Bài 2: GIÁO HUẤN VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
1. Con người được mời gọi hiện hữu vì tình yêu và đến với tình yêu hiệp thông
-Thiên Chúa đã tạo nên con người theo hình ảnh của Người, giống như họa ảnh của Người (Kn 1,26-27). Khi tạo nên nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh mình, và không ngừng bảo toàn cho nhân tính ấy được tồn tại, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi, khả năng và trách nhiệm, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông.Tình yêu thương là ơn gọi cơ bản và bẩm sinh của mọi người.
-Vì con người là linh hồn và thể xác không thể tách rời nhau, nên tình yêu nam nữ không chỉ thuộc về tinh thần hay chỉ thuộc về thể xác, mà là toàn thể duy nhất.Bởi đó, hành vi tính dục mà người nam và người nữ trao hiến cho nhau không chỉ là hành vi thuần túy sinh lý thuộc thể xác, mà là của toàn bộ một con người có nhân vị. Điều nầy làm cho hành vi tính dục ấy trở nên một thành phần làm nên tình yêu, qua đó người nam và người nữ hiến thân trọn vẹn cho nhau cho đến chết. Vì thế, sự trao hiến xác thể sẽ giả dối, nếu nó không phải là dấu chỉ và kết quả của tình yêu, hoặc sẽ không phải là sự trao hiến hoàn toàn khi hai người còn dành lại cho mình bất cứ điều gì.
-Tình yêu trao hiến với tất cả nhân vị là tình yêu luôn luôn hướng đến sự phong phú trong việc sinh sản có trách nhiệm.Việc sinh ra một con người mới, là kết quả cụ thể của tình yêu giữa vợ chồng và là biểu lộ cao độ của sự hiệp thông. Sự hiệp thông nầy dẫn đưa con người vào trong Gia Đình Giáo Hội và giúp con người thông dự vào công trình cứu độ của Đức Kitô. Con cái là món quà vô giá mà Thiên Chúa ban, như dấu chúc lành đặc biệt của Người và là hoa quả tốt đẹp nhất của tình yêu vợ chồng. Khi tạo thành nhân loại, Thiên Chúa đã chúc phúc cho họ: Các ngươi hãy gia tăng, sinh sản đầy mặt đất và bá chủ nó (Kn 1,28)
2. Hôn nhân một bí tích
-Hôn nhân của những người đã được rửa tội là một Bí Tích, nghĩa là một phương thế thần diệu chuyển thông ơn cứu độ, một dấu ấn tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh và là con đường dẫn đến hoàn thiện.
-Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Sự liên kết nầy được nâng từ bình diện nhân loại lên bình diện siêu nhiên. Điều nầy biểu lộ và cụ thể hóa giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa và Dân Người; biểu lộ tương quan thánh thiện của Đức Kitô và Giáo Hội; đồng thời tình yêu trung thành của Thiên Chúa được giới thiệu như kiểu mẫu cho tình yêu và tương quan phải có giữa vợ chồng.
-Tính cách bí tích của Hôn nhân cũng nhắc lại ý định ban đầu của Thiên Chúa là người nam và người nữ phải bảo vệ và sống đời hôn nhân vẹn toàn chung thủy, để trở nên biểu tượng cho giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Kitô.
Do đó, Hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi thánh thiện đồng thời là sứ mệnh cao cả. Đức Kitô nhắc nhở cho vợ chồng biết phẩm giá của con người, của tình yêu gia đình; đồng thời Người chỉnh đốn, thánh hóa Hôn nhân và tô điểm cho Hôn nhân vẻ đẹp thánh thiêng cao quý.
3. Tình yêu: Nguyên lý và sức mạnh của sự hiệp thông[1]
-Gia đình được thiết lập do tình yêu và cũng được sinh động do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị, gồm có: đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ, con cái và họ hàng. Bổn phận của gia đình là trung thành giữ và cố gắng bền bỉ sống sự hiệp thông nầy, nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị. Tình yêu chính là nguyên lý cơ bản và sức mạnh thường xuyên gíup thực hiện điều đó. Thật vậy, không có tình yêu thì gia đình không phải là cộng đồng các ngôi vị; cũng vậy, không tình yêu thì gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị.
-Tình yêu của người nam và người nữ trong hôn nhân, một cách rộng rãi hơn, là tình yêu thương giữa các phần tử trong cùng một gia đình: giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em, giữa tất cả bà con họ hàng. Tình yêu nầy nâng đỡ và làm cho sự hiệp thông gia đình được sâu sắc và đậm đà, đồng thời làm nền tảng và nguyên lý cho cộng đồng hôn nhân và gia đình.
