BÀI 6:
GIÁO LÝ VIÊN
TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ
+++
Mọi Kitô hữu, tùy theo điều kiện sống, tùy theo tài năng hoặc đặc sủng của riêng mỗi người, một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, đều có bổn phận loan báo Tin mừng và quan tâm đến đức tin của anh chị em mình trong Đức Kitô, nhất là đức tin của trẻ em và của giới trẻ. Tuy nhiên, đối với giáo lý viên, ngoài ơn gọi “chung” nói trên, họ còn có một tiếng gọi đặc biệt của Thần Khí, một “đoàn sủng đặc thù được Giáo hội công nhận” qua sự ủy nhiệm minh thị của ĐGM[1]. Với ơn gọi của giáo lý viên, họ “không phải là người làm công tác dạy giáo lý, trái lại, họ là giáo lý viên, nghĩa là giáo lý mà họ thông truyền không phải chỉ là kiến thức mà họ đã thuộc, mà là chính Đức Kitô đã thấm nhuần và biến đổi cuộc đời họ”. Nói cách khác, giáo lý viên là người sống trong cộng đoàn với đầy tràn Đức Kitô và làm cho niềm vui này tự lan tỏa[2]. Trong ý nghĩa ấy, chúng ta cùng nhìn lại chỗ đứng của giáo lý viên trong công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các cộng đoàn giáo xứ (họ).
- Giáo lý viên, thành viên tích cực trong cộng đoàn giáo xứ.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh vai trò là thành viên tích cực và không thể thay thế của các giáo lý viên trong các cộng đoàn giáo xứ, khi nói: “Giáo lý viên là những chuyên viên, những chứng nhân trực tiếp và là những nhà truyền bá phúc âm hóa không thể thay thế được[3]”. Thậy vậy, có những Giáo hội địa phương (đặc biệt ở những xứ truyền giáo) hôm nay đang phồn thịnh, đã không được như thế nếu không có các thế hệ giáo lý viên dưới nhiều hình thức khác nhau dấn thân xây dựng[4].
Trước đóng góp quan trọng không thể không nhắc đến của các giáo lý viên, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhân danh Giáo hội nói lên lời cám ơn: “Cha muốn cám ơn các con, các thầy cô và giáo lý viên giáo dân trong các giáo xứ, các thanh niên cũng như rất nhiều thiếu nữ trên khắp thế giới đang hiến thân phục vụ việc giáo dục về tôn giáo cho nhiều thế hệ. Công việc của các con thường là khiêm hạ và âm thầm nhưng được thực hiện với lòng nhiệt thành hăng say và quảng đại, và là một hình thức tuyệt vời của tông đồ giáo dân, một hình thức quan trọng đặc biệt ở những nơi mà các trẻ em và người trẻ không được huấn luyện về tôn giáo một cách thích hợp trong gia đình vì nhiều lý do khác nhau. Bao nhiêu người trong chúng ta đã nhận được từ những người như các con những khái niệm đầu tiên về giáo lý và việc sửa soạn cho việc Xưng tội, Rước lễ lần đầu và Thêm sức”[5].
Ý thức vai trò và vị thế cao quý của mình trong cộng đoàn giáo xứ (giáo họ), các giáo lý viên không phải vì thế mà có thái độ cao ngạo, hoặc phách lối, nhưng được mời gọi noi gương Chúa Giêsu phục vụ mọi người trong khiêm nhường và hiền hậu (x. Mt 11,29).
- Giáo lý viên trong đời sống cộng đoàn giáo xứ.
Cùng với các em thiếu nhi, các giáo lý viên hợp thành một phần không nhỏ trong cộng đoàn giáo xứ. Các giáo lý viên được mời gọi trở thành những người sống gương mẫu trong giáo xứ không những cho các em thiếu nhi noi theo, mà còn làm men, làm muối trong công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đời sống cộng đoàn giáo xứ. Ở đây, chỉ xin gợi ý vài điều cụ thể:
– Để đời sống trở nên gương mẫu cho giới thiếu nhi hay làm men, làm muối trong cộng đoàn giáo xứ, trước tiên, giáo lý viên được mời gọi Phúc-Âm-hóa đời sống chính mình với sức mạnh Thần Khí. Vì chính Chúa Thánh Thần khơi dậy niềm phấn khích từ bên trong đem lại nhiệt huyết, vui tươi, quảng đại, can đảm, tràn đầy yêu thương, có sức làm lây lan[6]. Niềm phấn khích nói trên chính là sự hăng say chia sẻ niềm vui và an bình của đời sống Ki-tô hữu sung mãn phát xuất từ sự gặp gỡ cá vị với Đức Ki-tô[7]. Do đó, giáo lý viên hãy luôn đồng hành với đời sống giáo xứ trong những giây phút thân mật bên Chúa, trong hiệp dâng Thánh lễ, trong tâm tình sống giáo lý mình sẽ loan báo…
– Thứ đến, giáo lý viên là người được tuyển chọn, được ủy nhiệm để hoạt động mà hoàn thành sứ mệnh nhận lãnh từ Giáo hội và nhân danh Giáo hội qua Đức Giám Mục giáo phận và cộng sự viên của ngài là các cha xứ và các cha quản nhiệm. Như thế, giáo lý viên không là chủ, nhưng là người phục vụ cách khiêm tốn trong mối liên hệ thuộc trật tự cơ chế và trong cấp bậc ân sủng với hoạt động của toàn thể giáo hội. Do vậy, các giáo lý viên “sẵn sàng vâng phục, thấm nhuần tinh thần tông đồ đối với các vị Mục tử trong đức tin, như Đức Giêsu là Đấng ‘tự hủy mình; mặc lấy thân phận tôi tớ, vâng lời cho đến chết’” (Pl 2, 7-8; x. Dt 5, 8; x. Rm 5, 19). Sự vâng phục có tính Tông truyền này phải thể hiện với tinh thần trách nhiệm trong sự thúc đẩy dẫn dắt của Chúa Thánh Thần[8].
