ÂM NHẠC ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA: BÀI HÁT VÀ NHẠC PHỤNG VỤ
WGPQN (22.3.2022) – Âm nhạc luôn chiếm một vị trí trung tâm trong phụng vụ Kitô giáo. Giống như sự im lặng, âm nhạc là thứ ngôn ngữ mà chúng ta cần có để bước vào trong sự hòa hợp với vẻ đẹp của Thiên Chúa, để khám phá sự hiện diện của Ngài. Không vội vàng, không có những toan tính níu kéo, giống như bao lần yêu đương: chúng ta hát bởi vì chúng ta muốn dành thời gian cho Chúa.
«Cantemus Domino, gloriose enim magnificatus est”. Tôi xin hát mừng uy danh Chúa: bởi vì Ngài đã chiến thắng cách kỳ diệu”.[1] Phụng vụ của đêm Vọng Phục sinh kết hợp cách nhuần nhuyễn bài ca này với câu chuyện dân tộc Israel đi qua biển đỏ: âm nhạc, tràn ngập niềm vui, nảy sinh cách tự nhiên khi chạm vào sự gần gũi của Thiên Chúa. Đối với dân được chọn, phép lạ chia đôi lòng biển đã trở thành biểu tượng cho sự gần gũi của Thiên Chúa: Những bài thánh vịnh thường xuyên vang lên.[2] Vào thời của Giáo hội, biến cố này nói cho chúng ta về phép rửa, về thập giá và về thiên đàng… nó nói cho chúng ta về cuộc sống của mình và sự sống mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta ở bờ bến khác, “không phải chỉ tô đẹp cho cuộc sống hiện tại này: nó vượt quá trí tưởng tượng, vì Thiên Chúa liên tục làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng tình yêu và lòng xót thương của Ngài”.[3]
Đứng trước “Thiên Chúa của những bất ngờ”,[4] một Thiên Chúa luôn đổi mới mọi sự,[5] “lời nói thì tiêu tan, ngôn ngữ không thể diễn tả được; ngay cả trí tuệ cũng lặng im. Không thể suy luận, chỉ biết ngắm nhìn! Và linh hồn lần nữa bừng lên một bài ca mới, vì nó cảm nhận được và biết đáp lại từ cái nhìn trìu mến của Thiên Chúa, trong từng thời điểm hằng ngày”.[6] Trước mặt Thiên Chúa, Đấng luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng những điều mới lạ của mình, bất chợt làm nảy sinh những lời ca khen và tôn thờ: ca hát và im lặng. Cả hai đều được liên kết cách mật thiết, bởi vì nó diễn tả những gì mà ngôn từ đơn sơ không thể nói hết được. Cho nên phụng vụ dành cho chúng những khoảnh khắc trang nghiêm nhất. “Như đã nói, Giáo hội ca hát bởi vì nói vẫn không đáp ứng đủ cho việc cầu nguyện. – Bạn là người kitô hữu, – người kitô hữu được chọn – bạn phải học cách hát phụng vụ”.[7]
Một bài ca mới
Không thể giải quyết theo khả năng con người, đó là tình trạng của dân được chọn khi bị biển đỏ và quân đội Ai Cập bao vây. Phía trước là rào chắn của biển, sau lưng là uy lực của kẻ thù. “Địch quân tự nhủ rằng: “Ta đuổi theo bắt lấy, chiến lợi phẩm đem chia, mới no lòng thoả dạ; ta tuốt lưỡi gươm trần, cứ thẳng tay tiêu diệt” (Xh 15,9). Vì vậy, nhiều lần chúng ta thấy Giáo hội cũng bị bao vây bởi những kẻ muốn xóa sổ Giáo hội khỏi mặt đất này, hay ít là muốn làm cho đặc tính siêu nhiên trở nên trống rỗng.
