MỪNG LỄ PHỤC SINH
THEO ĐỊNH HƯỚNG TÂN PHÚC ÂM HÓA
***
1. Từ Noel đến Phục Sinh.
Tôi rất vui mừng vì độc giả công giáo nhiều nơi đã hồi âm để hưởng ứng đối với bài “Mừng lễ Noel theo định hướng Tân Phúc Âm hóa”. Tôi đã đưa bài đó vào trang web của Giáo Phận Cần Thơ. Tập Bài Giảng Chúa Nhật Của Giáo Phận Sài Gòn đăng bài đó trong số tháng 12 năm 2014. Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc đăng trong số trước lễ Noel năm 2014. Mừng Lễ Noel theo định hướng Tân Phúc Âm hóa là mừng theo đúng ý nghĩa và chủ đích của Chúa khi giáng sinh, đó là để ở cùng ta cũng như ở cùng mọi người. Việc này rất cần thiết và quan trọng nên phải được chuẩn bị kỹ càng. Ta có nhớ Chúa chuẩn bị trong bao lâu cho loài người đón nhận Chúa Giáng Sinh không? Xin thưa là trong thời gian rất ư lâu dài. Kể từ khi nguyên tổ loài người nghe lời ma quỷ cám dỗ không vâng phục Chúa, Chúa vẫn một lòng yêu thương không nỡ để loài người sống cảnh mồ côi và phải chết, Chúa đã loan báo một “Phúc Âm Khởi Thủy” khi Chúa nói với ma quỷ rằng “Ta sẽ cho một người đạp đầu ngươi” (xem St 3, 15)…cho đến thời viên mãn sau hết khi Chúa Giáng Sinh (xem Gl 4,4) ta không thể tính được là bao lâu. Chỉ biết vào năm 1800 trước công nguyên Chúa chọn ông Abraham để ông đứng đầu một dân riêng của Chúa, năm 1200 trước công nguyên Chúa chọn ông Môsê đến giải phóng dân Chúa khỏi nô lệ Ai cập, vào năm 587 trước công nguyên dân Chúa phải đi lưu đày (tương đương thời Đức Phật Thích Ca khoảng năm 563 trước công nguyên, và thời Đức Khổng Tử khoảng năm 551 trước công nguyên). Tới đầu công nguyên Chúa Giêsu mới giáng sinh (tương đương thời nhà Hán bên Tàu). Tại sao Chúa phải dùng thời gian quá lâu như thế đến nỗi dân Chúa phải kêu lên: “Ước gì Người xé trời Người xuống” (Is 63, 19)? Tuy thế khi Chúa đến lại chỉ được một “số nhỏ những người nghèo của Chúa” đón tiếp, như gia đình ông Gioan Tẩy Giả, gia đình Thánh Giuse và Đức Maria, 12 tông đồ, 72 môn đệ… đây chính là một mầu nhiệm, mầu nhiệm Noel, mầu nhiệm của cuộc kết hôn giữa Chúa và loài người, Chúa tôn trọng tự do con người. Mầu nhiệm có thật đã và vẫn còn xẩy ra trong lịch sử, nhưng trí khôn ta chưa hiểu được. Tuy nhiên Noel chỉ là bước đầu, là cao điểm thứ nhất trong tiến trình cứu chuộc của Chúa, cao điểm thứ hai cần thiết và quan trọng hơn là việc Chúa Giêsu thực hiện và hoàn thành việc cứu chuộc; còn loài người đón Chúa thì phải chấp nhận sống theo lối sống của Chúa để được cứu chuộc. Chúa Giêsu phải trải qua 33 năm ở trần gian để thực hiện và hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc khi Người Phục Sinh và về trời. Còn giáo hội dành Mùa Chay hàng năm để giúp ta duyệt lại, kiểm điểm xem từ khi đón tiếp Chúa vào cuộc đời, ta có sống theo đúng như Chúa đã sống để nêu gương và dạy ta sống không. Do đó cũng như đã nói trong bài mừng Noel, ta muốn mừng Phục Sinh cho đúng ý nghĩa và chủ đích của Chúa Giêsu, ta cần tìm hiểu học hỏi. Giáo hội ý thức tầm quan trọng của việc Chúa Phục Sinh nên ngay từ khởi đầu, giáo hội đã tổ chức mừng lễ Phục Sinh vào mỗi Chúa Nhật (còn lễ Noel đến thế kỷ V giáo hội mới chính thức mừng). Rồi giáo hội đã suy gẫm và trình bày ý nghĩa và chủ đích lễ Phục Sinh vừa rất phong phú vừa rất sâu sắc trong suốt Mùa Chay. Sách Giáo lý Công giáo đã tóm lược như sau.
