Những chiến sĩ vô danh
PHƯỚC TUY LỬA MÁU
1862 – 1962
NIHIL OBSTAT
Saigon die 8 – 7 – 1960
Paulus MƯỜI
cans – del
IMPRIMATUR
Saigon die 8 – 7 – 1960
Joshep THIÊN
vic – del
**************************
GÒ SẦM
GÒ SẦM – Cha Công kiến thiết Đất Đỏ và Thôm, nhưng Cha cũng không quên một nơi đã đẫm máu vì đạo Chúa: Họ Gò Sầm.
Năm 1863, Giáo hữu bất ngờ bị sát hại, người sống sót kinh hãi bỏ cửa nhà, điền viên lẩn trốn. Lần này đếm được 18 năm trường. Điền đất bổn đạo bị nhập vào công điền gần hết.
Đến sau, có ông Trùm Vi (Đất Đỏ), làm hương giáo làng Thạnh Mỹ, lên Gò Sầm qui dân lập ấp; nhưng mùa màng mấy năm không khá nên việc không thành .
Đến lúc Tỉnh trưởng Bà Rịa cho tu bổ lại và báo cáo cho dân chúng biết: Ai có đất tổ phụ đã khai phá, nếu con cháu trở về làng, thì nhà nước sẽ cho đứng bộ lại làm ăn. Lúc ấy vài người trở về ra mặt, lại liên tiếp trúng được vài mùa ruộng. thấy thế người ta tụ đến khá đông và xin chánh quyền cho tách làm làng Long Sơn. Nhưng không bền, vì ít năm sau mất mùa, người ta lại bỏ đi, quan thuế không kham, phải nhập lại làng Phước Bửu.
Trong giai đoạn tách làm làng riêng, có hai anh em Nguyễn Văn Lập và Nguyễn Văn Thân hội bổn đạo để lập Họ. Lại có ông Cả Đắc cất một nhà tranh để nhóm họp, đọc kinh (1878).
Thời kì Văn Thân sát tả, bổn đạo Bình Định cùng với hai Cha Pháp, Cha Đoài và Cha Đề, trốn thoát và đến tạm trú tại Gò Sầm một năm.
Cha Công thường đến Gò Sầm viếng thăm, thúc giục. Năm 1883, bổn đạo giang tay đóng góp, kẻ ít người nhiều, đặng 460 quan tiền và một xe lúa (50 dạ 20 lít). Lại được dịp may, là có một bữa giáo hữu rủ nhau đi săn, bắt được một ổ cọp bốn con, đem nạp được thưởng 100 đồng. nhờ đó mà cất được nhà thờ ngói.
Tuy có nhà thờ, nhưng bổn đạo ít, dân số không hơn 150 người. Không có Cha ở, đôi khi Cha Đất Đỏ đến làm lễ. Sau Gò Sầm được giao cho Cha Xuyên Mộc; mỗi tuần Cha đến làm lễ một lần. Không có trường học, phải gởi con em đi nơi khác.
Tuy nhiên, bổn đạo chân chất, biết thương yêu nhau, lại nhiệt thành giữ đạo. Mỗi khi Cha đến thì xưng tội chịu lễ. Ngày Chúa nhựt nào có lễ thì nhà nhà đóng cửa, mọi người đồng đi lễ, lại kiêng việc xác kỹ lưỡng. Tháng trái tim, tháng Thánh Giuse, tháng Đức Bà, tháng Môi Khôi thì cùng nhau kinh sách, không bỏ.
Tại Gò Sầm có cái mã mấy người chịu chết vì đạo, hằng năm đến lễ Các Đẳng, giáo hữu dọn dẹp sạch sẽ và chung nhau cầu lễ.
**************************
HỌ XUYÊN MỘC
HỌ XUYÊN MỘC– Từ Đất Đỏ, đạo Chúa cũng bành trướng đến Xuyên Mộc, cách xa Đất Đỏ chừng 20 cây số. Cha Công đã khởi lập năm 1886.
Làng Xuyên Mộc là một nơi thu góp dân tứ chiến, nên không được êm thuận cho lắm. Tỉnh trưởng Bà Rịa gửi đến ba người lính cộng tác với hương chức làng, để định cuộc trị an. Ba người đó là Cai Lang, và hai anh lính Thị và Tiếng, cả ba người là Công giáo. Ba người này rủ vài giáo hữu Đất Đỏ lên buôn bán, sau này lại thấy đất rộng rãi, dễ làm ăn nên xin Cha Công lập Họ.
Cha Công gởi hai người đi họ Đất, là Phạm Chánh Thị, người Đất Đỏ, và Phạm Đại Giang, người Phú Yên chạy giặc Văn Thân, mới theo đạo. Làng xóm mừng rỡ, chỉ cho một lán tranh rộng lớn giữa làng. Trảng nầy, thủa khởi lập làng, người ta đã khai phá nhưng sau tranh cỏ mọc nhiều quá, họ chê xấu rồi bỏ.
Làng dốc sức, ba người lính và hai người Cha Công sai đến tận tâm trồng trọt, lại rủ thêm được vài người nữa. Cha Công tới lui, giúp lương tiền, trâu bò, dụng cụ. Được một năm, Cha cất tạm một nhà thờ tranh.
Vài năm sau, giáo hữu được mùa bông đậu, thêm vài gia đình đến nữa. Năm 1889, giáo hữu tựu tập ở Xuyên Mộc được chừng 70 người. Cha Công chắc ý đôi phần nên định cất nhà thờ ngói. Bổn đạo rất mừng, tuy ít người nhưng ai nấy rộng rãi dâng cúng, có bao nhiêu cũng tuôn ra không thương tiếc. Còn thiếu phần nào thì Cha công đài thọ.
Hai năm sau, Cha cất trường học, rước thầy về dạy. Chính Cha phải trả lương, còn làng thì thêm cho hai xe lúa, để con em người lương cũng được đến học. Nhưng cả năm chỉ mở dạy được 6,7 tháng thôi, có năm phải đóng cửa vì con em quá bận đuổi chim, giữ kéc, hay lo việc đồng áng khác, không đến trường được. Hiện thời, có trường học và có Dì Phước Thủ Thiêm điều khiển.
Bổn đạo Xuyên Mộc không bao nhiêu, không bao giờ hơn 400 người, nhưng đời Đức Cha Mão (Mossard) cũng cho một Cha coi Xuyên Mộc kiêm Gò Sầm: Cha Phuông, Cha Bar, Cha Phan…
**************************
BƯNG RIỀNG VÀ LÁNG LỚN
BƯNG RIỀNG VÀ LÁNG LỚN – Ngoài Gò Sầm và Xuyên Mộc, Cha Công còn ra sức mở đạo ở Láng Lớn thì hoàn toàn thất bại, chỉ còn cái di tích cái nhà Cha dỡ về làm nhà Cha Sở Đất Đỏ bây giờ.
Họ Bưng Riềng hiện nay vẫn còn nhưng kết quả không mấy khả quan.
Theo sổ thống kê trong năm vừa qua, không kể giáo hữu di cư, tổng số bổn đạo thuộc địa hạt Phước Tuy đã 6000 người.
Ban Truyền thông GP. Bà Rịa thực hiện