Bài 08:
VUN ĐẮP TÌNH HIỆP THÔNG
TRONG CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ (GIÁO HỌ)
***
Giáo xứ hình ảnh của Giáo Hội địa phương, là gia đình của các gia đình. Trong gia đình này, có người cha thiêng liêng và mọi tín hữu là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cũng là cộng đoàn hiệp thông, hiệp thông trong cùng một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha. Chính vì vậy mọi người trong gia đình này cần xây dựng và vun đắp tình hiệp thông là trách nhiệm và bổn phận của mọi tín hữu.
1. Giáo xứ: Gia đình của các gia đình
– Trong thư định hướng mục vụ của Giáo phận Bà Rịa 2015, có viết: “Trong bối cảnh văn hoá Việt Nam, chúng ta có thể diễn tả đời sống giáo xứ bằng hình ảnh của một gia đình. Quả thực, giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa có chung một Cha trên trời, giáo xứ cũng là gia đình của các gia đình, với các linh mục như những người cha thiêng liêng và tất cả đều là anh chị em với nhau”[1].
Giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa có chung một Cha trên trời. Thực vậy, qua Bí tích Rửa tội, mọi Kitô hữu trở nên con Chúa, được gia nhập gia đình của Chúa, có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau; được gia nhập gia đình Giáo Hội, hiệp thông với nhau nhờ Bí tích Thánh Thể. Giáo xứ, hình ảnh của Giáo Hội địa phương, quy tụ nhiều gia đình, vì vậy gọi giáo xứ là gia đình của các gia đình. Trong gia đình giáo xứ, vị linh mục chủ chăn như người cha thiêng liêng, chăm sóc cho đoàn dân Chúa qua việc cử hành và ban các bí tích, thực thi chức năng tư tế; rao giảng Lời Chúa và giáo huấn, thực thi chức năng ngôn sứ; quản trị cộng đoàn, thực thi chức năng vương đế; và mọi người giáo dân là anh chị em với nhau nên hiệp thông liên đới với nhau.
– Giáo xứ là cộng đoàn hiệp thông nên phải tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ, cộng tác để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng loan truyền Tin Mừng như Thư chung 2014 hướng dẫn : “Giáo xứ còn là cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ. Thật vậy, trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử. Đồng thời phải cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho muôn dân”[2]
2. Vun đắp tình hiệp thông giữa các thành phần
Vì giáo xứ là gia đình của các gia đình nên các đoàn thể, những người làm công tác tông đồ, trước hết cần ý thức xây dựng tình hiệp thông và mỗi thành viên, mỗi người giáo dân trong giáo xứ đều có bổn phận vun đắp tình hiệp thông này.
– Ban hành giáo là những người sát cánh với vị chủ chăn của mình, vì vậy càng nêu cao tinh thần hiệp thông; ý thức vai trò và chỗ đứng của mình để cộng tác đắc lực với vị chủ chăn trong việc điều hành giáo xứ[3]. Cộng tác với các linh mục trong tinh thần đạo đức, kính trọng, vâng phục, khiêm tốn, phục vụ. Vì lợi ích chung của cộng đoàn, sẵn sàng dấn thân quên mình chu toàn trách nhiệm. Nên nhớ mình chỉ là người cộng tác nên mọi việc không tự ý giải quyết mà phải lĩnh hội ý kiến vị chủ chăn[4], trừ một số công việc nhất định được vị chủ chăn giao phó để giải quyết thường xuyên. Có tinh thần làm việc chung. Tránh cách làm việc riêng lẻ, tự động, tự ý.
– Tham gia các đoàn thể trong giáo xứ với tinh thần hiệp thông liên đới, mặc dù mỗi đoàn thể có sinh hoạt riêng. Tránh óc bè phái, phe nhóm, loại trừ. Mở lòng đón nhận hết mọi người nếu ai muốn gia nhập, lưu tâm đến các thành phần di dân. Khuyến khích mọi người cộng tác làm việc tông đồ. Cần phải có những ý kiến đóng góp tích cực để xây dựng tình hiệp thông. Tránh chỉ trích, phê bình, bàn ra có tính tiêu cực trong cộng đoàn giáo xứ.