Nhưng Thiên Chúa ở cùng chúng ta như đã ở với dân Israel. Đối diện với sự bất khả của con người, vinh quang của Thiên Chúa tỏa sáng, tương phản với sức mạnh của Pharaô và của các pharaô trong lịch sử: một cách hoàn toàn bất ngờ, biển lùi bước mở đường cho chúng ta, rồi sau đó ập lại trước mặt kẻ thù. “Ngài hà hơi nổi gió, biển vùi lấp chúng đi, chìm lỉm tựa như chì giữa nước sâu cuồn cuộn” (Xh 15,10).
Trình thuật Thánh kinh không cho thấy những suy nghĩ của dân Israel, khi họ vượt qua giữa lòng biển khô cạn, với những bức tường nước hai bên tả và hữu. Chỉ đợi đến phần cuối Kinh thánh mới hướng nhìn về phía dân Israel để trình bày những phản ứng của họ. “Toàn dân kính sợ Thiên Chúa, tin vào Thiên Chúa, tin vào ông Môsê, tôi trung của Người. Bấy giờ ông Môsê cùng với con cái Israel hát mừng Thiên Chúa bài ca sau đây. Họ ca rằng: “Tôi muốn hát mừng uy danh Chúa: bởi vì Ngài đã chiến thắng cách kỳ diệu” (Xh 14,31-15,1): nỗi sợ hãi và niềm tin vào Thiên Chúa được đổi mới, chảy tràn nơi bài ca mới[8] đầu tiên mà Kinh thánh đã ghi chép.
Chúng ta không biết loại âm nhạc đó ra sao. Không ai có thể gìn giữ nó bằng bất cứ cách nào và ngay cả việc truyền khẩu cũng không làm cho nó đến được với chúng ta. Tuy nhiên, chân thành mà nói: nó tuôn trào từ lòng biết ơn sâu xa, thể hiện ý nghĩa tôn thờ sâu sắc. Thật sự rất ấn tượng: bất kỳ nhân chứng bên ngoài nào cũng có thể chạm tay vào sự hiện diện của Thiên Chúa qua bài hát đó, như thể họ là những người đang hợp tấu nó.
Sau sự kiện này, dân Israel lại gặp những khó khăn khác trong hoang địa. Trước hết, dòng nước đắng ở Mara, đã trở nên ngọt ngào nhờ khúc gỗ, hình ảnh của Thập giá;[9] sau đó là sự khắc nghiệt của hoang địa tội lỗi, được Thiên Chúa xoa dịu bằng manna và chim cút, bằng nước ở Massa và Meriba… Thiên Chúa luôn có thể khắc phục được những khó khăn và dân lại bắt đầu ca hát. Niềm hy vọng đã đến vào thời điểm mà mọi thứ sẽ là một bài ca mới.
Cuộc giáng lâm của Chúa Kitô mở đầu cho ơn cứu rỗi dứt khoát: “Ơn cứu rỗi thuộc về Con Chiên, thuộc về Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai” (Kh 7, 10). Lúc bấy giờ bài ca mới bắt đầu được cất lên, và sẽ không bao giờ kết thúc. Tuy nhiên, cùng lúc đó, chúng ta mong đợi thời điểm mà bài ca mới sẽ được đầy đủ, như sách Khải huyền đã trình bày cho chúng ta (Kh 5, 9-10; 14, 3). Cách nào đó Giáo hội đã đến được vùng đất hứa, nhưng vẫn tiếp tục cuộc lữ hành qua sa mạc: do đó, trong phụng vụ, Giáo hội tự cho mình giống như “những người lữ hành trần thế” [peregrinans in terra].[10] Thực ra, từ “mới” theo ngôn ngữ kinh thánh, “không gợi lên quá nhiều tính mới lạ bề ngoài của từ ngữ, như thể đó là cùng đích viên mãn, đóng dấu cho niềm hy vọng. Cho nên mục tiêu của lịch sử được hát lên, cho đến khi tiếng nói của sự dữ phải im bặt […]. Dù sao, sau khía cạnh tiêu cực này, chiều kích tích cực của thế giới mới đầy hạnh phúc sẽ xuất hiện với một không gian rộng lớn hơn nhiều”.[11]
Âm nhạc thiên quốc
“Khi Chiên Con đã lãnh cuốn sách, thì bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh. Các vị hát một bài ca mới” (Kh 5, 8-9). Thánh kinh, trong chừng mực của nó, không quên đề cập đến bài ca thiên quốc. Thật hợp lý khi đề cập đến nó, bởi vì “Thiên Chúa không đơn độc, nhưng Ngài là tình yêu vinh hiển và vui tươi, lan tỏa và ngời sáng”.[12] Trí tưởng tượng có thể gợi ra cho chúng ta thấy âm nhạc đi kèm với Thánh Mẫu khi Ba Ngôi Chí Thánh đón rước Mẹ vào thiên đàng. Đạo binh các thiên thần chờ đợi Nữ hoàng của họ sắp xuất hiện trong thân xác và linh hồn. Âm nhạc thật trang nghiêm, ngập tràn tình cảm, vui tươi, một vẻ đẹp quân bình thanh tú. Thánh Mẫu xuất hiện, rực rỡ, và Chúa Con, Đấng dẫn đưa nhân loại vào trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, đón nhận Mẹ của mình.
