Bài 03: THAM DỰ GIỜ KINH LỄ CHUNG VỚI GIÁO XỨ
MỘT CÁCH Ý THỨC VÀ SỐNG ĐỘNG
***
Hôm nay, khi nói đến việc tham dự Phụng vụ nói chung và cụ thể là việc cử hành Thánh lễ, người ta vẫn thường nói: “Tôi đi xem lễ”, hay “Tôi đi dự lễ”. Khi dùng những từ “xem, dự” hay những từ tương tự như thế, dễ làm cho chúng ta có cảm tưởng Phụng vụ, cụ thể là Thánh lễ có vẻ như là một vở diễn của một số người, còn những người khác chỉ là “khán giả” đến để “xem”, để “dự” mà thôi. Và cũng chính vì suy nghĩ đặt mình ngoài cuộc như thế, nên cũng dễ sinh ra sự nhàm chán và cảm thấy nặng nề khi tham dự cử hành các giờ Phụng vụ.
Đứng trước thực trạng đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư Mục Vụ 2014 về Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các Giáo xứ và các Cộng đoàn sống đời thánh hiến đã nhắc nhở các tín hữu: “Ước gì chúng ta ngày càng tham dự những cử hành này cách ý thức và sống động hơn, không những để chu toàn lề luật mà còn để gặp gỡ Chúa và để Chúa biến đổi đời sống chúng ta”[1].
- Diễn giải.
Như chúng ta đã biết, Phụng vụ chính là nguồn lực để thánh hóa bản thân và cả cộng đoàn Giáo xứ. Tuy nhiên để đạt được điều này, bản thân của từng người tín hữu cũng cần có một sự chuẩn bị kỹ càng, và cùng hiệp thông trong việc cử hành Phụng vụ với toàn thể Giáo xứ một cách ý thức và sống động.
– Sự chuẩn bị cá nhân: Cũng như bất cứ một công việc nào muốn đạt được hiệu quả tốt nhất, chúng ta cần phải có một sự chuẩn bị thật chu đáo. Việc chuẩn bị càng kỹ lưỡng, hiệu quả thu được càng cao. Điều này cũng đúng trong đời sống thiêng liêng, để có thể đón nhận ân sủng một cách dồi dào, chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị trước thật cẩn thận.
Vì thế, muốn đạt được tối đa hiệu quả do Phụng vụ đem lại, người tín hữu không chỉ hiện diện, cử hành một số các nghi thức bên ngoài, nhưng điều quan trọng hơn là cần chuẩn bị cách chu đáo để toàn thể con người mình hòa hợp với những gì mình cử hành như lời nhắn nhủ của Thánh Công Đồng: “Nhưng muốn thâu đạt được hiệu năng toàn vẹn ấy, tín hữu cần đến tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô ích”[2].
– Tham dự chung với cộng đoàn: Mặt khác, đức tin không chỉ là một hành vi có tính cá nhân, nhưng đức tin còn có tính cộng đoàn. Hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn trong đời sống đức tin không loại trừ nhưng có tác dụng hỗ tương cho nhau cách hết sức đặc biệt. Đức tin của cá nhân giúp cộng đoàn thêm sinh động, nhưng đồng thời chính cộng đoàn lại chính là môi trường nuôi dưỡng và làm cho đức tin của cá nhân được phát triển một cách sung mãn. Sách Giáo lý chung của Hội Thánh viết: “Đức tin là một hành vi cá nhân: Là lời đáp lại cách tự nguyện của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải. Nhưng đức tin không phải là một hành vi đơn độc. Không ai có thể tin một mình, cũng như không ai có thể sống một mình. Không ai tự ban đức tin cho mình, cũng như không ai tự ban sự sống cho mình. Người tin nhận được đức tin từ những kẻ khác và phải thông truyền đức tin đó cho những kẻ khác… Tôi không thể tin nếu không được nâng đỡ bằng đức tin của những người khác và bằng đức tin của tôi, tôi góp phần vào việc nâng đỡ đức tin của những người khác”[3].
Mà cộng đoàn cơ bản đầu tiên của mỗi Kitô hữu, đó chính là Giáo xứ. Do đó, việc hiệp thông cử hành phụng vụ chung với cộng đoàn Giáo xứ là điều hết sức quan trọng.
Hiến chế Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II đã xem cộng đoàn Phụng Vụ đầy đủ nhất chính là cộng đoàn có Đức Giám Mục chủ sự với tư cách là Đầu[4]. Tuy nhiên, trong thực tế, thì việc họp nhau cử hành Phụng Vụ tại các Nhà Thờ Giáo xứ chính là một phản ảnh hữu hình của toàn Giáo Hội: “Vì chính Giám Mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội Ngài, nên cần phải thiết lập các cộng đoàn tín hữu. Trong đó, nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại địa phương dưới quyền một mục tử thay mặt Ðức Giám Mục: Bởi vì một cách nào đó, các giáo xứ phản ảnh Giáo Hội hữu hình đã được thiết lập trên toàn cõi trái đất”[5].
Chính vì thấy rõ tầm quan trọng của Giáo xứ như thế, nên Công đồng nhắc nhở: “Vì thế phải cổ võ đời sống phụng vụ của giáo xứ và .. còn phải ra sức làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ cộng đồng ngày Chúa Nhật”[6].
Tham dự chung với cộng đoàn mời gọi người tín hữu không chỉ đến Nhà thờ để “xem” hay “dự” lễ, nhưng phải cùng “hiệp dâng” thánh lễ. Mà nếu đã cùng hiệp dâng, chúng ta cần đến sớm để chuẩn bị tâm hồn, vào nhà thờ để chủ động tham dự, chu toàn các phận vụ của mình trong cử hành Phụng vụ: Ca đoàn, đọc sách Thánh, hay đơn giản là cùng đối đáp, hiệp thông với chủ tế trong các lời nguyện…
Chỉ khi thực sự tham dự một cách tích cực như thế, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được niềm vui, sự ngọt ngào của Phụng vụ, và cũng nhờ đó, chúng ta đạt được hiệu quả tối đa ân sủng do Phụng Vụ đem lại. Đồng thời, qua đó, chúng ta mới có thể dẫn đưa ngày càng nhiều người đến với Chúa như cộng đoàn Giáo Hội sơ khai đã thực hiện: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 46-47).
- Áp dụng.
Tích cực tham dự vào các cử hành Phụng vụ qua việc đối đáp, ca hát, và nhất là hiệp lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ.
- Câu hỏi thảo luận.
(1) Theo bạn, cần làm gì để các tín hữu ý thức hơn về tầm quan trọng của các cử hành Phụng Vụ?
(2) Giáo xứ cần làm gì để mọi thành phần có thể tham dự vào các cử hành Phụng Vụ cách tích cực nhất?
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa
***
[1] HĐGMVN, Thư chung 2014, số 2
[2] PV 11.
[3] GLHTCG 166
[4] PV 41
[5] PV 42
[6] PV 42