Bài 1: GIÁO XỨ – MÁI ẤM GIA ĐÌNH
(Christifideles Laici)
Tin mừng Luca (Lc 2:51-52): “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Ðức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.”
I. Giáo xứ – mái ấm gia đình
Gia đình luôn là hình ảnh thân thương và vô cùng gần gũi đối với mỗi người chúng ta. Trừ những trường hợp cá biệt, ai trong chúng ta cũng có những kỷ niệm, những ký ức, những hình ảnh thật đẹp về gia đình. Đó là khung cảnh cả gia đình quây quần bên mâm cơm; giây phút ngồi trao đổi, thưa chuyện cách đầm ấm; những khoảnh khắc chúng ta vui chơi, đùa giỡn với anh chị em, bè bạn, cha mẹ hay những người thân khác trong gia đình.
Đoạn Tin Mừng Luca chúng ta vừa nghe cũng cho chúng ta thấy hình ảnh một gia đình thật đẹp, thật hạnh phúc và thánh thiêng. “Vợ chồng thuận thảo, con cái ngày một ngoan hiền, tình làng nghĩa xóm đề huề” đi đôi với tâm tình luôn hướng về Thiên Chúa càng làm cho gia đình Giêsu-Maria-Giuse thật bình dị và ấm áp. Như vậy, nếu xét từ góc độ này, hai tiêu chuẩn làm cho một gia đình trở nên một mái ấm thật sự đó chính là sự tôn trọng, sự vâng phục thảo hiếu và ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa (cầu nguyện, suy niệm).
Gia đình là mái ấm mà trong đó mọi thành viên tôn trọng và yêu mến nhau. Hình ảnh gia đình Nazareth cho chúng ta thấy được sự thảo hiếu vâng phục của đứa con trong gia đình đối với người cha, người mẹ trong gia đình. Kinh Thánh còn nói tiếp, đứa trẻ ngày càng cao lớn, không chỉ càng có thêm ân nghĩa với Thiên Chúa mà còn có thêm ân nghĩa với người ta. Kinh thánh không kể gì thêm cho chúng ta về cuộc sống của gia đình Nazareth, ngoại trừ những gì chúng ta vừa đọc. Chúng ta không biết Giuse và Maria nói với nhau những điều gì, có tranh cãi với nhau về một chủ đề nào đó hay không? Nhưng người ta vẫn thường nói: “xem quả thì biết cây”. Như vậy, gia đình có một người con hiếu thuận, ân nghĩa với mọi người chung quanh đa phần, gia đình đó phải là một gia đình gương mẫu, một gia đình nề nếp. Hơn nữa, Kinh thánh cũng nói cho chúng ta “Đức Maria hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” tất cả mọi biến cố xảy ra; thánh Giuse sau khi được sứ thần báo mộng, ngài đã đón nhận Đức Maria về nhà mình. Thật đẹp thái độ và hành động của hai con người; thái độ và hình ảnh của hai con người luôn sẵn sàng mở lòng mình ra để đón nhận thánh ý Thiên Chúa, đón nhận những người thân trong gia đình, những người đi qua cuộc đời mình. Vậy thì còn nói gì nữa, chúng ta phải nói rằng, gia đình Giêsu-Maria-Giuse phải là một gia đình trên thuận dưới hòa, con cái thảo hiếu. Vâng, đó chính là một mái ấm.
Gia đình là mái ấm mà trong đó ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa luôn chi phối tất cả mọi hoạt động của các thành viên. Thánh Giuse được trình bày một cách mờ nhạt trong đời sống gia đình Nazareth. Kinh Thánh không trình thuật lại bất cứ một lời nói nào của ngài, ngoại trừ một vài những trắc ẩn, những nghi vấn và một vài thái độ, hành động của ngài mà thôi. Và như chúng ta vừa đề cập, thánh Giuse hoàn toàn làm theo thánh ý Thiên Chúa, chu toàn trách vụ là cha nuôi của Con Thiên Chúa; Đức Maria luôn ghi khắc mọi sự trong lòng; còn trẻ Giêsu ngày cảng thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa. Cho nên, gia đình thánh gia luôn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa chi phối mọi hoạt động của các thành viên trong gia đình Nazareth.
