Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn
– Gợi ý mục vụ –
Đề tài 5.
Giáo xứ: Cộng đoàn Hội thánh tông truyền
được dưỡng nuôi bằng LỜI
“Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy” (Cv 2,42)
***
Hội Thánh (Ecclesia) là một sự tập hợp những người được Lời Chúa triệu tập, hợp thành Dân Thiên Chúa và được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể Chúa Kitô; chính họ cũng trở thành Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô[1]. Giáo xứ, cách cụ thể, là cộng đoàn Hội thánh hiệp thông trong thờ phượng, nơi mọi tín hữu được tập họp để cử hành bí tích Thánh Thể, để nghe ‘những người lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử nhân danh Con Chúa’[2] (tức là các giám mục, những người kế vị “các Tông đồ” với sự trợ giúp của các linh mục hợp nhất với Đấng kế nhiệm thánh Phêrô) giảng dạy Lời Chúa, giáo lý cứu độ của Đức Kitô.[3]
- Là cộng đoànHội thánh tông truyền
– Toàn thể Hội thánh có đặc tính tông truyền vì, nhờ các vị kế nhiệm thánh Phêrô và các Tông đồ, Hội thánh vẫn giữ nguyên nguồn gốc của mình trong sự hiệp thông đức tin và sự sống. “Sứ vụ thần linh mà Đức Kitô ủy thác cho các Tông đồ, sẽ tồn tại cho đến tận thế, bởi vì Tin Mừng, được truyền lại bởi các ngài, phải luôn luôn là nguyên lý của toàn bộ sự sống đối với Hội thánh. Chính vì vậy các Tông đồ … đã cẩn thận thiết đặt những người kế nhiệm […] Để sứ vụ đã được ủy thác cho các ngài vẫn được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông đồ đã trao cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, như trao một di chúc, nhiệm vụ phải hoàn thành và củng cố công trình các ngài đã khởi sự, khuyên họ lưu ý đến hết đoàn chiên mà trong đó Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Hội thánh của Thiên Chúa. Các ngài đã thiết đặt những người như vậy và quy định rằng sau đó, khi những người này qua đời, thì những nam nhân khác đã được thử thách sẽ lãnh nhận thừa tác vụ của họ”[4]. “Cũng như nhiệm vụ được ủy thác cho một mình ông Phêrô, người đứng đầu các Tông đồ, phải được lưu truyền cho các vị kế nhiệm ông, là một nhiệm vụ trường tồn, thì cũng vậy, nhiệm vụ của các Tông đồ là phải chăn dắt Hội thánh, và được thực thi liên tục bởi việc truyền chức thánh cho các giám mục, nhiệm vụ đó cũng trường tồn” (ibid.). Vì vậy, Hội thánh dạy rằng: “Chính Chúa đã thiết đặt các giám mục kế nhiệm các Tôngđồ làm các mục tử của Hội thánh, nên ai nghe các ngài là nghe Đức Kitô” (ibid.).
– Hội thánh còn có đặc tính tông truyền vì “được sai đi” khắp thế gian, đến với muôn dân, ngỏ lời với mọi người, bao trùm mọi thời đại (đặc tính công giáo). Hội thánh tự bản chất có đặc tính truyền giáo (Ad gentes, 2). Tất cả các thành phần của Hội thánh, bằng những cách khác nhau, đều tham dự vào tính chất “được sai đi” này. Ơn gọi Kitô hữu, tự bản chất, cũng là ơn gọi làm ‘việc tông đồ’, tức là mọi hoạt động của Nhiệm Thể vốn làm cho Nước Chúa ở mọi nơi trên trần thế được rộng mở.[5]
– Như là thuộc Hội thánh địa phương, giáo xứ cũng mang tính tông truyền. Chúa Kitô đã hứa với các Tông đồ rằng Người sẽ ở lại với các ngài cho đến tận thế. Mọi việc thuộc sứ vụ truyền giáo cho lương dân hay việc tông đồ có sinh hoa kết quả hay không đều tùy thuộc vào sự kết hợp với Đức Kitô. Đức ái, được múc nguồn từ bí tích Thánh Thể, luôn là linh hồn của mọi sứ vụ tông đồ và truyền giáo.
