Bài 05. VIỆC ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN
***
“Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15).
Trong bối cảnh xã hội hôm nay và đặc biệt trong năm mục vụ với chủ đề “Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ”, chúng ta đã đề cập đến sự cần thiết của việc dạy giáo lý cho các tín hữu trong toàn bộ tiến trình Loan Báo Tin Mừng, hay công cuộc “Tân Phúc-Âm-hóa” ngày nay. Để có thể nghe thì cần có người rao giảng, để thực hiện việc dạy giáo lý tất nhiên cần có đội ngũ các giáo lý viên, “việc dạy giáo lý phải dành ưu tiên cho việc đào tạo các giáo lý viên”[1].
Hội đồng Giám Mục Việt Nam, trong Thư mục vụ 2014 với chủ đề “Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ”, đã lưu ý các giáo xứ phải lưu tâm đến nhiệm vụ dạy giáo lý cho các tín hữu, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ”[2]. Nhiệm vụ này trước hết thuộc về các linh mục coi xứ, nhưng trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, số các em học giáo lý còn khá đông đảo, nên cần có đội ngũ giáo lý viên trợ giúp.
Vì thế, cần thiết phải lưu tâm đến việc đào tạo giáo lý viên, như chỉ dẫn của Bộ Giáo sĩ rằng: “Tổ chức cho thích đáng việc đào tạo các giáo lý viên, đào tạo căn bản cũng như đào tạo thường xuyên. Phải để ý đến mặt cá nhân cũng như thiêng liêng cho các giáo lý viên và các nhóm giáo lý viên cho xứng đáng. Công việc này là phần chính của các linh mục trong cộng đoàn Kitô hữu liên đới”[3].
- Những chỉ dẫn của Huấn quyền liên quan đến việc huấn luyện các Giáo lý viên.
1.1. Vai trò của người giáo lý viên giáo dân. Sách Hướng Dẫn Giáo Lý Viên của Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc định nghĩa rằng: “Giáo lý viên là người giáo dân được Hội Thánh, tùy theo nhu cầu địa phương, đặc biệt ủy thác việc làm cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa Kitô và chính những người tín hữu, được nhận biết, yêu mến và đi theo Người”[4].
Như thế, đặc tính trần thế của người giáo lý viên giáo dân được đề cao, bởi vì “thân phận riêng của người giáo dân là bậc ‘ở ngoài đời’ với ‘bổn phận chuyên biệt theo thân phận đó để linh hoạt hóa và hoàn thiện trật tự trần thế, với tinh thần Tin Mừng và, vì vậy, để làm chứng nhân cho Chúa Kitô, cách riêng trong việc quản trị trật tự này và trong việc chu toàn các trách vụ ngoài đời’”[5].
Bởi vì, “thế giới đòi hỏi những người loan báo Tin Mừng là họ nói về một Thiên Chúa mà họ hiểu biết và là Đấng thân tình của họ, như thể họ nhìn thấy Đấng vô hình”, cho nên, người giáo lý viên trước khi loan báo Lời phải trung thành sống và biến Lời thành của mình, trước khi dạy giáo lý phải sống chính giáo lý ấy đã. Để được như vậy, người giáo lý viên trước hết phải là người đã học biết giáo lý và sống thân mật với Chúa Kitô, Thầy chí thánh, và phải được huấn luyện tương xứng về các mặt nhân bản, thiêng liêng, giáo thuyết, sư phạm…[6]
1.2. Những tiêu chuẩn đào tạo các giáo lý viên. Bàn về việc đào tạo giáo lý viên trong tài liệu Hướng Dẫn Đại Cương về việc Dạy Giáo Lý năm 1997, Bộ Giáo sĩ đã lưu ý một số tiêu chuẩn cần quan tâm[7]:
+ Thích ứng với thời đại: “Đào tạo các giáo lý viên để họ đáp ứng nhu cầu rao giảng Tin Mừng của thời đại bây giờ cùng với những giá trị, những thách đố, những bóng tối của nó. Để làm công việc này, các giáo lý viên phải có một đức tin sâu xa, một căn tính Kitô hữu rõ ràng, có tính Hội Thánh và một sự nhạy bén cao về xã hội”.