- Ý nghĩa và chủ đích mừng Chúa Phục Sinh.
Chúa Giêsu giáng sinh làm người để thực hiện lời loan báo “Phúc Âm khởi thủy”, việc này liên kết hữu cơ với việc Phục Sinh, nghĩa là hai việc không thể tách rời nhau để tồn tại được. Có Noel thì mới có Phục Sinh và phải có Phục Sinh, vì Chúa có Phục Sinh thì mới hoàn thành việc Nhập thể Giáng Sinh. Tất cả công việc ở trần gian của Chúa Giêsu được Sách Giáo lý Công giáo (SGLCG) tóm tắt trong ba việc chính là: mặc khải về Thiên Chúa và về con người, cứu chuộccon người sau khi con người không vâng phục Chúa, qui tụ mọi người trong giáo hội Chúa để được sống trong Nước Thiên Chúa. (SGLCG số 517–519). Chúa đã dùng tất cả cuộc sống, những việc Chúa làm và những điều Người dạy, “kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời” (Cv 1, 1–2) để thực hiện ba việc cốt lõi kể trên, rồi SGLCG tiếp tục trình bày trong các hoạt động tiêu biểu thiết thực cùng với việc Chúa Phục Sinh, kèm theo ý nghĩa và chủ đích của chúng (SGLCG số 522 – 655).
2.1 Ý nghĩa và chủ đích những hoạt động tiêu biểu của Chúa.
SGLCG đã chọn trong cuộc đời Chúa các hoạt động tiêu biểu để thực hiện ba sự việc trên như sau:
1/. Chúa sinh ra nơi chuồng bò lừa trong cảnh nghèo của một gia đình. Người chủ ý tỏ vinh quang Thiên Chúa trong cảnh nghèo, cho những mục đồng nghèo đến thăm. Người tự hạ như trẻ nhỏ, sống thân phận của đa số người lao động chân tay.
2/. Chúa chịu cắt bì, là dấu chỉ Chúa thuộc dòng dõi Abraham, báo trước phép rửa tội. Chúa tỏ mình (hiển linh) cho lương dân như Đấng cứu chuộc muôn dân. Người được trình dâng trong đền thờ để tỏ mình là ánh sáng muôn dân, nhưng đã phải đi tị nạn sang Ai Cập, báo trước Người luôn bị bách hại.
3/. Chúa bắt đầu đời công khai bằng việc chịu phép rửa để chấp nhận bị liệt vào hàng tội nhân nhưng được Chúa Cha xác nhận là Con yêu dấu. Người chịu ma quỷ cám dỗ để chứng tỏ Người là “tôi trung” luôn vâng phục Thiên Chúa. Trước công chúng Người công bố Người đãđược xức dầu để loan báo Phúc Âm cho người nghèo, cho người mù được sáng (xem Lc 4, 18) …
4/. Chúa đi khắp đất Do Thái rao giảng Nước Thiên Chúa, kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Phúc Âm, đến với những người tội lỗi, nghèo khổ, bệnh tật. Rao giảng bằng dùng các dụ ngôn (ví dụ) lấy trong đời thường ai cũng dễ hiểu. Người cũng dùng các dấu lạ chứng tỏ quyền năng của Người, để dân chúng tin và nhận ra “Nước Thiên Chúa trị đến”, nghĩa là chiến thắng thủ lãnh thế gian. Người công bố Tám Mối Phúc như hiến chương Nước Trời.
5/. Chúa chọn 12 tông đồ và trao cho Phêrô làm đầu, đó là thiết lập giáo hội để nối tiếp Chúa đi gieo Phúc Âm và làm cho anh em mình vững tin.
6/. Chúa biến hình (hiển dung) và được Chúa Cha tái xác nhận là Con yêu dấu lần thứ hai để tỏ cho các ông được thấy và nếm trước vinh quang khi Người lại đến, và nhắc nhớ các ông rằng “đường về Golgota đưa ta đến vinh quang”. Rồi Chúa vào thành Giêrusalem như Đấng Mêsia, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, và bước vào cuộc khổ nạn của Người.
7/. Khi đến giờ phải bỏ thế gian Chúa tập họp các tông đồ để rửa chân cho họ, rồi cùng họ ăn bữa tiệc ly, và lập Bí Tích Thánh Thể cũng như Bí Tích Truyền Chức, để các tông đồ tiếp tục cử hành… Tất cả nhằm lưu lại bảo chứng tình yêu của Người, yêu đến hy sinh hiến tế chính mình để họ cũng noi gương Chúa “rửa chân cho nhau”, yêu thương nhau.
