BÀI 11: MỘT HỘI THÁNH “ĐI RA”
***
Chúa Giêsu xuống thế gian để ban ơn cứu độ không chỉ cho người Do thái, nhưng cho toàn thể nhân loại, như lời Chúa phán: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Đó là sứ mạng của Chúa Giêsu và cũng là nhiệm vụ của mỗi tín hữu chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta đã thực hiện lệnh truyền ấy như thế nào? Theo thống kê của Agenzia Fides, cơ quan thông tấn của Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc công bố ngày 31.12.2014, tính đến ngày 31.12.2012, dân số thế giới là 7.023.377.000 người, người Công giáo là 1.228.621.000 người, chiếm 17,5%, còn tại Châu Á người Công giáo chỉ chiếm 3,2 %[1].
Tại Việt Nam, tính đến ngày 31.12.2010, có khoảng 6.400.567 tín hữu Công giáo trên tổng dân số là 89.029.559 (thống kê của Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN), chiếm tỉ lệ 7,2%.
Ở Bà Rịa Vũng Tàu, tính đến ngày 30.11.2012, dân cư toàn tỉnh là 1.427.024 người, trong đó, số tín hữu Công giáo là 255.299 người, chiếm khoảng 17,8%.
Những con số thống kê quá khiêm tốn về số người Công giáo trên đây làm cho chúng ta phải nhìn lại mình, nhất là nhìn lại cách chúng ta thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Vì thế, cần phải dấn thân, phải đi ra khỏi niềm tin cá nhân và lối sống ích kỷ, để đến với mọi người, nhất là những ai đang sống bên lề đức tin, ở vùng ngoại biên của Giáo hội.
- Đức Giêsu – Tin mừng cứu độ toàn thể nhân loại.
Con Thiên Chúa làm người là một niềm vui vô cùng to lớn. Niềm vui ấy phải được loan truyền cho mọi người. Các mục đồng đã được báo tin để rồi họ ra đi chia sẻ, vì đó là “tin vui trọng đại cho toàn dân” (Lc 2,10). Tương tự, những người phụ nữ cũng được mời gọi loan truyền tin vui Phục sinh: “…mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết” (Mt 28,7).
Quả thế, suốt sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã đi khắp mọi nơi, đến với mọi người thuộc mọi thành phần nhân loại, nhất là những con người sống bên lề xã hội. Với Người, ơn cứu độ không ưu tiên cho bất cứ ai, nhưng cho tất cả mọi người, nên “mỗi khi hạt giống đã được gieo tại một nơi nào, Ngài không ở lại đó để cắt nghĩa hay làm thêm các dấu lạ; Thần Khí thúc đẩy Ngài ra đi tới các thành khác”[2] như chính lời Chúa đã nói: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38).
- Truyền giáo – bản chất của Giáo hội.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao lại cho Giáo hội nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng truyền giáo: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19 ). Để thi hành mệnh lệnh đó, các Tông đồ đã quy tụ lại trong ngày lễ Ngũ Tuần, để lãnh nhận sức mạnh Thánh Thần, rồi ra đi mang tin mừng Phục sinh cho muôn dân. Đó chính là bản chất của Giáo hội. Bản chất ấy cũng được biểu lộ trong chính tên gọi “giáo hội”, vì theo nguyên gốc tiếng Hy lạp, giáo hội là “ekklesia”, có nghĩa là triệu tập[3], tức là quy tụ muôn dân về thành một dân tộc duy nhất, tôn thờ một Chúa, chung một đức tin, và lãnh nhận một phép rửa.
- Ra đi – sứ mạng của Giáo hội.
Để thi hành sứ mạng Chúa trao, và sống đúng bản chất của mình, Giáo hội hôm nay phải trung thành noi gương Thầy mình, phải ra đi rao giảng Tin mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi[4], “phải ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng”[5]. Mỗi tín hữu không thể ngồi trong cái vỏ bọc đức tin cá nhân để quan sát và lôi kéo người khác. Chúng ta cũng không thể nhờ người khác đem Tin mừng đến cho những người đang sống bên lề xã hội, ở vùng ven Giáo hội, nhưng chính chúng ta phải đứng lên, phải ra đi, như lời mời gọi tha thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô… Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục”[6]. Quả thế, phải quảng đại đáp trả, can đảm thoát ra và nhanh chóng lên đường.
- Sống đạo – lời mời gọi khẩn thiết.
Ra đi đến với muôn dân, cụ thể là đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng, đến với những anh chị em ở ‘vùng ven’ đòi hỏi một sự hy sinh quên mình, đòi hỏi phải vượt thắng chính bản thân. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư Niềm vui Tin Mừng nhấn mạnh: Phải ra đi đến ‘vùng ven’, đừng chấp nhận sự an toàn trong vỏ bọc của mình[7].
Vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng hay ‘vùng ven’, đó có thể là những nghèo vật chất, nghèo văn hóa, nghèo tâm linh, nghèo giá trị. Đó có thể là những người bị khinh thường, bị ức hiếp, những người tật bệnh đói khổ, người già yếu cô đơn. Đó còn có thể là những người không được nghe nói về Thiên Chúa hay những người có rửa tội nhưng sống như không có đức tin. Đó cũng có thể là những anh chị em đang gặp khổ đau chung quanh chúng ta.
Vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng hay ‘vùng ven’, đó có thể là một môi trường sống đang thiếu ánh sáng của sự thật, của sự công bằng bác ái Ki-tô giáo.
Vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng hay ‘vùng ven’, đó có thể là một tình yêu đang vắng bóng sự hy sinh quên mình.
Vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng hay ‘vùng ven’, đó có thể là một gia đình đang thiếu vắng sự hiệp nhất yêu thương.
Vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng hay ‘vùng ven’, đó có thể là một mối tương quan đang mờ nhạt sự đối thoại chân thành thay cho bạo lực, thay cho áp đặt.
Vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng hay ‘vùng ven’, đó có thể là một cuộc vui chơi không còn lành mạnh.
Đến để đồng hành, để chia sẻ, để an ủi và cảm thông…; đến bằng chứng tá đời sống thấm đậm Tin Mừng.
Chuyện: Cuộc ra đi của cô tiếp viên hàng không. Đầu tháng 10 năm 1962, chiếc phi cơ hãng hàng không Panam (Mỹ), chở các Giám mục Mỹ đi họp Công Đồng Vaticanô II. Trong số các nữ tiếp viên, có một cô kiều diễm tuyệt vời đã làm cho Đức Cha Fulton Sheen, Tổng Giám mục Giáo phận New York phải chú ý.
Thế rồi, khi các Đức Giám mục từ máy bay đi xuống, người ta thấy Đức Cha Fulton Sheen nói câu gì đó với cô tiếp viên xinh đẹp kia.
Ít tháng sau, cô tiếp viên ấy tìm đến gặp Đức Cha Fulton Sheen:
– Thưa Đức Cha, Đức Cha còn nhớ con là ai không?
– Cha còn nhớ chứ. Con là tiếp viên của hãng hàng không Panam.
– Thế Đức Cha còn nhớ Đức Cha đã nói gì với con không?
– À, Cha đã nói: đã bao giờ con tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho con sắc đẹp tuyệt vời không?
– Thưa Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà hôm nay con đến đây. Con phải làm gì để tạ ơn Chúa?
Trước câu hỏi bất ngờ, Đức Cha Fulton Sheen thinh lặng trong chốc lát, rồi trả lời:
– Cha vừa nhận được tin từ Việt Nam: Đức Cha Jean Cassaigne, ngài đã xin từ chức Giám mục Giáo phận Sài Gòn để đi phục vụ một trại phong cùi ở Di Linh – Lâm Đồng. Những người phong cùi ở đó khốn khổ lắm con ạ! Vậy theo ý cha, con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc mặn mà của con để an ủi họ.
Mặt cô tiếp viên tái dần đi. Cô đứng lặng yên trong mấy phút rồi cúi đầu tạm biệt không nói một lời. Thế nhưng, vài tháng sau, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng để sống với những người phong cùi”.
- Câu hỏi thảo luận.
(1) Bạn có cảm nhận được niềm vui khi được sinh ra làm con Chúa, được lắng nghe lời Chúa dạy và được sống trong Giáo hội của Người không?
(2) Bạn có nhìn thấy xung quanh mình có những con người đang khao khát tìm đến với Chúa để ước mong được Chúa yêu thương, được đón nhận tin mừng cứu độ?
(3) Theo bạn, làm sao để chúng ta có thể thoát ra khỏi lối sống hiện tại, lối sống mà chúng ta bị giới hạn tầm nhìn đến những người đang sống bên lề xã hội, nơi vùng ven Giáo hội?
(4) Ra đi theo lời Chúa mời gọi, chúng ta cần làm những việc gì cụ thể?
Kết.
“Chúa Thánh Thần luôn đưa tầm nhìn của chúng ta đến tận chân trời và dẫn chúng ta đến tận những vùng ven của cuộc sống để loan báo sự sống trong Đức Kitô”[8]. Điều quan trọng là chúng ta có biết lắng nghe tiếng Người, dõi mắt nhìn về hướng Người chỉ dẫn, rồi can đảm và quảng đại ra đi, đi ra khỏi chỗ hiện tại, tìm đến với những tâm hồn đang khao khát chờ đón Chúa.
BAN HUẤN GIÁO GP. BÀ RỊA
[1] http://www.hdgmvietnam.org/nam-2014-giao-hoi-cong-giao-the-gioi-tang-them-15-trieu-tin-huu/6622.57.7.aspx.
[2] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 21
[3] x. Hợp Tuyển Thần Học, số 18
(Nguồn: http://www.htth.org/so/so18d_chieu_kich_ba_ngoi.html)
[4] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 23
[5] x. Sdd, số 20
[6] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 49
[7] x.ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 2013, số 49
[8] x. ĐGH Phanxicô, Bài giảng trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2013.