GIA ĐÌNH,
CỘNG ĐOÀN XÂY DỰNG XÃ HỘI (1)
+++
1. Vì sao gia đình công giáo có bổn phận tham gia vào việc xây dựng xã hội 1?
Vì “Thiên Chúa đã tạo gia đình là nguồn gốc và nền tảng xã hội”[1], “Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình”[2].
2. Gia đình công giáo cần làm gì để tham gia vào việc xây dựng xã hội 2?
Gia đình công giáo cần dấn thân xây dựng “nền văn minh tình thương”.
HH
Chú thích
1/ “Gia đình là nguồn gốc và nền tảng xã hội loài người”:
a/ Vì đó là do ý định của Thiên Chúa:
“Gia đình trở thành tế bào đầu tiên và sống động của xã hội, bởi vì Đấng Tạo Hoá đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người” khi tạo dựng con người “có nam có nữ”, khi truyền cho họ “sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất”[3], khi chính Chúa Kitô đã muốn sinh ra, lớn lên nơi một gia đình, khi chính Người đã xác quyết: gia đình chính là “điều Thiên Chúa đã kết hợp…”.
b/ Vì gia đình có những liên hệ chặt chẽ và sống động làm nên xã hội:
Gia đình có những liên hệ chặt chẽ và sống động với xã hội, nó làm thành nền tảng cho xã hội và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống: chính giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân đức xã hội – như thành thật, công bằng, biết ơn, hiếu khách, phục vụ – là linh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển xã hội.
Như thế, vì bản chất và ơn gọi của nó, thay vì đóng khung vào chính mình, gia đình rộng mở đến những gia đình khác, đến xã hội, và chu toàn vai trò xã hội của mình”.
c. Vì gia đình là nôi của sự hiệp thông xã hội:
Chính kinh nghiệm về sự hiệp thông và chia sẻ phải là đặc điểm cho đời sống thường nhật của gia đình, tạo nên phần thiết yếu và căn bản, mà gia đình đóng góp được cho xã hội[4].
Các tương quan giữa những phần tử trong gia đình được phát triển dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của luật “cho không”, bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mỗi người, ý thức về phẩm giá con người như nguồn giá trị duy nhất; được nói lên cách cụ thể trong sự tiếp đón ân cần, gặp gỡ và đối thoại, tương trợ sâu xa quảng đại, và sẵn sàng phục vụ vô vị lợi…
Như vậy, phát huy sự hiệp thông đích thực giữa những người trong gia đình trở thành một việc thực tập căn bản và không thể thay thế được cho đời sống xã hội…
2/ Xây dựng “Nền văn minh tình thương”:
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giảng tại Riga, Phi châu, ngày 9.9.1993, về nền văn hóa sự chết/văn hóa sự sống/nền văn minh tình thương:
+ Văn hóa sự chết:
a. Thế kỷ 20 sẽ được coi là thế kỷ mưu sát khổng lồ sinh mạnng con người, như một chuỗi chiến tranh vô tận. Chỉ nguyên cuộc Đệ nhị Thế chiến[5] đã giết hại gần 80.000.000 binh sĩ lẫn thường dân!
b. Người ta đòi được phá thai và chết êm dịu, như là những quyền lợi. Nhưng hai việc ấy quả thực là sát nhân, là cuộc tàn sát những kẻ vô tội.
c. Ma túy, nghiện ngập, sách báo khiêu dâm, thác loạn giới tính, bạo lực…là những vấn đề xã hội nghiêm trọng; đây cũng là những thảm kịch cá nhân mà ta phải đối phó, bằng những hành vi cụ thể, yêu thương và liên đới.
+ Văn hóa sự sống:
a. Vun trồng sự sống tức là tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
b. Đặc biệt là tôn trọng sự sống con người từ lúc thụ thai đến lúc chết tự nhiên.
c. Văn hóa sự sống là phục vụ và bênh vực những người không được hưởng đặc ân, nghèo khổ và bị áp bức…Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Trong quả tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, đến nỗi chính Ngài “trở nên nghèo”[6]… Nếu không có sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, “việc công bố Tin Mừng, là việc bác ái đầu tiên, có nguy cơ bị hiểu lầm, hoặc bị chìm trong đại dương của những lời nói suông…”[7].
d. Văn hóa sự sống là cảm tạ Thiên Chúa vì giá trị và phẩm giá làm người của ta, vì tình bạn Ngài dành cho ta, trong hành trình tiến về định mệnh vĩnh cửu.
+ Văn minh tình thương: Mỗi người trong Giáo hội phải góp phần xây dựng nền văn minh tình thương:
– Ở đó, mọi người thi đua yêu mến, làm việc lành phúc đức.
– Ở đó, tình yêu và sự sống là những giá trị chính yếu.
– Ở đó, Giáo hội yêu thương bằng tình yêu của Thiên Chúa, nghĩa là biết trở nên như tấm bánh bẻ ra, bồi bổ và xây dựng một thế giới mới, một cộng đồng nhân loại luôn sống phục vụ trong yêu thương[8].
Tháng 5.1945, một thiếu niên 15 tuổi, mặc đồng phục Đức Quốc Xã, chán nản vì mộng ước bị sụp đổ, bởi nước Đức thua trận, nên đã ngã bệnh!
Thế nhưng, cậu đã được một gia đình Công giáo nuôi nấng và lo chạy chữa, mặc dầu gia đình này chưa biết rõ đó chính là Adolf Martin Bormann, con của Bornann, nhân vật khét tiếng của Đức Quốc Xã…
Martin Bormann rất cuồng tín vì đã được giáo dục theo lề lối đặc biệt của Đức Quốc Xã. Cậu không biết gì về tôn giáo, nhưng lại ác cảm gay gắt với đạo Công Giáo.
Thế nhưng chính sự ân cần chăm sóc của gia đình này đã làm cậu thay đổi hẳn lập trường. Cậu đã nhận Thánh tẩy ngày 28.9.1948. Sau đó, cậu từ giã cha mẹ nuôi, theo học thần học, rồi vào dòng các linh mục Thánh Tâm…Lễ Phục sinh năm 1958, Bormann đã thụ phong linh mục.
Đây quả thực là tấm gương ‘dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương’ cho mỗi gia đình chúng ta.
**********************
[1] GĐ 42.
[2] GĐ 86.
[3] x. Sáng thế ký 1, 27.28.
[4] X. GĐ 43.
[5] 1937-1945.
[6] x. 2 Cor 8: 9.
[7] x. Niềm Vui Của Tin Mừng, s. 197.199.
[8] x. Thư Chung HĐGMVN 2004.
Nguồn: gpcantho.com