Cùng hiệp thông trong đời sống mục vụ giáo xứ
***
Nếu Giáo hội (giáo xứ) như/là gia đình của Chúa thì Giáo hội cũng là vườn nho của Thiên Chúa, mỗi giáo xứ cũng là những vườn nho nhỏ trong vườn nho duy nhất của Thiên Chúa. Theo đó, mọi người trong giáo xứ đều được mời và có bổn phận làm thợ vườn nho trong vườn nho duy nhất ấy mà công cán được tính đến hợp theo lẽ công bằng và “trên cả công bằng”.
Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”.
Cũng theo đó, với tinh thần cùng hiệp thông trong đời sống mục vụ giáo xứ, mọi người cần nhận biết rằng Chúa là Đấng ban tặng nhiều hơn, đúng ra là tất cả, so với những gì Người đòi hỏi và người ta làm được, ngay cả khi làm việc vườn nho ngay từ đầu, hay giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín. Câu chuyện Đức Giêsu tại Samari là một thí dụ. Điều tế nhị còn là cách Người ban tặng thật khéo léo và tiệm tiến, làm cho người thiếu phụ Samari chuyển từ tâm tình lạnh nhạt sang nhiệt tình thực hiện sứ vụ tông đồ: đón nhận chính Chúa và giới thiệu Chúa cho người khác.
Người thiếu phụ Samari khởi đầu cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu qua cách xưng hô có thể có pha chút khinh thị của dân tộc nàng đối với dân Do Thái: “Ông (tu) là người Do Thái mà ông lại xin tôi nước…”(Comment tu es juif, et tu me demandes à boire à moi…); rồi chuyển sang trang trọng: “Thưa ông (seigneur), ông không có gầu, mà giếng lại sâu…” (Seigneur, tu n’as rien pour puiser et le puis est profond…); rồi mới kính trọng như “tiên tri”: “… tôi thấy ông thật là một tiên tri”(Seigneur, je vois que tu es un prophète…); để rồi cuối cùng mới nhận ra Người là Đấng Cứu Thế và hân hoan giới thiệu cho những người xung quanh:“Ông ấy không phải là Đấng Cứu Thế sao?(Ne serait-ce pas le Christ…). Thế cũng có nghĩa là: “… không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (…nous savons que c’est vraiment Lui, le Sauveur du monde).
Vì thế, trong tâm tình noi gương quảng đại phục vụ của Chúa và tạ ơn Người, các thành viên của Giáo hội (giáo xứ) như/là gia đình của Chúa, trong đời sống mục vụ giáo xứ, cần quảng đại và kiên nhẫn phục vụ anh chị em, để “… ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời” (Thy willbe done on earth as it is in heaven). Vả lại, Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta.
Mà cũng vì thế và hơn thế nữa, Giáo hội, giáo xứ, gia đình của Chúa, vườn nho của Chúa, ruộng lúa của Chúa… là những cụm từ các nhà thần học Việt Nam có thể/rất nên sử dụng trong những tác phẩm của mình để diễn tả đời sống đạo của các tín hữu Việt Nam, sứ mệnh của Giáo hội phổ quát, các giáo hội địa phương; cách riêng là các giáo xứ tại Việt Nam.
Tưởng cũng rất nên phác họa, thiết kế, xây dựng một nền thần học của Giáo hội dựa trên hình ảnh gia đình của Thiên Chúa, để các thành viên trong gia đình của Chúa tại Việt Nam cùng hiệp thông, cùng lao động cách dễ dàng hơn trong vườn nho là đời sống mục vụ của mỗi giáo xứ cũng như của toàn thể Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Thật vậy,
Cũng như người ta được sinh trong một gia đình cụ thể với vị trí địa lý và những điều kiện cụ thể thế nào, thì các Kitô hữu được rửa tội và được huấn luyện trong Chúa Kitô tại các giáo hội địa phương cụ thể cũng như vậy. Những cuộc tụ họp trong sự hiệp thông với Chúa tự thân đã có giá trị. Nghĩa là các cuộc tụ họp ấy không phải là phương thế nhằm đạt đến một mục đích lớn hơn, nhưng tự thân đã là sự hiện thực của Giáo hội. Sự hiện thân hoặc hiện thực này xây dựng Giáo hội từ bên dưới, được liên kết với giáo hội lớn hơn ấy nhờ sự hiện diện phẩm trật và sự chỉ định chủ chăn của họ, còn họ, họ là dân thánh của Thiên Chúa (Plebs sancta), một cộng đồng gồm cả linh mục và dân chúng.
Thế nên, mô hình tham gia quy mục tử (the participative pastor-centered model) trong tác phẩm Quản trị giáo xứ: Lãnh đạo hợp tác là một trong những nỗ lực nhằm trình bày mối liên hệ hữu cơ giữa các phần tử của một gia đình giáo xứ Công giáo với vị mục tử (đức cha, cha xứ, cha sở) là trái tim của gia đình. Dĩ nhiên, vị Mục Tử đích thực của gia đình ấy là chính Đức Giêsu Kitô.
Theo đó, vị mục tử (đức cha, cha xứ, cha sở) cần ứng xử và được đối xử như một người cha-anh tinh thần. Ngài là một phụ huynh hơn là một giám thị, một mục tử hơn là một nhà quản lý. Nhưng chính Chúa Giêsu mới là Mục Tử trên hết của gia đình giáo xứ, Mục Tử tốt lành của đoàn chiên, Mục Tử đích thực của tất cả các thành viên.
Là một Đức Kitô khác (Alter Christus), vị mục tử cũng phải hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, phải thực tâm ước muốn, hay ít ra phải sẵn lòng sống chết với đoàn chiên.
Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của Tôi, và chiên của Tôi biết Tôi, như Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
Theo đó thì không chỉ “Có con gây dựng cho con, có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”, một trong những đạo lý rất tự nhiên của gia đình là kiến tạo mối tương giao thiện hảo giữa các thành viên trong gia đình, mà còn hơn vậy, mối tương giao chân thành và thiện hảo là không thể thiếu nơi mọi thành viên trong một gia đình giáo xứ dành cho vị mục tử của họ. Nhưng trước hết và trên hết vẫn là mối tương giao của các thành viên thuộc gia đình giáo xứ trong Đức Giêsu phải phản ánh chuẩn mực thần học của “những người con trong Người Con” (filii in Filio) với Thiên Chúa là Cha.
Nói tóm lại, mang chân lý Tin mừng đến cho mọi người, giới thiệu Ðức Kitô như mầu nhiệm cứu độ duy nhất trong lịch sử nhân loại, các thành viên thuộc một gia đình giáo xứ phải kiến tạo, duy trì, làm đậm nét và sinh động mỗi ngày một hơn hình ảnh Giáo hội (giáo xứ) như/là gia đình của Chúa trong bối cảnh của nền văn hóa hiện đang đầy ắp những sai trái làm băng hoại gia đình và xã hội, để làm sâu sắc hơn các mối tương giao cần có của các tín hữu là con cái thảo hiếu đối với Thiên Chúa là Cha nhân từ trong các gia đình giáo xứ của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
trích từ “Giáo Hội (giáo xứ) như/là gia đình của Chúa”
Lm Giuse Tạ Huy Hoàng