GIA ĐÌNH:
CỘNG ĐOÀN LOAN BÁO TIN MỪNG (3)
(x. GĐ, s:1;52;53;54)
+++
1. Vì sao gia đình Kitô hữu cần sống chứng nhân Tin Mừng cho những gia đình khác 1?
Vì nhiều gia đình ngày nay đang sống lạc hướng, hoặc không được tự do thực hiện những quyền lợi căn bản[1].
2. Gia đình Kitô hữu cần làm những gì để nên chứng nhân Tin Mừng 2?
Cần tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, bằng lời cầu nguyện, cũng như bằng hành động cụ thể[2].
***
Chú thích
1/ Những lý do mời gọi gia đình Kitô hữu sống chứng nhân Tin mừng cho những gia đình khác:
a. Vì hoàn cảnh gia đình ngày nay:
Vào thời đại chúng ta, gia đình đang bị ảnh hưởng do những biến đổi sâu rộng, ồ ạt của xã hội và văn hoá. Trong hoàn cảnh đó:
a.1. Có nhiều gia đình vẫn sống trung thành với những giá trị nền tảng của gia đình.
a.2. Nhưng có nhiều gia đình ngập ngừng và lạc hướng trước những trách vụ của họ, thậm chí còn rơi vào chỗ hoài nghi, và gần như không biết gì về những ý nghĩa sâu xa cũng như về giá trị của đời sống hôn nhân-gia đình.
a.3. Có những gia đình bị cản trở, không thực hiện được những quyền lợi căn bản của họ, do nhiều hoàn cảnh bất công khác nhau.
Chính đời sống chứng nhân của các gia đình Kitô hữu sẽ góp phần, cùng với Giáo Hội “đem lại sự nâng đỡ cho nhóm thứ nhất, ánh sáng cho nhóm thứ hai và sự trợ giúp cho nhóm người thứ ba”[3].
b. Vì sứ mệnh tông đồ được trao phó cho mọi Kitô hữu, cho cá nhân cũng như cho tập thể là các gia đình:
Sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội có tính cách đại đồng không ranh giới; vì mệnh lệnh của Đức Kitô rất tỏ tường, không úp mở: “Hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”[4].
Đức tin và sứ mạng rao giảng Tin Mừng của gia đình Kitô hữu cũng mang hơi thở thừa sai đại đồng như thế. Vì bí tích hôn phối lấy lại, và nêu lên bổn phận đã ăn rễ từ trong bí tích Rửa tội và Thêm sức, là phải bảo vệ và truyền bá đức tin, nên bí tích ấy biến đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu thành chứng nhân của Đức Kitô “cho đến tận cùng trái đất”, thành những vị “tông đồ” đích thực của tình yêu và sự sống.
c. Vì sự cao quí của hôn nhân và gia đình:
Trong những hoàn cảnh trên, nhất là trong ý thức sâu xa rằng: hôn nhân-gia đình là một trong những điều thiện hảo quý giá nhất của nhân loại…Hơn bao giờ hết, ngày nay gia đình Kitô hữu, đặc biệt được mời gọi làm chứng cho Giao ước Phục sinh của Đức Kitô, nhờ việc kiên trì toả sáng niềm vui của tình yêu thương và sự vững vàng của lòng trông cậy; “Gia đình Kitô hữu lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa, và niềm cậy trông vào một cuộc sống hạnh phúc”[5].
2/ Những phương cách để gia đình Kitô hữu nên chứng nhân Tin mừng:
Gia đình là cộng đoàn được mời gọi, và có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng:
a. Bằng cầu nguyện: “Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái, vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và Hôn phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng nhau cầu nguyện, và khi đó, cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động”[6]. Lời kinh sống động này có sức biến cải gia đình thành cộng đoàn chứng nhân, truyền giáo.
b. Bằng hành động cụ thể: chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách, tự nó đã là lời chứng âm thầm, nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng.
c. Bằng vun trồng ơn gọi: Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ.
d. Bằng lời giới thiệu Đức Kitô: Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác”.
Từ trên 40 năm qua, phong trào “Tân Chầu Nhưng” đã cử nhiều gia đình công giáo từ Italia đến nhiều nơi trên thế giới, cách riêng là Nhật Bản:
Theo yêu cầu của các Giám mục địa phương, các gia đình truyền giáo sẽ sống hòa mình, bắt đầu bằng việc chung sống giữa các người Nhật trong các khu phố. Vị gia trưởng làm việc tại chỗ. Con cái theo học trường như các trẻ em Nhật. Các gia đình này tổ chức và linh động các buổi học giáo lý, tụ họp các nhóm người có cảm tình với Ðạo công giáo vì được hấp dẫn bởi đời sống gương sáng, và hy sinh của các gia đình truyền giáo. Vì là một nước Phật giáo và đang bị tục hóa nặng nề, nên việc rao giảng Tin Mừng tại Nhật rất khó khăn! nhưng với hình thức truyền giáo mới này, đã có nhiều người trở lại Ðạo, nhờ vào tình liên đới, sự giúp đỡ thiêng liêng lẫn vật chất của các giáo xứ, của các gia đình truyền giáo, và của chính các giáo dân Nhật.
Noi gương truyền giáo trên, ước mong mỗi gia đình chúng ta sẽ nỗ lực trở nên chứng nhân Tin Mừng, như Quyết Định Thực Hành của Giáo phận đã đề ra[7]:
* Để “Tái truyền giảng Tin Mừng”: mọi người hãy cầu nguyện, và tìm dịp đến thăm viếng, khích lệ, giúp đỡ những gia đình rối, nguội lạnh…
* Để “Đến với muôn dân”, mỗi gia đình cần tìm cách kết thân với một gia đình lương dân, qua việc:
a. Đến thăm viếng gia đình họ trong những dịp hiếu hỉ, hoặc khi họ gặp khó khăn…
b. Mời họ đến với gia đình, khu xóm, nhà thờ của chúng ta, trong những dịp lễ gia đình, bổn mạng khu xóm hoặc Nhà thờ, lễ Giáng sinh, ngày truyền giáo…
Nguyện xin Chúa chúc lành và củng cố những ý nguyện cao đẹp của chúng ta.
———————————-
[1] x. GĐ, s. 1.
[2] x. Thư Chung HĐGMVN 2013, s.6.
[3] x. GĐ S.1.
[4] Mc 16, 15.
[5] x. GĐ, s. 52.
[6] Thư Chung 2013 HĐGMVN, s.6.
[7] x. “GPCT. Quyết Định Thực Hành Năm Đức Tin 2012-2013”.
Nguồn: gpcantho.com