8/. Chúa vào cầu nguyện trong cơn hấp hối ở vườn Giếtsêmani, bày tỏ nỗi khiếp sợ trước cái chết, nhưng Người luôn vâng ý Cha. Rồi Người nộp mình cho nhà cầm quyền Do Thái, bị xét xử và kết án tử hình thập giá.
9/. Chúa hoàn tất hy tế của Người bằng chịu đóng đinh trên thập giá. Hy tế của Người có giá trị cứu chuộc muôn người và là dấu chỉ tình yêu cao cả nhất: “chết cho người mình yêu” (xem Ga 15, 13). Vì thế ai muốn theo Chúa thật phải vác thập giá mình mà theo (xem Mt 16, 24). Thấy Đức Maria đứng bên, Chúa đã trối Người làm Mẹ chúng ta, để Mẹ hằng cảm thương con cháu Evà. Rồi Chúa nói một lời sau hết: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19, 30).
Tóm lại, những hoạt động tiêu biểu của Chúa Giêsu được nêu trên vừa để mặc khải cho ta về Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu, đã yêu thương con người đến thế nào (tạo dựng, tha thứ, giáng sinh, cứu chuộc…), vừa để mặc khải cho ta biết về con người đã được Thiên Chúa yêu thương nhưng con người đã không vâng lời thế nào (không nghe lời Chúa, thù ghét nhau, phải khổ, phải chết) và về con người phải đáp lại tình yêu Thiên Chúa thế nào (yêu mến Chúa, nghe lời Chúa, yêu thương nhau như Chúa yêu thương). Chúa Giêsu đã là người mẫu cho ta về lòng mến Chúa yêu người, để hoàn thành sứ vụ cứu chuộc loài người, cho nên Người đã chiến thắng ma quỷ và sự chết để được Phục Sinh, và hằng năm ta đặc biệt mừng vào lễ Phục Sinh.
2.2 Ý nghĩa và chủ đích của biến cố Phục Sinh.
Biến cố Phục Sinh là biến cố tiêu biểu và quan trọng hơn cả, nó kết thúc sứ mệnh mặc khải, cứu chuộc, và quy tụ của Chúa Giêsu ở trần gian đúng theo ý Chúa Cha. Những ý nghĩa và chủ đích của các hoạt động tiêu biểu trong cuộc đời trần gian đều hướng về và tùy thuộc vào biến cố Phục Sinh, nó có tương quan hữu cơ, (nghĩa là không thể tách rời nhau để tồn tại) với biến cố Phục Sinh. Giáo hội đã suy gẫm rồi trình bày cho ta những ý nghĩa và chủ đích rất đa dạng, phong phú và sâu sắc như sau (xem SGLCG từ số 639 – 655):
1/. Việc Chúa Phục Sinh là một biến cố lịch sử và siêu việt: Lịch sử nghĩa là có thật đã xẩy ra trong lịch sử, có dấu chỉ căn bản là: ngôi mộ không còn thân thể Chúa, Chúa đã hiện ra với nhiều người, có người được đụng chạm, được chia sẻ thực phẩm, thân thể Chúa được chuyển sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian; siêu việt nghĩa là đã xẩy ra thật nhưng không ai được chứng kiến tận mắt lúc đó để có thể diễn tả ra theo thể lý, còn Chúa đã chuyển qua một đời sống khác vượt hẳn trên lịch sử.
2/. Việc Chúa Phục Sinh là công trình của Ba Ngôi Chí Thánh, nghĩa là được thực hiện do quyền năng Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần, và bằng sức mạnh của quyền năng thần tính của Chúa Giêsu.
3/. Việc Chúa Phục Sinh xác nhận tất cả những gì chính Chúa đã làm, đã giảng dạy, đã hứa, đồng thời cũng hoàn thành những lời hứa của Cựu ước và của chính Chúa trong cuộc đời trần thế.
4/. Việc Chúa Phục Sinh liên kết chặt chẽ với việc Chúa Giáng sinh để minh chứng Chúa Giêsu đích thực là Con yêu dấu của Chúa Cha, là chính Thiên Chúa đã làm người để Phúc âm hóa, giải thoát họ khỏi tội và chết đời đời, để sống đời sống mới làm nghĩa tử của Thiên Chúa.
5/. Việc Chúa Phục Sinh là nguyên lý và nguồn mạch bảo đảm ngày sau ta được sống lại, và ngày nay ta có thể được nếm thử ân huệ bởi trời, nếm thử sức mạnh của thế giới tương lai (xem Dt 6, 4 – 5).
