Những chiến sĩ vô danh: PHƯỚC TUY LỬA MÁU * 1862 – 1962
Kính thưa quý vị,
Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Tôn vinh các Thánh Tử đạo Việt Nam. Với Giáo phận Bà Rịa, thời gian này cũng là cơ hội tốt để các tín hữu hướng về các Vị Tử đạo Bà Rịa với lòng tri ân, kính mến. Các Vị Anh hùng Đức tin đã hy sinh để mảnh đất Bà Rịa được trổ sinh hoa trái là bao thế tín hữu như hôm nay.
Để giúp quý vị hiểu rõ hơn về lịch sử đức tin hào hùng của mảnh đất Bà Rịa, từ hôm nay, xin giới thiệu đến quý vị Tập sách “Những chiến sĩ vô danh: PHƯỚC TUY LỬA MÁU * 1862 – 1962”.
Tập sách này được cho là do Cha R.P. Errard (Cha Y) biên soạn nhân dịp kỷ niệm Bách Chu Niên vùng Phước Tuy lửa máu.
***
Những chiến sĩ vô danh
PHƯỚC TUY LỬA MÁU
1862 – 1962
NIHIL OBSTAT
Saigon die 8 – 7 – 1960
Paulus MƯỜI
cans – del
IMPRIMATUR
Saigon die 8 – 7 – 1960
Joshep THIÊN
vic – del
LỜI TỰA
Lật qua trang sử nước nhà, chúng ta thấy nhiều gương anh hùng, liệt nữ. Tâm hồn Hồng Lạc khi nghe nói đến tên tuổi Trưng Nữ Vương, Trần Hưng Đạo, Bình Định Vương, v.v… không lý do nào mà không hãnh diện. Ngọn lửa gia tộc, trước những chiến công oanh liệt ấy, phải bừng lên rực rỡ trong tâm não chúng ta.
Nhưng biết bao những chiến sĩ vô danh, “lửa hương vẹn kiếp, sắt đá bền gan…” đã ngã gục nơi sa trường, hy sinh xương máu để bảo vệ non sông, xây đắp nước nhà. Những chiến sĩ vô danh này lại là đại đa số. Người thời nay dầu không chú ý đến, nhưng hồi nghĩ lại, chắc cũng phải bùi ngùi thương nhớ kính trọng.
Đó là đối với Quốc gia. Còn đối với Giáo hội?
Hiện nay, Giáo hội Việt Nam, nhờ nơi mầm giống hy sinh tử đạo mà nảy nở, người Công giáo lẽ nào lãng quên những tấm gương oanh liệt dũng cảm.
Năm 1959 và đầu năm 1960, hưởng ứng lời hiệu triệu của Giáo quyền, gần như các khu vực Công giáo đều có những cuộc lễ long trọng, kiệu rước di hài các Đấng Tử đạo đã được tuyên phong. Nhưng vẫn còn cả 100 ngàn chiến sĩ khác, thân xác đã mỏi mòn tiêu hao ở nơi rừng cao nước độc, phải vùi thây nơi chốn lưu đày. Có người phải lưỡi gươm bạo tàn sát hại trên con đường bôn tẩu, có người chết rũ tù…, có người phải hỏa thiêu… Dầu vậy, tín ngưỡng không sao lay chuyển.
Mộ chiến sĩ vô danh cũng phải được chúng ta biểu dương, khen phục.
Vì vậy mà có những trang sau đây để kỷ niệm bách chu niên vùng PHƯỚC TUY lửa máu.
Những chiến sĩ vô danh có khi chính con cháu cũng không biết đến tên tuổi, huống hồ là khách tha phương. Nhưng thử hỏi: nếu không có dòng máu tử đạo đượm thắm tổ hương, nếu không có những của lễ toàn thiêu bay thấu Tòa Chúa, thì Giáo hội Việt Nam hiện nay thế nào?
Tertullianô đã nói: Máu Tử Đạo là mầm giống sinh ra tín hữu.
Con cháu của Đấng tử đạo đã đành, mà cả những người tân tòng, cũng nói được là dòng máu tử đạo đang lưu thông trong huyết quản của mình. Nhờ dòng máu đó mà chúng ta sinh trưởng trong Đạo thánh Chúa.
Ta quên tiền nhân của ta chăng?
Tâm hồn trọng hiếu của Việt Nam không cho phép chúng ta dìm sâu hình ảnh người xưa vào dĩ vãng: cái chí, cái hạnh của cha ông cần phải hiện diện trước mắt chúng ta, nhất là trong thời đại vật chất hiểm nguy này.
Nhiều quyến rũ, nhiều mưu cớ… rồi biết đâu ngày nào hoàn cảnh đổi thay, chúng ta lại lâm vào tình trạng như cha ông thuở trước và có khi tình trạng đó lại bi đát hơn nữa! Với mánh khóe tân thời, đối phương có thể làm cho ta không thể nên tử đạo, mà chỉ là một người tử tội. Đức tin chúng ta cần phải vững chãi.
Nhớ cha ông là khơi lại ngọn lửa tin tưởng cho nhiệt nồng.
Nhớ cha ông là nhớ đến nghị lực của chúng ta.
Nhớ cha ông là nghĩ đến phận sự phải sống xứng đáng với tiền nhân.
Nhớ cha ông là tưởng đến tương lai, cần phải noi dõi tổ tiên, để xây đắp Giáo Hội Việt Nam ngày càng tươi sáng.
Ban Truyền thông GP. Bà Rịa thực hiện