Bài 09: SỰ HIỆP THÔNG GIỮA GIÁO XỨ
VÀ CÁC CỘNG ĐOÀN DÒNG TU ĐANG HIỆN DIỆN
***
“Hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện trong từng con người. Hình ảnh đó rực sáng khi mọi người hiệp nhất với nhau, giống như sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa”[1].
“Rất đau lòng khi thấy một số cộng đoàn Ki-tô hữu, thậm chí cả những người sống đời thánh hiến, có thể dung dưỡng những hình thức thù nghịch, chia rẽ, vu khống, nói xấu, oán thù, đố kỵ và áp đặt những lối suy nghĩ bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng cả những hành động bách hại lẫn nhau. Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai nếu chúng ta sống theo cung cách này?”[2]
Dẫn nhập.
Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn chính là nỗ lực đổi mới đời sống giáo xứ và cộng đoàn theo tinh thần Phúc Âm, theo Lời Chúa dạy và theo gương Chúa sống. Để công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa này đem lại hiệu quả tốt đẹp thì mọi thành viên trong giáo xứ và các cộng đoàn thánh hiến cần phải liên kết với nhau trong tình huynh đệ chân thành. Trong phạm vi bài này, chúng ta xét đến sự hiệp thông giữa giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu hiện diện trong giáo xứ.
1. Gia đình giáo xứ, cộng đoàn hiệp thông huynh đệ.
1.1. Hiệp thông:
Trọng tâm của Mầu Nhiệm Giáo Hội. Hiệp thông huynh đệ chính là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các cộng đoàn Ki-tô hữu. Giáo xứ là một cộng đoàn hiệp thông huynh đệ bởi vì được Thiên Chúa quy tụ và hiện diện. Nơi đó, mọi người được tháp nhập vào Chúa Ki-tô, và được tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Ki-tô để nên một với Người. Vì thế, “giáo xứ là gia đình của Thiên Chúa, là cộng đồng huynh đệ chỉ có một tâm hồn. Giáo xứ là mái ấm gia đình đầy tình thân ái và cởi mở”[3]
Giáo luật điều 515/1 quy định: “Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc chăm sóc mục vụ được ủy thác cho cha xứ làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Đức Giám Mục giáo phận”. Với quy định này, giáo xứ thật sự trở nên một gia đình. Sự phát triển của giáo xứ phần lớn là do sự ân cần chăm sóc của cha xứ và với sự cộng tác của giáo dân, cũng như của các cộng đoàn tu sĩ đang cư ngụ trong giáo xứ. Giáo xứ sẽ ngày càng trở nên một gia đình khi cha xứ và mọi người cùng nhau bàn bạc, thảo luận và tôn trọng nhau khi xây dựng giáo xứ, bởi vì tự ái, kiêu ngạo và cố chấp thì luôn gây chia rẽ và phá hoại tinh thần hiệp nhất yêu thương của giáo xứ.
Về điểm này, ĐGH Phan-xi-cô mơ ước: “Tôi đặc biệt xin các Ki-tô hữu trong các cộng đoàn, hãy cống hiến một chứng tá sống động và hấp dẫn về tình hiệp thông huynh đệ. Hãy làm cho mọi người thán phục vì anh chị em chăm lo cho nhau, khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau, vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Chúa Giê-su, nếu anh em hết tình yêu thương nhau” (Ga 13,35). Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su “xin cho tất cả nên một… trong chúng ta… để thế gian tin….” (x.Ga 17,21) phải cảnh giác chúng ta trước cám dỗ của sự đố kỵ. Tất cả chúng ta đang cùng trên một con thuyền hướng về một điểm đến. Hãy vui mừng vì đặc sủng Chúa ban cho mỗi người. Chúng thuộc về mọi người”[4].
Có những giáo xứ, trước khi có cha xứ hiện diện thường xuyên, thì đã có những cộng đoàn tu sĩ được thành lập rất lâu từ khi giáo xứ còn là giáo điểm. Hoặc sau khi giáo xứ được thành lập, những cộng đoàn tu sĩ có bề dày kinh nghiệm hoạt động tông đồ đến hiện diện trong giáo xứ. Vì thế, sự hiệp thông đặc biệt giữa cha xứ và các cộng đoàn này sẽ là một điểm son khiến cho giáo xứ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm hơn.
1.2. Liên đới trong sứ mạng.
– Cha xứ là người hiểu rõ về chân giá trị của đời tận hiến nên cần bày tỏ lòng yêu mến và liên đới với các tu sĩ, nhất là các nữ tu, và cám ơn các dòng tu đã sai phái các tu sĩ đến phục vụ trong giáo xứ của mình. Ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ có một mối tương quan đặc biệt. Đó chính là tương quan giữa đức ái và ơn gọi phục vụ dân Thiên Chúa qua việc tận hiến và giữ luật độc thân Linh Mục cũng như các lời khuyên Phúc Âm của các hội dòng.