Tóm lại: mừng lễ Phục Sinh là ta cùng với giáo hội cử hành việc tưởng nhớ công cuộc Phúc Âm hóa của Chúa Giêsu đã thực hiện và đang hoàn thành trong lịch sử nơi cuộc đời mỗi người. Ta cần cố gắng cử hành cho đúng với ý nghĩa và chủ đích của Chúa và giáo hội.
- Mừng Lễ Phục Sinh theo định hướng Tân Phúc Âm hóa.
Mừng lễ Phục Sinh hay cử hành lễ Phục Sinh là vừa lặp lại một biến cố dĩ vãng để tưởng nhớ, suy gẫm, hiểu sâu hơn, vừa để duyệt lại, kiểm điểm xem việc mừng lễ Phục Sinh hôm nay của ta có đúng với ý nghĩa và chủ đích của Chúa và giáo hội không. Nếu chắc chắn đúng rồi thì cứ tiếp tục như cũ, chẳng cần phải sửa đổi. Nhưng giáo hội còn đang lữ hành trên trần gian, gần bùn thì khó tránh khỏi hôi tanh mùi bùn. Thế nào cũng có những thiếu sót, lệch lạc, bệnh tật, khiến ta rời xa Phúc Âm, hoặt cắt xén, thêm bớt, có khi đi ngược với Phúc Âm; cần phải đổi mới. Thực vậy, có thể nói rằng mọi cuộc cải cách trong giáo hội, như việc cải cách của Công Đồng Trentô (thế kỷ XVI), việc cập nhật hóa của Công Đồng Vaticanô II (năm 1965), và ngày nay đức giáo hoàng Phanxicô đang tiến hành cải cách giáo hội nữa… tất cả đều là những cuộc trở về nguồn Phúc Âm để Tân Phúc Âm hóa. Vì thế để mừng lễ Phục Sinh theo định hướng Tân Phúc Âm hóa, ta sẽ quan tâm ba việc: nắm vững ý nghĩa và chủ đích của Tân Phúc Âm hóa, nắm vững ý nghĩa và chủ đích mừng lễ Phục Sinh của Chúa và giáo hội dựa vào Phúc Âm, và theo định hướng Tân Phúc Âm hóa để đối chiếu Phúc Âm với đời sống ta xem những gì không đúng với ý nghĩa và chủ đích thực sự thì sửa chữa và đổi mới.
3.1 Nắm vững ý nghĩa và chủ đích của Tân Phúc Âm Hóa.
Đức tin Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ và quan hệ đích thực với Chúa Giêsu và với mọi người, tài liệu làm việc về Tân Phúc Âm hóa cho biết: chủ đích của Phúc Âm hóa là tạo lập khả năng cho cuộc gặp gỡ này, một cuộc gặp gỡ vừa cá nhân và thân mật, vừa công khai và cộng đồng (tài liệu số 18). Thế mà Chúa Giêsu vừa là Phúc Âm của Thiên Chúa, vừa là Người Phúc Âm hóa đầu tiên và vĩ đại nhất.
1/. Phúc Âm hóa là loan báo, rao giảng, đem Phúc âm đến cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi nhờ ảnh hưởng của Phúc âm biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại có tương quan mới với Chúa và với nhau. Khi việc Phúc Âm hóa không còn đúng với ý nghĩa và chủ đích nữa thì phải xem xét để Tân Phúc Âm hóa. Cụm từ Phúc Âm hóa được đức giáo hoàng Phaolô VI dùng năm 1975.
2/. Tân Phúc Âm hóa không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt. 13, 8). Mới ở đây là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp truyền đạo và mới trong cách trình bày giáo lý Phúc Âm. Việc đổi mới này không chỉ trong tư tưởng, tâm tình sống đạo, mà còn là bắt kịp nhịp sống và sự phát triển của thế giới hiện tại, thích ứng với thời đại, với phương cách sống của con người hôm nay. Cụm từ Tân Phúc Âm hóa được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II dùng từ năm 1991, đến năm 2012 được Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 13 chọn làm đầu đề cho Tài liệu làm việc. Vì thế càng cần nắm cho vững hơn thế nào là Tân Phúc Âm hóa.
