CÁC GIA ĐÌNH TRONG NHỮNG HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
(x. Thư chung HĐGMVN 2013, s.7; GĐ 77-85)
***
1. Đâu là các gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn?
Đó là các gia đình trong những hoàn cảnh đặc biệt; trong các cuộc hôn nhân hỗn hợp, hoặc trái qui tắc.
***
Chú thích
Thư Chung HĐGMVN năm 2013 nhắn nhủ:
“Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ”.
Để có thể đồng hành và nâng đỡ, trước nhất, chúng ta cần nhận ra:
Đâu là những gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn?
Tông huấn Gia đình nêu lên danh sách không ít những gia đình trong hoàn cảnh khó khăn, mà nhiều khi chúng ta đã chưa nhận diện ra những khó khăn quẫn bách, “thường là ngoài ý muốn,và do những đòi hỏi đủ loại” của họ, để có thể đồng hành và nâng đỡ. Vì vậy chúng ta cần tìm hiểu:
1/ Những gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt[1]:
1/1. Những gia đình di dân tìm việc làm;
1/2. Những gia đình có những người phải vắng nhà lâu ngày, như quân nhân, thuỷ thủ, tù nhân…;
1/3. Những gia đình sống giữa đô thị mà thực tế lại sống bên lề;
1/4. Những gia đình không nhà ở;
1/5. Những gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ;
1/6. Những gia đình có con tàn tật, hay nghiện ma tuý; có người nghiện rượu, bệnh tật…
1/7. Những gia đình bị kỳ thị vì chính trị hay vì những lẽ khác;
1/8. Những gia đình bị xâu xé vì ý thức hệ;
1/9. Những gia đình không thể dễ dàng tiếp xúc với giáo xứ;
1/10. Những gia đình bị bạo hành hay ngược đãi vì đức tin;
1/11. Những gia đình vị thành niên;
1/12. Những gia đình có những người già cả, phải sống trong cô đơn, thiếu thốn những phương tiện sinh sống cần thiết nhất.
2/ Những gia đình hôn nhân hỗn hợp[2]:
2/1. Hỗn hợp giữa người Công giáo và người đã được rửa tội trong các hệ phái (Vd. Tin lành).
Khó khăn của họ là:
- Bên công giáophải luôn ghi nhớ bổn phận phải sống và thể hiện đức tin công giáo; từ đó, phảilo hết sức cho con cái được rửa tội và giáo dục trong đức tin công giáo.
- Cả haiphải để ý đến những khó khăn, để biết tôn trọng tự do tôn giáo của nhau.
- Họcón phải phát huy tinh thần đại kết, khi hai vợ chồng đều trung thành dấn thân trong tôn giáo của mình. Phép rửa duy nhất của hai người sẽ ban ân sủng, giúp họ hiệp nhất trong đời sống luân lý và tâm linh.
2.2/ Hỗn hợp giữa người công giáo và người chưa rửa tội: Có hai trường hợp:
- Người phối ngẫu không rửa tội, nhưngcó tuyên xưng một tôn giáo: trong trường hợp này,những xác tín của người ấy phải được kính trọng[3].
- Người phối ngẫu không rửa tội, và cũngkhông tuyên xưng một tôn giáo nào:
Đối với những cuộc hôn nhân này, là thách đố không nhỏ cho bên công giáo: phải làm saobảo vệ đức tin; bảo vệ việc tự do thể hiện đức tin; rửa tội, và giáo dục con cái theo đức tin công giáo; hơn nữa, phải biết sống chứng tá đích thực cho người bạn lương dân của mình.
3/ Những gia đình hôn nhân trái qui tắc [4]:
Giữa những thay đổi nhanh chóng về văn hoá ngày nay, những chuyện trái qui tắc này đang lan tràn ngay cả giữa những người công giáo. Chúng ta có thể kể ra đây:
- Hôn nhân thử.
- Những vụ chung sống không hôn nhân
- Những người công giáo kết hôn chỉ có hôn phối dân sự.
- Những người ly thân và những người ly dị không tái hôn.
- Những người ly dị tái hôn.
Tông huấn Gia Đình cũng lưu ý thêm cho chúng ta về hoàn cảnh của “Những người không gia đình”[5]:
“Trong thế giới hiện nay, có một phần rất lớn nhân loại đang sống trong những điều kiện nghèo khổ cùng cực, sống chung lộn, thiếu nhà cửa, quan hệ với nhau chẳng bền vững vàchẳng hợp pháp, thiếu hẳn văn hoá. Những hoàn cảnh ấy đã không cho phép họ nói tới chuyện gia đình. Có những người khác, vì những lý do khác nhau, đang sống đơn độc trên thế giới. Tuy nhiên “Tin Mừng về gia đình” cũng được gửi đến cho họ nữa”.
“Với một lòng tin tưởng mãnh liệt, Giáo Hội tin rằng: ngay cả những người đã lìa xa lệnh truyền của Chúa, và đang tiếp tục sống trong tình trạng ấy, cũng có thể nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa, nếu họ kiên trì trong kinh nguyện, thống hối và bác ái”[6].
——————–
[1] GĐ 77.
[2] GĐ 78.
[3] X. Tuyên ngôn “Nostra Aetate” của Vatican II về tự do tôn giáo.
[4] GĐ 79-85.
[5] GĐ 85.
[6] GĐ 84.
Nguồn: gpcantho.com