Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn
– Gợi ý mục vụ –
Đề tài 9. Tân Phúc-Âm-hoá Giáo xứ và cộng đoàn:
Canh tân đời sống thánh hiến
“Hãy đi bán những gì anh có… rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21)
***
Trong cộng đoàn Hội Thánh địa phương sự hiện diện và đời sống của các tu sĩ dòng và những hội viên tu hội đời, những người được Chúa gọi theo Chúa “sát hơn” và lấy Người làm “tất cả” đời mình, đã là một lời rao giảng Tin mừng sống động. Chính đời thánh hiến của họ trở thành sứ vụ. Thật vậy, những người tận hiến được yêu cầu thực sự trở thành những “chuyên viên về hiệp thông” và thực hành linh đạo hiệp thông. Đời sống hiệp thông của họ “trở thành một dấu chỉ cho thế giới và một sức mạnh thu hút người ta tin vào Đức Kitô”[1]. Sống mầu nhiệm hiệp thông mang tính sứ vụ, những người tận hiến trước hết có sự đồng cảm với Giáo hội, từ đó mới sinh hiệu quả phong nhiêu, nhưng không tránh khỏi phải đương đầu và vượt qua những thách đố, nhất là trong thời đại ngày nay.
- Đồng cảm với Giáo hội (Sentire cum Ecclesia)
– Theo gương các đấng sáng lập dòng, những người tận hiến luôn sống một cảm thức nhạy bén về Hội Thánh, biểu lộ qua việc tham dự trọn vẹn vào đời sống Hội Thánh trong mọi mặt và vâng phục mau mắn đối với các vị mục tử, đặc biệt với Đức Thánh Cha. Một khía cạnh nổi bật của sự hiệp thông với Hội Thánh là gắn bó bằng cả trí tuệ và con tim với huấn quyền của các Giám mục. Những người tận hiến giữ một vị trí đặc biệt trong Hội Thánh, cho nên thái độ của họ đối với huấn quyền có tầm quan trọng lớn lao trước toàn thể Dân Chúa. Chứng tá của lòng yêu mến hiếu thảo của họ mang lại sức mạnh và sinh khí cho hoạt động tông đồ của họ.
– Những người tận hiến được kêu gọi trở thành chất men hiệp thông phục vụ cho sứ vụ của Hội Thánh hoàn vũ, vì các đoàn sủng khác nhau của các tu hội được Chúa Thánh Thần ban cho là để mưu ích cho toàn Nhiệm Thể, nên họ phải phục vụ công việc xây dựng Nhiệm Thể (x. 1Cr 12,4-11). “Con đường trổi vượt hơn cả” (1Cr 12,31), “điều cao trọng hơn cả” (1Cr 13,13) là đức mến, vì đức mến dung hòa mọi khác biệt, thúc đẩy mọi người nâng đỡ nhau để hăng hái dấn thân trong công việc tông đồ. Để đạt tới đức mến đó, đời thánh hiến trong các tu hội và tu đoàn tông đồ muốn được liên kết đặc biệt trong tình hiệp thông với đấng kế vị thánh Phêrô trong tác vụ kiến tạo sự hiệp nhất và thúc đẩy công cuộc truyền giáo phổ quát.
– Các đoàn sủng của đời thánh hiến có thể góp phần đắc lực vào việc xây dựng đức mến trong Hội Thánh địa phương. Các Giám mục được yêu cầu đón tiếp và trân trọng các đoàn sủng của đời thánh hiến, dành cho họ một chỗ trong các kế hoạch mục vụ Giáo phận. Cần biết đón nhận hồng ân đời thánh hiến mà Thánh Thần khơi lên trong Hội Thánh địa phương, bằng cách tiếp nhận với tâm tình quảng đại và tri ân.
- Hiệp thông phong nhiêu với tôn ti phẩm trật trong Hội Thánh
– “Giám mục là cha và là mục tử của toàn thể Hội Thánh địa phương. Người có nhiệm vụ nhìn nhận và tôn trọng những đoàn sủng khác biệt, thăng tiến và phối hợp chúng. Với đức ái mục tử, người phải đón tiếp đoàn sủng đời thánh hiến như một ân sủng, không phải chỉ liên hệ đến một tu hội, mà còn để mưu ích cho toàn thể Hội Thánh. Như thế người phải tìm cách nâng đỡ và trợ giúp những người tận hiến, hầu họ hiệp thông với Hội Thánh mà mở ra những sáng kiến tu đức và mục vụ đáp ứng nhu cầu của thời đại chúng ta, trong khi vẫn trung thành với đoàn sủng sáng lập của họ. Phần họ, những người tận hiến đừng quên quảng đại cộng tác với Hội Thánh địa phương, theo khả năng của họ và tôn trọng đoàn sủng, họ hoạt động trong tinh thần hiệp thông trọn vẹn với Giám mục ở các lãnh vực loan báo Tin mừng, huấn giáo, sinh hoạt giáo xứ.”[2]