+ Học biết kinh nghiệm dạy giáo lý của Hội Thánh: “Đào tạo giáo lý viên sao cho họ đạt đến mức độ là không chỉ cung cấp một giáo huấn mà còn phải biết đào tạo người tín hữu toàn diện nhờ việc thăng tiến ‘tác vụ khai tâm, giáo dục và giảng dạy’. Nói cách khác, giáo lý viên vừa là nhà giáo dục vừa là chứng nhân”.
+ Vượt lên trên ‘những khuynh hướng độc chiều’: Chuẩn bị cho các giáo lý viên để “có khả năng cung cấp một thứ giáo lý đầy và đủ, biết kết hợp chiều kích chân lý và chiều kích mang ý nghĩa đức tin, tính chính thống và sự thực hành chân lý, ý nghĩa về mặt Hội thánh và ý nghĩa về mặt xã hội”.
+ Lưu tâm đến đặc tính cố hữu của người giáo dân trong Hội Thánh: “Đào tạo tông đồ của họ phải mang một dấu ấn đặc biệt của tính phần đời cố hữu của người giáo dân, cũng như về hình thức đời sống thiêng liêng”.
+ Tầm quan trọng của khoa sư phạm: “Theo tiêu chuẩn chung, phải nhấn mạnh đến sự liên kết giữa sư phạm đào tạo chung các giáo lý viên và sư phạm đặc cách cho tiến trình dạy giáo lý”.
Ngoài ra, cũng cần lưu tâm đến việc bồi dưỡng linh đạo để sinh hoạt của giáo lý viên thực sự phát sinh từ chứng tá đời sống; đến việc bồi dưỡng các ngành chuyên biệt như Kinh Thánh và Thần Học để giúp họ có được một kiến thức có hệ thống về sứ điệp Kitô giáo; đến việc bồi dưỡng ý thức tông đồ của giáo lý viên để giúp họ biết đặt mình đồng điệu với ý thức sống đề cương cụ thể của giáo phận, giáo xứ mà họ đang sống.
- Đào tạo giáo lý viên với ý hướng canh tân việc dạy giáo lý trong công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa ngày nay.
Hội đồng Giám Mục Việt Nam, trong Thư mục vụ năm 2014, số 3, đã nhắc tới nhiệm vụ dạy giáo lý của cả linh mục và giáo dân và mời gọi: “Các linh mục nên tạo điều kiện học hỏi thêm cho giáo lý viên, để tất cả chúng ta thi hành sứ vụ cách mới mẻ, bằng nhiệt tình mới, năng lực mới và phương pháp mới”.
Trong bài thuyết trình tại kỳ Họp mặt Giáo Lý Toàn quốc lần IV, từ 18-21.08.2014 tại Huế, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Ủy ban Giáo Lý Đức Tin đã giải thích những đổi mới này[8]. Xin được lược tóm những điểm chính yếu.
2.1. Nhiệt tình mới. Trước hết, cần phải làm mới lại nhiệt tình loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, đó không phải sự sôi nổi hăng say hay hiếu động trên bình diện tâm lý nhưng chính là chia sẻ niềm vui của đời sống Kitô hữu phát xuất từ sự gặp gỡ cá vị với Đức Kitô. Giáo lý viên là người cảm nghiệm được niềm vui của Tin Mừng, niềm vui vì được Chúa yêu thương nên được thôi thúc từ bên trong để thông truyền niềm vui ấy cho người khác. Giáo lý viên không phải là người làm công tác dạy giáo lý, trái lại, họ là giáo lý viên, nghĩa là giáo lý mà họ thông truyền không phải chỉ là kiến thức mà họ đã thuộc, mà là chính Đức Kitô đã thấm nhuần và biến đổi cuộc đời họ. Nói cách khác, giáo lý viên là người đầy tràn Đức Kitô và niềm vui này tự lan tỏa.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi hãy nài xin Chúa Thánh Thần đến đổi mới và khơi lên ngọn lửa nhiệt thành trong lòng chúng ta: “Ước gì tôi có được những lời thích hợp để khơi dậy niềm phấn khích cho một chương mới của việc Phúc-Âm-hóa đầy nhiệt huyết, vui tươi, quảng đại, can đảm, yêu thương vô bờ và hấp dẫn! Nhưng tôi nhận ra rằng không có lời khích lệ nào là đủ trừ khi lòng chúng ta cháy lửa Chúa Thánh Thần”[9].
