Những chiến sĩ vô danh
PHƯỚC TUY LỬA MÁU
1862 – 1962
NIHIL OBSTAT
Saigon die 8 – 7 – 1960
Paulus MƯỜI
cans – del
IMPRIMATUR
Saigon die 8 – 7 – 1960
Joshep THIÊN
vic – del
*******
444 người chết thiêu ngày 7-1-1862
Từ tháng 9 năm 1861 cho đến tháng Giêng năm 1962, đăng đẳng hơn ba tháng trường phải gian truân khổ nhục, rồi cái ngày hy sinh đã đến, để chấm dứt mọi nỗi tân toan trần thế.
Người Pháp viện cớ giải phóng giáo hữu, đưa binh đến chiếm Phước Tuy. Ngày 7 tháng Giêng dương lịch năm 1862, ba chiếc tàu thiếc ngược dòng sông Dinh vào Phước Lễ một khoảng sông có hai ngả (Cỏ May), một ngả vô Phước Lễ, một ngả vô Chợ Bến. Nhưng rạch hào quân ta đã bỏ đá hàn sông nên Pháp phải rẽ qua Chợ Bến, gặp lúc nước ròng sát, đổ bộ không được, họ chỉ phái một toán binh dọ thám. Hồi bốn giờ chiều, toán này đã tiến đến vùng cầu Thủ Lựu, cách chợ Phước Lễ hiện nay chừng hai cây số. Họ không xa ngục đàn ông bao nhiêu; nhưng họ phải chạm một lực lượng chống đối khá quan trọng, nên đành rút lui lên tàu và chờ lúc thuận tiện hơn để đổ bộ cả binh đội.
Quân ta tuy chặn được đoàn dọ thám, nhưng nhận biết sức mình không đương đầu nổi với súng đạn của đối phương nên không tấn công địch, chỉ dừng lại phòng thủ. Nhưng phòng thủ để kịp giờ phóng hỏa bốn ngục thất giam cầm giáo hữu, hầu làm hiệu lịnh triệt thối.
Giữa cái đêm âm u ảm đạm ấy, người ta thoạt thấy phía mấy cái ngục có những ngọn lửa bốc lên… giáo hữu hết sức đau lòng, vì biết rằng những người bị giam cầm đã phải làm mồi cho ngọn lửa vô nhân tàn bạo.
Tuy nhiên nơi ngục đàn ông (Phước Lễ) cũng có người tông cửa, tuôn lửa chạy ra thoát được độ 10 người. Đời Cha Y (Errard), những người này còn sống, còn bốn chữ thích tự trên má, chính họ thuật lại: Trước khi phóng hỏa, toán lính bao vây xung quanh ngục, chong mũi giáo tới trước phòng thủ. Nếu có ai chạy ra ngoài thì họ đâm rồi vít trở vào lửa. Vì thế, không mấy người thoát được.
Còn ba ngục đàn bà và trẻ con (tổng số 400) cũng bị đốt một lượt đó; nhưng binh lính thương tình, phá cửa hay mở cửa cho họ chạy. Chỉ có bà mẹ bận bịu con dại, chậm chân bối rối nên cả mẹ lẫn con đều bị chết cháy.
Riêng ngục Long Kiên thì phụ nữ chết nhiều, vì có một tên đội tham tàn, chận họ lại để giựt của. Ngục này giam 135 người, mà chết hết 106 người.
Tổng số người chết trong ngục ba ngục đàn bà và trẻ con là 156; thêm vào số 288 người chết trong ngục đàn ông, tất cả là 444 người.
Qua ngày sau (8-1-1862) người ta đến tận ngục Phước Dinh thì chỉ thấy một đống tro tàn và ngổn ngang những xác chết.
Trên tàu Pháp có Cha Croc làm tuyên úy (đến sau Cha được tấn phong làm Giám mục ngoài Bắc). Cha Croc hợp tác với Cha Trí, một linh mục địa phương đã ẩn núp giúp đỡ giáo hữu, cùng lo liệu mai táng hài cốt những người chịu chết vì đạo Chúa. Hai Cha đã bảo đào ba cái huyệt lớn gần bên ngục. Nội ngày đó (8-1-1862) Cha Croc làm phép xác và chôn các đấng ấy trong ba cái huyệt tạm.
Còn về xác các người chết thiêu trong ba cái ngục Long Kiên, Long Điền và Phước Thọ thì không có tài liệu nào nói rõ.
Chúng ta nên lưu ý đến điều này: Trong giai đoạn bị giam cầm bắt bớ và tàn sát này, giáo hữu phiền trách chánh quyền, nhưng hằng cảm mến những người lương trong cả phủ Phước Tuy. Những người lương đã không quấy nhiễu, mà lại tỏ ra nhân đạo sẵn sàng giúp đỡ giáo hữu. Có lúc họ che đậy; có lúc họ đem về nhà cho ẩn núp; họ lai nuôi dưỡng, giúp tiền bạc, cung cấp những nhu cầu. Nhờ đó mà nhiều giáo hữu khỏi bị bắt, và Cha Trí mới còn ở lại trong vùng được, mà chánh quyền không hay biết chi cả.
***
Một vài tháng tạm yên
Quân ta rút khỏi Phước Lễ, tập trung nơi khu rừng Long Nhung (Thôm). Trung tuần tháng 3 năm 1862, binh Pháp đến tấn công, quân ta lại phải lui dần về Trung Việt.
Những tay ngược đãi đã đi xa rồi, thì giáo hữu tản mác trong thời kỳ bắt bớ lại lục tục trở về đất cũ làng xưa, mong gầy dựng lại cơ nghiệp đã bị tàn phá. Họ tản cư đã ngoài sáu tháng; tuy nhờ lòng từ thiện của người lương, nhưng tình trạng của họ rất bấp bênh, không nơi nào gọi là vững chắc.
Tuy nói rằng họ hồi cư, nhưng thật ra giáo hữu phần đông lẩn quẩn trong làng Phước Lễ và Đất Đỏ, một số ít trở lại Long Điền, Thôm (Long Tân); còn Long Kiên, Long Xuyên thì không ai về lại nơi cũ.
Trong vùng Phước Tuy số bổn đạo còn lại không tới hai phần ba. Trước cơn tàn sát thì có độ 2300 người, lúc này chỉ còn độ 1500 thôi. Bởi vì lớp thì bị giết hại, lớp lại phải tản cư vì hoàn cảnh hoặc chết vì nạn thiên thời; có người vì cha mẹ chết, mồ côi bơ vơ không nơi nương tựa, phải đi xứ khác hoặc đến Sài Gòn tìm phương sinh sống.
Dầu vậy, Họ Phước Lễ cũng được Cha Trí tiếp tục điều khiển; còn Họ Đất Đỏ thì được Bề Trên cho Cha Hiển đến coi sóc, Nhà thờ Đất Đỏ đã bị triệt hạ, phải nhờ nhà bà Hộ Của, chồng bà đã chết trong ngục, bà không thiết chi nữa nên dâng nhà bà làm nhà thờ tạm cho giáo hữu đọc kinh xem lễ.
Ban Truyền thông GP. Bà Rịa thực hiện