3.2 Nắm vững ý nghĩa và chủ đích của Lễ Phục Sinh.
Bài “Mừng Lễ Noel” đã giúp ta nắm vững ý nghĩa và chủ đích của lễ Noel là lễ mừng Thiên Chúa xuống thế làm người trong hang đá máng cỏ để đến với ta, mời gọi ta đón Người để Người ở cùng ta, vào trong cuộc đời ta (không phải mừng hang đá máng cỏ hay mừng ông già Noel). Còn lễ Phục Sinh là lễ mừng việc Chúa đã sống đời sống con người như ta ở trần gian, thực hiện sứ mệnh cứu chuộc bằng cách nêu gương cho ta biết sống với Thiên Chúa và sống với mọi người trong mối tương quan yêu thương, hiệp thông, như một người mẫu. Rồi Chúa kết thúc bằng việc hiến tế chính mình trên thập giá, hoàn thành sứ mệnh Chúa Cha trao để cứu chuộc mọi người, và được phục sinh vinh hiển trên trời. Người đã làm người để sống như vậy và mong muốn ta là người, ta cũng sống như vậy, như chính thánh Phaolô đã chia sẻ cho ta: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Cuộc sống này ta đã tìm hiểu trong số 2 của bài này, nó là cơ sở nền tảng giúp ta dựa trên đó mà hàng năm mừng lễ Phục sinh đúng với ý nghĩa và chủ đích của Chúa và giáo hội hơn.
3.3 Mừng Lễ Phục Sinh theo định hướng Tân Phúc Âm hóa.
Ta đã tìm hiểu ý nghĩa và chủ đích của Tân Phúc Âm hóa ở số 3.1. Còn “theo định hướng Tân Phúc Âm hóa” nghĩa là gì? Thưa là theo đường lối, theo phương hướng ta đã quyết định chọn làduyệt lại và đối chiếu đời sống đạo và cách mừng lễ Phục sinh của ta xem có đúng với đời sống Chúa Giêsu đã nêu gương, và giáo hội đã dựa vào Phúc Âm để hướng dẫn ta không.
1/. Chúa Giêsu đã sống nêu gương cho ta thế nào để được phục sinh? Điều này đã được trình bày trong số 2.1 và số 2.2. ở đây xin tóm lược mấy điểm cốt yếu nhất để dễ nhớ và nắm vững:
-Sống với Thiên Chúa. Chúa Giêsu luôn vâng theo ý Chúa Cha, hạ mình xuống thế làm người, cầu nguyện để chu toàn sứ vụ mà Chúa Cha trao phó là cứu chuộc, Phúc Âm hóa mọi người.
-Sống với mọi người. Chúa Phúc Âm hóa bằng sống hiền lành, nghèo khó như đa số dân chúng, dành ưu tiên lo cho người tội lỗi, bệnh tật, nghèo hèn, dạy dỗ và quy tụ thành nhóm (12 tông đồ và 72 môn đệ) nêu gương phục vụ và yêu thương hết mình đến cùng (rửa chân, lập Bí tích Thánh Thể, hiến tế trên thập giá để chuộc tội và được phục sinh).
– Ta duyệt lại và kiểm điểm dựa theo gương Chúa Giêsu:
-Sống với Chúa: có tin Chúa Giêsu là con Thiên Chúa (Ga 3,36), giữ đúng mười điều răn của Chúa, hay còn thờ thần tài, thần sắc dục, thần danh vọng, dửng dưng với Lời Chúa và với việc của Chúa, có cầu nguyện với Chúa và dám hy sinh vì Chúa để Tân Phúc Âm hóa mọi người không?
-Sống với mọi người: có noi gương Chúa vui sống với mức sống “hằng ngày dùng đủ”, dùng tài sức của cải Chúa ban để chia sẻ giúp đỡ người nghèo và bệnh tật, có sẵn sàng cảm thương phục vụ người gặp hoạn nạn, có “rửa chân cho nhau” bao giờ chưa (cộng đoàn Điểm – Tim vẫn làm) có cộng tác với anh chị em trong giáo xứ để Tân Phúc Âm hóa không?
2/. Giáo hội đã dựa theo Phúc Âm để giúp ta mừng lễ Phục sinh thế nào? Giáo hội nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn đã có những truyền thống và những “Điều răn Hội Thánh” để giúp ta trong việc mến Chúa yêu người:
-Sống với Chúa: Ngay từ khởi đầu, giáo hội đã mừng lễ Chúa Phục Sinh vào Chúa Nhật hàng tuần, sau đó hàng năm tổ chức Mùa Chay bắt đầu từ lễ Tro với ăn chay kiêng thịt. Giáo hội cũng dùng Mùa Chay để chuẩn bị cho các dự tòng lãnh ba bí tích nhập đạo: Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể trong đêm Canh thức Phục Sinh. Trong Mùa Chay ở Việt Nam có “Ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu và đi Chặng Đàng Thánh Giá”, có tĩnh tâm với nghi thức sám hối giúp giữ luật xưng tội một năm ít là một lần, và rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục Sinh, sau cùng có Tuần Thánh dẫn vào Ba Ngày Thánh rồi kết thúc trong Canh thức Phục Sinh và Lễ Trọng Phục Sinh.