Phụng vụ trần gian, ngay cả khi chúng ta không hiểu hết vẻ đẹp của nó, có thể do hoàn cảnh khách quan hoặc chủ quan, là “việc tôn thờ đền thờ cụ thể là Chúa Kitô Phục sinh, Đấng dang tay trên thập giá để lôi kéo tất cả mọi người về trong vòng tay yêu thương vô bờ của Thiên Chúa. Đó là sự phụng thờ của thiên đàng rộng mở.[13] Vì thế, các kinh Tiền tụng trong Thánh lễ đều kết thúc bằng việc mời gọi tất cả mọi người hát bài Thánh Thánh [Sanctus] cùng với các thiên thần và các thánh. Trong bài Sanctus, trời và đất được hợp nhất với nhau: “Với tâm tình tạ ơn dạt dào, chúng ta hòa với lời ca của bao thế kỷ, lời ca nối đất với trời, nối thiên thần với loài người”.[14] “Tôi vui mừng và hân hoan cùng với các thiên thần; và tôi không cảm thấy khó chịu, bởi vì tôi biết rằng bao quanh tôi là các thiên thần khi tôi cử hành Thánh lễ. Họ thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi”.[15]
Đúng vậy, trong trình thuật các thiên thần loan tin cho các mục đồng, “thánh sử Luca không nói rằng các thiên thần đã ca hát. Ngài viết cách đơn sơ: “các thiên binh ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời…” (Lc 2, 13) . Nhưng từ lâu con người luôn biết rằng lời của các thiên sứ thì khác với lời của con người, và chính trong đêm vui mừng này, thông điệp được công bố là bài ca mà qua đó đã làm tỏa sáng vinh quang cao cả của Thiên Chúa. Vì thế, ngay từ xa xưa, bài ca của các thiên thần được hiểu là khúc nhạc xuất phát từ chính Thiên Chúa, nó như lời mời gọi mọi người cùng nhau hợp xướng trong niềm hân hoan của tâm hồn vì biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương”.[16]
Đây là khung cảnh mà tính sáng tạo âm nhạc phong phú của phụng vụ được khắc ghi, bắt đầu phát triển qua lời cầu nguyện của dân Israel: nỗ lực hòa nhập với vẻ đẹp của Thiên Chúa, hướng chúng ta lên thiên đàng. “Phụng vụ là thời gian và không gian của Thiên Chúa. Chúng ta phải đặt mình ở đó, trong thời gian và không gian của Thiên Chúa, đừng nhìn vào đồng hồ. Phụng vụ chính là bước vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa; để cho mình được dẫn đến với mầu nhiệm và sống trong mầu nhiệm”.[17] Cũng với giọng điệu trên, thánh Josemaría đã viết rằng “trong thánh lễ những chiếc đồng hồ phải dừng lại”[18]: trước mặt Thiên Chúa không có chỗ cho sự điều chỉnh phương tiện cách dễ dàng và thực dụng. “Cái bề ngoài của vẻ đẹp, của điều tốt, đem lại cho chúng ta niềm vui mà chúng ta không cần phải tự hỏi về tính hữu dụng của nó. Mọi vẻ đẹp xuất phát từ vinh quang của Thiên Chúa, làm vỡ òa trong chúng ta sự ngạc nhiên và vui sướng”.[19]