-Gia đình bạn hãy phát triển tình yêu không những giữa vợ chồng con cái mà thôi, mà còn với ông bà, với họ hàng trong gia tộc.Tình yêu nầy biểu lộ bằng lòng kính trọng, sự thông cảm, chia sẻ vui buồn với nhau và nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, cả vật chất lẫn tình thần. Đặc biệt dành tình thương và sự quan tâm chăm sóc ông bà cha mẹ già yếu, không còn sức lao động để làm việc góp phần với gia đình bạn, hoặc có khi trở nên gánh nặng cho gia đình vì yếu đau bệnh tật. Đây chính là lúc biểu lộ tình thương và lòng biết ơn đích thực với các ngài theo tinh thần Chúa dạy.
4. Sự hiệp thông vợ chồng là sự hiệp nhất không thể chia ly[2]
-Với cam kết hôn nhân, vợ chồng không còn phải là hai, nhưng là một xương thịt…và điều gì Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly (x.Mt 19,6; St 2,24). Vì thế, vợ chồng được mời gọi lớn lên trong sự hiệp thông với nhau qua việc mỗi ngày trung thành với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau. Qua bí tích Hôn Phối, Chúa Thánh Thần củng cố, thanh luyện và đổ tràn ơn thiêng giúp vợ chồng hoàn thiện sự hiệp thông nầy.
-Tuy nhiên, vợ chồng bạn hãy cộng tác với ơn Chúa bằng việc nỗ lực loại bỏ tất cả những nguyên cớ phá hoại sự hiệp nhất gia đình, như: tiền bạc, ngoại tình, bất hòa, sự xa cách lâu ngày giữa vợ chồng do công việc làm ăn hay do bất cứ lý do gì. Việc tiến hành li dị ở tòa đời là cố tình đặt sự hiệp nhất hôn nhân vào tình trạng nguy hiểm. Điều nầy là trọng tội vì chống lại gíao huấn của Chúa cũng như Hội thánh. Vợ chồng hãy cẩn thận đừng để lây nhiễm trào lưu của người đời hôm nay, là: coi nhẹ sự chung thủy, đề cao xác thịt, sống không có đời sau.
5. Hiệp thông trong sự tôn trọng vai trò và quyền lợi của mỗi người
a. Người nam là chồng và là cha[3]
-Trong sự hiệp thông của cộng đồng hôn nhân và gia đình, người nam được mời gọi sống tự hiến mình với vai trò là chồng và là cha trong gia đình. Qua vợ mình, người chồng khám phá thấy việc chu toàn thánh ý của Thiên Chúa : Người nam sống một mình thì không tốt, vậy Ta sẽ làm cho nó một kẻ trợ giúp tương xứng với nó (St 2,18) ; và Adong đã reo lên : Phen nầy, đây là xương tôi, thịt tự thịt tôi (St 2,23).
-Như vậy, tình vợ chồng đích thực đòi hỏi người chồng phải có sự kính trọng sâu xa đối với người vợ, là chính phẩm giá của mình, như thánh Am-rô-di-ô đã dạy : Con không phải là chủ của nàng nhưng là chồng nàng ; nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải làm đầy tớ…Hãy đáp lại những chú ý nàng đã dành cho con, và hãy biết ơn tình yêu của nàng (Th.Am-rô-di-ô, Exameron, V,7.19…).
-Tình yêu đối với người vợ đã trở thành mẹ, và tình yêu đối với con cái, khiến người nam phải hiểu biết và thể hiện vai trò làm cha của mình. Kinh nghiệm cho thấy, sự vắng mặt của người cha gây ra sự mất quân bình tâm lý và tinh thần, cũng như nhiều khó khăn đáng kể khác trong tương quan gia đình ; nhưng ngược lại, cũng sẽ xảy ra như thế nếu sự hiện diện của người cha trở nên sự đe dọa hoặc áp bức của một người chủ. Điều nầy làm suy giảm phẩm giá người nữ và là cản trở cho sự phát triển các mối tương quan lành mạnh trong gia đình.
-Kinh thánh gọi Giuse là người công chính (Mt 1,19), vì nơi Giuse luôn toát ra tinh thần siêu nhiên : trầm lặng, suy tư và làm theo thánh ý Chúa ; công chính ngay thẳng không gian dối thủ lợi ; không chạy theo thói đời, nhưng có đời sống nội tâm sâu xa, sống giản dị, âm thầm cầu nguyện và phục vụ. Người đã phục vụ hiền thê của mình là Maria và Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Người đã trở nên người bảo vệ sự sống (x. Mt 2,13). Sống như thế, Người đã trở thành chứng từ hùng hồn cho các người cha gia đình về việc cai quản và phục vụ.