Chỉ có đức ái mới liên kết mọi người lại với nhau, vì tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất (x.1 Cr 12,13b). Đức ái này được biểu lộ qua việc quan tâm đến các sinh hoạt mục vụ của các nữ tu cũng như cuộc sống chung của cộng đoàn các nữ tu để giúp đỡ. Sự liên đới trong đức ái này khiến các nữ tu không cảm thấy mình là người làm thuê trong giáo xứ, nhưng như thành viên trong giáo xứ mình phục vụ.
Tình liên đới của cha xứ với các tu sĩ trong giáo xứ phải giống tình liên đới của Chúa Giê-su với các phụ nữ đi theo phục vụ Ngài và các tông đồ. Chính đức ái của Chúa Giê-su tỏa sáng hợp với lời Ngài giảng dạy đã làm cho những phụ nữ này tình nguyện phục vụ Chúa và các tông đồ trong công cuộc truyền giáo của các ngài.
– Tình liên đới trong sứ vụ rao truyền Chúa cho mọi người cũng phải làm cho cộng đoàn coi các tu sĩ đang phục vụ trong giáo xứ như là những cộng sự viên trong cánh đồng truyền giáo.
Không ai phủ nhận công lao của các tu sĩ phục vụ trong giáo xứ khi giáo dân thấy các em thiếu nhi dâng hoa sốt sắng, ca đoàn hát hay và các đoàn thể hoạt động sôi nổi. Rất nhiều hoạt động đã có bàn tay cộng tác của các tu sĩ. Những công việc này cần được mọi người nâng đỡ, khích lệ, đồng cảm. Bởi vì “có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cr 12,4-6).
Sự phục vụ vô vị lợi nơi các tu sĩ là do lòng mến thúc đẩy. Các vị làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để trở nên một nữ tỳ trung tín của Chúa Giê-su. Trong việc phục vụ tại giáo xứ, các tu sĩ cũng chỉ là những con người nên cũng có những thiếu sót. Bởi vì họ không đơn thuần chỉ giúp xứ mà còn làm những việc khác để lo đời sống vật chất nên cũng có những sức ép. Cần thông cảm và chia sẻ. Giáo luật điều 574 dạy rằng: “Những người tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm và các hội dòng tận hiến biểu lộ sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. Do đó cần được hết mọi người trong Giáo Hội nâng đỡ và cổ võ”.
2. Giáo xứ: Cộng đoàn đồng trách nhiệm.
Vì có cùng một ơn gọi duy nhất là nên thánh, nên tất cả Ki-tô hữu giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân là những người đồng trách nhiệm với nhau. Tất cả đều làm việc trong vườn nho của Chúa. Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ cần một nỗ lực chung tay chung lòng. “Giáo hội biết rằng những nỗ lực của nhân loại hướng đến sự hiệp thông và tham gia, mặc dầu có những khó khăn, những trì trệ, những mâu thuẫn đủ loại, do những giới hạn của con người, do tội lỗi và Thần Dữ, vẫn được giải quyết hoàn toàn nhờ sự can thiệp của Đức Giê-su, Đấng Cứu Chuộc con người và thế giới”[5].
Hiệp thông và tham gia là những từ ngữ nói lên tinh thần đồng trách nhiệm. Hiệp thông để hiệp nhất và tham gia để phục vụ, để gánh vác, để sẻ chia trách nhiệm. Dĩ nhiên không phải để đùn đẩy công việc cho nhau. Mỗi tín hữu có vị trí riêng nhất định trong vườn nho của Thiên Chúa. Thật vậy, Giáo Hội mong muốn các tín hữu phải kính trọng các ơn gọi và trách nhiệm của từng chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm của Giáo Hội có Chúa Ki-tô là Đầu.
“Tân Phúc-Âm-hóa không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8) nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả”. Mới về lòng nhiệt thành và làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giê-su Ki-tô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta[6]. Vậy phải chăng công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ sẽ có cái mới trong phương pháp hoạt động là làm mới lại mối tương quan giữa bản thân với Đức Giê-su qua những người chung quanh, nghĩa là cùng làm việc chung trong sự tương kính, với tư cách của những cộng sự viên có trách nhiệm, đồng trách nhiệm.
