Những chiến sĩ vô danh
PHƯỚC TUY LỬA MÁU
1862 – 1962
NIHIL OBSTAT
Saigon die 8 – 7 – 1960
Paulus MƯỜI
cans – del
IMPRIMATUR
Saigon die 8 – 7 – 1960
Joshep THIÊN
vic – del
*******
PHƯỚC TUY :
ĐỊA HẠT CÔNG GIÁO TRƯỚC NĂM 1862
Nguyên khởi
Phước Tuy đã thọ hưởng Phúc âm từ bao giờ thì không có tài liệu chứng tỏ. Lối năm 1879, có người cố công điều tra những ông già bà lão trong xứ, nhưng không ai nhớ được những họ đã đạo khởi lập từ ngày nào.
Có người cho rằng: Phước Tuy đã được truyền bá Phúc âm từ lúc các thừa sai ngoại quốc vừa đặt chân vào Nam Việt, các nhà thừa sai không được thiện cảm của triều đình; nhưng Phước Tuy là một vùng xa xôi hẻo lánh, có lẽ dễ bề truyền đạo hơn.
Hoặc giả: trong giai đoạn xâm chiếm hòa bình vào miền Nam, khoảng cuối thế kỷ XV, người Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng nam đến Phước Tuy; trong số đó có người Công giáo, trước tình cảnh bị ngược đãi, thì tim nơi xa vắng để dễ bề giữ đạo và sinh sống. Sẵn có một nhóm tiền phong, rồi thì nhiều người khác cũng đến lập nghiệp trong vùng, để tránh cơn bắt bớ. Tương đối, giáo hữu vẫn được bình yên.
Chắc chắn vào năm 1862, có một khu vực truyền giáo khá quan trọng ở vùng Phước Tuy.
Tình trạng
Trước năm 1862, Họ Bà Rịa (Phước Lễ) không phải là họ chánh trong địa hạt.
ĐẤT ĐỎ- Họ chánh là Đất Đỏ, cách tỉnh lỵ Phước Lễ 11 cây số. Họ này được chừng 1100 giáo hữu ở rải rác trong ba làng: Phước Tuy, Phước Thọ và Thạnh Mỹ, nhà thờ cất trong làng Thạnh Mỹ. Và hiện nay sau những biến cố thăng trầm, lúc phải triệt hạ, lúc phải dựng lên, nhà thờ vẫn sừng sững đứng trong làng Thạnh Mỹ này.
Họ Đất Đỏ có Cha thường trực. Nhưng Cha nào đảm nhận trách vụ lúc sơ khởi thì không biết được. Chỉ biết rằng đời Gia Long có một Cha; người thì nói Cha Giacôbê, kẻ lại nói là Cha Điền dòng Phanxicô; nhưng không biết Cha Giacôbê và Cha Điền có phải là một Cha hay không ?
Lúc trước cạnh nhà thờ có một cây dương rất cao; có người nói của Cha Giacôbê trồng, người khác nói của Cha Điền. Cây dương này thâm niên lại rất cao, người trong làng ở tại một địa điểm rất xa cũng thấy được ngọn; vì thế mà người ta cũng kêu nhà thờ Đất Đỏ là nhà thờ cây dương. Nhưng đến trận bão năm Thìn (5-5-1904) cây dương đó trốc gốc.
Nhà thờ Đất Đỏ cũng như các nhà thờ khác, khởi điểm sơ sài nhỏ hẹp. Trong nhà thờ cũ có chôn một cha bổn quốc; không biết Cha nào. Lần lượt số giáo hữu gia tăng, nhà thờ cũ lại xiêu đổ nên phải cất ngôi thánh đường mới. Có lẽ do sáng kiến của Cha Điền; ngài lợi dụng tình thế tạm yên đời Gia Long, xây cất một ngôi thánh đường xứng đáng.
Theo khẩu truyền thì Nhà thờ đó rộng rãi, xinh đẹp, đúng kiểu Việt Nam. Bây giờ thấy còn lại những khuôn đá táng và những tảng đá lót vòng quanh nhà thờ, cũng đoán được đó là một công trình khá vĩ đại.
Tại Đất Đỏ lúc bấy giờ có lẽ có trường học do các dì Dòng Mến Thánh Giá đảm nhận.
Từ Đất Đỏ, Phúc âm rọi ánh trên các làng gần đó.
THÔM– Tiến về phía Bắc độ 5,6 cây số, đuốc chân lý đã nhen nhúm trong hai làng Long Nhung và Long Hiệp (về sau nhập lại làm Long Tân); thường gọi là họ Thôm, tổng số giáo hữu chừng 500.
DINH– Từ Đất Đỏ nhìn về phía tây độ 10 ngàn thước thì có họ Dinh. Kêu là họ Dinh, vì họ ở gần cạnh chân núi Dinh. Cũng có lẽ vì là nơi có nha môn, có huyện phủ, có quan nhị phẩm cai trị, lại có dinh thự của quan liêu, cho nên gọi là họ Dinh.
Mặc dầu ở cạnh cửa quyền chống đối với Công giáo, nhưng đạo Chúa vẫn len lỏi vào, tuy không chen chân được trong những dinh thự, nhưng đã có 400 giáo hữu rải rác trong khắp làng Phước Lễ.
