Bài 04: VIỆC DẠY GIÁO LÝ
NHƯ MỘT GIAI ĐOẠN CỦA PHÚC-ÂM-HÓA
***
Thông truyền đức tin là một trong những nhiệm vụ thiết yếu của Hội Thánh Công Giáo, bởi vì nó thuộc bản chất của Hội Thánh và nếu không có việc thông truyền này thì làm sao có thể loan báo Tin Mừng cho người khác và cho những thế hệ tương lai. Chính vì vậy, việc dạy giáo lý có vai trò quan trọng và là “một trong những hoạt động nổi bật của Hội Thánh”[1].
Trong Thư chung 2014 với chủ đề “Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến”, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã lưu ý các thành phần giáo xứ phải lưu tâm đến nhiệm vụ dạy giáo lý trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cách chung, và cách đặc biệt là việc dạy giáo lý cho thiếu nhi và giới trẻ. Hai lý do được nhấn mạnh trong bối cảnh hôm nay là: “người tín hữu ngày nay cần có căn bản về giáo lý để vững vàng và sâu sắc trong đức tin, hơn thế nữa, còn để làm chứng cho đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo”[2]
1. Công cuộc Phúc-Âm-hóa và việc Dạy Giáo lý.
“Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15). Đó là sứ vụ loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm hóa mà Hội Thánh lãnh nhận từ Đức Kitô, Thầy Chí Thánh và là Người thực hiện công cuộc Phúc-Âm-hóa đầu tiên.
Theo dòng lịch sử, Hội Thánh vẫn luôn trung thành thực thi sứ vụ ấy bằng nhiều cách thức khác nhau.
Trong Tông huấn Catechesi Tradendae – Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, ngày 17.10.1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định: “Tông huấn Evangelii Nuntiandi ngày 08.12.1975 về việc Phúc Âm hóa thế giới hiện đại, đã nhấn mạnh một cách chí lý rằng, việc Phúc Âm hóa – mà mục đích là đem Tin Mừng đến cho toàn thể nhân loại để nhân loại sống Tin Mừng ấy – là một thực tại phong phú, phức tạp và năng động, cấu thành bởi những yếu tố hay đúng hơn bởi những ‘thì’ cốt yếu và khác nhau, mà ta phải biết nhìn cách bao quát, trong sự thống nhất của một chuyển động duy nhất. Việc dạy giáo lý là một trong các ‘thì’ ấy – và đáng chú ý biết bao – của tất cả tiến trình của Phúc Âm hóa”[3].
Như vậy, việc dạy giáo lý là một giai đoạn của công cuộc Phúc-Âm-hóa và không thể tách biệt khỏi toàn thể các hoạt động mục vụ và truyền giáo của Hội Thánh. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhớ rằng “giữa việc dạy giáo lý và Phúc Âm hóa không có sự tách biệt hay đối lập, cũng không có sự đồng nhất đơn thuần, nhưng có những mối tương quan mật thiết và bổ túc hỗ tương”[4].
Ý thức về sứ vụ đó và trong bối cảnh hiện nay, HĐGM Việt Nam trong Thư Chung Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam và Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa ngày 10-10-2013, đã mời gọi mọi thành phần dân Chúa cộng tác vào sứ vụ “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” và Thư mục vụ 2014 hướng về việc Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc dạy giáo lý cho mọi tín hữu, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ.
2. Mục đích và sự cần thiết của việc Dạy Giáo lý cho các tín hữu, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ.
2.1. Mục đích của việc dạy giáo lý. Trước hết, cần phân biệt giữa việc dạy giáo lý và sự loan báo Tin Mừng đầu tiên. (1) Loan báo Tin Mừng đầu tiên hay rao giảng trong khi truyền giáo bằng giáo lý các Tông đồ (kerygma) là nhằm khơi dậy đức tin và sự trở lại nơi những người chưa biết Chúa Kitô, chưa tin. (2) Dạy giáo lý nhằm mục tiêu là làm cho đức tin mới chớm nở trở nên chín chắn và giáo dục môn đệ đích thực của Đức Kitô, nhờ sự hiểu biết sâu xa và có hệ thống hơn về chính sứ điệp của Đức Kitô Chúa chúng ta.
Vậy nên, Tông huấn Dạy Giáo Lý đã nhắc lại rằng: “Dạy giáo lý là giáo dục đức tin trẻ nhỏ, thanh niên và người lớn, gồm đặc biệt là việc dạy giáo lý Kitô giáo có tổ chức và hệ thống nhằm khai tâm họ vào cuộc sống Kitô hữu sung mãn”[5].
Như vậy, mục đích của việc dạy giáo lý trong toàn thể công cuộc Phúc-Âm-hóa chính là giai đoạn:
+ Nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, làm phát triển đức tin còn thơ ấu, thăng tiến đến mức độ viên mãn và nuôi dưỡng hằng ngày đời sống Kitô hữu của các tín hữu mọi lứa tuổi.
