LINH MỤC VÀ TÂN PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ-CỘNG ĐOÀN
TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
tại Tòa Giám Mục Phan Thiết, từ ngày 12 tới 16/01/2015
do ĐC Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng giảng thuyết
Trọng kính Đức Cha Giuse,
Kính thưa quý Cha và quý thày Phó tế.
Khi Đức Cha Giuse mời con đồng hành giúp quý Cha trong tuần Tĩnh Tâm Năm 2015 của Linh mục đoàn Giáo phận Phan Thiết, con đã đồng ý và từ đó suy tư để chọn lựa chủ đề cho tuần tĩnh tâm này. Với tâm tình theo hướng đi của Hội Đồng Giám Mục Việt-nam, con đã chọn lựa chủ đề Linh Mục và Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ và Cộng đoàn.
Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho linh mục quản xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục giáo phận (GL 515 §1). Hay nói khác đi, Giáo xứ là một cộng đoàn bao gồm những người được rửa tội trong một không gian, phạm vi cụ thể. Như thế, nói đến giáo xứ là nói đến cả một thực thể sống động bao gồm tất cả mọi thành phần thuộc về nó. Cụ thể, với bầu khí tĩnh tâm năm của Linh mục đoàn trong năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ-Cộng đoàn, nói đến giáo xứ là nói đến linh mục và các anh chị em giáo dân, theo một khuôn mẫu thân thuộc với chúng ta.
Bên cạnh đó, trong tư cách là linh mục phục vụ giáo xứ, trong năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ này, chúng ta được mời gọi tái khám phá, làm tươi trẻ lại dung mạo của giáo xứ đúng theo ý muốn của Đức Kitô khi Ngài thiết lập Hội Thánh là cộng đoàn các môn đệ, cộng đoàn những người được sai đi.
Như vậy, thời gian ân sủng của những ngày tĩnh tâm này, chúng ta hãy đọc lại một vài giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến giáo xứ và những thành phần thuộc về nó. Để làm gì? Thưa, để có thể trả lại đúng dung mạo của giáo xứ, chúng ta cần phải tìm biết dung mạo của giáo xứ được Giáo Hội nói đến như thế nào.
Nói như thư chung của HĐGMVN 2014, Tân Phúc Âm hóa giáo xứ trong năm nay có nghĩa là giáo xứ cần được thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân. Tại sao lại cần làm cho tinh thần Phúc Âm phải thấm đượm giáo xứ? Phải chăng thật là mâu thuẫn khi giáo xứ, một cộng đoàn của dân Thiên Chúa, lại cần phải thấm đượm tinh thần Phúc Âm, vì tự thân, giáo xứ phải là như thế, tinh thần Phúc Âm phải tràn ngập nơi giáo xứ chứ?
Khiêm tốn nhìn nhận, chúng ta thấy rằng, các giáo xứ theo thời gian và trào lưu cuộc sống, diện mạo của giáo xứ đang bị bám bụi, đang bị lấm lem và có những vết bẩn. Do đó, năm phụng vụ 2015 đối với Giáo Hội Việt Nam là thời điểm mời gọi canh thân, thời điểm trở về nguồn của các giáo xứ.
Tuy nhiên, bất cứ một sự thay đổi, canh tân nào trong một nhóm, tổ chức, cộng đoàn nào cũng phải có người lãnh đạo, có người khởi xướng, thực hiện. Thông thường, người lãnh đạo, khởi xướng đó là người đứng đầu trong cộng đoàn, trong tổ chức, trong nhóm đó. Như vậy, chúng ta có thể nói với nhau rằng, để giáo xứ có thể được Tân Phúc Âm Hóa, các cha xứ nói riêng, các linh mục nói chung, phải là người cầm đầu, người lãnh đạo, phải là tác nhân thúc đẩy quá trình Tân Phúc Âm hóa trong sự cộng tác với ơn của Chúa Thánh Thần – Đấng là tác nhân chính.
Vì thế, để đạt đến mục tiêu “tái khám phá lại dung mạo của giáo xứ để có thể Tân Phúc Âm Hóa giáo xứ (có nghĩa là Phúc Âm Hóa cả linh mục và mọi thành phần khác trong giáo xứ)”, những bài chia sẻ trong tuần tĩnh tâm này, chúng ta sẽ bước đi theo một tiến trình như sau:
Trước tiên, nối tiếp năm Tân Phúc Âm Hóa gia đình, chúng ta cùng đọc lại lời giáo huấn của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II về gia đình trong tông huấn Christifideles Laici với chủ đề “Giáo xứ – Mái ấm gia đình”.
Thứ hai, gia đình giáo xứ phải là một “Căn nhà của Lời” theo sứ điệp hậu THĐGM lần thứ 12 về Lời Chúa và tông huấn Verbum Domini của ĐTC Benedicto XVI.
Theo sau giáo huấn của hai ĐGH (Gioan Phaolô II và Benedicto XVI), chúng ta hãy đọc những thách đố của thế giới ngày nay của ĐTC Phanxico, Đức Giáo Hoàng đương nhiệm của chúng ta, trong sự soi chiếu về giáo xứ.
Sau ba bài suy tư về giáo xứ theo nhãn quan của ba vị Giáo Hoàng, trong bài thứ tư, chúng ta, trong tư cách là các linh mục, những người lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ, nhìn lại quyền lợi và sự cộng tác của người giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội nói chung và của Giáo xứ nói riêng đã được đáp ứng và thực hiện ra sao.
Hai bài cuối cùng (bài năm và bài sáu) là hai bài xoay quanh việc dấn thân phục vụ trong tinh thần đức ái (bài năm) và các nẻo đường phục vụ mới của giáo xứ.
Ước chi, những góp nhặt này có thể mang lại cho quý cha một chút gì đó cho đời sống linh mục là hiện thân của Chúa Kitô cho dân Ngài, và góp phần làm cho hành trình Tân Phúc Âm hóa cộng đoàn giáo xứ nơi quý cha phục vụ đạt được những thành quả tích cực theo tinh thần mà Hội Đồng Giám Mục Việt-nam mời gọi cho Năm Phụng Vụ B này.
Nguồn: gpphanthiet.com