Số 15 của tông huấn Familiaris Consortio còn mở cho chúng ta một sứ vụ to lớn hơn của gia đình, đó là sứ vụ đưa mỗi người vào trong một gia đình rộng lớn hơn, đó là “gia đình nhân loại” và “gia đình Thiên Chúa” từ những tương quan cụ thể và thường ngày của đời sống gia đình. Hóa ra, gia đình là một mái ấm không chỉ bó gọn trong chính nó, nhưng mái ấm đó còn phải đưa dẫn mọi thành viên đến với những cá nhân khác ở ngoài gia đình riêng của mình, và đặc biệt là đến được với Thiên Chúa.
Như vậy, với lăng kính giáo xứ là một gia đình, chúng ta – những linh mục – chúng ta nghĩ gì?
Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng chúng ta cũng có một gia đình: gia đình giáo xứ, gia đình giáo phận. Từ đó, chúng ta thử nhìn lại về gia đình giáo xứ của chúng ta có thực sự là mái ấm tràn ngập tình yêu, sự tôn trọng và thánh ý Thiên Chúa luôn là mối bận tâm của mọi thành viên không?
Rồi với tư cách là những người đứng đầu, phục vụ cộng đoàn, chúng ta hãy xét mình, chúng ta đã làm cho giáo xứ chúng ta trở nên mái ấm? Nếu chúng ta đã làm được, vậy chúng ta hãy tự kể cho chính mình những gì chúng ta đã làm để có thể kiến tạo gia đình giáo xứ trở thành một mái ấm? Còn nếu giáo xứ chưa thực sự là mái ấm, chúng ta có nhìn ra được đâu là những vấn đề làm ngáng trở cho giáo xứ trở thành mái ấm cho mọi người? Chúng ta sẽ giải quyết ra sao đối với những ngáng trở đó?
Tương tự, chúng ta cũng hãy duyệt xét chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì để có thể đưa từng người, từng cá nhân một và ngay cả chính bản thân mình trong mái ấm đó đi vào được những gia đình rộng lớn hơn (“gia đình nhân loại” và “gia đình Thiên Chúa”)?
Thực tế cuộc sống cho thấy có những gia đình không hạnh phúc, không thấy được tình yêu thương ngự trị,…; gia đình đó không là một gia đình thực sự, không là một mái ấm theo nghĩa của nó. Tương tự, đời sống Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ cho chúng ta một số cộng đoàn cũng không có được “trong ấm ngoài êm”. Điều đó cho thấy đời sống giáo xứ vẫn còn đó một vài điểm tối. Và là người lãnh nhận trách nhiệm phục vụ, dù có nỗ lực, có cố gắng nhiều nhưng chúng ta phải thú nhận rằng, chúng ta còn thiếu sót, chưa làm tròn bổn phận mà chúng ta đã tự nguyện đảm nhận (những lời cam kết trước khi lãnh nhận chức thánh).
II. Giáo xứ – gia đình hiệp thông
Một khía cạnh khác nói lên “giáo xứ là mái ấm” chính là chiều kích hiệp thông.
Chúng ta nhận thấy rằng, hiệp thông không phải là một thứ có sẵn, hiện diện cách mặc nhiên trong đời sống tập thể, đời sống cộng đoàn. Nó là một “kết quả” được tạo nên từ thái độ và hành động của mỗi phần tử trong tập thể, cộng đoàn đó. Chỉ cần một phần tử, một thành viên trong nhóm, trong cộng đoàn đó không sống giá trị hiệp thông, cộng đoàn đó, nhóm đó chưa là một mái ấm, chưa là một gia đình hiệp thông.
