GIA ĐÌNH,
CỘNG ĐOÀN XÂY DỰNG XÃ HỘI (2)
(x. GLHTCG 1776-1802; 1928-1938)
+++
1. Để Phúc Âm hóa xã hội còn thiếu tôn trọng sự thật, gia đình Kitô hữu phải làm gì?1
Gia đình Kitô hữu cần tập luyện, nêu gương sống lương tâm ngay thẳng.
2. Để Phúc Âm hóa xã hội còn thiếu công bằng, gia đình Kitô hữu phải làm gì? 2
Gia đình Kitô hữu phải góp phần xây dựng một xã hội, nơi mọi người được tôn trọng, và có thể sống xứng với phẩm giá của mình.
HH
Chú thích
1/ Tập luyện, nêu gương sống lương tâm ngay thẳng:
A/ Thế nào là lương tâm ngay thẳng?
Lương tâm ngay thẳng là lương tâm:
a. Nhận biết các nguyên tắc luân lý[1].
b. Biết ứng dụng những nguyên tắc ấy vào những hoàn cảnh sống cụ thể.
c. Biết phán quyết khôn ngoan về những hành vi cụ thể đã làm hay sắp làm. Người khôn ngoan là người chọn theo phán quyết này.
Đối với người Kitô hữu, lương tâm là luật tự nhiên, mà Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn nơi đáy lòng mỗi người; là tâm điểm sâu lắng nhất, và là cung thánh của con người; nơi đây, con người hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong tâm hồn họ.
B/ Phải rèn luyện lương tâm thế nào?
a. Phải rèn luyện lương tâm suốt đời: Ngay từ thuở nhỏ, trẻ em phải được giáo dục lương tâm, nhất là từ trong gia đình, để biết nhận ra và sống theo tiếng nói lương tâm cách trong sáng, tránh được những sợ hãi, bối rối, mặc cảm tội lỗi…
b. Lời Chúa phải là ánh sáng chỉ dẫn cho việc không ngừng rèn luyện lương tâm, dưới sự trợ giúp của Thánh Thần.
c. Cần siêng năng cầu nguyện, xét mình, lắng nghe lời khuyên nhủ, gương sáng của người khác, vâng nghe giáo huấn của Hội Thánh.
C/ Một vài nguyên tắc nền tảng, áp dụng cho mọi hoàn cảnh:
– Không được lấy mục đích tốt để biện minh cho phương tiện xấu (Vd. Lấy của người giàu để giúp đỡ người nghèo…).
– Cần nắm vững khuôn vàng thước ngọc này: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”[2].
– Đức ái Kitô giáo đòi chúng ta luôn tôn trọng người khác, và tôn trọng lương tâm của họ. Vì thế, ta không được xúc phạm, không được “làm thương tổn lương tâm của họ”, “nhất là tránh những gì gây cớ cho anh em vấp ngã”[3].
Lương tâm ngay thẳng đòi hỏi người tín hữu phải biết vượt qua những khó khăn, những cám dỗ của tiền bạc, của lối sống chạy theo vật chất, mà “tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân…”. Khước từ những cám dỗ của vật chất, dù sống trong cảnh thiếu thốn, để không bán rẻ lương tâm là một cách sống chứng tá cho Nước Trời, là chứng tỏ cho mọi người biết rằng: còn có một cái gì lớn lao hơn nhiều, đáng cho con người sống và phụng sự. Đó chính là Nước Thiên Chúa: “Nước tràn đầy sự thật và sự sống, tràn đầy ân sủng và thánh thiện, tràn đầy tình thương, công lý và bình an”[4].
2/ Ta cần phải xây dựng một xã hội:
A/ Công bằng:
a/ Chỉ thực sự có công bằng xã hội khi phẩm giá cao cả của con người (nhân vị) được tôn trọng; con người là mục đích tối hậu của xã hội, xã hội phải luôn nhằm phục vụ con người.
b/ Tôn trọng phẩm giá bao gồm việc tôn trọng những quyền căn bản của con người, với tư cách là một tạo vật được Thiên Chúa tạo nên, vd. quyền sống, quyền theo lương tâm, quyền tự chọn bậc sống, quyền được chăm sóc sức khoẻ, học hành, có việc làm, tự do cư trú, tự do tư tưởng và tôn giáo… vì những quyền này do Thiên Chúa ban, chứ không do xã hội.
c/ Nguyên tắc nền tảng cho việc tôn trọng phẩm giá con người là: “Mỗi người đều có bổn phận coi người đồng loại, không trừ một ai, như ‘cái tôi thứ hai’ (như chính mình)”, nên phải quan tâm đến cuộc sống, và những phương tiện giúp họ sống đúng phẩm giá làm người. Bổn phận này: phải được thực thi đặc biệt với những người cùng khổ, và cả với những người không cùng ý nghĩ, hoặc thù nghịch ta. Chúa đòi chẳng những không được oán thù, mà còn phải tha thứ mọi xúc phạm 70 lần 7.
B/ Bình đẳng:
Con người có những dị biệt, nhưng luôn bình đẳng với nhau về phẩm giá:
– Vì mọi người đều có cùng bản tính, cùng nguồn gốc: đều được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh duy nhất của Ngài, và đều được ban cho một linh hồn.
– Vì nhờ hy tế của Chúa Kitô cứu chuộc, mọi người đều được mời gọi đến hưởng vinh phúc của Thiên Chúa.
– Vì, tuy dù, trong thực tế, con người có những dị biệt về tuổi tác, thể lực, trí tuệ, tinh thần, địa vị, của cải…mà Phúc âm gọi là “những nén bạc” đã được ‘ông chủ’ là Thiên Chúa trao không đồng đều[5]. Nhưng những dị biệt này không được làm cớ, tạo nên những phân biệt, khiến cho con người mất bình đẳng, bất công với nhau. Vì sao vậy? Vì những dị biệt ấy là do chính Chúa Quan Phòng muốn để như vậy, nhằm dạy con người bài học ‘liên đới và chia sẻ’: mỗi người phải đón nhận những gì mình cần có từ tay người khác, và mỗi người cũng phải chia sẻ những gì mình có cho người khác đang cần đến. Như vậy, những dị biệt sẽ kích thích, và đòi buộc mọi người sống đại lượng, hảo tâm, chia sẻ, nhờ đó cuộc sống sẽ bình đẳng và phong phú hơn! Thánh Giuse Tả đã nắm vững điều đó qua lời phát biểu và thực hành của ngài: Mình tha nợ cho người, Chúa tha tội cho mình.
*****************************
[1] Vd. nguyên tắc: ‘mục đích không biện minh cho phương tiện’.
[2] Mt 7, 12; x. Lc 6, 31; Th 4, 15.
[3] 1 Cr 8, 12; Rm 14, 21.
[4] Thư Chung HĐGMVN 2004, S.11.
[5] x. Mt 25, 14-30.
Nguồn: gpcantho.com