]. Tục thờ này bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa đặt niềm tin vào các thần linh[4]. Tín ngưỡng đa thần duy linh này thờ các thần như mặt trời, mặt trăng, các hiện tượng thiên nhiên và nhiều thần khác được tôn thờ vì được coi là nguồn sống của trái đất. Các nữ thần này lấy sức nóng của mình sưởi ấm mặt đất ẩm ướt, chiếu sáng và mang lại sự sống cho Trái Đất. Hoạt động sản xuất nông nghiệp khiến người Việt đến với tục thờ cúng đất, nước, núi non, lúa gạo vốn mang tính nữ. Người mẹ vốn có thuộc tính che chở, sinh sôi, sáng tạo[5].
Các nữ thần này có đền thờ ở nhiều nơi và được vua ban sắc phong làm thần hoàng của nhiều làng; ví dụ bà liễu Hạnh là thành hoàng làng Phố Cát, Thanh Hóa, Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Bà Đanh ở Nghệ An, Bà Đá ở Hải Hưng, Linh Sơn Mị Nương ở Bắc Ninh…[6]. Các nữ thần cũng là những vị tổ của các hoạt động thuộc nghề nông cổ truyền như gieo hạt, trồng tỉa, làm bánh.
Một trong những gương mặt quan trọng nhất là Mẹ Âu Cơ. Theo truyền thuyết, Âu Cơ sinh ra dân tộc Việt Nam. Người Việt hãnh diện nhận mình là con Rồng cháu Tiên – hậu duệ của rồng và nữ thần/bà chúa. Họ tin mình được sinh ra từ bào thai trong lòng Âu Cơ. Dù chỉ là một truyền thuyết, nhưng Âu Cơ là trở thành biểu tượng vị Thần Mẫu linh thiêng trong tâm khảm người Việt. Trong truyền thuyết này, bà là một người mẹ tuyệt vời không chỉ thể hiện một tình yêu vô bờ đối với con cái, mà còn dạy họ biết khai phá đất đai, phát triển các nghề, may quần áo che thân[7]. Người Việt đã nói lên niềm tin của mình qua việc dựng ngôi đền đầu tiên thở Mẹ Âu Cơ gần Sông Thao, một thành phố nhỏ ở miền Bắc Việt Nam[8].
Kitô giáo
Kitô giáo đến Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI. Việc du nhập muộn này đã gặp mảnh đất tâm linh đã thấm sâu triết lý của các tôn giáo truyền thống bao gồm Phật, Lão Khổng đã có hằng ngàn năm. Việt thiết lập Kitô giáo tại Việt Nam đồng nghĩa với Giáo Hội cần đưa giáo thuyết và tư tưởng thích nghi với những tập quán bản địa. Tiến trình dưa sứ điệp Kitô giáo vào văn hóa Việt Nam phải đối mặt với nhiều cuộc xung đột về tư tưởng với ba tôn giáo lớn cũng như tập quán văn hóa của việc thờ cúng tổ tiên. Thách đố chủ yếu là sự khác biệt trong việc nhận biết Thiên Chúa. Đối với người Việt Nam, quan niệm về Thiên Chúa (Ông Trời) khá mơ hồ, khó xác định[9]. Thiên Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo thì cụ thể và rõ ràng. Thiên Chúa của Kitô giáo là Đấng toàn năng, toàn trí, toàn ái và toàn mỹ, còn Đức Kitô là bằng chứng cho một Thiên Chúa đầy lòng từ bi nhân hậu. Trái lại, Thiên Chúa (Ông Trời) trong tín ngưỡng truyền thống Việt Nam thì thánh thiêng và quyền năng nhưng lại không bao giờ xác định được. Thần thánh hiện diện trong cõi linh thiêng, vô hình. Ngoài ra, tập quán văn hóa thờ cúng tổ tiên có lẽ đã khiến người Việt Nam ngoảnh quay đi trước điều răn trong Giáo Hội là chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Các vị thừa sai phải tìm cách giữ đúng giáo thuyết của Hội Thánh vốn chưa uyển chuyển với thực tế văn hóa. Giải quyết thách đố này, các vị thừa sai chọn phương pháp bán linh hoạt. Một ví dụ cụ thể là Cha Đắc Lộ, một tu sĩ Dòng Tên người Pháp, người đã được ghi nhận là người đầu tiên soạn ra chữ quốc ngữ. Đôi khi cha cũng đã thích nghi giáo thuyết Kitô giáo với tập quán văn hóa nhưng cũng đã từng từ chối những phong tục tùy theo những thực hành thuận hay nghịch lại giáo huấn của Giáo Hội. Mục đích của cha là nhằm giải thích rõ Kitô giáo, tôn giáo mới, trong bối cảnh có những tôn giáo khác. Cha không muốn pha trộn đức Tin Kitô giáo với niềm tin trong các tôn giáo khác.
