TRÁCH NHIỆM CỦA XÃ HỘI
ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH
(x. GLHTCG 2210-2211)
+++
1. Xã hội có trách nhiệm gì đối với gia đình?1
Xã hội có trách nhiệm nâng đỡ, củng cố hôn nhân và gia đình.
2. Xã hội nâng đỡ, củng cố hôn nhân và gia đình bằng cách nào? 2
Bằng việc tôn trọng, trợ giúp, nhất là bảo đảm những quyền căn bản của gia đình.
HH
Chú thích
1/ Xã hội có trách nhiệm nâng đỡ, củng cố hôn nhân và gia đình:
- Tôn trọng và thăng tiến gia đình:
Do tương quan chặt chẽ giữa gia đình và xã hội, một đàng, đòi hỏi gia đình: phải mở rộng và tham gia vào xã hội, cũng như tham gia vào việc phát triển xã hội; đàng khác, lại đòi xã hội: không được thiếu sót trong bổn phận nền tảng của xã hội, là tôn trọng và thăng tiến gia đình[1].
- Nâng đỡ, củng cố hôn nhân và gia đình:
Do “Gia đình rất cần thiết cho đời sống và những phúc lợi của xã hội[2], nên bù lại, xã hội có trách nhiệm đặc biệt nâng đỡ, củng cố hôn nhân và gia đình. “Công quyền phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung[3], và giúp cho gia đình được sung túc, vì đó là những bổn phận, mà công quyền phải coi như một sứ mạng thiêng liêng để chu toàn”[4].
- Bằng những biện pháp xã hội thích ứng, nhất là đối với những gia đình thiếu khả năng:
“Gia đình phải được xã hội giúp đỡ và bảo vệ bằng những biện pháp xã hội thích ứng[5]. Nơi nào các gia đình không đủ khả năng chu toàn các phận vụ của mình, các tổ chức xã hội khác có bổn phận trợ giúp các gia đình đó, và nâng đỡ thể chế gia đình. Theo nguyên tắc bổ trợ[6], những cộng đoàn lớn không được lấn quyền hay xen vào đời sống của các gia đình đó”[7].
2/ Tôn trọng, trợ giúp, nhất là bảo đảm những quyền căn bản của gia đình[8]:
- Xã hội cần trợ giúp các gia đình về mọi mặt:
Xác tín được rằng, thiện ích qua gia đình đối với cộng đồng dân sự là một giá trị khẩn thiết, mà người ta không thể từ bỏ, quyền bính công cộng phải hết sức xả thân, để cung ứng cho các gia đình mọi sự trợ giúp về kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị, văn hoá, mà các gia đình cần có, để hoàn thành các nghĩa vụ của mình, một cách thật sự xứng hợp với đời sống con người[9].
b. Xã hội cần tôn trọng, bảo đảm các quyền căn bản[10]:
Giáo Hội công khai và mạnh mẽ đứng ra bảo vệ các quyền của gia đình. Các nghị phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình, từ năm 1980, đã đề cập đến những quyền sau đây:
– Quyền được hiện hữu và được triển nở trong tư thế của gia đình, nghĩa là: tất cả mọi người, và cách riêng là những người nghèo, đều được lập gia đình và duy trì gia đình mình, bằng những phương tiện thích hợp.
– Quyền thi hành sứ mạng của mình, trong tất cả những gì liên hệ tới việc truyền sinh, và giáo dục con cái.
– Quyền được sống thân mật trong cuộc sống hôn nhân cũng như gia đình.
– Quyền có sự bền vững trong liên hệ vợ chồng, và trong cơ chế hôn nhân.
– Quyền tin và tuyên xưng lòng tin của mình, cũng như truyền bá lòng tin ấy.
– Quyền giáo dục con cái, đúng với những truyền thống riêng của gia đình, đúng với những giá trị tôn giáo và văn hoá của nó, nhờ những dụng cụ, những phương tiện và những cơ chế cần thiết.
– Quyền được hưởng sự an ninh thể lý, xã hội, chính trị, kinh tế, nhất là đối với những người nghèo, và những người đau yếu.
– Quyền có được nhà ở thích hợp, với một đời sống gia đình lành mạnh.
– Quyền được phát biểu và đại diện trước các quyền bính công cộng, kinh tế, xã hội và văn hoá, cũng như trước cơ quan trực thuộc, hoặc một cách trực tiếp hoặc qua trung gian các hiệp hội.
– Quyền thiết lập những hiệp hội với những gia đình khác và những cơ chế khác, để chu toàn sứ mạng của mình một cách thích hợp, và với đầy đủ khả năng.
– Quyền bảo vệ các trẻ vị thành niên, bằng những cơ chế và những luật lệ thích hợp, để chống lại ma tuý, phim ảnh khiêu dâm, nạn uống rượu…
– Quyền có những giải trí lành mạnh, nhằm hậu thuẫn cho các giá trị gia đình.
– Quyền của những người già được sống, và được chết cách xứng đáng.
– Quyền di dân toàn gia đình, để mưu tìm những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn.
Ước mong những tìm hiểu trên đây sẽ giúp cho “gia đình chúng ta và xã hội có những bổ sung lẫn cho nhau, trong việc bảo vệ và thăng tiến công ích, cho hết mọi người, và cho con người toàn diện”[11].
*************************
[1] x. Tông huấn về Gia đình, s. 45.
[2] x. “Vui mừng và Hy vọng” s. 47,1.
[3] x. GLHTCG 2256: Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo các luật lệ khi chúng ngược lại đòi hỏi luân lý. “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người” (Cv 5,29).
[4] x. GLHTCG 2210; “Vui mừng và Hy vọng”, s. 52.
[5] Vd. Bộ luật hôn nhân-gia đình đúng đắn; Những quỹ an sinh xã hội; Những bảo hiểm thích đáng…
[6] x.GLHTCG 1883 (2431): Công cuộc xã hội hóa cũng kèm theo những nguy hiểm. Sự can thiệp quá đáng của Công quyền có thể đe dọa tự do và sáng kiến cá nhân. Hội Thánh đề ra nguyên tắc bổ trợ: “Một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn, phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu công ích” (x. CA 48; Ðức Pi-ô XI).
[7] x. GLHTCG 2209 (1883).
[8] x. GLHTCG 2211.
[9] x. Tông huấn về Gia đình s. 45.
[10] x. Tông huấn về Gia đình s. 46.
[11] x. Tông huấn về Gia đình s. 45.
Nguồn: gpcantho.com