2.2. Phương pháp mới. Huấn giáo không phải là một lớp học trình bày một số kiến thức liên quan đến đức tin Kitô giáo, nhưng nhắm tới một mục tiêu xa hơn. Đành rằng trong việc dạy giáo lý có dạy một số chân lý là nội dung đức tin, tuy nhiên các chân lý ấy không được dừng lại nơi trí khôn, nhưng phải dẫn đến trái tim và hành động, phải đưa con người đến chỗ yêu mến Chúa, gắn bó với Chúa và sống như Chúa dạy.
Trong thời đại ngày nay, cần chú ý đến những phương pháp mới phù hợp với con người hiện đại.
+ Kể chuyện Đức Giêsu: Con người thời nay không thích suy tư trừu tượng, lý luận dài dòng. Người ta thích những gì cụ thể, sống động, những gì gây ấn tượng và cảm xúc nơi bản thân. Đặc biệt, người Việt Nam nói riêng cũng như người Châu Á nói chung thích kể chuyện. Tông huấn Giáo Hội Tại Châu Á kêu gọi: “Nên dành ưu tiên cho phương pháp kể chuyện gần gũi với các hình thức văn hóa của Châu Á…Thượng hội đồng còn nhắc nhở, việc giảng dạy giáo lý tiếp theo sau đó nên theo phương pháp sư phạm gợi ý, nghĩa là vận dụng các câu chuyện, dụ ngôn và biểu tượng, là những điều hết sức đặc thù trong phương pháp giảng dạy của người Châu Á”[10].
+ Con đường thẩm mỹ: Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi quan tâm đến con đường thẩm mỹ: “Rao giảng Đức Kitô có nghĩa là cho thấy rằng tin Ngài và theo Ngài không chỉ là điều đúng và chính đáng, mà còn là một cái gì xinh đẹp, có khả năng đổ đầy đời sống bằng sự rực rỡ mới mẽ và niềm vui sâu xa, ngay cả giữa những hoàn cảnh khó khăn. Thế nên mọi cách diễn tả cái đẹp đích thực đều có thể được nhìn nhận là một con đường dẫn ta tới gặp Chúa Giêsu…”
Trong lĩnh vực huấn giáo, càng ngày người ta càng nhận thức được tầm quan trọng của việc dùng các loại hình nghệ thuật để chuyển tải sứ điệp Phúc Âm. Thi ca, âm nhạc, phim ảnh, hội họa…là những “ngôn ngữ dụ ngôn mới” để thông truyền đức tin; nhất là với các phương tiện truyền thông hiện đại, các ngôn ngữ này sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt.[11]
+ Gặp gỡ cá nhân: Để đạt được mục tiêu của huấn giáo, thiết tưởng cần quan tâm đến từng cá nhân trong tập thể lớp giáo lý. Những điều mà Tông huấn Giáo Hội Tại Châu Á và Tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng dạy về truyền giáo nói chung có thể được áp dụng vào huấn giáo: “Chính Đức Giêsu trong khi thi hành sứ vụ cũng đề cao giá trị của việc tiếp xúc cá nhân. Việc này đòi hỏi người rao giảng Tin Mừng phải quan tâm tới tình cảnh của người nghe, để có thể loan báo cho họ phù hợp với trình độ trưởng thành của họ, theo một hình thức và dùng một ngôn ngữ thích hợp”[12].
2.3. Cách thức mới. Dạy giáo lý trong bối cảnh Tân Phúc-Âm-hóa đòi hỏi canh tân cách diễn tả sao cho người ta có thể hiểu được.