Đến nay việc bàn thảo vẫn chỉ tập trung vào vấn đề đưa sứ điệp Kitô giáo đi vào văn hóa Việt Nam, trong khi đó, tiến trình Phúc âm hóa đòi hỏi hai khía cạnh: thích nghi và tiếp nhận. Người Công giáo Việt Nam lãnh nhận sứ điệp Kitô giáo với sự tự do như thế nào? Họ đã đáp lại như thế nào khi đã lãnh nhận đức Tin Kitô giáo? Trả lời những câu hỏi này sẽ góp phần làm rõ vì sao đa số họa phẩm được lưu trữ tại Nhà Truyền thống TGP.TPHCM lại vẽ về Đức Maria.
Đức Mẹ Việt Nam
Một trong những lý do có thể nêu lên liên quan đến nhãn quan triết lý văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam thường tư duy theo lối nhị nguyên, đối lập giữa thiêng và phàm. Cái bên ngoài hoặc ở ngoài là cái thánh thiêng, còn cái bên trong hoặc bản địa thì phàm tục. Thanh khiết là sự đòi hỏi cần phải có đối với thánh thiêng. Thánh thiêng nghĩa là thanh khiết. Thiên Chúa vượt trên hết thảy. Để có một Thiên Chúa siêu việt, thánh thiện và toàn năng, thì Ngài cần phải ở ngoài bước vào, là người từ ngoài mà đến. Đối với người Việt Nam, những đường nét nơi khuôn mặt Thiên Chúa phải có dáng dấp nước ngoài, bởi đường nét Việt Nam sẽ làm giảm đi tính chất thánh thiêng[10]. Hơn nữa, về mặt lịch sử, Chúa Giêsu không phải là người Việt Nam. Mô tả một Thiên Chúa không có dáng dấp người bản địa là một cách giữ sự trung thành với truyền thống lịch sử vốn là một nét tính cách chủ yếu của người Công giáo Việt Nam.
Còn với Đức Mẹ lại là một chuyện khác. Mẹ là người có phúc vì được chọn để cưu mang Con Thiên Chúa. Việc Đức Maria được nâng lên làm Mẹ của Con Thiên Chúa cho thấy đó là ân phúc từ trời cao. Miêu tả Đức Mẹ mang tính cách Việt Nam sẽ không làm giảm quyền thế của Mẹ nhưng thêm sức cho con người vươn đến sự linh thánh. Khắc họa hình ảnh Đức Mẹ mang tính cách Việt Nam sẽ đưa hình ảnh của Người đến gần với dân chúng và khơi niềm ước ao nên thánh. Ánh mắt mang sắc thái dân tộc Việt Nam của Mẹ giúp con người thấy con đường nên thánh gần gũi dễ dàng hơn vì nhận ra Mẹ cũng mang bản tính nhân loại. Hơn nữa, cảm nhận Mẹ là Đấng thánh thiện cũng nằm trong mạch truyền thống thờ nữ thần của người Việt Nam. Tục thờ thần nữ dễ dàng tiếp nhận việc tôn sùng Đức Mẹ. Sở dĩ có hiện tượng sùng mộ Đức Mẹ La Vang, theo linh mục Phan Đình Cho, vì Mẹ là biểu tượng của lòng từ bi[11]. Thể hiện Đức Mẹ với những đường nét Việt Nam không những không gặp phải sự chống đối mà còn nhận được sự ủng hộ, tôn kính, tôn sùng.
Ngoài những ý nghĩa về phương diện tâm linh, có thể nghiên cứu đề tài Mẹ và Con nơi những bức tranh trong bộ sưu tập này dưới lăng kính xã hội và tâm lý học.
Trong bối cảnh một đất nước chịu đau khổ vì chiến tranh và ách thống trị của ngoại bang, vai trò của người mẹ quan trọng hơn bao giờ hết. Các bà mẹ ở lại nhà và nuôi dạy con cái. Họ là chỗ dựa cho gia đình và thông truyền các giá trị văn hóa và lẽ khôn ngoan cho thế hệ sau khi đàn ông ra trận chiến đấu bảo vệ đất nước.
