Những chiến sĩ vô danh
PHƯỚC TUY LỬA MÁU
1862 – 1962
NIHIL OBSTAT
Saigon die 8 – 7 – 1960
Paulus MƯỜI
cans – del
IMPRIMATUR
Saigon die 8 – 7 – 1960
Joshep THIÊN
vic – del
*******
Cuộc bắt bớ tái diễn vùng Gò Sầm, Đất Đỏ
Quân ta không lai đáo vùng Phước Lễ được, nhưng qui tụ trong miền Bình Thuận, lòng những căm thù quân Pháp và chỉ đợi dịp phản công.
Cuối năm 1862, từ Cù Mi, Xuyên Mộc họ tiến vào. Giáo hữu lại phải bỏ nhà cửa điền viên lại chạy trốn một phen nữa.
Quân ta tiến tới quá thình lình, nên giáo hữu Gò Sầm không hay kịp, có chừng 20 người (trong số có cả đàn ông, đàn bà) đang gặt lúa ngoài đồng. Họ ào tới bắt, rồi dẫn đến cầu suối Xích Răm thuộc ngọn Sông Rai; họ xâu hai người nhập một, rồi xô xuống sông chết hết. May ra có một đứa nhỏ 12 tuổi vuột ra trốn được.
Vài ngày sau, bổn đạo Gò Sầm lén đi tìm, gặp lại được 15 xác chết trôi, đem táng trong một huyệt chung. Bây giờ vẫn còn di tích và được giáo hữu tôn trọng.
Chú bé 12 tuổi nói trên, vuột khỏi được rồi lén chạy về Đất Đỏ báo tin cho giáo hữu hay. Giáo hữu Đất Đỏ lúc ấy đang lo làm ăn, nghe tin nguy hiểm, họ vội vàng thông truyền cho nhau để kịp thời bôn tẩu. Họ rủ nhau lên rừng, vì họ tưởng rằng không về Phước Lễ đó là một cử chỉ không theo Pháp; lại họ cũng nghĩ núp đỡ một thời gian, chừng yên ổn rồi trở về tiện hơn. Nào ngờ họ bị săn đuổi như thú rừng, nên phần đông bị bắt và bị thủ tiêu.
Họ Thôm (Long Tân) cũng bị bách hại tàn khốc. Hễ quân lính bắt được người có đạo thì họ xô xuống giếng, mà giếng đất Long Tân thì phải biết! Không phải cạn như giếng các xứ khác, hay như hào ao ở miền Hậu Giang: vì đất gò nổng, miệng giếng chừng 1 thước, 1 thước rưỡi, nhưng sâu đến 8,9 thước hay hơn nữa. Dầu vậy lạ lùng thay! Có một chị đàn bà 21 tuổi bị xô xuống giếng mà vẫn được cứu sống. Chị này ngồi trên những xác chết đã thúi rồi, không ăn uống chi mà chịu đựng một tuần lễ. Chị khóc than rên rỉ, chỉ đợi giờ chết, thì may có người đi ngang qua đó nghe tiếng khóc rên, đã kéo chị lên và săn sóc cho khỏe lại. Nhưng cách ít ngày thì chị ấy lại bị bắt và bỏ xuống giếng một lần nữa. Lần này chị ở dưới giếng bốn ngày và cũng được người ta cứu lên. Đời Cha Y (Errard) làm Cha Sở Họ Phước Dinh, có điều tra về các người chết trong vụ bắt bớ, thì chính chị ấy đã đến tường trình câu chuyện của mình.
Lần bách hại này, tuy ngắn ngủi trong vòng một tháng thôi, nhưng giáo hữu phải bị tàn sát gần 200 người. Khi bình yên trở lại, trong cả địa hạt Phước Tuy chỉ còn được 1200 giáo hữu.
Nơi đống tro tàn
Năm 1863, Cha Hườn (Fontaine) đến thế Cha Trí, cộng tác với Cha Hiển. Cha Hiển đổi, rồi đến Cha Công. Sau một thời gian, Cha Hườn lại được lịnh gọi về coi địa hạt Biên Hòa, còn một mình Cha Công ở lại. Cha Công không có sức đảm đương cả địa hạt, nên Đức Cha đã gởi Cha Y đến nhậm sở Phước Dinh (Bà Rịa) vào lối tháng 10 năm 1865.