– Các anh chị em di dân là những người tha hương cầu thực, mỗi người trong giáo xứ cần biết đón nhận những anh chị em này, tạo điều kiện để anh chị em được tham gia các công tác tông đồ trong giáo xứ như Thư chung 2014 có nói đến: “Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến anh chị em di dân. Từ hai thập niên qua, rất đông anh chị em, cách riêng các bạn trẻ Công giáo phải rời xa gia đình và làng quê để đi học và đi làm tại các thành phố lớn. Thực tế này không những tác động trên đời sống kinh tế và xã hội, nhưng cả trên đời sống và sinh hoạt đức tin. Nhiều giáo xứ tại nông thôn không còn đủ nhân lực cho những sinh hoạt của cộng đoàn. Ngược lại, nhiều giáo xứ nơi thành thị lại quá tải trong công tác mục vụ. Nhiều anh chị em di dân cảm thấy lạc lõng ngay trong đời sống đức tin. Vì thế xin anh chị em, cách riêng các linh mục, mở rộng vòng tay đón tiếp anh chị em di dân, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, để họ cảm nhận được mình là thành viên của gia đình giáo xứ. Như thế không những đời sống đức tin của họ được nâng đỡ, mà họ còn trở nên những nhân tố tích cực trong việc Phúc-Âm-hóa”[5].
– Hiệp thông với những anh chị em bên ngoài qua sự cộng tác làm việc với những người thiện chí không Công giáo như trong công tác bác ái xã hội, công tác giáo dục để đem lại phúc lợi chung cho cộng đồng nhân loại[6]. Thư chung 2014 có dạy: “Tình hiệp thông đó còn được mở rộng ra bên ngoài qua việc cộng tác với mọi người thiện chí để thực hiện những việc đem lại phúc lợi chung, như thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng xây một cây cầu, cùng đào một giếng nước, dựng một mái nhà tình thương. Những việc tưởng chừng nhỏ bé này chính là những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại (x. Mc 4,30)”[7].
3. Để kết
Giáo xứ, cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo. Xây dựng và vun đắp tình hiệp thông để hướng đến hoạt động truyền giáo trong giáo xứ, đó cũng là sứ mạng của Giáo Hội địa phương, là mệnh lệnh mà Giáo Hội nhận được từ nơi Chúa Giêsu[8]. Điều này đã được Công Đồng Vatican II nói đến: “Giáo dân góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội, nhờ được tham dự vào chức vụ của Chúa Ki-tô là tư tế, tiên tri và là vua… Được nuôi dưỡng nhờ tham dự vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, chính họ nhiệt thành góp phần vào những hoạt động tông đồ của chính cộng đoàn đó; họ đem những người có lẽ đang xa lạc trở về với Giáo hội. Họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền Lời Chúa, nhất là bằng việc dạy giáo lý. Họ đem khả năng của mình làm cho việc coi sóc các linh hồn, và cả việc quản trị tài sản của Gíao Hội sinh hiệu quả hơn”[9].
Đó cũng chính là đường hướng mới của Giáo Hội mà ĐTC Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng nói đến: “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong một lãnh thổ, một môi trường để lắng nghe Lời Chúa, để lớn lên trong đời sống Ki-tô hữu, để đối thoại, để rao giảng, để làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành. Qua tất cả các hoạt động của mình, giáo xứ khuyến khích và đào tạo các thành viên của mình thành những nhà truyền giáo”[10].
4. Câu hỏi gợi ý.
(1) Bạn có thể làm gì để vun đắp tình hiệp thông trong giáo xứ?
(2) Có thể cộng tác cách nào với những người ngoài để tỏ tình liên đới và nâng cao đời sống xã hội?
(3) Bạn đã, đang và sẽ làm gì để thực hiện sứ mạng truyền giáo trong giáo xứ?
————————————————————————–
[1] GIÁO PHẬN BÀ RỊA, Thư định hướng mục vụ 2015, mục a.
[2] HĐGMVN, Thư chung 2014, số 4
[3] x. HĐGMVN, Thư chung 2014, số 4
[4] Quy chế Ban Hành Giáo – Giáo phận Bà Rịa, số 19/b; số 20/a.
[5] HĐGMVN, Thư chung 2014, số 5.
[6] x. Mt 5, 13-14; x. AG 3.
[7] HĐGMVN, Thư chung 2014, số 4.
[8] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, số 5.
[9] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về hoạt động Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem, số 10.
[10] EG 28.