Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép
***
1- Theo giáo luật (điều 767, 1), việc giảng lễ chỉ dành riêng cho tư tế hoặc phó tế. Vậy, một linh mục có được phép đưa những người làm chứng lên chia sẻ trong phần bài giảng của mình không?
Thực hành đưa những người làm chứng lên chia sẻ trong phần bài giảng thuộc về phạm trù “giáo dân thuyết giảng”. Đúng là theo giáo luật (điều 767, 1) và được Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] (số 66) cũng như Huấn thị Bí tích Cứu độ [2004] (các số 64-66; 161) nhắc lại, việc giảng lễ chỉ dành riêng cho tư tế hoặc phó tế và không bao giờ trao cho một giáo dân. Thế nhưng, tín hữu giáo dân lại được phép “chia sẻ” trong thánh lễ [chứ không phải giảng lễ] qua những hướng dẫn và làm chứng của họ bằng việc suy niệm Lời Chúa, giải thích bản văn Kinh Thánh hoặc thuyết trình. Tuy nhiên, ngay cả bài giảng lễ của LM và PT cũng không được xem như thời gian dành cho các ngài chia sẻ chứng tá cá nhân với những câu chuyện riêng tư của mình mà bài giảng lễ phải diễn tả đức tin của GH (Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Chỉ Nam Giảng Lễ, số 6), bởi vậy, phải thật cẩn trọng khi đưa người làm chứng trong thánh lễ và tuân giữ những gì nói tiếp dưới đây:
1. Thực hành này phải được HĐGM cho phép. Chẳng hạn HĐGM Hoa Kỳ chỉ cho phép giáo dân chia sẻ trong một vài trường hợp như: khi vắng hay thiếu hụt giáo sĩ, khi đòi hỏi phải sử dụng một ngôn ngữ khác biệt hoặc liên quan đến lãnh vực thuộc về chuyên môn hay kinh nghiệm của giáo dân, nhưng không bao giờ giáo dân được giảng trong thánh lễ (USCCB Decree, 13/12/2001, BCL Newletter 37 [2001] 49-50). Nếu như HĐGM không ra chỉ thị về vấn đề này, thì phải tuân theo các quy luật liên quan đến việc giảng thuyết được ban hành bởi ĐGM giáo phận (Bộ Giáo Luật, số 756#2; 772#1);
2. Nếu thấy cần để một giáo dân lên thông báo tin tức hay trình bày một chứng từ đời sống kitô hữu cho các tín hữu tụ họp trong nhà thờ/ nhà nguyện, cách chung nên làm việc này ngoài thánh lễ. Nhưng mà, vì những lý do nghiêm trọng, được phép trình bày loại thông báo hay chứng từ này khi linh mục đã đọc xong lời nguyện Hiệp Lễ chứ không được đưa họ lên làm chứng trong phần bài giảng của thánh lễ. Tuy vậy, một việc làm như thế không được trở thành thói quen, nghĩa là thuộc trường hợp ngoại lệ chứ không phải thường lệ. Hơn nữa, việc chia sẻ và làm chứng phải mang hình thức ngắn gọn, phải luôn luôn hòa hợp với các quy tắc phụng vụ, được trình bày trong những dịp đặc biệt mà thôi (chẳng hạn như ngày của chủng viện, ngày bệnh nhân, v.v…), cũng như không được xem nó như là một sự thăng tiến chính thức của hàng giáo dân. Đồng thời, những thông báo và chứng từ này không được có những đặc tính có thể làm lẫn lộn chúng với bài giảng lễ, và cũng như không là nguyên nhân để loại bỏ hoàn toàn bài giảng (Xc. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Bí tích Cứu độ, các số 74, 161; Bộ Giáo sĩ và Các Bộ khác, Huấn thị liên bộ về một số vấn đề liên quan đến việc giáo dân cộng tác vào sứ vụ của các linh mục,Ecclesiae de mysterio, 15/08/1997, số 3: AAS 89 (1997), 852-877)
3. Người chia sẻ hay làm chứng phải là một tín hữu công giáo vì theo Bộ Giáo Luật: (1) Những người giảng Lời Chúa, trước hết hãy trình bày những điều cần phải tin và phải làm nhằm vinh danh Chúa và cứu rỗi nhân loại; (2) Cũng phải trình bày cho tín hữu giáo thuyết Hội Thánh dạy về nhân phẩm và tự do của con người, về sự duy nhất và sự vững bền cùng những trách vụ của gia đình, về những bổn phận của những người công dân sống trong xã hội, và cả về việc điều hành những việc trần thế theo trật tự Chúa đã ấn định (điều 768).