-Sống với mọi người: ăn chay kiêng thịt, hãm mình tiết độ để có tiền bố thí chia sẻ cho người nghèo, tham gia các việc từ thiện của các nhóm “Lòng thương xót Chúa”…
– Ta duyệt lại và kiểm điểm dựa theo hướng dẫn của giáo hội xem việc:
-Sống với Chúa: có dự lễ Chúa Nhật cắt xén đầu đuôi, nhận tro trên đầu mà không sám hối đổi đời, ăn chay kiêng thịt mà ăn tôm cua không còn tiền chia sẻ cho người nghèo, xưng tộinhư đi đổ rác mà không chừa tội đền tội, lần hạt cho đủ chuỗi mà chẳng noi gương Đức Maria suy niệm các mầu nhiệm đời Chúa để bắt chước…
-Sống với mọi người: có thương người theo 14 bốn mối (7 mối thương hồn, 7 mối thương xác), có hiền lành khiêm tốn, tha thứ phục vụ hay là khinh bỉ người nghèo, vô cảm với những ai gặp hoạn nạn bệnh tật, có cộng tác với giáo xứ để Tân Phúc Âm hóa giáo xứ và xã hội không…
Tóm lại: chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh theo định hướng Tân Phúc Âm hóa là dịp thuận lợi nhất trong năm để mỗi Kitô hữu thực hiện việc Tân Phúc Âm hóa bản thân mình. Kitô hữu chưa được Tân Phúc Âm hóa làm sao có thể Tân Phúc Âm hóa gia đình, giáo xứ, xã hội.
Kinh nghiệm ở Á Đông cho biết có tu thân mới có thể tề gia, trị quốc và bình thiên hạ được. Đức giáo hoàng Phanxicô cho đây là chuyện lội ngược dòng, ngược với “tiến trình thế tục hóa” (xem Niềm Vui Phúc Âm số 64), chống lại “não trạng thế tục” (xem Niềm Vui Phúc Âm số 93).Tiến trình thế tục hóa và não trạng thế tục ngày nay phát sinh nhiều thứ bệnh. Đức Phanxicô mới đây (22 – 12 – 2014) nói đến 15 căn bệnh cần chữa trị. Riêng tôi, tôi nhớ đến 6 căn bệnh mà một giám mục Việt Nam giảng cấm phòng năm (2003) cho các Linh mục đã khéo léo rút gọn lại thành các bệnh 3 Đ và 3 L.
3 Đ là:
– Độc đoán: dùng quyền của mình mà định đoạt công việc theo ý riêng mình không kể gì đến ý kiến người khác.
– Độc tài: một mình nắm tất cả mọi quyền hành .
– Độc tôn: chỉ muốn mọi người sùng kính một mình mình.
3 L là:
– Làm biếng: không thiết làm việc vì mệt mỏi uể oải.
– Làm phách: lên mặt ra oai kiêu ngạo bắt người phải nể sợ.
– Làm sang: khoe lắm tiền của, lắm danh vọng…
Những bệnh này cũng nằm trong số 15 bệnh Đức Phanxicô đã nêu ra, tuy nhiên nó thực tế thiết thực, và hợp thời dễ hiểu. Đức Phanxicô nói rằng các bệnh trên chỉ có Chúa Thánh Thần mới chữa trị được. Thực vậy, nếu không lo chữa trị các bệnh trên thì làm sao có thể Tân Phúc Âm hóa mình và người khác.
Để Kết.
Tôi cố gắng viết bày này vào dịp Mùa Chay, như một góp ý nhỏ mọn cho việc Tân Phúc Âm hóa bản thân mỗi Kitô hữu. Nói theo truyền thống là muốn giúp Kitô hữu kiểm điểm đời sống đạo của mình, duyệt lại cách sống đạo của mình dựa theo chính đời sống mà Chúa Giêsu đã chủ ý sống ở trần gian 33 năm để làm gương cho ta, duyệt lại xem Dầu Kitô có còn hay đã khô. Bởi vì ngày nay không thiếu những người đang cảm thấy có những cách trình bày đạo, những cách sống đạo có vẻ “đơn điệu, nặng nề, gây nhàm chán, sáo mòn” (xem 3.3 phần duyệt lại)…giáo hội có châm ngôn “giáo hội luôn cần được cải cách” (ecclesia semper reformanda). Suốt hơn 20 thế kỷ vừa qua đã có biết bao chứng từ “như cả một đám mây” (xem thư gửi Do Thái 12,1) đã góp phần vào việc Tân Phúc Âm hóa để làm cho cách trình bày đạo, cách sống đạo được tươi mới hơn, đúng với Phúc Âm vĩnh cửu của Chúa và hợp với con người của thời đại hơn.