– Sau nữa, giáo lý viên là thành viên của giáo xứ, thuộc một giáo xứ nhất định. Giáo xứ “là một gia đình trong tình huynh đệ và hiếu khách, là nơi mà những người đã được Rửa tội và Thêm sức ý thức được rằng mình hợp thành Dân Thiên Chúa”[9]. Vì thế, các giáo lý viên không phải là những chuyên viên giáo lý di động, phục vụ sứ vụ truyền giảng giáo lý hết xứ này sang xứ khác một cách tự ý, nhưng luôn gắn bó và phục vụ hết mình cho giáo xứ, nơi họ đang sinh sống. Họ được mời gọi sống cùng và sống với giáo xứ của mình qua sứ vụ truyền giảng giáo lý.
– Đồng thời, giáo lý viên sống trong cộng đoàn giáo xứ và họ được kêu gọi cùng hợp tác với người giáo dân khác, với các Ban, với các giới, với các hội đoàn trong việc dấn thân hoạt động mục vụ. Nói tới hợp tác, nhất là với những thành phần mà hoạt động của họ có liên quan tới huấn giáo, thì nếu chỉ có thiện chí muốn cộng với nhau mà thôi vẫn chưa đủ, mà còn phải biết cùng làm việc, cùng phối hợp các công tác, cùng rút kinh nghiệm… trong tinh thần khiêm tốn và trong sự khéo léo dưới sự hướng dẫn của cha xứ hay cha phụ trách[10].
– Cuối cùng, các giáo lý viên ý thức mình đang sống trong giáo hội lữ hành tại thế. Vậy nên, các giáo lý viên được mời gọi biết chịu khổ vì Giáo hội, chịu đựng những mệt nhọc do việc tông đồ chung và chấp nhận những khuyết điểm của những thành viên trong Giáo hội, theo gương Đức Giêsu Kitô, Đấng đã yêu mến Giáo hội và nộp mình vì Giáo hội (x. Ep 5, 25)[11].
Kết.
Ước mong, nhờ biết về vai trò và vị thế quan trọng của giáo lý viên trong công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ, các anh chị giáo lý viên nhận được sự an ủi khích lệ và đồng hành của nhiều người. Đồng thời, chính các giáo lý viên cũng luôn nhiệt thành trong các chương trình sinh hoạt của giáo xứ, đặc biệt trong sứ vụ truyền giảng giáo lý để góp phần xây dựng giáo xứ ngày một thăng tiến hơn với tâm tình mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói với các Giáo lý viên trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Angola: “Chúng con hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân ơn gọi của chúng con, qua đó Đức Ki-tô đã kêu gọi và tuyển chọn chúng con giữa biết bao người đàn ông, đàn bà khác, để chúng con trở thành dụng cụ ơn cứu độ. Chúng con hãy đáp lại ơn gọi của chúng con với lòng quảng đại và tên chúng con sẽ được viết ở trên trời (x.Lc 10,20”[12]
Câu hỏi thảo luận.
(1) Giáo lý viên có cần thiết trong các giáo xứ hay không?
(2) Giáo lý viên góp phần mình như thế nào trong đời sống cộng đoàn giáo xứ?
———————
Chú thích
[1] x. Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, sách hướng dẫn các giáo lý viên, 1993, số 1; x. Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn Đại Cương Về Việc Dạy Giáo Lý, 1997, số 221.
[2] x. ĐGM. Giuse Nguyễn Năng, Tân Phúc Âm hóa để Thông truyền Đức Tin Kitô giáo trong lãnh vực Huấn giáo, 20.08.2014.
[3] x. Thánh Giáo hoàng GIOAN PHAOLÔ II, Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, số 73.
[4] x. Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, số 66
[5] x. Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, số 66.
[6] x. ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 261; x. ĐGM. Giuse Nguyễn Năng, Tân Phúc Âm hóa để Thông truyền Đức Tin Kitô giáo trong lãnh vực Huấn giáo, 20.08.2014.
[7] x. ĐGM. Giuse Nguyễn Năng, Tân Phúc Âm hóa để Thông truyền Đức Tin Kitô giáo trong lãnh vực Huấn giáo, 20.08.2014
[8] x. Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, sách hướng dẫn các giáo lý viên, 1993, số 25.
[9] x. Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, số 67.
[10] x. Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, sách hướng dẫn các giáo lý viên, 1993, số 25.
[11] x. Sdd, số 25
[12] x. Sdd, số 36