Những chiến sĩ vô danh
PHƯỚC TUY LỬA MÁU
1862 – 1962
NIHIL OBSTAT
Saigon die 8 – 7 – 1960
Paulus MƯỜI
cans – del
IMPRIMATUR
Saigon die 8 – 7 – 1960
Joshep THIÊN
vic – del
*******
ĐOẠN THỨ HAI
HAI NĂM LỬA MÁU
1861 – 1862
Nguyên nhân cuộc bách hại
Hai năm trước, binh Pháp và Tây Ban Nha viện cớ bảo vệ các nhà thừa sai thuộc quốc tịch của họ, nên đến chiếm Sài gòn.
Chánh quyền thời đó không đủ binh lực, lại bỡ ngỡ trước hỏa pháo của đối phương nên đành thúc thủ. Dầu vậy, vẫn ngấm ngầm hoạch định mưu lược phản công, quyết dành lại hai tỉnh Gia Định và Định Tường. các tướng lãnh mộ binh và đồn trú tại Biên Hòa.
Nhưng trước khi phản cung, họ thực hiện câu: tiền sát tả, hậu bình tây (trước giết người tả đạo, sau rồi mới đánh dẹp ngoại xâm của phương tây).
Vua quan thời đó ngờ vực người Công giáo theo tây, cũng có lý phần nào. Bởi vì Công giáo bị bách hại, tự nhiên mong nhờ một lực lượng nào đó giải thoát; nhưng tích cực tham gia công việc chống chính quyền, chắc chắn dầu có chăng nữa cũng là một thiểu số, không theo đường lối chính đáng của Công giáo.
Thời đó tỉnh Biên Hòa có một số giáo hữu khá đông, phân tán trong các khu đông người. Độ tháng 8 năm 1861, có sắc chỉ truyền cho các làng phải kiểm tra tổng số nam phụ lão ấu Công giáo. Vùng Phước Tuy lại được lệnh cấp tốc làm bốn cái khám.
Kiểm tra xong, nhà chức trách cứ chiếu theo danh sách lùng bắt giáo dân đem nộp cho Cai tổng. Đến tổng thì giáo hữu phải đóng trăng và thích tự hai bên má: một bên chữ Biên Hòa, một bên chữ tả đạo. Họ có ý lăng nhục giáo hữu, và giả như có ai lẩn trốn thì cũng không sao tránh được con mắt chính quyền. Thích tự như thế còn mãi.
Những hạng cao niên sống hiện giờ trong những Họ Bà Ria, Đất Đỏ, lúc xuân thời đã thấy được một vài người bị thích tự còn sống. Nhưng dấu thích tự không còn là một dấu hổ nhục, mà là những nét vinh quang anh dũng, con cháu nhìn vào là kính cẩn khen tặng.
BỐN NGỤC THẤT
Có nhiều giáo hữu khôn khéo và cũng nhờ người lương che chở, nên tránh được cuộc kiểm tra danh sách. Nhưng số bổn đạo bị bắt độ 700 người thuộc 5 sở họ.
700 người này bị giam trong bốn cái ngục, bốn nơi xa nhau;
1) Ngục chánh tại làng Phước Lễ, cách dinh quan Phủ chừng 200 thước. Theo khẩu truyền, chính chỗ nhà thờ đất thánh bây giờ. Nhưng cũng có người nói: nhà ngục ở trong vùng đất sau bệnh viện Phước Lễ, kêu là Khổ Sơn. Danh từ Khổ Sơn (Núi khổ) cũng nói lên được tình trạng xưa kia một phần nào. Ngục này giam 300 đàn ông, còn ba ngục kia thì giam đàn bà và trẻ con.
2) Ngục thứ hai Cách ngục Phước Lễ độ 3,4 ngàn thước dọc theo con đường Bà Rịa – Xuân Lộc. Về sau chính trong khu vực nhà ngục này, các bà dòng Thánh Phao lô đã mở một cô nhi viện và chuyên trồng tiêu nên người ta gọi là Vườn tiêu hay là Sở tiêu; nhưng một thời gian sau, vì thiếu phương tiện sinh sống nên đành phải bỏ dở. Lại có một bụi tre mà thiên hạ gọi là «bụi tre ngục»; nhưng với những biến cố vừa qua, binh Pháp đóng trong khu vực này, cái di tích ấy cũng không còn. Ngục thứ hai này giam 135 người.
3) Ngục thứ ba cách Phước Lễ 5,6 ngàn thước, bên phải con đường Phước Lễ đi Đất Đỏ, trong làng Long Điền. Hiện nay người ta nhận định được nơi nhà ngục này trong khu vực đất thánh Long Điền. Ngục này giam 140 người.
4) Ngục thứ tư trong làng Phước Thọ, vùng trung tâm Họ Đất Đỏ, nhốt một số đàn bà trẻ con độ 125 người.
Tổng số những người bị giam trong bốn ngục là 700.
Trong mỗi ngục đều có lính canh nghiêm ngặt. Có đội cai điều khiển một toán lính, và họ mặc tình hà khắc. Lúc đầu có vài giáo hữu còn có tiền bạc, đút lót cho họ chút đỉnh thì họ nới tay; nhưng rồi tiền bạc cũng hết, nên phải chịu cùng số phận với những người khác.
Nhất là trong ngục đàn ông ở Phước Lễ, họ hết sức tàn nhẫn. Nhưng trong ngục nào cũng thế, hễ có thân nhân đem vật thực đến thì chúng chặn lại lấy phân nửa. Chúng cũng bắt mọi người ở mãi trong ngục, không được nới ra nửa bước. Đại tiện tiểu tiện ngay trong tù. May lắm mới mướn được một vài đứa nhỏ ở ngoài vào hốt đổ.
Trong không khí nghẹt thở ấy, lại nhằm mùa mưa (vào khoảng tháng 9), nhà tù không có vạt phên chi cả, phải nằm ngủ dưới đất, nên có rất nhiều người thọ bịnh mà bỏ mình. Dầu vậy, trong số này không nghe nói ai nản chí bỏ đạo.
Trong ba khám giam phụ nữ và trẻ con, lính canh tuần có phần dễ dãi hơn. Nhờ đó Cha Trí giả dạng đi buôn, gánh hai đầu hai tĩn nước mắm vào bán trong ba ngục này để thăm viếng và ban phép Bí tich. Cũng có người khác gánh vật thực vào bán, nhưng thật ra họ dấu tiền trao cho tù nhân để trả.
Ông bà xưa cũng thuật lại: có một người đàn ông bị nhốt trong khám Phước lễ; bà vợ với đứa con còn bồng trốn thoát được. Bà này chạy được 30 quan tiền, mong nhờ đó giải thoát cho chồng (một tiền là 60 đồng kẽm, một quan 10 tiền). Nhưng người chồng nghĩa khí ấy cho rằng việc làm của vợ là không chính đáng, nên không nhận đề nghị của vợ, một đành ở lại trong ngục chịu đau khổ và chịu chết vì Chúa.
Đến khi Pháp chiếm Biên Hòa thì chánh quyền địa phương Phước Tuy lại ra lịnh chất gai chè nè bố vi bốn khám, một phần để cho tù nhân khó trốn; phần khác họ có ý hiểm độc là hễ động dụng là có thể phóng hỏa thiêu sinh.
Ban Truyền thông GP. Bà Rịa thực hiện