Thế nên, sự hiệp thông luôn là một yếu tố không thể thiếu trong bất cứ một cộng đoàn, một nhóm nào. Đặc biệt hơn, trong đời sống đức tin của chúng ta, hiệp thông không chỉ là một yếu tố không thể thiếu, nếu có thể nói cách mạnh mẽ rằng nó là bản chất của cộng đoàn những người tin vào Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta xác tín chính Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa, đã nói cho chúng ta biết nguồn cội sự hiệp thông mà chúng ta cần phải có trong bất cứ đời sống cộng đoàn nào, được khởi đi từ chính Thiên Chúa, Thiên Chúa Ba Ngôi. Hay nói rõ hơn, sự hiệp thông mà chúng ta cần có trong đời sống giáo xứ phải khuôn đúc theo sự hiệp thông của Ba Ngôi.
Lần mở lại những trang Tin Mừng, chúng ta thấy tất cả mọi hoạt động của Đức Giêsu đều kết hiệp với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần (biến cố chịu phép rửa ở sông Giođan, đi vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày, tuyển chọn các môn đệ, …), hay nói khác đi, ý định cứu độ tình yêu của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, cho nên tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa đều có hình ảnh của Ba Ngôi, cả ba cùng hoạt động trong một kế hoạch duy nhất. Đây chính là nguồn cội cho sự hiệp thông của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ, mỗi giáo phận và cho cả toàn thể Giáo Hội.
Vì vậy, mỗi người Kitô hữu nói chung, mỗi cộng đoàn giáo phận, giáo xứ nói riêng, được mời gọi sống theo khuôn mẫu của Ba Ngôi. Đó là thái độ, tinh thần hiệp thông. Bởi chưng, được tháp nhập vào cây nho thật là Đức Giêsu qua Bí Tích Thánh Tẩy, được nuôi dưỡng, trở nên một Thân Mình với Đức Kitô, chúng ta phải sống sự hiệp thông với Chúa và anh em. Điều này ta có thể thấy được chính những tín hữu của cộng đoàn Giáo Hội sơ khai đã nêu gương cho chúng ta: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau […]. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2:44-46).
Quả thật, cộng đoàn Giáo Hội sơ khai đã cho chúng ta một khuôn mẫu cụ thể hơn về sự hiệp thông của cộng đoàn, của giáo xứ, của giáo phận.
Trước tiên, đó là một cộng đoàn hợp nhất, đồng tâm nhất trí với nhau. Đây là một điều không dễ đối với chúng ta. Dễ dàng gì chúng ta có được một cộng đoàn, một giáo xứ, một giáo phận hoàn toàn hợp nhất với nhau, hoàn toàn cùng một lòng một chí. Bởi nơi giáo xứ trong đời sống giáo phận, có những chuyện chia rẽ, những lời nói, thái độ, hành động gây mất tình đoàn kết, hiệp thông, những chống đối “nổi” cũng như “chìm” vẫn diễn ra. Ngay trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai, được xem là cộng đoàn hiệp nhất, đồng tâm nhất chí với nhau, vẫn còn có những điều tiêu cực, những con người sống không chân thành (vợ chồng ông bà Khanania và Xaphira – Cv 5:1-11 – giấu bớt số tiền bán đất), hoặc không công bằng với các bà góa.
Tuy sự hiệp thông không dễ có nhưng không phải là không thể được. Chúng ta có thể khám phá ra một giá đỡ cho sự hiệp thông của cộng đoàn đầu tiên. Giá đỡ đó là sự cầu nguyện, là việc cùng nhau quy tụ để cử hành lễ bẻ bánh.
Thì ra, chính đời sống thiêng liêng, đời sống cầu nguyện là một trong những tác nhân vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên và duy trì sự hiệp thông. Như thế, sự ấm áp, yêu thương, sự hiệp thông nơi gia đình giáo xứ phải được củng cố nơi nguồn mạch của nó chính là việc cử hành lễ bẻ bánh, Hy Tế Thánh Thể. Vì chưng, trong Hy Tế Thánh Thể, chúng ta cử hành, chúng ta sống giá trị của sự tự hiến, trao ban và hiệp nhất.
