Bài 10: KHÁM PHÁ VÀ SỐNG VUI
TRONG ƠN GỌI NGƯỜI KITÔ HỮU
***
Ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất là ơn gọi làm người, sau đó là ơn gọi làm người Kitô hữu hay ơn gọi làm con Chúa. Đây là ơn gọi cốt lõi nhất. Tất cả những ơn gọi khác trong Giáo hội đều liên hệ với ơn gọi này. Khi được rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Nói cách khác, chúng ta đón nhận ơn gọi làm con cái Chúa.
1. Ơn gọi làm người.
Ơn gọi làm người là ơn gọi đầu tiên và là nền tảng của mọi ơn gọi tự nhiên. Ơn gọi làm người đã được các triết thuyết, các hệ tư tưởng, các nền văn hóa nói tới. Làm người, theo nghĩa tích cực nhất, là làm người trong mối tương quan với Thiên Chúa. Con người phải tôn kính Trời và tuân theo sự sắp đặt quan phòng của Thiên mệnh (Ý Trời), vì Thiên mệnh là nguồn gốc của mọi luật lệ đạo đức. Bởi đó, Khổng Tử nói: “Kẻ nào không nhận biết Thiên mệnh, sẽ không bao giờ là một hiền nhân”[1]. Sống theo thiên nhiên, tuân giữ luật của thiên nhiên là sống theo Thiên mệnh.
1.1. Kinh thánh.
Con người được quy hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác[2].
– Thiên Chúa quan tâm đến từng chi tiết của thân thể chúng ta: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo… Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì…” (Tv 139,13.15).
– Thiên Chúa ấn định ngày đời của ta: “Con mới bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con” (Tv 139,16).
– Thiên Chúa thấu suốt tư tưởng của ta: “Người biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Người thấu suốt từ xa…” (Tv 139,1-5).
– Thiên Chúa luôn nâng đỡ và hướng dẫn mọi nẻo đường của ta: “Ta đã nâng các ngươi từ trong lòng mẹ, đã hứng các ngươi từ lúc chưa chào đời…” (Is 46, 3-4).
Vì được tác tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, nên tất cả được mời gọi để hướng tới một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa[3].
1.2. Công đồng Vaticanô II
– Con người là thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ[4] để có thể nhận biết và yêu thương đấng sáng tạo mình[5]. Là một thụ tạo có trí khôn và tự do[6], con người được mời gọi tìm kiếm và ái mộ những gì là chân thiện mỹ[7]. Được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất bằng cách nhìn nhận Chúa là Đấng Tạo Thành mọi loài và quy hướng về Ngài chính bản thân mình cũng như muôn vật[8].
– Con người được dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc vượt ra ngoài các giới hạn thời gian và được mời gọi đem toàn thân kết hợp với Thiên Chúa trong sự hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống bất diệt của Ngài[9]. Vì thế, con người luôn cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn[10]. Tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người không bị thu hẹp trong nhãn giới trần gian nhưng vẫn mang một sứ mạng trường cửu[11]. Tất cả đều được gọi lãnh nhận ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa[12], tham dự vào sự sống và vinh quang của Ngài[13]. Vì thế, Thiên Chúa mời gọi con người phụng thờ Ngài trong tinh thần và chân lý[14].
2. Ơn gọi người Kitô hữu
– Ơn gọi căn bản và phổ quát: Ơn gọi này là ơn Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không, là một món quà vô giá mà không phải ai cũng nhận được.
– Ơn gọi luôn gắn liền với sứ vụ: Chúng ta được Chúa kêu gọi là để sống với Ngài và để được Ngài sai đi ( Mc 3,13-15). “Người Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu để được Tin Mừng của Người biến đổi, và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới này”[15].
– Ơn gọi nên thánh: Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) là chung cho tất cả mọi người. Trong Đức Kitô, con người đã được Thiên Chúa tuyển chọn trước khi Ngài tạo dựng vũ trụ và được tiền định làm dưỡng tử. Vì thế, tất cả đều được mời gọi kết hợp với Đức Kitô[16] để đến với Chúa Cha trong cùng một Thánh Thần duy nhất[17]. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến hưởng vinh quang bất diệt của Ngài[18]. Chúa Thánh Thần kêu gọi mọi người đến với Đức Kitô nhờ hạt giống Lời Chúa và việc rao giảng Phúc Âm[19].
Con người được mời gọi tin vào Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu (x. Rm 11,29). Đó cũng là lời mời gọi đi theo Đức Kitô (x. Pl 3,14) vì chính Ngài là đường dẫn đến sự thật và sự sống (x. Ga 14,6) và Tin Mừng là phương tiện đem lại ơn cứu độ (x. Mt 28,19-20).