Bối cảnh xã hội và tôn giáo giải thích được vì sao Đức Mẹ Việt Nam đã trở thành đề tài được giới sáng tác nghệ thuật tôn giáo tại Việt Nam ưa thích. Nền hội họa này khác biệt ra sao về phương diện nghệ thuật với những nền hội họa khác ở phương Đông cũng như phương Tây?
3. KHÁI NIỆM TÍNH LAI GHÉP, MỘT CÁCH NHẬN THỨC VÀ MÔ TẢ HỘI HỌA VIỆT NAM
Người Việt Nam vốn luôn làm nghệ thuật nhưng nghệ thuật của họ đã từng bị coi chỉ là thứ nghề thủ công của người bản xứ. Nhờ nỗ lực của họa sĩ người Pháp Victor Tardieu, trường Mỹ thuật đầu tiên được thành lập tại Hà Nội vào năm 1925, dưới thời Pháp thuộc. Nhiệm vụ của trường Mỹ nghệ Đông Dương là “biến những người thợ thủ công bản xứ thành các nghệ sĩ chuyên nghiệp”[12]. Các nghệ sĩ Việt Nam bắt đầu được học và tin rằng nền hội họa Pháp cao cấp hơn hội họa Đông Dương. Học và làm chủ kỹ thuật hội họa phương Tây, trước hết là tranh sơn dầu, giúp họ đạt được trình độ học vấn cao và thấy mình bớt tự ti hơn. Việc thành lập trường đánh dấu một bước quan trọng đối với người họa sĩ trong việc phát triển phong cách sáng tác của mình. Thậm chí sự phát triển còn trở nên rõ rệt hơn khi chế độ thực dân Pháp kết thúc vào năm 1945. Ở miền Bắc, trường Mỹ nghệ Đông Dương trở thành trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, và hiện nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ở miền Nam, trường Mỹ thuật Gia Định được thành lập. Trường phối hợp hội họa tranh lụa Trung Hoa và kỹ thuật vẽ chân dung và khái niệm về bố cục của phương Tây. Kết quả là tạo ra được vẻ mềm mại và trong trẻo của mực nước vẽ trên lụa. Sự độc đáo là đã kết hợp được hai phương pháp hội họa. Đó là sự độc đáo của pha trộn. Sự độc đáo của việc không cần viền mép và phát sinh một đường hướng và thể loại mới.
Bây giờ xin nói về sự cách tân và ý nghĩa đích thực của tính lai ghép. Tính lai ghép hay không gian thứ ba là sự hợp nhất giữa các yếu tố khác biệt và đối chọi nhau. Như vậy, không gian thứ ba khu trú ở một vị trí không dành cho những đối chọi mang tính cực đoan, không mưu tìm bất kỳ sự chắc chắn hoặc ổn định nào. Mô hình này khước từ việc trở thành môn đệ của yếu tính luận (essentialist) và chấp nhận sự tồn tại giữa các đối cực. Do đó cần phải có ngay một không gian mới, đó là một không gian “khác biệt trong tương đồng” (sự dị biệt của cái tương đồng)[13]. Người nào nhìn nhận tính mơ hồ của thực trạng, người ấy không tìm cách phủ định mà chọn sự thương thảo. Nhà thờ chính tòa Phát Diệm tiêu biểu cho một dự phóng về văn hóa. Nhà thờ chính tòa Phát Diệm là một không gian khác biệt trong tương đồng.
Sự tồn tại đồng thời của cả hai mặt đối lập trong Không gian thứ ba, giữa cái tương đồng và cái khác biệt, hoặc cái mới, cái không chịu đóng khung cách này cách khác, đang vận hành như một hành động đối lập với chính mình. Tiến trình thương thảo và sản phẩm của sự lai ghép (hybridity) đặt ra thách thức đối với những cố gắng mang tính thực dân nhằm chia cắt giữa “trung tâm” và “ngoại vi”, hoặc nỗ lực của chủ nghĩa bản địa nhằm xây dựng một quá khứ thuần túy bản địa. Sự pha trộn trong Không gian thứ ba gây thất vọng cho mọi thẩm quyền, cho kẻ bảo vệ tính chính thống và những người nồng nhiệt chạy theo chủ nghĩa bản địa. Không gian thứ ba phá vỡ kiểu thống trị tuyến tính thuần túy và kiểu dùng thủ đoạn, vì nó bẻ cho gãy loại chính trị đơn cực giả tạo mà nhà cầm quyền thực dân và nhà cầm quyền bản địa chủ nghĩa cố gắng duy trì[14]. Nói cách khác, sự thương thảo và sự pha trộn chính là những hạt mầm gieo sự hủy diệt đối với những diễn ngôn độc quyền của thực dân, bởi sản phẩm của sự pha trộn không phải là một bắt chước hoặc một bản sao mờ nhạt do “trung tâm” kiểm soát, mà sự bắt chước này “chẳng hề xa sự nhạo báng bao giờ”[15].