Sự quy tụ với nhau trong một ngôi thánh đường, cử hành một giờ cầu nguyện, cử hành Thánh Thể là một dấu chỉ hữu hình cho thấy sự hiệp thông, sự hiệp nhất của gia đình giáo xứ, gia đình giáo phận. Hay ngay giây phút này đây, trong những ngày ân sủng này đây, anh em linh mục trong toàn giáo phận quy tụ về mái nhà chung, quy tụ bên Đức Giám mục – người cha, người thầy, người anh em của mình – cũng là một dấu chỉ nói lên sự hiệp thông trong đời sống gia đình giáo phận.
Hơn nữa, không chỉ quy tụ để cử hành, chúng ta còn sống Hy Tế Thánh Thể. Chính việc sống Hy Tế Thánh Thể bộc lộ triệt để hơn giá trị của sự hiệp thông. Đó là một sự hiệp thông của tình yêu, của sự trao ban, của sự tự hiến. Sau khi cử hành Thánh Thể trong ngôi thánh đường, mọi thành viên trong gia đình giáo xứ cử hành Thánh Thể nơi gia đình, nơi môi trường sống của mình khi chấp nhận tự hủy, chấp nhận mất mát, chấp nhận hy sinh vì lợi ích, vì phần rỗi của những người chung quanh.
Câu hỏi được đặt ra: cộng đoàn nơi chúng ta đang sống – giáo xứ, giáo phận – tinh thần hiệp thông ra sao? Trong gia đình giáo xứ, gia đình giáo phận, liệu chúng ta có như các tín hữu sơ khai là hợp nhất với nhau? Hy tế Thánh Thể chúng ta, những linh mục đóng vai trò chủ sự, đã được cử hành và sống như thế nào?
Trong tình gia đình, trong tinh thần thẳng thắn và khiêm nhường, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta ít nhiều cũng mang lấy nơi mình men Pharisiêu, men biệt phái. Nhiều khi chúng ta nói, chúng ta cử hành nhưng chúng ta chưa sống bao nhiêu. Đáng ra trong vai trò là người đứng đầu, là người chủ sự cử hành Thánh Thể, chúng ta phải trở nên Thánh Thể. Nghĩa là, chúng ta phải thực hiện sự nối kết, quy tụ, hiệp nhất, trao ban, tự hiến. Thế nhưng, nhiều lúc, chính chúng ta là những người gây sự chia rẽ, phân biệt, loại trừ, chống đối. Nếu như thế, hóa ra Thánh Thể lại tự mâu thuẫn sao? Không, Thánh Thể không bao giờ mâu thuẫn tự nội, không bao giờ đi ngược và tự phá hủy chân giá trị của mình. Những tiêu cực xảy ra là do chính bản thân mỗi người chúng ta đã không thực thi, đã không sống đúng với giá trị Thánh Thể mà đích thân mình cử hành. Đây là một sự nhắc nhớ cho linh mục chúng ta. Chúng ta hãy cử hành và hãy sống những gì chúng ta cử hành. Ở đây, tôi mời gọi anh em hãy nhớ lại lời khuyến dụ trong ngày thụ phong phó tế “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy” cũng như trong ngày chịu chức linh mục “Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thánh giá Chúa”.
Vì vậy, sự hiệp thông bao hàm những mối tương quan sinh động và cụ thể. Trong hiệp thông, mọi thành viên sống tinh thần liên đới và chia sẻ không chỉ với nhau về mọi khía cạnh của cuộc sống nhưng còn mở rộng tình liên đới và chia sẻ đó cho những người không thuộc về gia đình giáo xứ của mình. Nói khác đi, hiệp thông là đồng trách nhiệm và bác ái. Để là mái ấm, giáo xứ phải có tinh thần huynh đệ, đồng trách nhiệm, bác ái và rộng mở.