Để kết thúc bài này cho có “hậu”, nghĩa là cho có kết quả vừa cao đẹp vừa hữu ích về sau, xin chia sẻ một chứng từ nổi tiếng thời Công Đồng Vatican II. Tôi chỉ nhớ mang máng, nhưng thử tìm kiếm trong google thấy có một linh mục đã thuật lại đầy đủ chi tiết. Tôi nghĩ chứng từ này chỉ có thể có được do những ai biết cầu nguyện và lắng nghe Chúa Thánh Thần mới nhận được những trực giác như vậy. Đây là chứng từ:
“Chứng tá ấy xảy ra vào một ngày cuối năm 1965. Trên một chuyến máy bay đưa các Giám Mục người Mỹ trở về từ Ý sau khi đã dự Công Đồng Vatican II, có một nữ tiếp viên hàng không rất xinh đẹp, tận tình và nhã nhặn phục vụ hành khách. Thế nhưng, trong suốt hành trình, cô tiếp viên hàng không trẻ đẹp này rất bực bội và rất mất tự nhiên vì có một người đàn ông, xem ra thiếu đứng đắn, cứ liên tục đảo đôi mắt chăm chú nhìn mình. Càng đáng bất bình hơn, khi đó là một người đàn ông đã lớn tuổi. Cô lại càng khó chịu hơn, vì ngay sau đó cô được biết, người đàn ông ấy chính là đức cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục thành New York, một con người nổi tiếng về khoa ăn nói, giảng dạy và đạo đức. Ngài là một Giám Mục tông đồ lừng danh nước Mỹ. Thật là quái gở không thể tưởng tượng! Một kẻ xem ra thiếu tư cách ấy, lại là con người của thành công, của sự nổi tiếng sao? Cô không hiểu nổi và thầm chê trách coi khinh vị Giám Mục già kia.
Đến lúc chiếc phi cơ hạ cánh, kỳ quái thật, vị Giám Mục già bị coi là “thiếu đứng đắn” kia lại không xuống cùng lúc với các hành khách. Không hiểu ngài có toan tính gì mà lại đợi mọi người trên máy bay xuống hết, chỉ còn mỗi mình ngài là vị khách xuống sau cùng. Đã vậy, khi đến cầu thang máy bay, Đức Cha Fulton Sheen còn ghé sát mặt mình vào tai cô tiếp viên hàng không nói thầm thì những lời gì đó, ngoài cô gái, chẳng ai có thể nghe thấy…
Câu chuyện đến đó, tưởng chừng kết thúc. Những tưởng sự khó chịu của cô gái tiếp viên hàng không rồi cũng trôi qua, cái nhìn tưởng như khiếm nhã của vị Giám Mục già rồi cũng chẳng còn ai nhớ, có chăng một ánh mắt dù khiếm nhã (theo như ý nghĩ của cô gái), thì cũng chỉ là một ánh mắt thoáng qua như bao nhiêu ánh mắt mà cô gái bắt gặp trong đời mình?
Không phải thế. Mọi sự không trôi đi, không mất. Bởi vào một buổi trưa, Đức Cha Fulton Sheen nghe tiếng gõ cửa, và sau đó là sự bất ngờ của Đức Cha khi ngài mở cửa. Trước mặt ngài là cô gái tiếp viên hàng không trẻ tuổi có sắc đẹp mặn mà trên chuyến bay hôm nào, đã từng có ánh mắt thiếu thiện cảm với ngài.
Cô gái lên tiếng chào Đức Cha và hỏi: “Thưa Đức Cha, Đức Cha có nhớ con không?”. Đức Cha Fulton Sheen từ tốn trả lời: “Cha nhớ chứ. Con chính là cô gái tiếp viên hàng không trên chiếc máy bay đưa chúng tôi trở về từ Công Đồng Vatican II”. Cô gái nói tiếp: “Vậy Đức Cha có nhớ Đức Cha đã nói nhỏ vào tai con điều gì không?”. Đức Cha trả lời: “Nhớ! Cha nhớ, Cha đã khen con đẹp lắm. Và cha hỏi con rằng, có bao giờ con đã cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho con sắc đẹp tuyệt vời kia chưa?”. Cô gái sung sướng nói tiếp: “Kính thưa Đức Cha, điều Đức Cha nói đã làm con băn khoăn nhiều. Cũng chính vì điều đó mà hôm nay con đến gặp Đức Cha. Vậy, theo ý Đức Cha, con phải làm gì để tạ ơn Chúa?”. Hơi bất ngờ, Đức Cha Fulton Sheen lặng người suy nghĩ một chút. Sau đó Đức Cha dẫn cô gái tới trước tấm bản đồ thế giới treo trên tường, vẫn giọng nói ôn tồn, Đức Cha hỏi: “Có bao giờ con nghe nói tới một trại phong cùi nào ở Việt Nam mang tên là trại phong Di Linh chưa?”. Cô gái ngước đôi mắt xanh như dọ hỏi: “Kính thưa Đức Cha, có lần con đã đọc được trên báo. Con cũng đã được nghe ai đó kể một vài chuyện về trại cùi Di Linh.”