Trong tầm tay của mọi người
Sự tham gia của mỗi người trong việc hát phụng vụ cũng biểu lộ lòng yêu mến, “cảm thức về mầu nhiệm”[20] dẫn chúng ta đến việc đặt trong ngoặc các tiêu chuẩn về hiệu quả thực sự của các bối cảnh khác. Không xét đến hoàn cảnh gia đình và nghề nghiệp của mọi người, thường những gì liên quan đến việc giúp tôn thờ Thiên Chúa cách khả giác có thể được trao cho phụng vụ cử hành. Có lẽ từ điểm này, chúng ta sẽ đi ngược dòng với nền văn hóa thực dụng mà chúng ta là những đứa trẻ; nhưng cho dù như thế, khi dành thời gian cho phụng vụ, với sự lộng lẫy đơn sơ của niềm tin, chúng ta có thể đem cả thế giới đến với Thiên Chúa: chúng ta làm cho thế giới hiện diện trong cuộc sống hiện đại đầy náo nhiệt, một cuộc sống không hề biết dành thời gian cho Thiên Chúa. “Không lạ gì khi nhiều người tín hữu điềm đạm và thậm chí rất nghiêm túc trong các mối quan hệ cuộc sống (họ không vội vàng), trong các hoạt động ít linh hoạt của họ, ở bàn ăn, trong giờ nghỉ (ngay cả khi họ đang vội vàng), họ cảm thấy bị thôi thúc bởi sự vội vàng và họ thúc giục các linh mục, với mong muốn rút ngắn thời gian dành cho Hy tế thánh thiện trên bàn thờ?”.[21] Đức tin “là tình yêu và từ đó tạo ra thơ ca và âm nhạc”[22]: nếu đức tin của chúng ta sống động, chúng ta cũng sẽ biết cách tự so sánh điểm này với các kitô hữu tiên khởi, là những người mà thánh Phaolô đã khích lệ ca hát và tán dương Thiên Chúa với tất cả tâm hồn (x. Eph 5, 19; Col 3, 17). Do đó, âm nhạc phụng vụ không phải là vấn đề của chủ nghĩa tình cảm hay thẩm mỹ: đó là vấn đề của tình yêu, của ước muốn “nói về Thiên Chúa với con tim dịu dàng”[23], chứ không phải theo hình thức và khô khan, với một con tim thiếu rung động”[24]. Cũng như khi chúng ta cảm thấy thiếu vắng âm nhạc trong khoảnh khắc lễ hội của cuộc sống, tự nhiên chúng ta muốn trao tầm quan trọng này cho phụng vụ. Đôi khi, trong những ngày lễ, chỉ cần một bài hát ngắn về lòng sùng kính là đủ: Adoro te devote, Ave Maris Stella, Rorate Coeli … Vào các dịp lễ, tùy theo sở thích của các tín hữu, âm nhạc sẽ đóng vai trò chính: một số phần của thánh lễ sẽ được hát – kinh Vinh Danh, kinh Thánh Thánh…v.v. -, có thể có đàn organ đệm theo.