- Tập trung vào Lời Chúa
– Đời sống của các thành viên và cộng đoàn của giáo xứ cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, vốn không thể tách biệt. Khi cầu nguyện cũng như khi loan báo Tin mừng, Hội thánh luôn luôn dựa trên Lời. Phải lắng nghe, suy niệm, cử hành, sống và làm chứng cho Lời ấy. Vì thế, Kitô hữu cần không ngừng được huấn luyện lắng nghe Lời Chúa. Hội thánh không loan báo Tin mừng nếu chính mình không được nghe Tin mừng. Đức giáo hoàng BênêđictôXVI nói: “Lời Chúa thiết yếu phải không ngừng được đặt vào tâm điểm của mọi hoạt động của Hội Thánh”[6]. Lời Chúa trước hết trong Thánh Thể, một khi được lắng nghe và cử hành, sẽ nuôi dưỡng và củng cố tâm hồn các tín hữu, giúp họ cống hiến một chứng tá đích thực cho Tin mừng trong đời sống hằng ngày. Lời sống động và hiệu quả chuẩn bị cho bí tích, Lời sinh hiệu quả tối đa trong bí tích.[7]
– Bởi thế, trong các giáo xứ, việc học hỏi Thánh Kinh phải là cánh cửa rộng mở cho mọi tín hữu. Lời mạc khải nhất thiết phải là căn bản cho việc dạy giáo lý và giúp các nỗ lực truyền bá đức tin trở nên phong phú (x. Dei Verbum 21-22). Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi: công cuộc loan báo Tin mừng đòi hỏi một sự thấm nhập nên thân mật với Lời Chúa; việc ấy kêu gọi các giáo phận, giáo xứ và các hội đoàn Công giáo tổ chức các cuộc học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Thánh Kinh, đồng thời khuyến khích mỗi người và cộng đoàn đọc Thánh Kinh với tâm tình cầu nguyện.[8]
– Trên hết, cộng đoàn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt trong những cuộc tụ họp Thánh Thể, vì đó là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với Dân Người. “Bài giảng trong Thánh Lễ có tầm quan trọng đặc biệt vì bối cảnh Thánh Thể của nó. Nó vượt quá mọi hình thức huấn giáo vì là thời điểm tột đỉnh trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Người, và dẫn tới việc hiệp thông bí tích”[9]. Đức thánh cha gợi ý: “Một bài giảng tốt phải có một ý tưởng, một tâm tình, một hình ảnh.” Hình ảnh, tâm tình, ý tưởng đó trước hết xuất phát từ trong chính Lời Chúa trong các bài đọcThánh Kinh của phụng vụ.[10] Lời khuyên từ sách Huấn ca: “Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý” (Hc 32,8).
Câu hỏi thảo luận
- Giáo xứ liên kết với giáo phận như thế nào để giữ được đặc tính tông truyền?
- Các cộng đoàn nhỏ trong giáo xứ của anh chị có chia sẻ, học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện dựa trên Lời Chúa hay không? Và làm như thế nào?
- Để có một bài giảng tốt hay chuẩn mực và hữu ích cần những điều kiện nào?
–––––––––––––––––
[1] x. GLHTCG 777.
[2] Kinh Tiền Tụng Lễ Các Thánh Tông Đồ I: Sách Lễ Rôma.
[3] x. ibid., 2179.
[4] CĐ Vatican II, Lumen gentium, 20.
[5] CĐ Vatican II, Apostolicam actuositatem, 2.
[6] Verbum Domini, 1.
[7] ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium, 174.
[8] Ibid., 175.
[9] Ibid., 137.
[10] Ibid., 157.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn