BÀI THUYẾT TRÌNH
VỀ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
VÀ CÁC VỊ TỬ ĐẠO BÀ RỊA
***
Trong niềm hân hoan mừng kỷ niệm 30 năm biến cố 117 vị Tử Đạo Việt Nam được tuyên phong hiển thánh, và trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam những chứng nhân đức tin anh dũng, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã xin Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ ngày 19 tháng 6 năm 2018 đến ngày 24 tháng 11 năm 2018.
Trong “Thư công bố Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mời gọi: “mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài”.[1]
Trong Năm Thánh đặc biệt này, Đức cha Emmanuel, vị chủ chăn Giáo phận Bà Rịa đã mời gọi tất cả thành phần dân Chúa: “Sốt sắng cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, gia tăng hy sinh hãm mình thực thi bác ái, đồng thời tích cực tham dự các cử hành Năm Thánh cấp Giáo phận cũng như tại các Giáo xứ Giáo họ biệt lập”.[2]
Trong ý hướng đó, chúng ta cùng sơ lược đôi nét về tiểu sử của Các Vị Tử Đạo Bà Rịa với những ý tưởng chính như sau:
I- Phước Tuy – Địa hạt Công giáo trước năm 1862
II- Bà Rịa – Phước Tuy, vùng đất thấm máu các vị tử đạo: hai năm lửa máu 1861 – 1862, 650 anh hùng tử đạo
III- Giai đoạn hồi sinh -“Máu các vị tử ðạo là hạt giống sinh nhiều Kitô hữu” (Tertuliano)
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, có sự tương tự như 3 thế kỷ đầu của Giáo Hội Công giáo buổi sơ khai. Khi hạt giống Tin mừng mới được gieo vào mảnh đất Việt Nam, lập tức bị các vua chúa phong kiến bách hại. Cuộc bắt bớ kéo dài gần 300 năm, với 53 sắc chỉ cấm đạo từ thời chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên, năm 1625) cho đến thời Văn Thân (1886).
Trong khoảng thời gian đó, có khoảng từ 130 ngàn đến 300 ngàn người Công giáo đã chết vì đức tin. Trong số đó có 117 vị, tử đạo từ 1745 đến 1862 (117 năm) đã được thánh Giáo hoàng Gioan Phao lô II tuyên phong lên bận hiển thánh năm 1988.
Giáo Phận Bà Rịa cũng được vinh dự hiến dâng cho Chúa khoảng 650 vị tử đạo trong số hơn 130 ngàn chứng nhân của Giáo hội Việt Nam.
I- PHƯỚC TUY – ĐỊA HẠT CÔNG GIÁO TRƯỚC NĂM 1862
1- Ðịa danh Bà Rịa – Phước Tuy
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Bà Rịa xưa là đất Chiêm Thành gồm cả một vùng rộng lớn từ Biên Hòa đến Bình Thuận. Năm 650 – 655, vùng này bị Thủy Chân Lạp thôn tính và đặt tên là nước Lịa, về sau người địa phương đọc trại ra là Bà Rịa theo thổ âm[3]. Ngày nay ở họ Thôm (Long Tân) còn có những di tích mộ cổ của người Chiêm Thành.
Trong Gia Định Thành Thông Chí[4] của Trịnh Hoài Đức (1820) nói tới việc vào năm 1674, 2 tướng triều Nguyễn là Diên Lộc và Dương Lâm đem quân đánh chiếm “Mô Xoài” tức Bà Rịa của người Cao Miên, rồi từ đó làm bàn đạp đánh chiếm Gia Định.
Đến thời vua Minh Mạng thứ 18 (1838), triều đình chia lại tỉnh hạt, lấy tên là phủ Phước Tuy, thuộc tỉnh Biên Hòa. Phủ Phước Tuy gồm huyện Phước An, Long Thành và Long Khánh. Huyện Phước An là phần đất thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bây giờ[5].
Từ sắc chỉ cấm đạo của nhà Nguyễn giai đoạn 1625-1665, và cuộc khai phá đất Phương Nam (1698), các Kitô hữu đến vùng đất Bar-Ya hay Ba-ria (Bà Rịa), Dou-nai (Ðồng Nai), Ben-go (Bến Gỗ), Dat-do (Ðất Ðỏ)… để yên bề sinh sống và giữ đạo. Họ được các thừa sai dòng Tên đi theo phục vụ. Theo ghi nhận của các thừa sai dòng Tên, năm 1670, ở Xích Lam (Ðất Ðỏ), gần Bà Rịa đã có gần 300 tín hữu Công giáo. Theo cha Adrien Launay[6], năm 1747, vùng Dou-nai (Ðồng Nai) 400, Ben-go (Bến Gỗ) 250, Moxoai (Mô Xoài) 400, Nui-nua (Núi Nứa) 50 và Ðất Ðỏ 380.
Chắc chắn vào năm 1862, có một khu vực truyền giáo khá quan trọng ở vùng Phước Tuy, với 6 họ đạo và khoảng 2.400 tín hữu.
2- Các họ đạo trước năm 1862
6 họ đạo gồm: Đất Đỏ, Thôm (Long Tân), Dinh (Phước Lễ), Thành (Long Điền), Gò Sầm, và Long Kiên – Long Xuyên.
Trước năm 1862, họ Đất Đỏ là họ chính trong địa hạt.
ĐẤT ĐỎ – Họ chính Đất Đỏ, cách tỉnh lỵ Phước Lễ 11 cây số. Họ này được chừng 1.100 giáo hữu ở rải rác trong ba làng: Phước Tuy, Phước Thọ và Thạnh Mỹ, nhà thờ cất trong làng Thạnh Mỹ. Nay là Giáo xứ Đất Đỏ.
THÔM – Tiến về phía Bắc độ 5,6 cây số, có hai làng Long Nhung và Long Hiệp (về sau nhập lại làm Long Tân); thường gọi là họ Thôm, tổng số giáo hữu chừng 500. Nay là Giáo họ biệt lập Long Tân.
DINH – Gọi là họ Dinh, vì là nơi có nha môn, có huyện phủ, có quan nhị phẩm cai trị, lại có dinh thự của quan liêu, cho nên gọi là họ Dinh, có tổng số 400 giáo hữu rải rác trong khắp làng Phước Lễ. Về sau họ Dinh một ngày một thịnh, trở thành họ chính trong địa hạt. Hiện nay là giáo xứ Chính tòa Bà Rịa.
THÀNH – Giữa Đất Đỏ và Phước lễ, có một họ khác gọi là họ Thành hay Long Điền, có 200 giáo hữu. Nay là giáo xứ Long Điền.
GÒ SẦM – Về phía Đông Đất Đỏ độ 10 cây số có họ Gò Sầm, tuy thuộc làng Thạnh Mỹ hay Phước Bửu, nhưng thật ra là một khu rừng giữa Phước Tuy và Bình Thuận, chỉ quy tụ được chừng 100 giáo hữu. Vì là một chốn rừng cao, nước độc nên số giáo hữu không thêm mà ngày càng bớt. Gò Sầm nay thuộc Giáo họ biệt lập Thanh An.
LONG KIÊN – LONG XUYÊN – Theo những tài liệu còn lại thì có hai Họ nữa: Từ Long Tân đi vòng về Phước Lễ, ở giữa có hai làng Long Kiên và Long Xuyên, hai nhóm nhỏ Công giáo ở đó; nhưng lúc bắt đạo, họ trốn đi tản mác trong các Họ lớn. Long Kiên – Long Xuyên là vùng đất thuộc xã Hòa Long bây giờ.
3- Đương đầu với ngược đãi
Đời vua Gia Long (1802-1820), giáo hữu được thở một làn không khí an tịnh và ra công xây dựng kiến thiết, nhưng chỉ là một giai đoạn ngắn.
Đời vua Minh Mạng (1820-1840), cuộc bách hại khai mào và tiếp tục mãi dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức.
Năm 1826, vua Minh Mạng ra sắc chỉ triệt hạ các nhà thờ, và nhà thờ Đất Đỏ bị tịch thu, dỡ về làm kho lúa cho đồn binh ở tại Dinh. Còn về sinh mạng thì không có người chết vì đạo.
Dù không có nơi thờ phượng, lại bị cấm hội họp, nhưng trong cả địa sở, bổn đạo vẫn vững tâm trải qua cơn ngược đãi. Bề ngoài tuy giữ đạo khó khăn, nhưng bên trong vẫn thịnh đạt, vì giáo hữu bền lòng chịu gian khổ, siết chặt tình thân yêu và nâng đỡ nhau phần hồn phần xác.
Giai đoạn ngược đãi này hơn 30 năm, tuy nhiều trở ngại nhưng vẫn có những linh mục hy sinh ẩn núp giúp đỡ giáo dân. Người ta còn nhớ được tên những Cha Kiểu, Tùng, Hạp, Hiển, Trí.
Dưới đời vua Thiệu Trị (1840-1847), có ông lái Gẫm (tức thánh Matthêu Lê Văn Gẫm), gốc làng Long Đại, gần Thủ Đức, cưới vợ ở họ Thành, về quê vợ và gia nhập họ Long Điền. Ngài là tay lái sành sỏi lại can đảm, nên Địa phận ủy thác trọng trách vượt biển sang Singapo rước Đức cha Lefevre về Sài Gòn. Ngày 7-6-1846 ngài bị bắt lúc thuyền đang ngược sông Sài Gòn. Gần một năm sau, ngày 11-5-1847 ngài bị trảm quyết tại Chợ Đũi, Sài Gòn. Trong số 4 người con của ngài, có 2 người tử đạo, trong đó một người bị thiêu trong ngục Phước Lễ năm 1862.
Tại Đất Đỏ cũng có ông trùm Sĩ, gia đình khá giả. Ông đã rước Đức cha Gioan Miche trốn tại nhà ông một ít lâu, ông cũng đào một cái hầm bí mật, hễ động dụng chuyện gì thì đem Đức cha xuống trốn. Khi bị phát hiện, ông đã liệu đưa Đức cha ra Phước Hải và thuê thuyền chở người ra khỏi nước. Đức Cha thoát được, còn chính ông bị bắt và cầm tù tại Biên Hòa và đã chết rũ tù.
Cơn bách hại này như rèn luyện giáo hữu Phước Tuy để chịu những cuộc tàn sát về sau.
II. BÀ RỊA – PHƯỚC TUY, VÙNG ĐẤT THẤM MÁU CÁC VỊ TỬ ĐẠO: HAI NĂM LỬA MÁU 1861 – 1862, 650 ANH HÙNG TỬ ĐẠO
Vua Tự Đức (1847-1883) cai trị 36 năm và ban hành tới 13 sắc chỉ cấm đạo, trong đó có sắc chỉ phân sáp năm 1860.
Thời đó tỉnh Biên Hòa có một số giáo hữu khá đông, phân tán trong các khu đông người. Độ tháng 8 năm 1861, có sắc chỉ truyền cho các làng phải kiểm tra tổng số nam phụ lão ấu công giáo. Kiểm tra xong, nhà chức trách cứ chiếu theo danh sách lùng bắt giáo dân đem nộp cho Cai tổng. Đến tổng thì giáo hữu bị đóng gông và thích vào hai bên má chữ: Biên Hòa tả đạo. Họ có ý lăng nhục giáo hữu, và giả như có ai lẩn trốn thì cũng không sao tránh được con mắt chính quyền. Thích tự như thế còn mãi.
Vùng Phước Tuy lại được lệnh cấp tốc làm bốn cái ngục.
1- Bốn ngục thất
Có nhiều giáo hữu khôn khéo và cũng nhờ người lương che chở, nên tránh được cuộc kiểm tra danh sách. Nhưng số bổn đạo bị bắt độ 700 người thuộc 5 sở họ.
700 người này bị giam trong bốn ngục xa nhau:
1) Ngục chính tại làng Phước Lễ, cách dinh quan Phủ chừng 200 thước, là chính chỗ nhà thờ mồ bây giờ. Ngục này giam 300 đàn ông, còn ba ngục kia thì giam phụ nữ và trẻ em.
2) Ngục thứ hai cách ngục Phước Lễ độ 3,4 ngàn thước dọc theo con đường Bà Rịa – Xuân Lộc, trong làng Long Kiên, nay thuộc xã Hòa Long. Ngục thứ hai này giam 135 người.
3) Ngục thứ ba cách Phước Lễ 5,6 ngàn thước, bên phải con đường Phước Lễ đi Đất Đỏ, trong làng Long Điền, nay thuộc khu vực đất thánh Long Điền. Ngục này giam 140 người.
4) Ngục thứ tư trong làng Phước Thọ, trung tâm Họ Đất Đỏ, giam 125 người.
Tổng số những người bị giam trong bốn ngục là 700.
Trong mỗi ngục đều có linh canh nghiêm ngặt. Có đội cai điều khiển một toán lính, và họ mặc tình hà khắc. Lúc đầu có vài giáo hữu còn có tiền bạc, đút lót cho họ chút đỉnh thì họ nới tay; nhưng rồi tiền bạc cũng hết, nên phải chịu cùng số phận với những người khác.
Nhất là trong ngục đàn ông ở Phước Lễ, họ hết sức tàn nhẫn. Nhưng trong ngục nào cũng thế, hễ có thân nhân đem đồ cứu tế đến thì chúng chặn lại lấy phân nửa. Chúng cũng bắt mọi người ở mãi trong ngục, không được nới ra nửa bước. Đại tiện, tiểu tiện ngay trong ngục. May lắm mới mướn được một vài đứa nhỏ ở ngoài vào hốt đổ.
Trong không khí nghẹt thở ấy, lại nhằm mùa mưa (vào khoảng tháng 9), nhà tù không có phên che, phải nằm ngủ dưới đất, nên có rất nhiều người bị bệnh mà mà chết. Dầu vậy, trong số này không ai nản chí bỏ đạo, vẫn trung kiên theo Chúa đến cùng và sẵn sàng tử vì đạo. Mặc cho đói rét, bệnh tật cũng như sự hung dữ của lính canh ngục, tiếng cầu kinh vẫn vang lên trong ngục sáng chiều.
Ông bà xưa cũng thuật lại: có một người đàn ông bị nhốt trong ngục Phước lễ, bà vợ với đứa con còn bồng trốn thoát được. Bà này vay mượn hàng xóm được 30 quan tiền, mong nhờ đó giải thoát cho chồng. Nhưng người chồng nghĩa khí ấy cho rằng việc làm của vợ là không chính đáng, nên không nhận đề nghị của vợ, quyết ở lại trong ngục chịu đau khổ và chịu chết vì Chúa.
Trong ba ngục giam phụ nữ và trẻ em, lính canh tuần có phần dễ dãi hơn. Nhờ đó cha Trí giả dạng đi buôn, gánh hai đầu hai tĩnh nước mắm vào bán trong ba ngục này để thăm viếng và ban các Bí tích. Cũng có người khác gánh thực phẩm vào bán, nhưng thật ra họ giấu tiền để trao tù nhân để trả.
Đến khi Pháp chiếm Biên Hòa thì chính quyền địa phương Phước Tuy lại ra lịnh chất gai chè nè quanh bốn nhà ngục, một phần để cho tù nhân khó trốn; phần khác họ có ý hiểm độc là hễ động dụng là có thể phóng hỏa đốt ngục.
2- Biến cố ngày 7-1-1862: 444 vị tử vì đạo
Từ tháng 9 năm 1861 cho đến tháng giêng năm 1862, đăng đẳng hơn ba tháng trường phải gian truân khổ nhục, rồi cái ngày hy sinh đã đến, để chấm dứt mọi nỗi tân toan trần thế.
Người Pháp viện cớ giải phóng giáo hữu, đưa binh đến chiếm Phước Tuy. Ngày 7 tháng giêng dương lịch năm 1862, ba chiếc tàu thiếc ngược dòng sông Dinh vào Phước Lễ một khoảng sông có hai ngả (Cỏ May), một ngả vô Phước Lễ, một ngả vô Chợ Bến. Nhưng ở Rạch Hào quân triều đình đã bỏ đá hàn sông nên quân Pháp phải rẽ qua ngã Chợ Bến, gặp lúc nước ròng sát, đổ bộ không được, họ chỉ phái một toán binh do thám. Khoảng 4 giờ chiều, khi tiến đến vùng cầu Thủ Lựu, họ phải chạm một lực lượng chống đối khá mạnh, nên đành rút lui lên tàu và chờ lúc thuận tiện hơn để đổ bộ cả binh đội.
Quân triều đình tuy chặn được toán do thám, nhưng nhận biết sức mình không đương đầu nổi với súng đạn của đối phương nên không tấn công địch, chỉ dừng lại phòng thủ để kịp giờ phóng hỏa bốn ngục thất giam cầm giáo hữu làm hiệu lệnh rút quân.
Bốn ngục giam bị đốt
Lúc 6giờ chiều ngày 07.1.1862, tri phủ Bà Rịa ra lệnh đốt 4 ngục giam, lửa bốc cháy kinh khủng.
Tuy nhiên nơi ngục đàn ông (Phước Lễ) cũng có người tông cửa, tuôn lửa chạy ra thoát được độ 10 người. Đời cha Y (Jules Jean-Baptise Errard), những người này còn sống, còn bốn chữ thích tự trên má, chính họ thuật lại: Trước khi phóng hỏa, toán lính bao vây xung quanh ngục, chong mũi giáo tới trước phòng thủ. Nếu có ai chạy ra ngoài thì họ đâm rồi vất trở vào lửa. Vì thế, không mấy người thoát được.
Còn ba ngục đàn bà và trẻ con (tổng số 400) cũng bị đốt một lượt đó ; nhưng binh lính thương tình, phá cửa hay mở cửa cho họ chạy. Chỉ có bà mẹ bận bịu con dại, chậm chân bối rối nên cả mẹ lẫn con đều bị chết cháy.
Riêng ngục Long Kiên thì phụ nữ chết nhiều, vì có một tên đội tham tàn, chận họ lại để giựt của. Ngục này giam 135 người, mà chết hết 106 người.
Tổng số người chết trong ngục ba ngục đàn bà và trẻ con là 156 ; thêm vào số 288 người chết trong ngục đàn ông, tất cả là 444 người.
Qua ngày sau (08-1-1862) người ta đến tận ngục Phước Dinh thì chỉ thấy một đống tro tàn và ngổn ngang những xác chết. Trên tàu Pháp có cha Croc làm tuyên úy (đến năm 1866, cha được tấn phong làm Giám mục địa phận Vinh), cha Croc hợp tác với Cha Trí (một linh mục địa phương đã ẩn núp giúp đỡ giáo hữu), cùng lo liệu mai táng hài cốt các vị tử đạo. Hai cha đã cho đào ba huyệt lớn gần bên ngục, và trong ngày đó (8-1-1862) cha Croc làm phép xác và chôn các vị tử đạo trong ba huyệt đó.
Trong giai đoạn bị giam cầm bắt bớ và tàn sát này, giáo hữu phiền trách chính quyền, nhưng hằng cảm mến những người lương trong cả phủ Phước Tuy. Những người lương đã không quấy nhiễu, mà lại tỏ ra nhân đạo sẵn sàng giúp đỡ giáo hữu. Có lúc họ che đậy, có lúc họ đem về nhà cho ẩn núp, họ lại nuôi dưỡng, giúp tiền bạc, cung cấp những nhu cầu. Nhờ đó nhiều giáo hữu khỏi bị bắt, và Cha Trí mới ở lại trong vùng được, mà chính quyền không hay biết chi cả.
3- Một vài tháng tạm yên
Quân triều đình rút khỏi Phước Lễ, tập trung nơi khu rừng Long Nhung (Thôm). Trung tuần tháng 3 năm 1862, binh Pháp đến tấn công, quân triều đình lại phải lui dần về Trung Việt.
Những tay ngược đãi đã đi xa rồi, thì giáo hữu tản mác trong thời kỳ bắt bớ lại lục tục trở về đất cũ làng xưa, mong gầy dựng lại cơ nghiệp đã bị tàn phá. Họ tản cư đã ngoài sáu tháng; tuy nhờ lòng từ thiện của người lương, nhưng tình trạng của họ rất bấp bênh, không nơi nào gọi là vững chắc. Tuy nói rằng họ hồi cư, nhưng thật ra giáo hữu phần đông lẩn quẩn trong làng Phước Lễ và Đất Đỏ, một số ít trở lại Long Điền, Thôm (Long Tân); còn Long Kiên, Long Xuyên thì không ai về lại nơi cũ.
Trong vùng Phước Tuy số bổn đạo còn lại không tới hai phần ba. Trước cơn tàn sát thì có độ 2400 người, lúc này chỉ còn độ 1500 thôi. Bởi vì số thì bị giết hại, số lại phải tản cư vì hoàn cảnh hoặc chết vì nạn thiên thời; có người vì cha mẹ chết, mồ côi bơ vơ không nơi nương tựa, phải đi xứ khác hoặc đến Sài Gòn tìm phương sinh sống.
