Bài 12:
GẶP GỠ VÀ CHIA SẺ NIỀM VUI TIN MỪNG
VỚI ANH CHỊ EM LƯƠNG DÂN
***
Kính thưa cha, con đang phục vụ trong ban trị sự của giáo xứ. Con muốn tâm sự nỗi thao thức băn khoăn của con về việc Tân Phúc-Âm-hóa mà Giáo Hội đang cổ vũ và mời gọi thực hiện. Giáo hội muốn mọi người mạnh dạn loan báo Tin mừng, tức là truyền giáo. Nghe đến hai chữ truyền giáo, con thấy ngại ngùng quá. Con đâu học hành chi nhiều mà rao giảng dạy dỗ kẻ khác. Hồn con mà con chưa dám chắc, làm sao con có thể đi lo phần hồn cho người lương dân. Con thấy các giáo xứ nay ngày càng phát triển, cơ sở vật chất đầy đủ, hội đoàn đông đúc, nhà thờ không khi nào vắng bóng người, thánh lễ nào cũng chật kín giáo dân. Như thế cũng là một cách truyền giáo tốt rồi. Hữu xa tự nhiên hương. Lương dân thấy hấp dẫn rồi dần dần tìm tới và trở lại với Chúa thôi cha ạ.
Trả lời.
- Giáo Hội cần bước ‘đi ra’.
Cảm ơn ông đã đặt vấn đề thật thực tế về việc truyền giáo. Không chỉ ông mà rất nhiều người có đạo cũng rất ngại ngùng khi nghe nói đến hai chữ truyền giáo.
Cái ý tưởng hữu xạ tự nhiên hương, có nghĩa rằng mình cứ sống đạo thật tốt rồi lương dân tự tìm đến với đạo xem ra không ổn từ lâu rồi. Bởi gần 150 năm nay, tỷ lệ số tín hữu công giáo Việt Nam không tăng lên. Trong 100 người, vẫn chỉ có 7 người có đạo. Sau khi phân tích kỷ số liệu, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli nhận xét, trong 10 năm qua, hoạt động truyền giáo ở VN không có tiến bộ nào. Số lượng giáo dân có thêm là nhờ sinh sản, như cây mọc thêm một, hai chồi ở gốc vậy. Nguyên nhân tại đâu? Nếu cha không nhầm, nguyên nhân ấy chính là do chúng ta chưa dám đem ra trình làng hương hoa mật ngọt tốt lành của chúng ta. Chúng ta không dám bước ra. Tim ta còn héo hắt. Lòng ta còn do dự vì trong ta, tin buồn nhiều hơn tin vui. Cái bất ổn, sự bế tắc là ở đó.
Ta xem những loài hoa Chúa dựng nên đã thể hiện sức sống của chúng thế nào. Chúng được cây ban tặng cho sắc thắm, hương thơm và nhụy ngọt. Chúng không bo bo giữ lại tất cả cho bản thân. Chúng tỏa hương thơm bay theo làn gió, dẫn dụ các loài có cánh bay về ngắm nghía sắc đẹp của chúng. Chúng trao ban mật ngọt cho những con ong, cánh bướm thưởng thức. Rồi trong quá trình hút mật lấy nhụy, hoa được kết trái. Chúng còn sẵn sàng trao quả chín mộng cho các đàn chim tung tăng mang đi vãi khắp đồng hoang để mọc lên những cây mới non xanh. Cây lồng mức, cây dầu còn biết tung các hạt chín khô khéo xoay xoay trong gió để gieo mình và những vùng đất xa xôi.
Loài cây cỏ mà biết khéo léo gieo mầm sự sống để tồn tại và phát triển giống loài mình như thế. Cớ làm sao người có đạo ngại ngùng không dám bước ra khỏi lòng mình, ra khỏi khuôn khổ của giáo xứ để theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần đến gặp gỡ chia xẻ niềm vui Tin Mừng Cứu Độ cho những người chưa biết Chúa.
- Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi.