– Hội Thánh ký thác cho các cộng đoàn sống đời thánh hiến bổn phận đặc biệt, đó là phát triển linh đạo hiệp thôngtrước tiên trong chính cộng đoàn mình, kế đến trong cộng đoàn Hội Thánh và vượt cả biên giới này nữa, bằng cách kiên trì theo đuổi đối thoại bác ái, nhất là tại những nơi đang bị xâu xé bởi hận thù chủng tộc hay bạo lực điên rồ.[3] Cảm thức về hiệp thông trong Hội Thánh này được củng cố và nuôi dưỡng thông qua các mối tương quan thiêng liêng huynh đệ và cộng tác giữa các cộng đoàn tận hiến. Họ hiệp nhất vì cùng cam kết bước theo Đức Kitô – sequela Christi – và được cùng một Thánh Thần thúc đẩy, như thế họ sẽ biểu lộ cách hữu hình sự viên mãn của Tin mừng tình yêu, như những cành nho của một Cây Nho duy nhất. Sự hiệp thông Hội Thánh đó cũng biểu lộ qua sự cộng tác với các giáo dân. “Đối với các dòng đan tu và chiêm niệm, mối tương quan với giáo dân chủ yếu ở mặt thiêng liêng, còn đối với các tu hội dấn thân tông đồ thì mối tương quan ấy được diễn tả qua sự hợp tác mục vụ. Các thành viên tu hội đời, giáo dân hay giáo sĩ, duy trì tương quan với các tín hữu khác trong những hình thức thông thường của cuộc sống hằng ngày. Đoàn sủng của các tu hội có thể chia sẻ với giáo dân: giáo dân được mời gọi tham dự nhiều hơn và sâu hơn vào linh đạo và sứ mạng của chính tu hội”.[4]
- Những thách đố lớn của đời thánh hiến
Không có sự hợp tác, trong hiệp thông và đối thoại, của tất cả các thành phần của Hội Thánh, chúng ta không thể đương đầu hữu hiệu với các thách đố thời đại. Cách riêng, sứ vụ tiên tri của đời thánh hiến phải đương đầu với ba thách đố quan trọng đặt ra cho chính Hội Thánh, với những dạng mới mà người tận hiến phải xét lại cách triệt để.[5]
– Thách đố của khiết tịnh tận hiến. Văn hóa đương đại cổ võ hưởng thụ, tháo gỡ mọi quy tắc đạo đức khách quan của tính dục, thường giản lược tính dục thành một thứ trò chơi và một món hàng tiêu thụ, cũng như tôn thờ bản năng tính dục với sự đồng lõa của các phương tiện truyền thông xã hội. Hậu quả là đủ mọi thứ vi phạm đạo đức, vô vàn đau khổ. Lời đáp của đời tận hiến hệ tại trước tiên ớ việc vui vẻ sống khiết tịnh hoàn hảo, như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong phận người mỏng giòn. Người tận hiến cho thấy rằng điều mà nhiều người cho là không thể được lại trở nên có thể và thật sự mang lại tự do, nhờ ơn thánh Chúa. Khiết tịnh của người tận hiện là một kích thích tố quý báu cho việc giáo dục khiết tịnh, cần cho các bậc sống khác nữa.
– Thách đố của khó nghèo. Thách đố ngày nay đến từ một thứ chủ nghĩa duy vật chất thèm khát chiếm hữu, vô cảm trước những nhu cầu và nỗi khổ của người khác, dửng dưng với việc phải làm quân bình những tài nguyên thiên nhiên. Nhiều người không ý thức tài nguyên của hành tinh có giới hạn, cần được tôn trọng và bảo vệ công trình tạo dựng bằng cách giảm bớt tiêu thụ, biết sống thanh đạm và tự kềm hãm những ước muốn của mình. Lời đáp của đời thánh hiến, qua việc sống khó nghèo theo Tin mừng, mang nhiều hình thức khác nhau, làm chứng cách mới mẻ và mạnh mẽ về sự từ bỏ và tiết độ, bằng một nếp sống huynh đệ, đơn sơ và hiếu khách, làm gương cho những người dửng dưng với nhu cầu của tha nhân; và thường kèm theo hoạt động dấn thân phát huy tình liên đới và bác ái.
– Thách đố của tự do trong vâng phục. Văn hóa ngày nay đề cao tự do và phẩm giá con người, nhưng thường muốn tách ra khỏi tương quan với chân lý và các quy tắc luân lý. Thế nhưng, ai cũng thấy, nó đã để lại những bất công trầm trọng và những bạo hành khủng khiếp vì sự sử dụng lệch lạc quyền tự do trong cuộc sống cá nhân và các dân tộc. Lời đáp của đức vâng phục đời thánh hiến, họa lại Đức Kitô vâng phục Chúa Cha và khởi đi từ Người, minh chứng tự do và vâng phục không mâu thuẫn với nhau. Họ cho thấy qua Đức Kitô mầu nhiệm tự do của con người là một con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, và mầu nhiệm vâng phục là một con đường để dần dần chinh phục sự tự do chân chính.
Câu hỏi thảo luận
- Anh chị tận hiến đã phải đối diện và vượt qua những khó khăn cụ thể nào trong tương quan nội bộ cộng đoàn tận hiến của mình để thực thi sứ mạng của tu hội, tu đoàn trong Hội Thánh địa phương?
- Anh chị tận hiến đã phải đối diện và vượt qua những khó khăn cụ thể nào trong tương quan với cộng đoàn gia đình giáo xứ và giáo phận, trong khi sống sứ mạng của tu hội, tu đoàn trong Hội Thánh địa phương?
- Anh chị em kitô hữu giáo dân thấy mình được nâng đỡ gì và như thế nào từ những người tận hiến? Và ngược lại, đời sống mình đã đóng góp và nâng đỡ như thế nào cho những người kia?
–––––––––––––––––––
[1] Thánh Gioan Phaolô II, th. Christifideles laici, 30/12/1988, 31-32.
[2] Thánh Gioan Phaolô II, th. Vita consecrata, 25/03/1996 (VC), 49.
[3] Ibid., 50.
[4] Ibid., 54.
[5] Ibid., 87-91.
Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: WHĐ