Là người chồng và là người cha gia đình, bạn lãnh nhận sứ mạng cao cả từ Thiên Chúa Cha, vì thế hãy đào luyện mình để trở nên một người chồng và người cha tốt lành, mẫu mực. Bạn hãy noi gương Thánh Giuse bình tĩnh ôn hòa trong gia đình, tránh nóng nảy chửi bới ; triệt để thành thật với mình, với Chúa và với người bạn đời ; chuyên chăm cầu nguyện, kết hợp với Chúa.
b. Những quyền lợi và vai trò của người phụ nữ[4]
-Phẩm giá và trách nhiệm của người nữ bình đẳng với phẩm giá và trách nhiệm của người nam. Sự bình đẳng ấy được thực hiện một cách đặc biệt trong việc họ trao hiến chính mình cho con cái. Một sự trao hiến như thế chỉ có được trong hôn nhân và gia đình. Đây là điều tự nhiên và cũng là điều được mặc khải sung mãn trong Lời Chúa. Khi tạo thành con người có nam có nữ (St 1,27), Thiên Chúa ban phẩm giá con người cho người nam và người nữ như nhau, trao cho họ những quyền lợi bất khả nhượng và những trách nhiệm dành riêng cho nhân vị. Rồi Thiên Chúa lại bày tỏ phẩm giá của người nữ thật hết sức cao cả khi chính Người mặc lấy xác thịt từ Đức Trinh Nữ Maria mà Giáo Hội tôn kính như Mẹ Thiên Chúa, gọi Mẹ là E-và mới và giới thiệu Mẹ như kiểu mẫu của người nữ đã được cứu chuộc.
-Với tính cách là người vợ và người mẹ, người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong lòng gia đình. Làm vợ và mẹ là hai thực tại bổ túc cho nhau trong sự hiệp thông nguyên thủy của sự sống và của tình yêu hôn nhân, nền tảng của gia đình. Hơn nữa, người phụ nữ có quyền hưởng đặc ân và niềm vui được làm mẹ, như một quà tặng của Thiên Chúa, và đồng thời con cái cũng có quyền được sự chăm sóc và lo lắng của những người làm cha mẹ của chúng, đặc biệt của những người mẹ[5].
-Tình thương tế nhị của Chúa Giêsu đối với những phụ nữ mà Người đã gọi họ đi theo Người…việc Người hiện ra cho một phụ nữ vào buổi sang Phục sinh trước khi hiện ra cho những môn đệ khác, việc Người trao phó cho các phụ nữ sứ mạng đem Tin Mừng Phục sinh đến cho các tông đồ, tất cả những sự việc ấy là những dấu chỉ xác nhận lòng quý trọng đặc biệt của Chúa Giêsu đối với phụ nữ.
-Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã gọi người phụ nữ là Nhà Giáo Dục Hòa Bình. Người nhấn mạnh đến sự đóng góp đầy ý nghĩa mà những người phụ nữ có thể cống hiến cho việc đạt đến một nền hòa bình ghi dấu trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người, và mời gọi họ hãy trở nên những nhà giáo dục hòa bình bằng cả con người họ và bằng cả công việc của họ: hãy trở nên những chứng tá, những sứ giả, những thầy dạy hòa bình trong tương quan giữa con người và các thế hệ, trong gia đình, trong đời sống văn hóa, xã hội và chính trị của các dân nước, đặc biệt trong những hoàn cảnh xung đột và chiến tranh[6].
-Những xúc phạm đến phẩm giá phụ nữ vẫn tồn tại, như: khinh rẻ người phụ nữ, tình trạng nô lệ, buôn bán phụ nữ, sách báo phim ảnh khiêu dâm, bạo hành áp bức trong gia đình , phân biệt kỳ thị phụ nữ trong giáo dục, nghề nghiệp và nhiều hình thức khác…Giáo Hội luôn mạnh mẽ dấn thân để có thể loại bỏ hẳn mọi loại kỳ thị, hầu tiến tới chỗ kính trọng trọn vẹn hình ảnh Thiên Chúa đang chiếu tỏa nơi mọi người chẳng trừ ai.
-Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là phụ nữ phải từ bỏ nữ tính của mình hay phải bắt chước tính khí nam giới, nhưng nhằm nói lên sự sung mãn nhân tính thực sự của người nữ, cho dù ở trong hay ở ngoài gia đình. Ý thức được phẩm giá cao cả và vai trò quan trọng của mình, đặc biệt trong gia đình, chị em phụ nữ hãy sống xứng đáng và phát huy đời sống gương mẫu, tốt lành để làm cho gia đình được hạnh phúc, yêu thương, theo như chương trình của Thiên Chúa và lòng mong ước của Hội thánh. Hãy bớt lời bớt tiếng, hãy hiền lành nhẫn nại, hi sinh phục vụ, hãy tìm biết thánh ý Chúa và chuyên chăm cầu nguyện cũng như khuyến khích chồng con cầu nguyện để thánh hóa gia đình, để tạo bầu khí êm vui trong gia đình, làm cho gia đình được hạnh phúc và tăng thêm lòng yêu mến Chúa. Người mẹ hãy cố gắng trở thành một Maria cho gia đình mình.
c. Những quyền lợi của đứa con[7]
-Con cái là mùa xuân của gia đình và của xã hội. Là mùa xuân, vì chúng là niềm hi vọng tiếp tục nở hoa, một kế hoạch không ngừng khởi công, một tương lai luôn mở rộng. Chúng nói lên sự nở rộ của tình yêu vợ chồng, được tìm thấy và vững mạnh trong chúng. Trong khi được chào đời, chúng mang lại một sứ điệp sự sống của Đấng là Tác Giả của sự sống. Sự chào đời của chúng làm thành lời mời gọi hỗ trợ của tất cả mọi người, đặc biệt là cha mẹ của chúng. Tuy nhiên, trẻ em đã phải chịu nhiều đau khổ và thiệt thòi: chúng bị khước từ không được lựa chọn để sinh ra, bị phân chia tình yêu của mình giữa cha mẹ xung đột, chia ly khiến trở nên bơ vơ trong cuộc sống cả về tâm lý lẫn thể lý, chúng bị xúc phạm và bị lợi dụng về nhiều phương diện[8].
-Vì thế, giữa lòng gia đình, cần phải chú ý quan tâm đặc biệt cho đứa con, bằng việc quý chuộng và làm phát huy phẩm gía ngôi vị của nó, cũng như kính trọng và phục vụ một cách quảng đại những quyền lợi của nó. Sự quan tâm như thế phải thể hiện đồng đều cho mọi đứa con, nhưng đặc biệt hơn cho đứa con nhỏ tuổi hoặc đứa con tàn tật, đau yếu. Mối bận tâm về trẻ em, ngay cả từ trước khi chúng được sinh ra, từ giây phút đầu tiên được thai nghén và sau đó trong suốt tuổi nhi đồng và thiếu niên, chính là phương thế đầu tiên và cơ bản để kiểm chứng và đánh giá mối tương quan giữa người với người[9].
-Để đạt được điều đó, trước hết, đứa trẻ sau khi sinh ra cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục với tất cả tình yêu thương của cha mẹ. Đối với đứa con, gia đình phải là một tổ ấm, nơi mà chúng cảm thấy an tâm, hạnh phúc và lúc nào cũng muốn ở lại trong đó. Kế đó, phải có một số những điều kiện về vật chất và tinh thần:
Ngôi nhà của gia đình cần phải sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự, mát mẻ và rộng rãi, để con cái có đủ không gian sinh hoạt.
Ngôi nhà còn cần có bầu khí tinh thần, đó là: vợ chồng yêu thương, chung thủy và kính trọng nhau; cha mẹ quan tâm, tận lực nuôi dạy con cái, làm gương sáng cho con cái; anh chị em trong nhà đoàn kết giúp đỡ nhau: các anh chị lớn đi trước hỗ trợ và hướng dẫn các em nhỏ đi sau, các em kính trọng và noi gương các anh chị của mình.
Ngôi nhà cần phải được quét dọn, lau chùi, tầy sạch khỏi mọi tội lỗi, gương xấu của cha mẹ, của anh chị và của xã hội, như: phim ảnh xấu, sách báo dâm ô, những câu chuyện tục tỉu, cờ bạc, rượu chè và những người không đứng đắn lui tới gia đình. Những gương xấu nầy tác động rất mạnh mẽ lên đời sống tinh thần của con cái và ảnh hưởng suốt đời các em.