Dầu vậy, họ Phước Lễ cũng được cha Trí tiếp tục điều khiển; còn họ Đất Đỏ thì được Bề trên cho cha Hiển đến coi sóc. Nhà thờ Đất Đỏ đã bị triệt hạ, phải nhờ nhà bà Hộ Của, chồng bà đã chết trong ngục, bà không thiết chi nữa nên dâng nhà, và cha Y đã cho sửa lại làm nhà thờ tạm cho giáo hữu đọc kinh dâng lễ, cho đến năm 1882 thì xây nhà thờ mới.
4- Cuộc bắt bớ tái diễn vùng Gò Sầm, Đất Đỏ: thêm 200 vị tử đạo
Quân triều đình không lai vãng vùng Phước Lễ được, nhưng qui tụ trong vùng rừng như Long Nhung (họ Thôm), miền Xuyên Mộc và Bình Thuận, lòng những căm thù quân Pháp và chỉ đợi dịp phản công.
Cuối năm 1862, từ Cù Mi và Xuyên Mộc quân triều đình tiến vào Phước Tuy. Giáo hữu lại phải bỏ nhà cửa chạy trốn lần nữa.
Quân triều đình tiến tới quá thình lình, nên giáo hữu Gò Sầm không hay kịp, có chừng 20 người (trong số có cả đàn ông, đàn bà) đang gặt lúa ngoài đồng. Họ ào tới bắt, rồi dẫn đến cầu suối Xích Răm thuộc ngọn Sông Rai; họ xâu hai người nhập một, rồi xô xuống sông chết hết. May ra có một thiếu niên 12 tuổi vuột ra trốn được.
Vài ngày sau, bổn đạo Gò Sầm lén đi tìm, tìm được 15 xác chết trôi, và táng chung một huyệt.
Chú bé 12 tuổi nói trên, thoát được rồi chạy về Đất Đỏ báo tin cho giáo hữu hay. Giáo hữu Đất Đỏ lúc ấy đang lo làm ăn, nghe tin nguy hiểm, họ vội vàng báo cho nhau để kịp thời trốn chạy. Họ rủ nhau chạy trốn lên rừng, vì họ tưởng rằng không về Phước Lễ đó là một cử chỉ không theo Pháp ; lại họ cũng nghĩ núp đỡ một thời gian, chừng yên ổn rồi trở về tiện hơn. Nào ngờ họ bị săn đuổi như thú rừng, nên phần đông bị bắt và bị giết.
Tại Gò Sầm đến nay còn chứng tích trong vườn nhà một người giáo dân là ông Chín Tiền, năm nay đã hơn 80 tuổi. Ông kể rằng khi còn trẻ thì ông được các bậc tiền bối nói đây là hố chôn các phụ nữ và trẻ em bị giết trong cuộc tàn sát cuối năm 1862.
Tại họ Đất Đỏ và Long Điền cũng còn chứng tích nhà ngục và mộ các vị tử đạo.
Họ Thôm (Long Tân) cũng bị bách hại tàn khốc. Hễ quân lính bắt được người có đạo thì họ xô xuống giếng, mà giếng đất Long Tân thì sâu đến 8,9 thước hay hơn nữa. Dầu vậy lạ lùng thay! Có một chị 21 tuổi bị xô xuống giếng mà vẫn được cứu sống. Chị này ngồi trên những xác chết đã thối rồi, không ăn uống vẫn chịu đựng một tuần lễ, chỉ đợi giờ chết, may có người đi ngang qua nghe tiếng khóc rên, đã kéo chị lên và săn sóc cho khỏe lại. Nhưng cách ít ngày chị ấy lại bị bắt và bỏ xuống giếng một lần nữa. Lần này chị ở dưới giếng bốn ngày và cũng được người ta cứu lên. Đời Cha Y (Errard) làm Cha Sở họ Phước Dinh, có điều tra về các người chết trong vụ bắt bớ, thì chính chị ấy đã đến tường trình câu chuyện của mình.
Lần bách hại này, tuy ngắn ngủi trong vòng một tháng thôi, nhưng giáo hữu bị tàn sát gần 200 người. Khi bình yên trở lại, trong cả địa hạt Phước Tuy chỉ còn độ 1.200 giáo hữu. Như vậy, 2 cuộc bách hại năm 1862, Phước Tuy-Bà Rịa đã hiến dâng gần 650 vị tử đạo.
