BÀI 2: PHỤNG VỤ
LÀ NGUỒN LỰC THÁNH HÓA BẢN THÂN
VÀ THÁNH HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
***
Trong đời sống của các Kitô hữu trước đây, khi nói một ai đó là “đạo dòng, đạo gốc” là người nói muốn ám chỉ đến đời sống đạo đức căn bản của người đó, bởi vì người này không chỉ có đạo “một mình”, nhưng còn có cả “dòng họ”, có “gốc” đạo hẳn hoi.
Nhưng ngày nay, khi nói đến hai chữ: “đạo dòng”, “đạo gốc”, người ta lại muốn ám chỉ đến những người khi đến nhà thờ tham dự các lễ nghi phụng vụ chỉ có đi “lòng vòng (dòng)”, hay đứng ở các “gốc” cây xung quanh nhà thờ, chứ không hề vào trong Nhà thờ để hiệp thông cử hành Phụng vụ.
Thậm chí, hôm nay, người ta còn nói đến từ “đi lễ ôm” khi có một số các bạn trẻ khi đi dâng lễ ngày Chúa Nhật lại ngồi với nhau trên xe Honđa ở ngay lề đường, hút thuốc, nói chuyện… chỉ chờ thánh lễ xong là chạy ngay.
Chắc chắn đối với những người như thế, họ đến nhà thờ không phải để tham dự Thánh lễ, nhưng vì không đi thì “sợ tội”, hay chỉ vì sự ép buộc của cha mẹ, gia đình, dư luận xã hội. Do đó, khi thoát khỏi môi trường của Giáo xứ, gia đình thì tất cả những thực hành tôn giáo cũng sẽ dần bị buông trôi. Và một hậu quả tất yếu là đời sống đức tin cũng sẽ bị mai một.
Trong khi đó, Thánh Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh đã khẳng định: “Phụng Vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa”[1].
Như thế, Phụng Vụ chính là nguồn lực để thánh hóa bản thân và thánh hóa cả cộng đoàn (giáo xứ).
- Khái niệm.
Trong Hiến chế về Phụng Vụ thánh, công đồng Vatican II đã định nghĩa về phụng vụ như sau: “Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người”[2].
Vì là hành vi thực thi chức tư tế của “Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người”, nên Phụng Vụ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người tín hữu, như lời khẳng định của Công đồng: “Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp”.
- Phụng vụ trong đời sống cá nhân.
Từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, và đồng thời cũng được mời gọi nên thánh: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48). Mà muốn nên “trọn lành”, người tín hữu cần kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa là Đấng Thánh (x. Is 6, 6). Và để có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, có thể có nhiều cách, nhưng chính Phụng vụ là phương thế tốt nhất giúp người tín hữu kết hợp với Thiên Chúa, bởi vì trong Phụng Vụ, người Kitô hữu được nghe chính lời của Thiên Chúa nói với dân Người. Và nhất là qua việc cử hành Thánh Thể, người tín hữu còn được lãnh nhận chính Thịt và Máu của Chúa Giêsu vào tâm hồn mình. Lãnh nhận Thánh Thể, chính là lãnh nhận chính sự sống của Đấng Thánh vào tâm hồn mình, và nhờ đó mà được thánh hóa (x. Ga 6, 50. 53. 56-57). Hiến chế về Phụng Vụ Thánh cũng khằng định: “Chính Phụng Vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về như là cứu cánh”[3].
Ý thức được tầm quan trọng đó của Phụng vụ, nên Thánh Công Đồng đã nhắc nhở: “Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực”[4].
Tuy nhiên, như trên đã nói, Phụng vụ không chỉ là một cử hành cá nhân nhưng là hoạt động của “Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người”. Do đó, Phụng Vụ không chỉ giúp cho bản thân người tín hữu được thánh hóa, nhưng còn là phương thế và là nguồn lực để thánh hóa cả cộng đoàn.
- Phụng vụ trong đời sống cộng đoàn.
Ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội, cộng đoàn các tín hữu luôn được nhận biết như là một cộng đoàn cử hành phụng vụ. Chính việc “Bẻ bánh” đã qui tụ các tín hữu ban đầu thành một cộng đoàn hiệp nhất trong đức tin, sách Tông đồ Công vụ ghi lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).
Chính nhờ việc thường xuyên cử hành việc “bẻ bánh”, các tín hữu đầu tiên đã trở nên một cộng đoàn hiệp thông không chỉ trong lời tuyên xưng mà còn là một cộng đoàn của tình yêu. Sách Tông đồ Công vụ viết tiếp: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng mình, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung… Trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất, nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 5, 32. 34-35).
Đồng thời, nhờ việc hiệp thông trong lời cầu nguyện và cuộc sống như thế, cộng đoàn các tín hữu sơ khai này đã trở nên một cộng đoàn truyền giáo: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 46-47).
Như thế, phụng vụ chính là nguồn lực giúp củng cố đời sống đức tin các tín hữu thuở ban đầu. Đồng thời, với sự hiệp nhất và chuyên chăm trong việc cử hành phụng vụ đã giúp các tín hữu trở nên một cộng đoàn chứng nhân của tình yêu, và chính nhờ đó, Giáo Hội ngày càng phát triển.
Áp dụng.
– Tham dự phụng vụ cách tích cực, sinh động.
– Chuẩn bị trang phục chỉnh tề khi tham dự phụng vụ.
– Vào trong nhà thờ khi tham dự phụng vụ.
Câu hỏi thảo luận.
(1) Theo bạn tại sao ngày hôm nay nhiều người khi đi tham dự Thánh lễ lại muốn đứng ngoài nhà thờ?
(2) Phụng vụ đóng vai trò nào trong việc xây dựng cộng đoàn (giáo xứ)?
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa
———–