Qua nhiều thế kỷ, Giáo hội đã tích lũy được một truyền thống quý báu về thánh nhạc. Sự mới mẻ của việc thờ phượng Kitô giáo đã tạo điều kiện cho việc tìm kiếm những hình thức thơ ca và âm nhạc mới, chúng cho thấy cách mà lời cầu nguyện được nâng cao đến lạ thường. “Bổn phận của con người là hát những bài Thánh vịnh, nhưng hát những bài tụng ca là nhiệm vụ của các Thiên thần và những ai có cuộc sống giống như các Thiên thần ”.[25] Vì vậy, trong phụng vụ Rôma, Bình ca được xem là loại âm nhạc đặc thù[26], qua đó chúng ta có thể cầu nguyện trong khi cử hành Thánh lễ: chẳng hạn như Sách lễ Rôma cho in các nốt nhạc để có thể hát per ipsum – chính nhờ Người – vào cuối Kinh nguyện Thánh thể, cũng có thể dùng cho các lời nguyện khác.
Trong kho tàng vô giá về thánh nhạc Kitô giáo, chúng ta thấy có những bài hát nằm trong tầm tay và khả năng của tất cả mọi người: từ những giai điệu đơn giản cho đến những bài đa âm phức tạp. Ngoài ra còn có những bài hát mới đây, do bản sắc văn hóa riêng của nó, có thể phụng hiến nét nhạc cho mầu nhiệm của Thiên Chúa. Những tác phẩm truyền thống và hiện đại nhất đều có trong những cuốn sách được xuất bản và dành cho các tín hữu; cũng có thể biên soạn bộ sưu tập các bài hát phù hợp cho từng địa phương.
Đây cũng là một lĩnh vực đầy hứa hẹn cho những người có sự chuẩn bị tốt về âm nhạc: cam kết cống hiến sự sáng tạo của họ nhằm làm cho việc thờ phượng được tươi sáng hơn, nó cũng sẽ làm cho họ trở thành những người quảng đại hơn với Thiên Chúa, bởi vì, khi dành thời gian cho Thiên Chúa và tha nhân là họ dâng hiến hy lễ của Abel[27].
Trong một số trường hợp, ít ra cũng nên lưu tâm đến lòng nhiệt thành của người nấu dọn, chẳng hạn như, bữa tiệc sinh nhật của mình; nên học thuộc một số bài hát thuộc về văn hóa Kitô giáo, và như thế nó diễn tả một cảm xúc phụng vụ đích thực và nâng đỡ cầu nguyện. Trong phụng vụ, chúng ta ở với Chúa, và Chúa thích chúng ta hát, vì đôi khi nói thôi vẫn chưa đủ.
Ngôn ngữ thờ phượng
Trong phụng vụ, âm nhạc không đơn thuần là nhạc đệm hay trang trí; nó cũng không dùng để giải thích một chủ đề tôn giáo nhằm lôi kéo sự chú ý về nó: cả hai trường hợp âm nhạc song hành với việc cử hành, thay vì chỉ riêng một mình nó.[28] Âm nhạc phụng vụ đích thực tự nó là lời cầu nguyện, chính nó là phụng vụ; nó không làm chúng ta mất tập trung, không bị giới hạn trong việc mang lại cho chúng ta cảm xúc vui tươi hay yêu thích thẩm mỹ; nó giúp chúng ta bình tĩnh lại, dẫn chúng ta vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Âm nhạc phụng vụ đưa chúng ta đến việc tôn thờ, trong im lặng, là một trong những ngôn ngữ đặc thù của nó: “Im lặng – ĐTC nhắc nhở – là bóng mây che phủ mầu nhiệm”.[29] Nếu âm nhạc thuộc về Thiên Chúa, nó sẽ không cạnh tranh với sự im lặng: nó sẽ dẫn chúng ta đến sự im lặng đích thực, im lặng của tâm hồn.