Đức Cha dõi mắt nhìn vào khoảng xa xăm trước mặt: “Này con, cách đây chưa lâu, cha nghe nói Đức Giám mục giáo phận Sài Gòn tên là Gioan Cassen đã từ chức Giám Mục Sài Gòn để đến phục vụ anh chị em trại phong Di Linh. Con có muốn cảm tạ Chúa bằng cách thử một lần đến trại phong Di Linh, gặp Đức Giám Mục Sài Gòn và ở lại với anh chị em bệnh phong khoảng sáu tháng không?”. Quá bất ngờ trước lời đề nghị của Đức Giám Mục thành New York, cô gái không thốt lên một lời, lặng lẽ cúi chào Đức Cha rồi rút lui trong sự bàng hoàng của chính nội tâm của cô…
Một lần nữa, người ta cứ tưởng rằng câu chuyện thật nhẹ nhàng, nhưng cũng thật mãnh liệt của Đức Cha Fulton Sheen và cô tiếp viên hàng không kia đã chấm dứt. Nhưng thật lạ lùng, chỉ bằng ấy lời đề nghị nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát của Đức Cha, đã làm biến đổi hoàn toàn cuộc đời của cô tiếp viên hàng không xinh đẹp.
Những tháng đầu năm 1966, người ta đọc thấy một bản tin đáng khâm phục trên các phương tiện truyền thông của Sài Gòn và của Việt Nam nói chung: Một nữ tiếp viên hàng không rất trẻ, rất đẹp của một hãng hàng không Hoa Kỳ đã xin nghỉ nghề làm tiếp viên hàng không để đến trại phong Di Linh của Việt Nam, tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân phong.
Thât đẹp, đẹp làm sao. Chỉ chừng ấy lời của một vị Giám Mục khả kính thôi, tâm hồn quả cảm của một cô gái lãng du thích phiêu bồng khi chọn cho mình nghề tiếp viên, rày đây mai đó, đã có thể chấp nhận trút bỏ tất cả tương lai đẹp như chính cái vẻ đẹp của cô để sống, không phải sáu tháng, nhưng là suốt đời cho một lý tưởng cũng đẹp không kém: TẠ ƠN THIÊN CHÚA.
Chỉ chừng ấy thôi, lời của một vị Giám Mục khả kính đã biến một cô chiêu đãi viên hàng không xinh đẹp thành một nữ tu. Bởi chính cô, sau một thời gian phục vụ anh chị em phong, đã tự nguyện khoác lấy chiếc áo nữ tu trong Hội Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Việt Nam. Từ nay, bước vào đời sống tu trì, Người Nữ Tu, cô gái xinh đẹp của chúng ta, hoàn toàn trút bỏ mọi vướng bận của đời thường để yên tâm sống lý tưởng cảm tạ Chúa bằng việc phục vụ anh chị em phong của mình. Người nữ tu đã từng làm tiếp viên hàng không ấy, đẹp quá. Chị đẹp, không chỉ là một sắc đẹp thân xác, mà chính là một vẻ đẹp lộng lẫy của tâm hồn. Người Nữ Tu ấy, không ai khác hơn, nhưng đó chính là Chị Louise Bannet.
Chị Louise Bannet đã tình nguyện ở lại trại phong Di Linh suốt đời. Nhưng biến cố của năm 1975 gây ra nhiều biến động, khiến Chị không thể tiếp tục ý nguyện của mình. Sau mười năm phục vụ người phong, Chị đã phải lên đường về nước. Một thời gian sau, Chị lại xin Nhà Dòng cho đi phục vụ bệnh nhân phong ở Tahiti. Năm 1982, sau nhiều ngày bị căn bệnh ung thư quái ác hoành hành, Chị Louise Bannet đã qua đời giữa sự tiếc thương vô cùng của cộng đoàn anh chị em phong tại Tahiti. Và trong tình liên đới, cũng như trong lòng biết ơn của mình, cũng là chính lòng tiếc thương của các bệnh nhân phong Việt Nam nói chung và tất cả những ai sống tại trại phong Di Linh nói riêng”.
(Lm. Vũ Xuân Hạnh)
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ.
Mùa Chay 2015
Nguồn: gpcantho.com