Những chiến sĩ vô danh
PHƯỚC TUY LỬA MÁU
1862 – 1962
NIHIL OBSTAT
Saigon die 8 – 7 – 1960
Paulus MƯỜI
cans – del
IMPRIMATUR
Saigon die 8 – 7 – 1960
Joshep THIÊN
vic – del
*******
MỞ ĐẠO TẠI VŨNG TÀU, LONG ĐIỀN, PHƯỚC TỈNH, CHÂU PHA
Dầu trong thời kỳ kiến thiết, những linh mục đảm nhận địa hạt Bà Rịa cũng không quên trách vụ truyền giáo
VŨNG TÀU, cách Phước Lễ trên 20 cây số. Khi người Tây Ban Nha đến, họ đã dặt cho một tên đạo đức: Mũi Thánh Giacôbê (Cap-Saint Jacques); nhưng dân chúng gần như toàn thể là người lương, chỉ lẫn lộn một vài gia đình Công giáo thôi.
Tuy nhiên, Cha Y cũng chú tâm đến. Cha cất một nhà tranh ở Bãi Trước, làm nhà thờ tạm và khi có cha nào đến thì nghỉ ngơi đó.
Ngoài giáo hữu địa phương, cũng có một đôi gia đình lính tập có đạo; lại cũng những ghe bầu từ Bình Thuận, Quảng Nam neo lại Vũng Tàu đợi nước, gió. Lúc nghỉ hè, các sư huynh trường Taberd cũng thường đến nghỉ mát.
Cha Y đổi đi rồi, không ai lo cho Vũng Tàu nữa. Đến sau, Cha Lương (Lambert) thăm viếng Vũng Tàu nhiều lần và rửa tội được ít người. Đến khi nhà đương quyền định mở Vũng Tàu làm thương cảng, thì thiên hạ đổ dồn về đó, Pháp có, Việt có. Trong số người Việt làm mướn, có ít người giáo hữu.
Vì tình trạng như thế nên Đức Cha Để (Dépierre) gởi một Cha Thừa Sai ở luôn tại Vũng Tàu để giúp bổn đạo; và lại sẵn có cha ở tại chỗ, nếu có cha nào muốn đến nghỉ thì có nơi tạm trú. Linh mục đầu tiên nhậm họ Vũng Tàu là Cha Sĩ (Sion) năm 1899.
Nhà đương quyền lấy miếng đất nơi nhà thờ cũ và đổi cho miếng đất ruộng sau dinh hành chánh, lại nhượng cho khu đất mới để cất nhà thờ và vài mẫu đất ở bãi Thùy Vân.
Cha Sĩ, người rất nhiệt thành, nhưng không có tài kiến trúc: hai lần cất lên, hai lần sập xuống; đến lượt thứ ba mới xong được một ngôi nhà khá rộng. Một phía để các cha đến nghỉ, phía kia ngài ở, còn khoảng giữa làm phòng cơm, Chúa nhựt thì dọn dẹp để làm lễ. Còn ngày thường thì Cha sắp đặt cạnh phòng Cha một nơi làm lễ và giữ Mình Thánh. Cha cũng dùng việc từ thiện để giảng đạo. Nhà cha đã thành một nơi phát thuốc, một bịnh viện nhỏ. Cha nới rộng nhà bếp ra và đặt nhiều giường để tiếp đón bịnh nhân; hết chỗ thì Cha lại đem lên nhà ngài. Nhờ đó Cha tiếp xúc rất dễ dàng với dân chúng địa phương.
Sự làm lễ trong nhà không thể kéo dài mãi được. Phần khác, các Sư huynh và Bà Phước dòng Thánh Phaolô đều mở trường dạy các trẻ nam nữ. Các Bà cũng lập bịnh viện nữa. Trong một vài tháng, bổn đạo đến cư ngụ tại Vũng-Tàu được chừng 600; vì thế, phải liệu cất một nhà thờ.
Cha Sĩ quyên tiền. Cất tạm một nhà tranh, vách đất, rộng rãi, nhưng không lót gạch. Năm 1905, một phụ nữ Pháp dâng số tiền và yêu cầu Cha bỏ vách đất, xây vách đá Cha rất vui lòng và vội vàng làm cho xong việc. Nhưng rủi, có một tù nhơn giúp việc cho Cha, không biết đã bất bình điều chi, lẻn vào phòng áo đổ dầu lửa đốt nhà thờ, ngọn lửa đã vô tình thiêu tất cả, chỉ còn trơ mấy tấm vách, vài cây cột nhà thờ. Cha Sĩ buồn lòng quá mà sanh bịnh và phải đi nghỉ ở Hồng-Kông v.v…
Cha Mẫn đến thế. Ngài thấy vách không được chắc nên làm lại tất cả và dời về chỗ nhà thờ bây giờ. Nhưng người thợ lãnh làm nhà thờ phải về Pháp nên công việc lại bỏ dở.
Đến sau, Đức Cha giao việc cất nhà thờ cho Cha Tam (Assou). Trong ít tháng, Cha làm xong và ngày 17 tháng 3 năm 1907, Đức Cha Mão (Mossard) đến làm phép nhà thờ trọng thể.
Nhà thờ Vũng Tàu bây giờ do Cha Thơm (Thommeret) cất vào năm 1942; một thánh đường dung hòa kiến trúc Âu-Á và kể được nhà thờ đẹp nhứt Việt Nam hiện nay.
HỌ LONG ĐIỀN VÀ PHƯỚC TỈNH
LONG ĐIỀN là một họ cố cựu, trước cơn bắt đạo đã có 200 giáo hữu, về sau tứ tán. Các Cha Sở Họ Bà Rịa cố công qui tụ, nhưng chỉ có 10 gia đình gồm 60 nam phụ lão ấu. Cha Hiền cấp một nhà thờ cất trường học giao cho Dì Phước Thủ Thiêm, và cũng nhờ các Dì lo việc Hài đồng.
Họ Long Điền cho đến nay không được tiến triển mặc dầu cũng là con cháu các người chịu chết vì đạo. Trong số người chết, tiên nhân của Họ, kể được 35 người đàn ông và 25 phụ nữ.
Đời Cha Nghi (Martin) cũng lập họ Phước Tỉnh. Cha được biết có ít gia đình Công giáo đàng ngoài vào đậu bạc ở Phước Tỉnh làm ăn; Cha liền trù liệu, lập họ đạo.
Cha Hiền (Favier) mua một sở đất rừng gần bờ biển, và xuất ra số tiền cho họ qui tụ về đó. Cha cũng cất một nhà thờ nơi đất đã mua nhưng bổn đạo lãnh tiền rồi, ai ở đâu cứ ở đó, xa nhà thờ cả tiếng đồng hồ, nên công việc truyền giáo không tiến triển. Tuy nhiên, Họ Phước Tỉnh vẫn còn tới ngày nay.
Ban Truyền thông GP. Bà Rịa thực hiện