Chiều kích Huynh đệ: Cùng quy hướng về sứ mạng mà Đức Giêsu để lại, tất cả các thành viên trong gia đình giáo xứ cộng tác với nhau trong tinh thần hiệp thông và đồng trách nhiệm. Đích nhắm chỉ đạt được khi mọi đoàn thể, tất cả các thành viên đều đồng tâm nhất chí với nhau. Vì vậy, tinh thần huynh đệ, sự hiệp thông và việc cảm thông, tha thứ liên tục phải là dưỡng khí cho mọi hoạt động, mọi sự cộng tác của các thành viên trong gia đình giáo xứ.
Chiều kích Rộng mở: Sự rộng mở đó không chỉ bao hàm sự cởi mở, ân cần và vui tươi đón tiếp mọi người, nhưng nó còn bao hàm cả một sự tôn trọng và đón nhận sự cộng tác của tất cả những ai muốn cộng tác và dấn thân cho việc mục vụ và sự thăng tiến của giáo xứ, của cộng đoàn. Hơn nữa, sự rộng mở còn mang yếu tố toàn diện. Nó là một sự dàn trãi, rộng mở cho tất cả mọi đối tượng thuộc mọi giới, lứa tuổi hay trình độ. Bởi vì, đặc tính rộng mở của gia đình giáo xứ được bắt nguồn từ khuôn mẫu Ba Ngôi.
Nói đến việc rộng mở, tôi nhớ đến lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “tôi muốn cánh cửa nhà thờ lúc nào cũng phải luôn rộng mở” (EG, số 47). Đối với tôi, sự rộng mở cánh cửa của nhà thờ bao hàm hai ý tưởng: chào đón mọi người và đón nhận sự cộng tác.
Cánh cửa luôn rộng mở để mọi người có thể đến với ngôi nhà của Chúa, ngôi nhà chung. Chúng ta nghĩ gì khi người giáo dân được mời gọi đóng góp, đóng góp và đóng góp để xây dựng ngôi thánh đường, ngôi nhà xứ; nhưng khi đã hoàn thành, ngôi nhà thờ, nhà xứ đó lại được cửa đóng then cài. Dĩ nhiên, cũng có những lý do về an ninh, về gìn giữ của cải chung. Nhưng liệu có công bằng hay không khi chúng ta nói nhà thờ, nhà xứ là của giáo dân (và đúng là như vậy, nhà Chúa là nhà của dân Người, là nơi quy tụ và diễn ra mọi hoạt động – hãy đọc lại diễn tiến cuộc xuất hành, Hòm bia TC – chính là TC – luôn ở giữa dân Người, họ cầu nguyện, dâng hy lễ, ca hát nhảy múa trước Hòm bia TC), chúng ta lại khó khăn, lại khó chịu vì không muốn bị làm phiền bởi giấc ngủ, vì sự ồn ào, bởi sợ mất thời gian, … Có một số giáo xứ, nhà thờ đã trở thành một cơ quan hành chính, linh mục đã trở nên một công chức vì quy định giờ giấc làm việc, giờ giấc tiếp giáo dân một cách cứng ngắt và lạnh lùng; nhà thờ, nhà xứ trở nên một lãnh địa, một thế giới riêng của cha mà không một ai được phép xâm phạm. Đức Hồng Y Bergolio khi chưa là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói: “Hãy mở cánh cửa cho người nghèo, vì nguy cơ lớn nhất… là khi cánh cửa nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, những người nghèo không thể vào được nữa, người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa…, tim họ không còn đập những nhịp nhiệt thành để làm việc thiện nữa…”
Cánh cửa luôn rộng mở còn bao hàm một sự mời gọi và đón nhận sự cộng tác của tất cả mọi thành phần: tuổi tác, học vấn, đức tin, những người thuộc về giáo xứ hay ngoài giáo xứ, …
Mục tiêu cần mời gọi mọi thành phần trong giáo xứ cùng cộng tác đạt tới: “Tất cả chúng ta thi hành sứ vụ cách mới mẻ, bằng nhiệt tình mới, năng lực mới và phương pháp mới.” (Thư Mục vụ HDGMVN, số 3).
Nguồn: gpphanthiet.com