Kinh Thánh đã hết lời ca tụng những con người biết hăng say ra đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha thiết kêu gọi chúng ta hãy ‘bước ra’ khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng[1]. Tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc ‘đi ra’ truyền giáo mới này. Ra khỏi khuôn khổ giáo xứ chật chội, chỉ biết đua nhau tôn vinh mình hơn là tôn vinh Thiên Chúa. Chúa không cần bất cứ thứ gì ngoài linh hồn những con người Chúa đã dựng nên. Trời là ngai Ta, đất là bệ Ta. Ta đâu cần các ngươi xây cho Ta một chốn nghỉ ngơi. Người được Ta thương đến là những kẻ nghèo hèn khốn khổ và và biết kính sợ lời Ta (x.Is 66, 1-2)
Giáo xứ chỉ trưởng thành thực sự khi biết cùng nhau tổ chức từng nhóm từng đoàn ra đi truyền giáo. Việc loan báo Tin Mừng là việc cấp bách khẩn thiết và ưu tiên trên mọi công việc mục vụ[2]. Mọi hoạt động đạo đức trong giáo xứ nhằm nung nấu tâm hồn tín hữu nhiệt thành ra đi loan báo Tin Mừng[3]. Giáo xứ không truyền giáo chẳng khác gì cây vả kia cành là xum xuê mà không trái.
Quanh ta, trăm người, còn hơn 90 người chưa biết Chúa. Họ thường ngày cùng ta trên đường đi lối về, trên nương rẫy, trong công trường, nơi xí nghiệp, ngoài chợ búa, cùng lớp học…Hãy mạnh dạn chào hỏi thân tình hơn mọi khi, quan tâm hơn thường ngày về sức khỏe, gia đình, công việc hay hoàn cảnh khó khăn của họ. Hãy xem họ như những người thân của ta xa cách đã lâu, nay gặp lại.
Xuyên qua dáng dấp bên ngoài, ta hãy nhắm đến linh hồn của họ. Chắc chắn linh hồn của họ đang khắc khoải chờ mong từ nơi ta một niềm hy vọng, một niềm tin cho cuộc sống. Hãy tiếp tục thân tình giúp đỡ những gì họ cần, cho đến khi họ mở lời mời ta đến nhà thăm chơi. Niềm tin đã bắt đầu kết nối. Ta cùng đi với một hai anh chị em để, người gặp gỡ, người cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. CGS cũng đã từng sai hai người một đi vào các làng mạc nơi Ngài sắp đến. Hãy trút hết hương hoa mật ngọt và niềm vui của đời ta được làm con Chúa cho họ. Sẵn sàng trao ban tình bác ái, lòng quảng đại, sự khiêm tốn, lòng kính trọng, sự tử tế và lắng nghe họ. Hãy lắng nghe sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để nói về Chúa cho họ trong những lần gặp gỡ. Mưa lâu thấm đất. Rồi sẽ đến lúc chính Chúa Thánh Thần mở miệng họ xin Đức Tin. Đó là giây phút mà cả triều thần thánh trên trời đều vui mừng. Nhưng mừng vui nhất là chính chúng ta, vì Tin Mừng đã sinh hoa kết trái nơi một tâm hồn.
- Không ai được phép lên thiên đàng một mình[4].
Sáng Thế thuật lại: Thiên Chúa hỏi Cain: “Còn em ngươi đâu?”. Cain đã từng vô tâm trả lời: “Con không biết. Con đâu phải là người giữ em con” (St 4,9)
Có ai trong chúng ta dám tin chắc sau một đời sống đạo mình có thể giữ linh hồn công chính trước mặt Thiên Chúa không. Chắc chắn là không. Chỉ nhờ lòng Chúa thương xót, chúng ta mới có thể được phần rỗi đời đời. Vậy chúng ta hãy tỏ lòng thương xót cho anh chị em mình đang tội lỗi hay chưa được biết Chúa. Thánh Giacôbê trong thư gửi các Kitô hữu Do Thái đã xác tín: “Anh em hãy biết rằng, kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” (Gc 5, 20). Như thế việc truyền giáo là cơ hội vô cùng tốt lành mà Chúa ban cho ta, thân phận tội lỗi. Chính Chúa Giêsu đã từng nhắc nhở hãy làm việc lành khi trời còn sáng. Đêm đến, không ai còn làm được việc gì nữa (Ga 9,4).
Câu hỏi thảo luận.
(1) Có câu truyền miệng giữa người những người có đạo như sau: “Truyền đạo thì đạo còn, giữ đạo thì đạo mất”. Anh chị em hiểu ý câu nói ấy thế nào?
(2) Anh chị em có đang giữ một sự thân thiết với một người hay một gia đình lương dân và đang có ý định đưa dẫn họ về với Chúa không?
(3) Hãy kể lại quá trình đã đưa được một người vào đạo cho các anh chị em trong nhóm được nghe để chia vui và học hỏi kinh nghiệm.
[1] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 20
[2] x. Sdd, số 110
[3] x. Sdd, số 28
[4] x. Sdd, số 113