Bài 12: TÔN TRỌNG SỰ THẬT
***
Dẫn nhập
Do ảnh hưởng của sinh hoạt xã hội, và nhiều khi do cả nền giáo dục chuộng hình thức, sự gian dối đã trở thành quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Sự gian dối đó không những hủy hoại mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, mà còn hủy hoại chính ơn gọi làm người.
Vì thế cho dù gặp nhiều khó khăn, người Kitô hữu phải cố gắng và can đảm sống ngay thẳng, thành thật, chân thành với chính mình và với mọi người.
- Bổn phận tôn trọng sự thật
Chân thật là tiếp thu, là phục tùng thực tại, sẵn sàng không từ chối bất cứ đòi hỏi gì của thực tại. Sự thật không phải là một điều gì do con người uốn nắn, mà đúng hơn con người phải chấp nhận để cho sự thật uốn nắn mình.
Chúng ta có bổn phận phải chân thật là vì nếu không có sự thật thì không thể nào phát triển con người, đời sống xã hội và tôn giáo.
1.1. Sự thật trong tư tưởng. Để có sự thật, trước hết phải có tư tưởng thật. Con người phải chấp nhận sự thật dưới nhiều hình thức và phải nhiệt thành tìm kiếm sự thật, nhất là những chân lý về tôn giáo[1].
Ai cũng có quyền trình bày ý kiến của mình và tiếp nhận thông tin chính xác miễn là tôn trọng luân lý và công ích[2], và không được cưỡng ép người khác[3].
1.2. Sự thật trong cách sống. Thật trong cách sống là hành động và sống sao cho phù hợp với tư tưởng và lời nói của mình[4].
Những người vì sai lầm cũng vẫn là những người chân thành và trung thực nếu họ hành động theo những gì họ tin[5]. Những người như thế không mắc tội là đã lầm lạc[6].
Cần phải trung thành với sự thật đức tin mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa và làm chứng cho sự thật ấy trước mặt mọi người bằng cách nào hợp với ơn gọi và hoàn cảnh riêng của mình.
1.3. Sự thật trong lời nói. Thật trong lời nói nghĩa là những gì được phát biểu thành lời phải ăn khớp với tư tưởng và sự hiểu biết bên trong của con người.
– Buộc nói sự thật: Chúa Giêsu chính là “Đường là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Vì thế, suy nghĩ, nói và sống theo sự thật là bước đi theo Chúa Kitô.
Chân thật trong lời nói là một đòi hỏi của đức công bằng, kính trọng và bác ái đối với tha nhân.
Chỉ có thể có tình bạn trong lãnh vực trí tuệ và luân lý, khi nào hai bên đều tôn trọng sự thật.
– Không buộc nói sự thật: Cho dù mọi người đều có bổn phận phải luôn chân thật trong lời nói, tuy nhiên, vì lợi ích và sự an toàn của người khác, vì tôn trọng đời tư hay vì công ích, chúng ta không bị buộc phải tỏ bày một sự thật cho người không có quyền được biết[7].
– Bí mật của Bí tích Hòa giải: “Ấn tín bí tích là điều bất khả xâm phạm, vì thế, tuyệt đối cấm cha giải tội không được tiết lộ hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì”[8].
Ai trực tiếp vi phạm ấn tòa này thì sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết[9].
– Bí mật nghề nghiệp: “Các nhà chính trị, quân nhân, y sĩ, luật gia, hoặc chuyện tâm sự có lời thề giữ kín, phải được giữ bí mật, trừ những trường hợp ngoại lệ, là khi việc giữ bí mật sẽ gây ra cho người nói, người nghe hoặc một đệ tam nhân, những thiệt hại nghiêm trọng, và chỉ có thể tránh được những điều đó bằng việc nói ra sự thật. Những chuyện riêng tư. Mặc dầu không có lời thề giữ kín, cũng không được tiết lộ nếu có hại cho tha nhân, trừ khi có lý do nghiêm trọng và tương xứng”[10].
– Bí mật đời tư: “Mỗi người buộc phải giữ sự thận trọng chính đáng đối với đời tư của các nhân vị”[11]. Không ai có bổn phận phải đi tố cáo cho người khác những gì hoàn toàn thuộc về đời tư của một cá nhân, một gia đình.
Tuy nhiên, nếu cá nhân hay tập thể làm những điều xấu có hại cho lợi ích chung của nhiều người khác hay cho cả cộng đồng, thì vì công ích, lại buộc phải tố cáo sự xấu hay gian dối đó. Đây là việc bác ái, công bằng và lương tâm đòi buộc phải làm. Nếu không, sẽ có tội cộng tác vào việc xấu đã biết.
- Bổn phận phục vụ sự thật
2.1. Những phương tiện truyền thông. Nhà truyền thông phải cung cấp những thông tin dựa trên sự thật và phải tôn trọng quyền lợi và nhân phẩm của khách hàng trong việc tìm kiếm và phổ biến các sự kiện đúng sự thật[12].
2.2. Nghệ thuật thánh. Tự bản chất, qua những tác phẩm nhân loại, nghệ thuật thánh diễn tả vẻ đẹp của Thiên Chúa và giúp con người hướng về Thiên Chúa[13].
