Những chiến sĩ vô danh
PHƯỚC TUY LỬA MÁU
1862 – 1962
NIHIL OBSTAT
Saigon die 8 – 7 – 1960
Paulus MƯỜI
cans – del
IMPRIMATUR
Saigon die 8 – 7 – 1960
Joshep THIÊN
vic – del
*******
ĐOẠN THỨ BA
THỜI KỲ PHỤC HƯNG
Hạng thù địch của Chúa Giê-su thời xưa đã vận dụng tài lực để đóng đinh Chúa trên thập giá. Họ lại niêm phong mộ phần, họ tin chắc rằng họ đã đắc thắng. Họ tưởng ông Giê-su sẽ ôm hận trong nấm mồ ngàn thu. Nhưng họ không ngờ, vài ngày sau Chúa sống lại với một nhóm nhỏ những người thô sơ, Chúa đã chinh phục thế giới.
Đối với Hội Thánh Việt Nam và riêng cho địa hạt Phước Tuy cũng thế. Triệt hạ nhà thờ, tàn sát giáo hữu, nhưng không thể tiêu diệt được Hội Thánh Công giáo.
Sau những hồi điêu đứng, giáo hữu lại được hưởng cảnh an bình. Phần đông còn bỡ ngỡ, không dám trở về làng xưa, nên ở lại vùng Phước Lễ.
Phước Lễ, nơi có cái ngục quan trọng hơn, số người chịu chết thiêu đông hơn, Phước Lễ từ đó trở thành Họ chánh trong địa hạt. Đất Đỏ trở thành một Họ tùy thuộc, nhưng cũng giữ được tính cách quan trọng. Từ hai nơi nầy, Công giáo lần lượt phục hưng bành trướng.
HỌ BÀ RỊA
Từ năm 1863 đến nay, Họ này được phước có linh mục thường trực luôn. Thuở đầu, có lẽ vì tình hình chưa mấy ổn định, nên các Cha cứ thay đổi thất thường:
Năm 1863, Cha Trí, Cha Hườn (Fontaine) đến. Năm 1865, Cha Công (Combalbert), đoạn đến Cha Y (Errard). Thời kỳ Cha Y đổi đi Đất Đỏ (1866) rồi Biên Hòa (1869) thì có Cha Lành (Kerkan) đến nhậm Họ (tháng 4 năm 1868 đến năm 1870). Sau Cha Lành là Cha Thiện (Oscar de Noioberne). Năm 1874, Cha Y lại đổi về.
Phước Lễ được kể là một địa điểm quan trọng, nên có lúc có Cha phó công tác. Trong số các Cha phó có thể kể những Cha Chiêu (Chedal), Cha Nhu (1874-1875), Cha Triết (Boutier) (1877-1879) v.v…
Đời Cha Y, không những ngài thu lượm hài cốt các đấng chết thiêu vì đạo, táng vào một huyệt, đặt mộ cẩm thạch và tạm cất một thánh đường nho nhỏ làm nhà mộ; mà về phần thiêng liêng, dịp toàn xá năm 1876, Cha cũng mở cuộc cấm phòng. Chính Cha đã cất nhà thờ Bà Rịa bây giờ.
Nhà thờ cũ ở cạnh chợ Phước Lễ, có lẽ chỗ nhà công sở. Thời kỳ bách hại, vì nhà thờ không quan trọng, lại ở nơi đông đúc, nên không bị đốt phá. Năm 1866, có thầy thông ngôn tên Phêrô Tạo dâng cho Họ đạo một miếng ruộng. Cha Y dời nhà Cha sở về đó và dựng một nhà nguyện nhỏ cho Đức Mẹ. Ngày thường, giáo hữu đọc kinh xem lễ nơi nầy; còn Chúa nhựt thì tại nhà thờ cũ.