+ Hướng về việc làm phát triển sự hiểu biết mầu nhiệm Đức Kitô dưới ánh sáng của Ngôi Lời, để toàn thể con người thấm nhuần giáo lý ấy. Để sau khi được biến đổi thành một thụ tạo mới do tác động của ơn Chúa, người Kitô hữu bắt đầu bước theo Đức Kitô và trong Hội Thánh, họ luôn luôn học biết cách suy nghĩ như Người, thẩm định như Người, hành động phù hợp với các điều răn của Người…
Trong ý hướng đó, mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là dẫn đưa mọi người đến gặp gỡ và sống hiệp thông thân mật với Đức Giêsu Kitô, vì “chỉ có một mình Người có thể đưa ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Thần Khí và làm cho ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh”[6].
2.2. Sự cần thiết của việc dạy giáo lý hôm nay. Nhận biết được tầm quan trọng của việc dạy giáo lý như thế, chúng ta hiểu rằng đây là nhiệm vụ thật cần thiết trong sứ vụ của Hội Thánh và nhất là trong đời sống của các giáo xứ trước bối cảnh tục hóa của cuộc sống chạy theo vật chất và sự hưởng thụ mà có phần lãnh đạm tôn giáo, vô tín hay dửng dưng với đời sống thiêng liêng và ơn thánh được kín múc từ Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta[7].
Trong bối cảnh đó, “một huấn giáo có tính Phúc Âm hóa là điều không thể thiếu, nghĩa là ‘một thứ huấn giáo dùng nhiều Phúc Âm, đi kèm với một ngôn ngữ thích nghi với thời đại và với con người’”[8]. Đàng khác, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh về “sự cần thiết của việc giảng dạy Kitô giáo được tổ chức và có hệ thống, vì ở nhiều nơi người ta có khuynh hướng tối thiểu hóa tầm quan trọng của việc ấy”[9].
Nói về việc loan báo Tin Mừng hay Phúc-Âm-hóa, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh đến sự khai tâm mầu nhiệm qua phụng vụ và sự cần thiết của việc tập trung vào Lời Chúa trong việc dạy giáo lý. Tuy nhiên, ngài cũng lưu ý việc tái khám phá “vai trò cơ bản của việc loan báo tiên khởi (kerygma), nó phải là trọng tâm của mọi hoạt động loan báo Tin Mừng và mọi cố gắng của Hội Thánh”. Ngài nói: “Trên môi miệng người dạy giáo lý, lời rao giảng tiên khởi phải không ngừng vang to: ‘Đức Giêsu Kitô yêu bạn; Ngài hiến mạng sống mình để cứu bạn; và bây giờ Ngài đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, ban sức mạnh và giải thoát bạn’”[10].
2.3. Giáo xứ là địa điểm ưu tiên của việc dạy Giáo lý. Đề cập đến khung cảnh hay địa điểm của việc dạy giáo lý, tông huấn Dạy Giáo Lý nhắc đến: Giáo xứ, gia đình, trường học và các phong trào.
+ Cộng đoàn giáo xứ phải là nơi cổ võ việc dạy giáo lý và là địa điểm ưu tiên cho công cuộc này.
+ Hoạt động giáo lý của gia đình đã được Hội Thánh nhấn mạnh một cách chí lý, vì nó có tính cách đặc biệt và không thay thế được, nhất là những nơi mà luật lệ chống tôn giáo chủ ý hay cản trở việc giáo dục đức tin.
+ Bên cạnh và liên hệ với gia đình thì trường học dành cho việc dạy giáo lý những khả năng không nhỏ. Tuy nhiên ở nhiều nơi, điều này ngày càng hiếm và khó khăn.
+ Các phong trào và đoàn thể tín hữu được khuyến khích dành một vị trí quan trọng cho việc giáo dục đức tin và đào tạo đúng đắn về tôn giáo.
Như thế, ngoài gia đình thì giáo xứ vẫn là địa điểm cần thiết của việc dạy giáo lý. Đó cũng chính là mong muốn của các vị chủ chăn. Quả thật, sau khi xét đến tính đa tạp của các địa điểm dạy giáo lý, thì chính giáo xứ là trung tâm và “rất cần phải làm thế nào để tất cả các con đường giáo lý quy tụ thực sự về cùng một việc tuyên xưng đức tin, về việc cùng là thành phần của Hội Thánh, về việc dấn thân trong xã hội để sống theo cùng một tinh thần Tin Mừng: ‘Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép thanh tẩy, một Thiên Chúa là Cha…’” (Ep 4, 5-6).