- Tội chống lại sự thật
3.1. Làm chứng dối và thề gian. Làm chứng dối và thề gian có thể làm thiệt hại lớn lao cho người khác và ngăn cản thi hành công lý[14].
3.2. Không tôn trọng danh dự người khác. Cấm mọi thái độ và mọi lời nói có thể gây thiệt hại cách bất công cho người khác. Vì thế, sẽ có lỗi khi[15]:
– Phán đoán hồ đồ: Nghĩa là khi không có đủ cơ sở mà, ngay cả một cách thầm lặng, cho một khuyết điểm về luân lý nơi người khác, là có thật.
– Nói xấu: Nghĩa là khi không có lý do chính đáng cách khách quan, mà lại tiết lộ những khiếm khuyết hoặc lỗi phạm của người khác cho những người chưa biết
– Vu khống: Nghĩa là dùng những khẳng định nghịch với chân lý mà làm hại thanh danh kẻ khác và tạo cơ hội cho người ta phán đoán sai lầm về người đó.
3.3. Nịnh hót, bợ đỡ hoặc tâng bốc. Nhằm thúc đẩy và khuyến khích kẻ khác làm điều xấu và hành động cách sai lầm[16].
3.4. Khoe khoang, châm biếm. Khoe khoang hoặc khoác lác là một lỗi phạm nghịch với chân lý. Châm biếm cũng có tội khi có ý làm mất uy tín một ai đó, bằng cách diễu cợt, với ý xấu, một điều gì trong cách hành động của người đó[17].
3.5. Nói dối. Nói dối là nói ngược với những gì mình nghĩ trong đầu với dụng ý đánh lừa người khác[18].
Nói dối là xúc phạm đến chân lý, nên xúc phạm đến tương quan nền tảng giữa con người và giữa con người với Chúa[19].
Tất cả những lỗi phạm đi ngược lại đức công bằng và chân lý, đòi hỏi phải được đền bù, kể cả khi người có tội đã được tha thứ. Khi không thể đền bù cách công khai, phải đền bù cách kín đáo. Đó là đòi hỏi của lương tâm[20].
Người Kitô hữu phải tôn trọng sự thật trong việc bảo vệ và phục vụ cho sự thật, vì chính Kinh thánh dạy rằng: “ngươi không được làm chứng gian hại người” (Xh 20,16), “Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả… Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,33), Tình yêu đích thật phải được hướng dẫn bởi chân lý, và chỉ có chân lý mới giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32).
- Áp dụng cụ thể
Câu chuyện cái lưỡi. Ông chủ kia sai đầy tớ ra chợ và bảo: “hãy mua cái gì ngon nhất về cho ta”. Người đấy tớ ra chợ mua cái lưỡi về. Ông chủ ăn khen ngon, lần sau ông lại sai đầy tớ đi chợ và dặn mua món gì dở nhất, người đầy tớ cũng lại mua cái lưỡi . Ông chủ ngạc nhiên hỏi:
Tại sao lần trước ta sai ngươi mua cái gì ngon nhất ngươi mua cái lưỡi, lần này ta bảo ngươi mua cái gì dở nhất ngươi cũng mua cái lưỡi?
Người đầy tớ trả lời: “thưa ông, vì những lời nói tốt lành nhất cũng là từ cái lưỡi, mà những lời nói xấu xa nhất người ta nói ra cũng là từ cái lưỡi”.
Gợi ý thảo luận
- Những khó khăn khi phải nói thật? Giải quyết khó khăn đó thế nào?
- Những khó khăn khi phải sống thật? Giải quyết khó khăn đó thế nào?
- Kinh nghiệm bản thân hay người khác về tác hại của truyền thông sai lệch (không đúng sự thật)?
***
[1] x. Vat II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae (07/12/1965), số 2; 1.
[2] x. Vat II, Hiến chế Gaudium et Spes (07/12/1965), số 59.
[3] x. Vat II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae (07/12/1965), số 3.
[4] x. Vat II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae (07/12/1965), số 2; x. GLCG 2467.
[5] B. Haring, La legge di Cristo, vol. III, Brescia, Morcelliana 1972, 638.
[6] x. Vat II, Hiến chế Gaudium et Spes (07/12/1965), số 16.
[7] x. GLCG 2489.
[8] GL 983, §1; x. GLCG 2490.
[9] x. GL 1388, §1.
[10] GLCG 2491.
[11] GLCG 2492.
[12] x. Youcat Việt Nam, Nhà Xuất bản Tôn giáo 2013, câu 459; x. GLCG 2494; x. GLCG 2497
[13] x. Vat II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (04/12/1963), số 122; x. Youcat Việt Nam, Nhà Xuất bản Tôn giáo 2013, câu 461.
[14] x. GLCG 2476.
[15] x. GLCG 2477.
[16] x. GLCG 2480.
[17] x. GLCG 2481.
[18] x. GLCG 2482.
[19] x. GLCG 2483.
[20] x. GLCG 2487.
BAN HUẤN GIÁO GP. BÀ RỊA