3. Khám phá và sống vui trong ơn gọi người Kitô hữu
3.1. Trẻ thơ. Trẻ thơ là tuyệt đỉnh tình yêu của Chúa Giêsu (x. Mt 19,13-15; Mc 10,14). Trẻ em sống phó thác hoàn toàn cho Thiên và ai muốn vào Nước Trời hãy nên giống trẻ thơ (x. Mt18,3-5; Lc 9,48).
Trẻ thơ nhắc nhở chúng ta rằng, sự phát triển của Giáo Hội không phải nhờ vào các phương tiện hay tài năng sức lực của con người, nhưng nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa[20].
3.2. Tuổi trẻ. Giới trẻ là những chủ nhân tích cực trong công cuộc truyền giáo và canh tân xã hội. Tuổi trẻ là thời kỳ khám phá đặc biệt sâu đậm về “bản ngã” cá biệt và về một “dự án cuộc đời riêng của mình”.
Qua giới trẻ, Giáo hội nhìn thấy con đường hướng về tương lai, vì người trẻ là “niềm hy vọng của Giáo hội”[21].
Người trẻ đón nhận những giá trị công bằng, bất bạo động và hoà bình. Họ hết mình cho những công cuộc đấu tranh bảo vệ chất lượng cuộc sống và bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, họ cũng mang nặng những lo âu, trăn trở và ưu tư của thế giới, và còn có những cám dỗ đặc biệt liên quan đến tuổi của họ[22].
3.3. Bậc cao niên. Thánh Kinh cho thấy người cao niên là biểu tượng của sự người khôn ngoan và kính sợ Thiên Chúa (x. Hc 25,4-6).
Người già một mặt phải quyết tâm vượt qua cơn cám dỗ muốn thu mình lại, luyến tiếc một dĩ vãng không còn trở lại nữa, và từ chối dấn thân vào thực tại. Mặc khác, luôn ý thức vai trò mình trong Giáo Hội và xã hội, bởi vì vai trò này không bị ngưng trệ bởi tuổi đời, nhưng chỉ là những hình thức mới[23].
Kết luận
Ơn gọi trở thành người Kitô hữu hay được làm con Chúa là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất. Cũng như các ơn gọi khác, ơn gọi này do sáng kiến từ phía Thiên Chúa và sự đáp trả tự do của con người. Điều này đòi hỏi chúng ta không ngừng khám phá và sống vui trong ơn gọi cao cả của mình.
Trước hết, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã ưu ái dành cho ta một vị trí quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Mỗi người, tùy theo địa vị xã hội, giới tính, độ tuổi khác nhau mà có cách dấn thân và triển nở ơn gọi mà Thiên Chúa đã khởi sự nơi mình.
Câu hỏi gợi ý.
(1) Kinh Cám ơn có câu: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con cho con được làm người…”, bạn nghĩ gì về lời kinh đó?
(2) Bạn gặp khó khăn gì khi sống đời Ki-tô hữu giữa những người khác? Bạn đã giải quyết ra sao?
(3) Bạn khám phá gì trong ơn gọi cụ thể của mình (trong nghề nghiệp; bổn phận: cha mẹ, vợ chồng, con cái; trong độ tuổi: trẻ em, tuổi trẻ, người già…)?
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa
———————————–
[1] x. Khổng Tử, Luận ngữ 20, 3.
[2] x. GLHTCG 1699-1715.
[3] x. CĐ Vaticano II, Hiến chế Gaudium et Spes (07/12/1965), số 24.
[4] Sdd, số 24.
[5] Sdd, số 12.
[6] Sdd, số 17-21.
[7] Sdd, số 15.
[8] Sdd, số 34.
[9] Sdd, số 18.
[10] Sdd, số 10.
[11] Sdd, số 74.
[12] Sdd, số 92.
[13] Sdd, số 21; x. CĐ Vaticano II, Tuyên ngôn Nostra AEtate (28/10/1965), số 2.
[14] x.CĐ Vaticano II, Tuyên ngôn Dignitatis Human (07/12/1965), số 11.
[15] x.HĐGMVN, Thư mục vụ 2006: Sống đạo hôm nay (08/09/2006), số 4.
[16] x. CĐ Vaticano II, Hiến chế Lumen Gentium (21/11/1964), số 3.
[17] x. Sdd, số 4..
[18] x. Sdd, số 41.
[19] x. CĐ Vaticano II, Tuyên ngôn Dignitatis Human„ (07/12/1965), số 15.
[20] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Ki-tô hữu giáo dân, 30.12.1988, số 47..
[21] x. CĐ Vaticano II, Tuyên ngôn Gravissimum Educationis (28/10/1965), số 2.
[22] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Ki-tô hữu giáo dân, 30.12.1988, số 46.
[23] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Ki-tô hữu giáo dân, 30.12.1988, số 48.