Vì thế, Thánh Giáo Hoàng chỉ dạy: “mọi giáo xứ quan trọng và mọi hình thức tập họp giáo xứ nhỏ hơn xét theo con số, đều có bổn phận nghiêm trọng phải đào tạo những người trách nhiệm hoàn toàn hiến thân cho sự cổ võ việc dạy giáo lý – linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân – phải tiên liệu trang bị cần thiết cho việc dạy giáo lý dưới mọi khía cạnh, phải gia tăng và thích nghi các địa điểm dạy giáo lý tùy theo khả năng và lợi ích, phải chăm nom phẩm chất việc đào tạo về đạo giáo và sự quy nhập các nhóm khác nhau vào Nhiệm thể Hội Thánh… Giáo xứ vẫn phải là địa điểm ưu tiên cho việc dạy giáo lý. Giáo xứ phải tìm lại được ơn gọi của mình, là một gia đình huynh đệ và niềm nở, nơi những người đã được thanh tẩy và thêm sức, ý thức rằng mình là dân Chúa. Ở đó, bánh giáo lý tốt lành và bánh lễ tạ ơn được bẻ ra cho họ một cách dồi dào trong khuôn khổ một việc cử hành phụng vụ duy nhất; từ đó, hằng ngày họ được sai đi đến các nơi truyền giáo của Hội Thánh trên khắp các môi trường hoạt động của thế giới’ ”[11].
3. Chúa Giêsu Kitô phải là trọng tâm đời sống đức tin và công cuộc Phúc-Âm-hóa.
Trước hơn 250.000 thành viên các phong trào, và hội đoàn giáo dân trong thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày 19.05.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi anh chị em đặt Chúa Giêsu là trọng tâm đời mình và tích cực trong công cuộc truyền giáo.
Trước tiếng reo hò của anh chị em tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em có mặt trên quảng trường đã hét lên ‘Phanxicô, Phanxicô! Đức Thánh Cha Phanxicô! Nhưng Chúa Giêsu ở đâu? Tôi muốn nghe Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là Chúa và Ngài ở giữa chúng ta. Từ bây giờ, đừng gào lên ‘Phanxicô’, nhưng anh chị em hãy hét lên, Chúa Giêsu”.
Lời nhắc nhở trên của Đức Thánh Cha Phanxicô giúp chúng ta phải ý thức rằng Đức Giêsu Kitô phải là trọng tâm đời sống đức tin của chúng ta và là tâm điểm của việc dạy giáo lý cũng như toàn bộ công cuộc Phúc-Âm-hóa.
4. Câu hỏi gợi ý thảo luận.
(1) Tôi có biết và có cộng tác gì với công việc dạy giáo lý của giáo xứ tôi đang sống?
(2) Tôi có thể và sẽ làm gì để thúc đẩy chương trình dạy giáo lý của giáo xứ mình?
(3) Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là dẫn đưa mọi người đến gặp gỡ và sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, tôi có thể giúp gì cho con em của mình đạt được mục đích ấy?
Để Kết.
Công cuộc Phúc-Âm-hóa là bản chất và là sứ vụ thiết yếu của Hội Thánh. Việc dạy giáo lý là một giai đoạn trong tiến trình Phúc-Âm-hóa ấy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Giáo dục về đức tin thật là điều tốt đẹp! Giúp các trẻ em, thiếu niên, người trẻ, người lớn ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, đó thực là một cuộc phiêu lưu giáo dục đẹp đẽ nhất, ta xây dựng Giáo Hội qua việc làm đó!”[12]
Và trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ngài cũng đã xác định rằng: “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh tại một địa phương nhất định, một môi trường để nghe Lời Chúa, để tăng trưởng trong đời sống Kitô hữu, để đối thoại, rao giảng, làm việc bác ái, thờ phượng và mừng lễ. Trong mọi hoạt động của mình, giáo xứ cổ vũ và huấn luyện các thành viên của mình để trở thành người loan báo Tin Mừng”[13]. Đây cũng chính là lời mời gọi đầy ý nghĩa gởi tới mọi thành phần của giáo xứ trong năm “Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến” này vậy.
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa
[1] x. Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn Đại Cương Về Việc Dạy Giáo Lý, 1997, số 29.
[2] x. HĐGMVN, Thư chung 2014, số 3.
[3] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi Tradendae (Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta), ngày 17.10.1979, số 18.
[4] x. Sdd số 18.
[5] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, số 18.
[6] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, số 5; GLHTCG 426.
[7] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, số 57; x. Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn Đại Cương Về Việc Dạy Giáo Lý, 1997, số 193; x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 81 & 93.
[8] x. Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn Đại Cương Về Việc Dạy Giáo Lý, 1997, số 194.
[9] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, số 21.
[10] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 164-165.
[11] x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta (16.10.1979), số 67.
[12] x. ĐGH. Phanxicô, Bài huấn dụ Các Giáo lý viên dịp Đại Hội Quốc tế về Giáo Lý do hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng tổ chức tại Vatican từ 26-28.09.2013.
[13] x. ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 28.