Về tinh thần cộng tác, cùng làm việc chung trong gia đình giáo xứ, Tông huấn Ki-tô hữu giáo dân đã viết rằng:“Con cái Thiên Chúa tại các gia đình giáo xứ chính là gia đình của Thiên Chúa, một nhóm người phải bừng cháy tinh thần hiệp nhất để nên một mái ấm thân thương và niềm nở”[7]. Nhờ mối liên hệ hiệp nhất với nhau như anh chị em con một Cha trên trời, gia đình giáo xứ thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa đời sống của chính mình.
3. Kết.
Mỗi thành viên trong giáo xứ đều có nhiệm vụ làm lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa, tiếp tục công trình cứu độ mà vì yêu thương, Chúa Thánh Thần đã thực hiện cho Giáo Hội. “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Hoa quả chính của Thánh Thần là Tình Yêu. Thế thì cùng với toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, mỗi người phải phát huy hoa quả này để cho thấy tình yêu cứu độ vẫn tiếp tục được đổ xuống đang hiện diện và hoạt động giữa lòng thế giới. Chúng ta thể hiện tình yêu đó trong chính đời sống và bằng những hành vi yêu thương cụ thể trong các mối tương quan giữa mỗi thành viên trong giáo xứ với nhau. Chính đời sống bác ái yêu thương của cộng đoàn giáo xứ sẽ làm bừng sáng vẻ đẹp của Phúc Âm và thu hút nhiều người đến với Chúa Ki-tô như cộng đoàn các Ki-tô hữu tiên khởi đã minh chứng (x. Cv 2,47)
Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp các giáo xứ nên chứng nhân cho tình hiệp thông và phục vụ, để niềm vui Tin Mừng có thể tỏa lan, chạm đến cõi lòng của muôn người.
Chuyện minh họa. Cứ đến khi mùa thu sang và mùa đông chuẩn bị về, những chú chim lại bay từ phương Bắc về phương Nam để tránh rét và kiếm thức ăn.
Có một điều rất lạ là chúng thường bay theo đội hình chữ V
Con đầu đàn bao giờ cũng khỏe nhất và bay ở đỉnh chữ V. Nó phải chịu sức cản của gió lớn nhất và vì thế những con càng khỏe thì càng phải bay gần đỉnh chữ V hơn.
Mỗi khi con chim đầu đàn cảm thấy đuối sức, nó sẽ bay lùi về một bên và một con chim khác sẽ tự động bay lên thay thế vị trí dẫn đầu. Trong suốt chuyến bay, đàn chim kêu to để động viên con chim đầu đàn luôn giữ tốc độ bay. Theo các nhà khoa học giải thích, có hai lý do để chúng bay theo đội hình chữ V này:
1. Để tiết kiệm năng lượng: Bay theo đội hình này sẽ tiết kiệm được nhiều năng lượng vì khi chim vỗ cánh sẽ khuấy động tạo ra một luồng không khí. Luồng không khí này sẽ tạo ra lực đẩy cho con chim bay trước đó, đồng thời chú chim sau cũng tận dụng được không khí chuyển động tạo ra bởi các con bay sau. Bay theo đội hình này, các chú chim sẽ bay nhanh hơn những con bay một mình tới 71%.
2. Để dễ dàng liên lạc với nhau bởi vì các chú chim đàng sau sẽ dễ dàng nhìn thấy các chú chim phía trước. Điều này rất quan trọng để chúng không bị lạc đàn mỗi khi con chim đầu đàn ra tín hiệu dừng laị để nghỉ tìm thức ăn hay đổi hướng bay. Hoặc trong trường hợp một chú chim nào đó quá mệt hay bị thương mà rơi xuống thì một vài con chim khác sẽ cùng rời khỏi đàn và bay xuống đất để bảo vệ bạn mình. Khi nào con chim kia khỏe lại, chúng sẽ cùng tiếp tục lên đường[8].
Hình ảnh những đàn chim biết nương tựa nhau, giúp sức cho nhau, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau hẳn phải là bài học cho các cộng đoàn Ki-tô hữu cùng chung một sứ mạng, một trách nhiệm và thông phần ân sủng cũng như công phúc của nhau.
Câu thảo luận.
(1) Nhận định lại tương quan cụ thể giữa cha xứ, giáo dân và cộng đoàn tu sĩ đang hiện diện trong giáo xứ vào lúc này.
(2) Có thể làm thêm những gì để tăng triển tình hiệp thông giữa các thành phần này trong tương lai.
************************************
[1] GLHTCG 1702
[2] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 100.
[3] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Ki-tô hữu giáo dân, 30.12.1988, số 26
[4] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 99.
[5] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Ki-tô hữu giáo dân, 30.12.1988, số 7
[6] x. HĐGMVN, Thư chung 2013
[7] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Ki-tô hữu giáo dân, 30.12.1988, số 16
[8] Theo tài liệu của google.com.vn và facts.baomoi.com