d. Những người già cả trong gia đình[10]
-Tuổi thứ ba, tuổi cao niên hay người già, tự nó là một giá trị, chính vì sự sống được kéo dài, và sự sống là ân huệ của Thiên Chúa. Nhờ kinh nghiệm, những hiểu biết, những giáo huấn mà họ nhận được, tuổi già còn mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Vì vậy, trong mọi nền văn hóa, tuổi già đồng nghĩa với sự khôn ngoan và quân bình. Với chính sự hiện diện của họ, người già nhắc nhở cho mọi người, và đặc biệt cho người trẻ, rằng: sự sống trên mặt đất là một đường vòng cung (pa-ra-bôn) với khởi đầu và kết thúc của nó. Vì thế, để tìm được sự viên mãn của nó, thì cần tìm đến những giá trị không phải chóng qua và hời hợt, nhưng chắc chắn và sâu xa. Trong Kinh Thánh, bậc lão thành thành thường được kính yêu (x.2 Mcb 6,23). Người già luôn hướng về Chúa và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân…Cả những lúc con già nua, da mồi tóc bạc, lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con, để con tường thuật quyền năng của Chúa cho thế hệ nầy được rõ, và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau” (Tv 71,5.18)[11].
-Gíao Hội luôn khuyến khích mọi người biết khám phá và coi trọng vai trò của những người già trong xã hội, trong Giáo hội và đặc biệt trong gia đình. Trong thực tế, cuộc sống của những người già giúp chúng ta thấy rõ bậc thang các giá trị nhân bản; làm cho người ta thấy sự tiếp nối các thế hệ và chứng tỏ cách tuyệt diệu về sự tùy thuộc lẫn nhau của Dân Thiên Chúa. Ngoài ra, những người cao niên còn có đặc sủng vượt qua những hố phân cách giữa các thế hệ. Biết bao trẻ em đã gặp được sự thông cảm và tình thương của người già. Và biết bao nhiêu người già được an ủi nơi đàn con cháu của họ (x.Cn 17,6). Thế nhưng, trong xã hội phát triển và kinh tế thị trường, người già ít được hội nhập vào cuộc sống gia đình và xã hội, bị coi là thành phần phi lợi nhuận, trở nên gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây là điều tố cáo sự vô ơn, phi nhân của thế hệ đi sau.
Trong gia đình, hãy có lòng kính yêu đối với ông bà cha mẹ lớn tuổi, bệnh tật, bằng những lời nói an ủi, khích lệ, bằng những chăm sóc giúp đỡ. Những lời nói vô lễ không những để lại những ấn tượng lâu dài, mà còn làm người già tủi thân,có thể gây nên những suy sụp tinh thần.Thương cha yêu mẹ, vâng lời kính phục, là con có hiếu đức hạnh hiền ngoan; thương cha yêu mẹ, thi hành ý Chúa truyền, sẽ được sống lâu và được Chúa ban ơn.
e. Những thành viên đã qua đời
Đừng quên những thành viên quan trọng đã và đang góp phần vào việc xây dựng cộng đoàn gia đình, đó là ông bà, cha mẹ hoặc con cái đã qua đời. Những thành viên nhỏ tuổi hoặc những thành viên lớn tuổi sống tốt lành, trong sạch qua đời, đều là những vị thánh đang sống trên trời. Đây là sự hỗ trợ rất hiệu lực cho gia đình. Hãy chiêm ngắm và khẩn cầu. Những thành viên ra khỏi trần thế mà chưa hoàn tất được ước vọng và niềm vui là được kết hiệp với Thiên Chúa trong hạnh phúc của Người, cũng là nguồn trợ lực cho gia đình. Hãy hướng về các ngài với lời cầu nguyện cho các ngài được siêu thoát; hãy hướng về các ngài để khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc sống hôm nay và mai sau, hầu sống tốt đẹp cuộc sống nầy theo ý Chúa; hãy hướng về các ngài để xin cầu bầu cho gia đình.
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
————————————
[1] x.ĐGH Gioan-Phaolô II, Familiaris Consortio số 18.
[2] Id.19-20.
[3] Id.25.
[4] x.FC 22.23
[5] x.ĐGH Gioan-Phaolô II, Huấn từ cho Đại Hội của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình lần thứ XI, 1994.
[6] ĐGH Gioan-Phaolô II, Sứ Điệp Gia Đình, Người phụ nữ, nhà giáo dục hòa bình.
[7] x.FC 25.
[8] x.ĐGH Gioan-Phaolô II, Huấn từ Năm Thánh Gia Đình năm 2000.
[9] x.ĐGH Gioan-Phaolô II,Diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc,1979.
[10] x.FC 27.
[11] x.ĐGH Gioan-Phaolô II, Angelus Chúa nhật 25.7.1999.
Nguồn: gpphanthiet.com