Hội họa Việt Nam, đặc biệt nghệ thuật tranh lụa và sơn mài, chưa bao giờ mang nhãn hiệu là nghệ thuật khởi thủy, nhưng đã được nhìn nhận là nguyên tuyền, thuần khiết, không bị hư hoại[16]. Hội họa Việt Nam là một nền nghệ thuật “chính danh”, không lai căng, tái chế, không phải là bản sao mệt mỏi của hội họa châu Âu và Mỹ[17]. Tính chính danh của nền hội họa mang lại cho các họa sĩ một chỗ đứng vinh dự để đổi mới phương pháp sáng tạo nghệ thuật. Sự phối hợp hai luồng ảnh hưởng sẽ tạo ra một vị thế mới và xóa đi cái gọi là trên và dưới, trong và ngoài, ngoại vi và trung tâm. Quả thật đó là một vị thế dám đưa ra thách thức.
KẾT LUẬN
Bài viết này giới thiệu mảng tranh được sưu tập và lưu trữ tại Nhà truyền thống TGP. TP.HCM vốn chưa được các nhà nghiên cứu đề cập và thảo luận. Bài viết cũng đã tìm hiểu căn nguyên và cảm hứng của những hình ảnh sáng tạo này cũng như khám phá cách giải thích mới về phong cách của những họa phẩm này. Đặt trong bối cảnh xã hội hậu thực dân, những họa phẩm này cho thấy một cái nhìn tươi mới về cách làm thế nào đánh giá và điều chỉnh câu chuyện về lịch sử hội họa, ít nhất tại vùng Đông Nam Á. Nghệ thuật là đời sống. Khám phá nghệ thuật sẽ luôn gợi ra con đường “hội nhập”.
Lm. Phạm Trung, S.J (Seattle University)
Thành Thi chuyển ngữ
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 84 (Tháng 9 & 10 năm 2014)
[1] Nora A. Taylor, Painters in Hanoi : an ethnography of Vietnamese art, Honolulu: University of Hawaii Press, 2004, 109.
[2] Đặng Việt Bích, Tìm hiểu Văn hóa Dân tộc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2006, 265.
[3] Đỗ Thị Hảo-Mai Thị Ngọc Chúc, Các nữ thần Việt Nam, Nxb Phụ nữ (Hà Nội, 1984).
[4] Nguyễn Minh San, Những thần nữ danh tiếng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1996, 18.
[5] Đinh Gia Khánh, Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian ở Việt Nam, Tạp chí Văn học, số 5-1992.
[6] Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Thông tin, Hà Nội 1996, 10.
[7] Nguyễn Minh San, Những thần nữ danh tiếng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1996, 18.
[8] Nguyễn Minh San, Tiếp cận tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội 1994, 103.
[9] Đặng Việt Bích, Tìm hiểu Văn hóa Dân tộc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2006, 284.
[10] Vấn đề này cần được nghiên cứu thêm dưới khía cạnh tâm lý học.
[11] Peter C. Phan, Vietnamese-American Catholics, New York: Paulist Press, 2005, 113.
[12] Nora A. Taylor, Painters in Hanoi : an ethnography of Vietnamese art, Honolulu: University of Hawaii Press, 2004, 13.
[13] Homi K. Bhabha, The Location of Culture, New York: Routledge, 1994, 32.
[14] Homi K. Bhabha, The Location of Culture, New York: Routledge, 1994, 56.
[15] Bill Ashcroft, Grareth Griffiths and Helen Tiffin, Post-Colonial Studies: The Key Concepts, New York: Routledge, 2004, 139-142.
[16] Nora A. Taylor, Painters in Hanoi : an ethnography of Vietnamese art, Honolulu: University of Hawaii Press, 2004, 7.
[17] Nora A. Taylor, Painters in Hanoi : an ethnography of Vietnamese art, Honolulu: University of Hawaii Press, 2004, 7.