Theo khẩu truyền của một gia tộc thì tiên nhân của gia tộc này là tiên hiền làng Phước lễ, nghĩa là người tiên khởi lập làng. Hai ba thế hệ sau, làng vẫn giữ cái tục lệ kiến mân tiên hiền cho con cháu trong những buổi cúng kiên, cho đến lúc ngành trưởng trong gia tộc di cư về Long Điền thì lệ đó mới chấm dứt.
Về sau họ Dinh một ngày một thịnh, trở thành họ chính trong địa hạt. Hiện nay là Họ Bà Rịa tại tỉnh lỵ Phước Lễ.
THÀNH- Giữa Đất Đỏ và Phước lễ, có một họ khác gọi là Họ Thành hay Long Điền, lấy theo tên chợ gần đó, nhưng tại sao kêu là Họ Thành, Chợ Thành thì không rõ.
Long Điền là một khu vực phì nhiêu nhất và là trung tâm thương mại của Tỉnh. Dân cư chú trọng đến sinh nhai, đến vấn đề kinh tế, không quan tâm đến đạo đức. Thuở đó chỉ được 200 giáo hữu, mà cho đến nay không tiến triển chi cho lắm.
GÒ SẦM- Về phía Đông Đất Đỏ độ 9,10 cây số có Họ Gò Sầm, tuy thuộc làng Thạnh Mỹ hay Phước Bửu, nhưng thật ra là một khu rừng giữa Nam Việt và Bình Thuận, chỉ quy tụ được chừng 100 giáo hữu. Vì là một chốn rừng cao, nước độc nên số giáo hữu không thêm mà ngày càng bớt.
LONG KIÊN, LONG XUYÊN– Theo những tài liệu còn lại thì có hai Họ nữa: Từ Long Tân đi vòng về Phước Lễ, khoảng giữa có hai làng Long Kiên và Long Xuyên, hai nhóm nhỏ Công giáo ở đó; nhưng lúc bắt đạo, họ trốn đi tản mác trong các Họ lớn.
Đương đầu với ngược đãi
Đời Gia Long; giáo hữu được thở một làn không khí an tịnh và ra công xây dựng kiến thiết, nhưng chỉ là một giai đoạn ngắn.
Đời Minh Mạng, cuộc bách hại khai mào và tiếp tục mãi dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức.
Giả thuyết cho rằng Công giáo gia nhập dư đảng Vệ úy Khôi, thiết tưởng không có căn bản. Bởi vì lúc tàn sát binh lực của Khôi, không thấy nói đến cuộc giết hại giáo hữu. dưới chế độ quân chủ độc tài, mang tội phản loạn thì khó chạy khỏi bản án tru di; lại bè phái không dễ gì sinh sống an nhiên. Thời kỳ đó chỉ ghi lại những cuộc đốt phá nhà thờ thôi.
Một sắc chỉ của Minh Mạng ra lệnh triệt hạ các nhà thờ. Riêng về nhà thờ Đất Đỏ, chánh quyền tịch thu, dỡ về làm lẫm lúa cho đồn binh ở tại Dinh. Còn về sinh mạng thì không có người chết vì đạo.
Bởi không có nơi thờ phượng, lại cấm hội họp, nên chi giáo hữu phải lén lút. Giữ các Cha trong Họ là cả một vấn đền, Cha thừa sai ngoại quốc khó giữ đã đành, mà chấp chứa một Cha Việt Nam cũng không phải là dễ. Dầu vậy, trong cả địa sở, bổn đạo vẫn vững tâm trải qua cơn ngược đãi. Bề ngoài tuy giữ đạo khó khăn, nhưng bên trong vẫn thịnh đạt, vì giáo hữu bền lòng chịu gian lao khổ nhọc, siết chặt tình thân yêu lại nâng đỡ nhau phần hồn phần xác.
Giai đoạn ngược đãi này có hơn 30 năm, tuy nhiều trở ngại nhưng vẫn có những linh mục hy sinh ẩn núp giúp đỡ giáo dân. Người ta còn nhớ được tên những Cha Kiểu, Tùng, Hạp, Hiển, Trí.
Dưới đời Thiệu Trị, có ông lái Gẫm (Á thánh Gẫm) gốc ở làng Long Đại, Gò Công gần Thủ Đức, nhưng cưới vợ ở Thành, ông về quê vợ và gia nhập Họ Long Điền. Ông là tay lái sành sỏi lại can đảm, nên Địa phận ủy thác cho trọng trách vượt trùng dương sang Tân-gia-ba, rước Đức Cha Lefèvre về Sài Gòn. Nhưng ngày 7-6-1846 ông bị bắt lúc thuyền đang ngược sông vào Sài Gòn. Gần một năm sau, ngày 11-5-1847, ông bị trảm quyết.
Tại Đất Đỏ cũng có ông Trùm Sĩ, gia đình khá giả, xung quanh nhà ông có rào giạo kín đáo dễ bề ẩn núp. Ông đã rước Đức Cha Gioan Miche trốn tại nhà ông một ít lâu, ông cũng đào một cái hầm bí mật, hễ động dụng chuyện gì thì đem Đức Cha xuống trốn. Dầu vậy đối phương cũng hay, ông đã liệu đưa Đức Cha ra Phước Hải và thuê thuyền chở người ra khỏi nước. Đức Cha thoát được, còn chính ông lại bị bắt và cầm tù tại Biên Hòa, ông đã chết trong ngục.
Cơn bách hại này như rèn luyện giáo hữu Phước Tuy để chịu những cuộc tàn sát về sau.
Ban Truyền thông GP. Bà Rịa thực hiện