Năm 1877, Cha Y mong cất nhà thờ mới, lại gặp dịp may. Chánh quyền thời đó mở hầm trên núi Dinh lấy đá cất dưỡng đường. Nhưng không biết vì lý do gì lại không dùng, mà dâng cho Đức Cha Colombert. Cha Y được phép chở về sử dụng, ngài lại xuất tiền (theo lời một linh mục già nói: đó là tiền riêng do cha mẹ ngài bên Pháp gởi cho) mua vật liệu. Lại được Cha Thiết (Boutier) có khiếu kiến thiết, cộng tác.
Ngày 21-11-1877, lễ Đức Bà dâng mình vào đền thánh thì đặt viên đá đầu tiên. Giáo hữu rất nhiệt thành, không sợ hao công tốn của, mỗi gia đình đều có người luân phiên công tác.
Đến tháng 10 năm 1878, lợp xong và khởi sự tạm làm lễ trong nhà thờ mới. Tuy nhiên, công việc còn phải tiếp tục phông tô, sơn phết cho hoàn thành.
Ngày 14-5-1879, Đức Cha Colombert và Đức Cha Ponviane, Giám mục Địa phận Huế, đến khánh thành, làm phép nhà thờ, dâng kính hai thánh Philipphê và Giacôbê Tông Đồ. Dịp đó Đức Cha cũng ban phép Thêm sức cho Giáo hữu.
Thật là một cuộc lễ tưng bừng, từ xưa đến bấy giờ chưa từng có; giáo hữu Phước Tuy rất lấy làm hãnh diện. Có nhiều linh mục và quan khách đến dự.
Ngôi thánh đường Bà Rịa kể được là lộng lẫy, có thể nói là một trong những nhà thờ đẹp nhất ở miền Nam.
Bởi một đống tro tàn có thể tan bay trước gió, mà để qui tụ được một số đông giáo hữu, lại mọc lên một ngôi thánh đường to tát…, khi nghĩ đến, lẽ nào chúng ta không kinh ngạc.
Năm 1877, tại họ Bà Rịa có hai trường học: trường nam có giáo viên, còn trường nữ thì Dì Phước Thủ Thiêm đảm nhận.
Năm 1878, Cha Y lập hội Môi Khôi, có chừng 100 người gia nhập. Cha ở đến năm 1887, rồi đổi đi luôn, để lại cho họ Bà Rịa một niềm mến tiếc.
Cha Thọ (Cagnon) tiếp ở Bà Rịa ba năm. Cha mua cho Họ ba quả chuông và khởi sự cất nhà thờ đất thánh lại
Đầu tháng 3 năm 1890, Cha Nghi (Martin) thế Cha Thọ, tiếp tục cho xong Nhà thờ đất thánh. (Nhà thờ nầy đã hư, và đời cha Gabriel Long cất lại còn đến ngày nay). Cha Nghi cũng cất nhà Cha Sở còn tới bây giờ. Cha cũng điều chỉnh cho các Bà Phước Dòng Thánh Phaolô đến Phước Lễ lập dưỡng đường và dạy trẻ nữ, đến năm 1910 các Bà cũng lãnh dạy luôn trẻ nam.
Sau cha Nghi, cha Hiền (Favier) coi Họ Bà Rịa từ năm 1896 đến năm 1911; Cha Lợi (Bongain) tiếp tục công việc mở mang ở Châu Pha và coi Họ Bà Rịa từ năm 1911 đến năm 1917. Đời Cha Lợi có cất cái lầu chuông (ngay chỗ xây núi Đức Mẹ bây giờ).
Họ Bà Rịa đã có hân hạnh được cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (Đức Việt Nam tiên khởi Giám mục) coi sóc từ năm 1917 đến năm 1926. Công trình kiến trúc của ngài để lại nhiều di tích trong Họ (như trường học, nhà Cha Sở, lầu chuông, nhà tuồng v.v…)
Ban Truyền thông GP. Bà Rịa thực hiện