+ Ngôn ngữ rao giảng: Con người thời nay được tác động trên bình diện cảm xúc nhiều hơn trên bình diện suy tư, nhờ những gợi ý, những hình ảnh và kinh nghiệm thực tế của cuộc sống hằng ngày. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác: “Đôi khi ta mất dân vì dân không hiểu ta nói gì, vì ta quên khuấy cả ngôn ngữ đơn giản để đưa vào chủ nghĩa duy trí, một chủ nghĩa hoàn toàn xa lạ đối với dân… Có lẽ ta đã giản lược cách nói năng của ta về mầu nhiệm vào các giải thích duy lý, nhưng đối với người bình thường, mầu niệm bước vào họ qua ngả trái tim”.[13] Khi truyền đạt chân lý Tin Mừng, “phải có một ý tưởng, một tâm tình, một hình ảnh”[14].
+ Sứ điệp cốt yếu: Sứ điệp mà Hội Thánh rao giảng là một sứ điệp đơn giản. Tất cả các chân lý đức tin tuy nhiều nhưng có một sự hài hòa và một thứ tự ưu tiên xoay quanh trọng tâm thiết yếu của Tin Mừng. “Sứ điệp phải tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Chúng ta làm cho sứ điệp thành đơn giản nhưng đồng thời không làm mất sự thâm sâu và chân lý của nó, nhờ đó nó càng trở nên mạnh mẽ và có sức thuyết phục”. “Trong cái cốt lõi cơ bản này, cái tỏa sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết”[15].
Trong việc dạy giáo lý, giáo lý viên cần giúp học viên hiểu biết rằng đời sống Kitô hữu phải tràn đầy niềm vui vì được Chúa yêu thương và cứu độ, được Chúa là Đấng đã chết và sống lại vì mình. Đó mới là thiết yếu.
- Câu hỏi gợi ý thảo luận.
(1) Tôi hiểu biết gì về vai trò người giáo lý viên trong việc dạy giáo lý cho con em mình?
(2) Tôi có thể góp phần như thế nào trong việc đào tạo giáo lý viên của giáo phận và giáo xứ?
(3) Để việc dạy giáo lý cho con em được hiệu quả hơn, tôi có thể góp ý gì cho giáo lý viên ?
Để Kết.
Trong bài huấn dụ khi gặp gỡ 2 ngàn giáo lý viên từ các nước trên thế giới tham dự Đại hội Quốc tế về Giáo lý do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng tổ chức tại Vatican từ 26 đến 28-9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Huấn giáo là một cột trụ để giáo dục đức tin và cần có những giáo lý viên tốt!”. Để có được những giáo lý viên tốt cho công cuộc huấn giáo, nhất thiết phải lưu tâm đến việc đào tạo cơ bản và trường kỳ. Đây là việc làm cần có sự cộng tác và nỗ lực của Ban đặc trách giáo lý cùng với các linh mục coi xứ.
Đào tạo giáo lý viên không chỉ là trang bị kiến thức, phương pháp sư phạm…, nhưng là giúp họ sống vai trò “thầy dạy và chứng nhân” của mình. Như Đức Thánh Cha đã nói với các giáo lý viên rằng: “Xin anh chị em chú ý, tôi không nói ‘làm’ giáo lý viên, nhưng là ‘sống như giáo lý viên’ vì đây là điều bao gồm cuộc sống. Ta hướng dẫn tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu bằng lời nói và bằng cuộc sống, bằng chứng tá. Và ‘sống như giáo lý viên’ đòi phải có lòng yêu mến ngày càng nồng nhiệt hơn đối với Chúa Kitô, yêu mến Dân thánh của Chúa. Và tình yêu này nhất thiết phải khởi hành từ Chúa Kitô”.
Chuyện kể: NGƯỜI ĐÓ GIỐNG NHƯ TÔI. Trong thế thứ hai, năm 1941, có một vị Linh Mục bị giam trong trại tập trung dành cho người gốc Do Thái. Như bao người khác, cha cũng bị hành hạ và ngược đãi đến tàn tệ, còn hơn cả đối với súc vật. Thế nhưng ngài lại vẫn luôn vui vẻ tìm cách giúp đỡ các tù nhân đồng cảnh ngộ đang rơi vào tâm trạng khủng hoảng tuyệt vọng.