Những khoảnh khắc im lặng mà phụng vụ quy định – trước khi bắt đầu Thánh lễ, trước hành động sám hối, trước lời nguyện, khi truyền phép, v.v. – là lời mời gọi chúng ta tập trung thờ phượng. Nó chuẩn bị cho chúng ta giây phút hiệp thông, bởi vì “để thực sự hiệp thông với người khác thì tôi phải biết họ, biết ở cạnh người đó trong sự thinh lặng, để lắng nghe người đó, ngắm nhìn người đó bằng tình yêu. Tình yêu đích thực và tình bạn đích thực luôn dựa trên mối tương quan hỗ tương này, dựa trên sự thinh lặng cao độ, hùng hồn, trân trọng và sùng kính, để cuộc gặp gỡ được trải nghiệm cách sâu sắc, cách riêng tư và không hời hợt”.[30]
“Bạn, tôi, chúng ta có thờ lạy Chúa hay không? Đức Giáo hoàng hỏi chúng ta, ngài hướng chúng ta đến trung tâm thân mật nhất của phụng vụ, đó sẽ là thiên đàng của chúng ta. “Chúng ta đến cùng Chúa phải chăng chỉ để cầu xin, cám tạ hay chúng ta cũng đến nơi Chúa để thờ lạy Ngài? Thờ lạy Chúa như vậy có nghĩa là gì? Có nghĩa là ở với Chúa, dừng lại đối thoại với Chúa, cảm thấy rằng sự hiện diện của Chúa là chân thực nhất, tốt lành nhất, quan trọng hơn tất cả mọi sự. […] Thờ lạy Chúa có nghĩa là dành cho Chúa chỗ thuộc về Ngài; thờ lạy Chúa có nghĩa là khẳng định, tin, nhưng không phải chỉ bằng lời nói, rằng chỉ có Chúa thực sự hướng dẫn cuộc sống chúng ta; thờ lạy Chúa có nghĩa là chúng ta xác tín trước Chúa rằng chỉ mình Ngài là Thiên Chúa, Chúa Tể đời sống và lịch sử của chúng ta”.[31]
Carlos Ayxelà
G. Võ Tá Hoàng
Chuyển ngữ từ: opusdei.org
Nguồn: gpquinhon.org
—-
[1] Xh 15, 2
[2] Xem Tv 65 (66): 77 (78): 105 (106); 135 (136).
[3] ĐGH Phanxicô, Bài giảng tại nhà nguyện Matta, 20-1-2014.
[4] ĐGH Phanxicô, Bài giảng tại nhà nguyện Matta, 20-1-2014.
[5] Xem Kh 21, 5.
[6] Thánh Josemaría, Những người bạn của Thiên Chúa, số 307.
[7] Thánh Josemaría, Hành trình, số 523.
[8] Xem Tv 32 (33); 39 (40); 95 (96); 97 (98); 143 (144). 149.
[9] Xem Xh 15, 22-25.
[10] Sách lễ Rôma, Kinh nguyện Thánh Thể III.
[11] Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, 26-1-2006; x. Tv 143 (144).
[12] Bênêđictô XVI, Bài giảng, 19-2-2012.
[13] Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, 3-10-2012.
[14] Bênêđictô XVI, Bài giảng, 24-12-2010
[15] Thánh Josemaría, Chúa Giêsu, Ngài đang đi qua, số 89.
[16] Bênêđictô XVI, Bài giảng, 24-12-2010.
[17] ĐGH Phanxicô, Bài giảng, 10-2-2014.
[18] Thánh Josemaría, Forgia, số 436.
[19] Bênêđictô XVI, Bài giảng, 24-XII-2010
[20] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, 17-4-2003, số 49.
[21] Thánh Josemaría, Hành trình, số 530.
[22] Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, 21-5-2008.
[23] Thánh Josemaría, Những người bạn của Thiên Chúa, số 167.
[24] Thánh Josemaría, Forgia, số 930.
[25] Origene, Sel. in psalmos, Tv 119 (118), 71.
[26] Xem Vaticano II, Hiến chế Phụng vụ thánh (4-12-1963), số 116.
[27] Sách lễ Rôma, Kinh nguyện Thánh Thể I; xem. St 4, 4.
[28] CĐ Vaticano II, Hiến chế Phụng vụ thánh (4-12-1963), số 112.
[29] ĐGH Phanxicô, Bài giảng tại nhà nguyện Matta, 20-12-2014.
[30] Bênêđictô XVI, Bài giảng, 7-6-2012.
[31] ĐGH Phanxicô, Bài giảng, 14-4-2013.