III. GIAI ĐOẠN HỒI SINH
Năm 1863, Cha Hườn (Fontaine) đến thay Cha Trí, chăm sóc họ Dinh, rồi đến Cha Công.
Tháng 10 năm 1865, Cha Y (Jules Jean-Baptise Errard) đến nhậm sở Phước Dinh (Bà Rịa), Cha khởi sự tra cứu cho biết ai đã chịu chết vì đạo. Cha mời những người thân nhân còn sống đến khai tên tuổi và Cha đã ghi chép danh sách các vị tử đạo.
Cha Y còn cải táng hài cốt nơi ba huyệt đã chôn các vị đã bị chết thiêu ở ngục Phước Dinh, và táng chung vào một mộ phần xây bằng gạch tử tế.
Năm 1871, qua những lần chuyển đổi đến Đất Đỏ, Biên Hòa, cha lại đổi về họ Phước Dinh. Cha bị bệnh và được bề trên cho phép đi Hồng Kông chữa bệnh. Giáo dân vì yêu kính cha nên đã chung góp số tiền 100 đồng để cha dưỡng bịnh. Thế nhưng cha lại dùng số tiền đó đặt một cái mộ bằng cẩm thạch đem về đặt trên phần mộ các vị tử đạo. Cha cất một nhà nguyện bao bọc cái mộ ấy. Trong nhà nguyện có bàn thờ, và mỗi tháng cha đến dâng lễ một lần.
Cha Y còn chôn cất hài cốt hai vị linh mục cạnh mộ các vị tử đạo. Một trong hai linh mục đó, có lẽ là một trong những cha khai sáng họ Phước Dinh ; người già lão trong họ cũng không biết Cha tên gì, nhưng chắc một Cha Dòng, vì khi lấy cốt thì thấy trong hòm chiếc dây đánh tội còn nguyên, một chén Thánh và một hộp nhỏ đem Mình Thánh Chúa. Còn cha nữa là cha Gioan Baotixita Thiền, linh mục thuộc địa phận Sài Gòn, bị bắt tại Cái Nhum lúc đã 98 tuổi, ngài bị án lưu đày ra Huế, nhưng bị giải tới Phước Tuy thì kiệt sức và qua đời năm 1861.
Trên mộ cẩm thạch có khắc một bài thơ, một phần dịch câu văn La ngữ, tuy đơn giản, không theo niêm luật, nhưng nói lên được niềm hy vọng, những nỗi gian lao, làm gương cho hậu thế:
Ba trăm bổn đạo xác nằm đây,
Những trông sống lại hưởng phước đầy,
Vì Chúa tù lao dư ba tháng
Cam lòng chịu cháy chết chỗ này;
Lập mộ táng chung vào một huyệt,
Giáo nhơn coi đó nhớ hằng ngày.
Lời nhận xét của giáo phụ Tertuliano xưa đã thành như ngạn ngữ ngàn đời: “Sanguis Martyrum, semen Christianorum: Máu các vị Tử Ðạo là hạt giống sinh nhiều Kitô hữu”. Từ 2 cuộc bách hại năm 1862, máu của gần 650 vị tử đạo đã thấm xuống mảnh đất Phước Tuy – Bà Rịa này. Từ “số sót lại” là 1.200 tín hữu và 5 họ đạo, Chúa đã cho trổ sinh hoa trái, đến nay, sau 156 năm, số tín hữu Giáo phận Bà Rịa đã tăng lên gần 275.000 trong 5 giáo Hạt với 86 Giáo xứ và Giáo họ biệt lập.
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái dấn thân vào phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài, ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.
TẢI BÀI THUYẾT TRÌNH VÀ FILE TRÌNH CHIẾU
Lm. Phêrô Trần Xuân Huệ
Chủng viện Thánh Tôma – Giáo phận Bà Rịa
[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư công bố Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2018, số 2.
[2] Emm. Nguyễn Hồng Sơn, Cử hành Năm Thánh Tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 10.06.2018.
[3] X. Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 5, Quyển 27, tr. 39-40.
[4] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Quyển VI.
[5] X. Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 5, Quyển 27, tr. 41.
[6] Histoire ancienne de l’Annam, Tong-Kin et Cochinchine, Paris, Challamel aîné, 1884.