Cha xin cai tù cho được đi lao động thay những người đau yếu. Ngài nhường khẩu phần bánh mì ít ỏi của mình cho những người thiếu ăn hơn. Đối với kẻ rách rưới, ngài chia sẻ cho họ chiếc áo cũ nhưng còn tương đối lành lặn.. Trong hoàn cảnh đầy hiểm nguy, cha vẫn lặng lẽ dấu kín lý lịch của bản thân là một người Công giáo, hơn thế nữa, lại còn là một Linh Mục. Chỉ có một vài người rất thân thiết mới biết rõ ngài là ai…
Trong số những người được cha giúp đỡ, có một cậu thiếu niên. Trước đây cậu ta vốn lớn lên ở đầu đường xó chợ, không tin bất cứ ai, ngang bướng, chuyên trộm cắp để bán lấy tiền độ nhật. Đến khi phải vào tù, cậu cũng luôn cướp giựt, quấy nhiễu mọi người. Vị Linh Mục khả ái đã từng bước một tìm cách gần gũi cậu ta, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã hoán cải được tâm hồn tưởng đã hóa ra chai đá của cậu. Dù vậy, ngài thấy cũng chưa đến lúc nói với cậu ta về Thiên Chúa…
Thế rồi, một hôm, cha được tin mình phải chuyển đi gấp đến trại Auschwitz, một trại tạp trung mà ai nghe đến tên cũng kinh hoàng khiếp hãi vì đó là nơi hủy diệt với những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác. Ngài cố giữ bình tĩnh, vội vã chia tay mọi người. Đến trước mặt cậu thiếu niên vừa mới quyết định hoàn lương, ngài rất muốn giúp em hiểu biết về Chúa, tin Chúa và theo Chúa.
Cha nhìn thẳng vào mắt cậu, nhỏ nhẹ hỏi: “Này cháu thân yêu của bác, cháu có muốn tin vào một người có tên là Giê-su không ?” Cậu thiếu niên đứng thẳng người lên, trả lời cha bằng một câu hỏi chân thành: “Nhưng thưa bác, ông Giê-su là ai để cháu có thể tin?”. Biết mình không còn thời gian để cắt nghĩa Kinh Thánh và giới thiệu chi tiết về Chúa Giê-su, cha yên lặng một chút, ngẫm nghĩ rồi buộc miệng nói với cậu thiếu niên: “Người đó giống như bác!” Cậu ta đăm đăm nhìn ngài rồi khẳng khái tuyên xưng: “Vâng, nếu ông Giê-su ấy là một người giống như bác, thì cháu tin!”
Sau thế chiến, người ta không còn gặp vị Linh Mục già ấy nữa, nhưng chắc chắn một điều là: Câu truyện này được một người sống sót qua các trai tập trung kể lại như một chứng tá sống động, người ấy chính là cậu thiếu niên năm xưa, một tân tòng Công giáo đạo hạnh…
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa
[1] x. Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn Đại Cương Về Việc Dạy Giáo Lý, 1997, số 33.
[2] x. HĐGMVN, Thư mục vụ 2014, số 3.
[3] x. Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn Đại Cương Về Việc Dạy Giáo Lý, 1997, số 233.
[4] x. Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý Viên, 1993, số 2.
[5] x. Sdd, số 5.
[6] x. Sdd, số 7 &18.
[7] x. Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn Đại Cương Về Việc Dạy Giáo Lý, 1997, các số 237-240.
[8] x. ĐGM. Giuse Nguyễn Năng, Tân Phúc Âm hóa để Thông truyền Đức Tin Kitô giáo trong lãnh vực Huấn giáo, 20.08.2014.
[9] x. ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 261.
[10] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội Tại Châu Á, số 20.
[11] x. ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 167.
[12] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội Tại Châu Á, số 20; x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 169-171.
[13] x. Diễn văn của ĐTC. Phanxicô nói với các Giám mục Brazil ngày 28.7.2013.
[14] x. ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 157.
[15] x. Sdd, số 35-36.