4. Chỉ đôi khi giáo dân mới chia sẻ trong thánh lễ với trẻ em trong trường hợp thánh lễ đó có ít người lớn tham dự nhất là khi vị gỉang lễ tự thấy rằng mình khó có thể thích ứng hay đồng cảm với tâm trí của trẻ em. Việc chia sẻ này được sự đồng ý của cha sở hay quản nhiệm nhà thờ trên căn bản là quyền ban phép thực thụ cho thực hành này chỉ thuộc thẩm quyền của các Đấng Bản Quyền sở tại mà thôi [như đã nói ở số 1) trên], và luôn luôn là ad actum, chứ không thuộc quyền ai khác, kể cả các linh mục hay phó tế(Bộ Phụng Tự, Hướng dẫn Thánh lễ với Trẻ em, 01/11/1973, AAS 66 [1974], 24; Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 161). Và chỉ thỉnh thoảng giáo dân mới chia sẻ như một phần phụ thêm vào bài giảng lễ của LM hay PT hoặc có thể thay thế cho bài giảng lễ khi vị giảng lễ (LM hoặc PT) bị ngăn trở về thể lý hay luân lý. Vì dầu sao, sự trợ giúp này không được dự liệu để đảm bảo cho người giáo dân tham dự đầy đủ hơn, nhưng, tự bản tính, nó là bổ sung và tạm thời; còn bổn phận đầu tiên của những người có chức thánh vẫn là rao giảng Lời Chúa cho dân Chúa nhằm thánh hóa họ và để tôn vinh Thiên Chúa (Bộ Giáo Luật, số 213; 756#2; 757; 762 và 772#1; Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 151).
2- Nghi thức đặt tay có ý nghĩa gì trong các cử hành phụng vụ? Việc Rẩy Nước phép trong nghi thức phụng vụ được phép thực hiện như thế nào?
A- Nghi thức đặt tay có ý nghĩa gì trong các cử hành phụng vụ?
Hành động đặt tay bằng cách đặt một tay hay hai tay trên một ai đó hay trên một vật thể nào đó là cử chỉ mang ý nghĩa bí tích. Vì thế, cử điệu này được vịchủ sự cử hành phụng vụ sử dụng trong nhiều nghi thức phụng vụ với những ý nghĩa như sau:
- Nài xin Chúa Thánh Thần ngự xuống (x. Cv 8,17.19-20; 19,6) thánh hóa lễ phẩm bánh và rượu [trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể] để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô hoặc diễn tả việc ban phép lành trọng thể cho đoàn dân trong thánh lễ nhưng hai tay của vị chủ tế phải giơ cao hơn những trường hợp khác (Xc. Lễ nghi Giám mục, số 105;106).[1]
- Sai đi hay trao ban một sứ vụ (x. Cv 6,2-6; 13,2-3; 12Tm 4,14; 2Tm 1,6): như diễn ra trong nghi thức phong chức PT, LM và GM (QCSL, số 4). Cử điệu đặt tay của Đức Giám mục chủ phong trên các tiến chức bấy giờ diễn tả mối tương quan hiệp thông giữa tiến chức với Thiên Chúa và Hội Thánh để nhờ sự nâng đỡ của Thiên Chúa và cộng tác của toàn thể Hội Thánh họ có thể vươn tới Đấng Tuyệt Đối cũng như hoàn thành sứ vụ được trao phó.[2]
- Ban ơn tha thứ và hòa giải (1Tm 5,22).
- Chữa lành (x. Mt 7,32; 8,23-24; Mc 16,17-18; Lc 4,40; 13,13; Cv 28,8): như trong phép xức dầu bệnh nhân. Trong trường hợp có số đông bệnh nhân muốn lãnh nhận bí tích này thì không cần LM đặt tay trên từng người mà chỉ đặt tay trên một bệnh nhân đại diện thôi (Sách Lễ nghi Giám mục, số 653).[3] Cử điệu này nhằm 2 mục đích: [i] Cầu nguyện cho tâm hồn và thân xác người bệnh được mạnh mẽ trước những đau đớn và thử thách hiện tại họ phải đương đầu; [ii] Cộng đồng Hội Thánh chia sẻ gánh nặng họ đang phải mang và như muốn nói với bệnh nhân rằng họ không cô đơn khi phải mang vác những gánh nặng như thế.[4]
B- Việc Rẩy Nước phép trong nghi thức phụng vụ được phép thực hiện như thế nào?