Cha Y (Errard) kể được là một ân nhân đặc biệt của Họ Phước Dinh. Khi mới đến Cha lo cấm phòng cho tín hữu. Qua năm sau thu phục được nhân tâm rồi, và cũng biết tình hình địa phương đôi chút, Cha liền khởi sự tra cứu cho biết ai đã chịu chết vì đạo. Cha mời những người thân nhân còn sống đến khai tên tuổi và Cha đã ghi chép để truyện cho Họ Bà Rịa đến nay.
Bản danh sách những kẻ đã chết vì đạo sẽ in trong những trang sau.
Không những ghi danh sách, Cha Y còn liệu lấy hài cốt nơi ba cái huyệt đã chôn các người đã bị chết thiêu ở ngục Phước Dinh, và táng chung vào một mộ phần xây bằng gạch tử tế, chính nơi giữa cái ngục ngày trước. Nhưng Cha vẫn chưa hài lòng.
Mười năm sau, qua những lần Cha di chuyển đến Đất Đỏ, Biên Hòa, Cha lại đổi về Họ Phước Dinh. Rủi gặp một lúc bịnh hoạn cần phải tịnh dưỡng. Cha được Bề trên cho phép đi Hồng Kông. Giáo hữu vì yêu kính Cha nên đã chung đậu dâng cho Cha số tiền 100 đồng, gọi là đỡ phần sở tổn Cha dưỡng bịnh.
Giáo hữu có ngờ đâu người Cha khả ái ấy lại dùng số tiền đó đặt một cái mồ bằng cẩm thạch tại Hồng Kông. Lúc trở về, năm 1871 Cha dựng cái mộ cẩm thạch ấy trên chỗ xây huyệt khi trước. Cha cất một nhà nguyện bao bọc cái mộ ấy. Trong nhà nguyện có bàn thờ, và mỗi tháng Cha đến nơi đó làm lễ một lần; giáo hữu rất thích xem lễ trong nhà nguyện ấy.
Cha Y lại có nhã ý chôn cất hài cốt hai vị linh mục giữa bàn thờ và mộ các đấng chết vì đạo. Một trong hai linh mục đó, có lẽ là một trong những Cha khai sáng Họ Phước Dinh; người già lão trong họ cũng không biết Cha tên gì, nhưng chắc một Cha Dòng, vì khi lấy cốt thì thấy trong hòm chiếc dây đánh tội còn nguyên, một chén Thánh và một hộp nhỏ đen Mình Thánh Chúa (custode). Còn Cha kia là Cha Thiền, cũng là một đấng xưng đức tin vì Chúa, Cha đã lãnh án đày, rồi lúc đi đến Phuớc Dinh thì qua đời.
Một nhà hy sinh khai sáng Họ đạo, một nhà gần như cùng cảnh trạng với những người đã chịu thiêu sinh, cả hai rất đáng được chôn trong nhà nguyện ấy. Nhưng hiện giờ trong nhà nguyện không còn dấu vết mả hai Cha; chỉ thấy nổi bật lên khuôn mộ cẩm thạch thôi.
Mộ cẩm thạch có khắc những chữ như sau, lời thi ca, một phần dịch câu văn La ngữ, tuy đơn giản, không theo niêm luật, nhưng nói lên được niềm hy vọng, những nỗi gian lao, làm gương cho hậu thế.
I. Phía trên đầu: Beati qui persecutionem patiuntur propter justitiam.
II. Phía dưới chân: Thôm, Đất Đỏ, Thành, Phước Dinh Hội.
III. Phía bên hữu:
Hie in spe resurrectionis
Jacent christiani circiter CCC
Qui pro fide incarcerati
Per III menses passi,
Tandem igne perierunt,
Et in loco passionis sepulti sunt
Die VIII Januarii MDCCCLXII.
IV. Phía bên tả:
Ba trăm bổn đạo xác nằm đây,
Những trông sống lại hưởng phúc đầy,
Vì Chúa tù lao dư ba tháng
Cam lòng chịu chết cháy chỗ này;
Lập mộ táng chung vào một huyệt,
Giáo nhơn coi đó nhớ hằng ngày.
Ban Truyền thông GP. Bà Rịa thực hiện