Những chiến sĩ vô danh
PHƯỚC TUY LỬA MÁU
1862 – 1962
NIHIL OBSTAT
Saigon die 8 – 7 – 1960
Paulus MƯỜI
cans – del
IMPRIMATUR
Saigon die 8 – 7 – 1960
Joshep THIÊN
vic – del
*******
ĐOẠN THỨ NHẤT
VÀI HÀNG LỊCH SỬ
Phước Tuy, trước là Bà Rịa, một tỉnh miền đông Việt Nam.
Khách du nhàn, những ngày nghỉ lễ tấp nập ra Vũng Tàu- Long Hải. Khi xe chạy khỏi Long Thành chừng 17 cây số thì đến ranh giới Tỉnh Phước Tuy.
Nếu không có con đường tráng nhựa, thì khách có thể lạc lõng giữa một dải rừng già. Tuy đất đai không mấy phì nhiêu, nhưng cỏ cây hấp thụ sinh lực, thanh khí thiên nhiên, đua nhau mọc lên chằng chịt. Thỉnh thoảng lại có một cánh đồng hoang lưa thưa những cỏ cằn hoa dại. Xa xa lại điểm một vài đồi núi xanh rì.
Hình ảnh đó có thể khêu gợi lại địa cảnh thời xưa.
Một dải đất, đâu lưng với tỉnh Biên Hòa, kề mặt với vịnh Gành Rái và Nam Hải, lại dựa vai với tỉnh Bình Thuận… Thời trước chỉ là một khu vực của người Miên dùng làm trái độn, đỡ cho nhẹ bớt những cuộc tấn công của người Chàm, một dân tộc thù địch truyền thống của họ.
Chính người Miên đã không chú trọng đến miền này, vì gần như không còn di tích chi ghi lại dấu tích của họ. Có lẽ chỉ con lại Bàu Voi hay Bàu Thành, cách chợ Long Điền chừng 1000 thước; tương truyền cho rằng Vua Miên dạy đào bàu này để cho voi tắm.
Còn người Chàm, trong giai đoạn tranh đấu xâm chiếm Cao Miên. Chỉ mượn con đường Phan Thiết, Biên Hòa, hay đi đường biển; còn Phước Tuy kể là hoang địa, dân cư gần như không có, nên họ cũng không thèm để ý đến.
Dân chúng địa phương, có lẽ là dân tộc từ quần đảo Mã Lai sang định cư từ nhiều thế kỷ trước. Hiện thời vẫn còn vài làng người Thổ tượng trưng.
Nhưng vào thế kỷ XV, trước lực lượng Nam tiến của dòng Việt, nước Chàm phải tiêu diệt, độ năm 1471. Từ đó Việt Nam giáp giới với Cao Miên, và cũng từ đó khởi điểm một cuộc xâm chiếm hòa bình.
Người Miên quá an tỉnh, lại đất nước của họ có những cánh đồng bao la, dân số lại ít, nên cái vùng rừng núi này không có chi quyến rũ họ; họ không khai thác ruộng nương rẫy bái chi cả.
***
Trái lại, dân Việt quê Bình Định- Quảng Ngãi… khu đất trồng trọt khá hẹp hòi, lại không được phì nhiêu, phải tranh đấu cho cuộc sinh hoạt hằng ngày, nên họ đổ ra đi tìm đất mới. Họ đến vùng Phước Tuy tìm những nơi dễ sinh sống hơn. Họ định cư ở Long Điền, An Ngãi, Chợ Bến. Còn ai theo ngư nghiệp thì ở dọc theo bờ biển Phước Tỉnh, Phước Hải.
Có lẽ cuộc làm ăn trong khu vực mới này khá thịnh đạt, nên thu hút được nhiều người đến lập nghiệp, ngày một đông.
Năm 1658, chánh phủ Việt Nam lợi dụng tình trạng sẵn có, lại viện lẽ bảo vệ quyền lợi Việt kiều, đưa quân đến chiếm. Vua Miên là Nặc-Ông-Chân xua binh kháng cự, nhưng đồn Mô xoài (Phước Tuy) bị 2000 chiến sĩ Việt Nam triệt hạ, lại bắt được cả Nặc-Ông-Chân, triều đình Việt Nam phóng thích vua Miên, nhưng lại buộc hàng năm phải triều cống.
Năm 1701, Việt binh lại xâm chiếm cả miền Nam, nhưng thất trận ở Kompongcham. Dầu vậy vẫn chiếm giữ Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa. Năm 1765, thôn tính xong Nam bộ và đặt cơ quan hành chính.
Trong giai đoạn Tây Sơn và Nguyễn Ánh tranh quyền, Phước Tuy phải trải qua những hồi điêu đứng, lúc thì vào tay Nguyễn Ánh, lúc lại thuộc quyền Tây Sơn. Đổi chủ cách đó, tất nhiên dân chúng địa phương, nhất là miền Duyên Hải, phải hứng chịu ảnh hưởng chiến tranh, làng Phước Tỉnh hiện nay vẫn còn di tích cuộc Tây Sơn đốt phá.
Thời kỳ Vệ húy KHÔI phản kháng bản án bất công của Triều đình đối với LÊ VĂN DUYỆT, đứng lên gây loạn, kêu gọi dân chúng gia nhập phong trào chống đối, Phước Tuy đã hưởng ứng, hay ít ra cũng tìm nơi tá túc cho binh đội của Khôi. Trong số người hưởng ứng, theo lời một tác giả, thì có một nhóm người Công giáo; nhưng thiết tưởng không có tài liệu chắc chắn. Vua Minh Mạng, cùng một lượt, ra lịnh dùng thủy lục quân tấn công hai mặt và tán phá những làng cạnh bờ biển Phước Tuy. Dân chúng lại phải trải qua một cơn máu lửa !..
Ban Truyền thông GP. Bà Rịa thực hiện