Nước thánh biểu trưng cho sự thanh tẩy. Trong bí tích Rửa tội, người ta dìm,rảy hoặc đổ nước trên thụ nhân bởi nước được coi là chất liệu chính yếu của bí tích này (x. Ga 3,5). Nước thánh là một phụ tích, vì thế được dùng để rảy trên người, trên vật thể và nơi chốn tùy nghi thức như dấu hiệu dùng trong việc ban phép lành và mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Rảy nước thánh trên các tín hữu nhắc nhớ họ về bí tích Tái sinh đã lãnh nhậnnhờ đó họ sẽ cùng chết, mai táng và phục sinh với Chúa Kitô, nghĩa là được thông dự vào cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết; nghi thức này cũng đề cao “chức tư tế cộng đồng của tín hữu”[5] và nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa bí tích Rửa tội và việc tham dự thánh lễ của họ.[6]
Việc rảy nước thánh trên vật thể và nơi chốn khi làm phép nhắc nhở chúng ta sử dụng các thực thể ấy vào mục đích tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha.[7]
Với ý nghĩa như vậy, việc rẩy nước thánh được phép thực hiện trong nhiều trường hợp, ví dụ như:
- Ngày Chúa nhật, nhất là trong mùa Phục sinh, thay vì hành động thống hối thường lệ, đôi khi có thể làm phép và rảy nước thánh trên dân (xc.phần phụ lục II của Sách lễ Rôma 2002, 177-181; QCSL 51). Trong lễ Đêm Vọng Phục sinh, các tín hữu được rẩy nước thánh sau khi lập lại những lời cam kết của bí tích Rửa tội.
- Trong nghi thức an táng, việc rảy nước thánh trên thi hài của tín hữu cũng nhắc nhở bí tích Thánh tẩy người đó đã lãnh nhận và nhờ bí tích này họ được đưa vào đời sống vĩnh cửu.[8]
- Trong lễ cưới, linh mục làm phép nhẫn cưới với nước thánh không chỉ như một hành vi thanh tẩy mà còn là một dấu hiệu “sương rơi từ trên”. Sương rơi xuống mặt đất sẽ làm trổ sinh sự sống và phong nhiêu, do đó, ý nghĩa của việc làm phép nhẫn là hồng phúc của Thiên Chúa sẽ xuống trên đôi hôn nhân và sự phồn thịnh sẽ đến với gia đình họ.[9]
- Làm phép và rảy nước thánh trên ảnh tượng thánh; vật dụng thánh dùng trong phụng vụ; lá trong ngày lễ Lá; tro trong ngày thứ tư lễ Tro, nến trong thánh lễ dâng Chúa vào đền thánh (2/2) …
Những điểm sau đây cần lưu ý khi rảy nước thánh trong thánh lễ:
- Nghi thức rảy nước thánh thay cho hành động thống hối (QCSL 51) chỉ được phép diễn ra trong thánh lễ, chứ không bên ngoài thánh lễ như trong hình thức thánh lễ ngoại thường.[10]
- Nếu một giáo xứ lớn với khá đông người tham dự Thánh lễ và phải mất nhiều thời gian mới rảy xong, nên sử dụng thêm nhiều bình chứa khác. Các thừa tác viên sẽ chia nhau rẩy trong khu vực được phân công cho mình với một giúp lễ cầm bình nước thánh đi theo.[11]
- Không rảy nước thánh từ phía sau lưng dân chúng.[12]
- Đừng bao giờ làm nghi thức rẩy nước thánh quá long trọng đến nỗi làm lu mờ việc cử hành Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.[13]
- Chủ đề của bài thánh ca đi kèm nghi thức rẩy nước thánh phải liên quan đến ý nghĩa của nước, bí tích Thánh tẩy hay công cuộc canh tân đời sống.[14]
Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Tháng 3 năm 2019
[1] Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, số 191.
[2] Xc. Antonio Donghi, Words and Gesture in the Liturgy, 49.
[3]Xc. Edward McNamara, “Healing Masses” từ The ZENIT Daily Dispatch © Innovative Media, Inc. (21/07/2009).
[4]Xc. Antonio Donghi, Words and Gesture in the Liturgy, 50.
[5] Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 10.
[6] Xc. Edward Foley, “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts”, trong ed. Edward Foley, A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Collegeville, MN: A Pueblo/ The Liturgical Press,2007),142.
[7] Xc. Antonio Donghi, Words and Gesture in the Liturgy, dg. William McDonough, Dominic Serra, Ted Bertagni (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2009), 48.
[8] Xc. Emilio Higglesden, “Signs and Symboles: A Reflection”, Faith – Vol. 117, No. 4, 1990.
[9] Xc. Ibid.
[10] Xc. Edward McNamara, “Phó tế hoặc thừa tác viên giáo dân rảy nước thánh được không?”, dg. Nguyễn Trọng Đa, từ Zenit.org (24/05/2016).
[11] Xc. Denis C. Smolarski, Q & A: The Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2002), 6-7.
[12] Ibid.
[13] Ibid.
[14] Dominic Thuần, sss, Cử hành Thánh lễ (Hoa Kỳ: Dân Chúa, 1994), 32.