Cha Cố Gioan Phanxicô Nguyễn Gia Thịnh OFM
mừng hồng ân Kim khánh Khấn Dòng
Vào lúc 09g30 ngày 08.9.2018, tại Cộng đoàn Phanxicô thuộc Giáo xứ Xuân Sơn, quý cha và quý khách liên hệ đã sốt sắng tham dự thánh lễ tạ ơn nhân dịp kỷ niệm 50 năm hồng ân khấn Dòng của quý tu sĩ Dòng Phanxicô:
– Cha Gioan Phanxicô Nguyễn Gia Thịnh,
– Cha Inhaxiô Ngô Đình Phán,
– Thầy Tôma -Thiện Nguyễn Văn Triều
Đặc biệt, Cha Cố Gioan Phanxicô Nguyễn Gia Thịnh là vị mục tử có mối liên hệ rất sâu đậm với mảnh đất và con người vùng Xuân Sơn – Bình Giã. Sau biến cố 04.1975, Cha Gioan Phanxicô được Tỉnh Dòng phân công về Bình Giã. Vài tháng sau đó, Cha đã cùng 2 thầy giáo khác, đứng ra khai giảng năm học 1975-1976 tại mảnh đất này.
Kể từ đó, ngày qua ngày, người dân Bình Giã chứng kiến vị linh mục trẻ lúc trời còn mờ sương nơi thánh đường, buổi sáng với phấn trắng bảng đen ở Trường Tấn Đức (Vinh Châu), Trường Hồng Lĩnh (Vinh Trung), buổi chiều thì tay cày vai cuốc trên ruộng đồng nương rẫy, và buổi tối cần mẫn nơi những ngôi nhà nguyện trong các lớp giáo lý.
Không lâu sau đó, Cha Gioan Phanxicô cùng 02 người anh em khác trong Dòng Phanxicô là Thầy Giuse Phạm Văn Bình và Thầy Luy Nguyễn Kim Hoàng đã dấn thân phục vụ cộng đoàn vùng kinh tế mới Xuân Sơn. Xuân Sơn thời ấy là vùng kinh tế mới, quy tụ bà con chủ yếu từ Giáo phận Vinh và Giáo phận Hà Nội đến khai phá lập cư. Và đến năm 1986, Giáo xứ Xuân Sơn đã được thành lập.
Chia sẻ với cộng đoàn hiện diện, những người đã gắn bó với Cha cách này cách khác tại Bình Giã – Xuân Sơn này, Cha coi đây là cơ hội để nói lên lời tự thuật, “vừa là để tuyên xưng các ơn Chúa đã ban, vừa xưng thú các lỗi lầm đã phạm”. Khi nhắc lại những ngày xưa ấy, đã có những giọt nước mắt để cảm tạ Chúa vì Người luôn quan phòng, dìu dắt, nâng đỡ Cha trên những bước chân của đời dâng hiến và phục vụ. Cha tâm sự: “Ở Xuân Sơn này, tôi đã được sống với những người đã phải rời thành phố đi kinh tế mới. Tôi đã học được giá trị của lao động, tôi đã biết thế nào là tự hào về thành quả do chính tay mình làm ra. Các anh em chúng tôi lúc ấy có thể mạnh dạn nói như Thánh Phaolô: ‘Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em’ (2 Tx 3.8)…. Cha chia sẻ tiếp: “Anh chị em đã cho tôi, một anh Bắc Kỳ mềm dẻo, thấy thế nào là kiên cường bất khuất, thấy thế nào là chấp nhận thiếu thốn để xây cho được một ngôi nhà xứng đáng cho Chúa ngự”.
Và cũng rất khó để viết về cảm xúc của những người hiện diện trong thánh lễ tạ ơn này, những linh mục, tu sĩ, giáo dân đã được Cha đồng hành, dìu dắt, đặc biệt những ai đã chia sẻ với Cha những biến cố vui buồn của những ngày đầu trên mảnh đất Xuân Sơn.
Sau khi chia tay mảnh đất Xuân Sơn nhiều kỷ niệm, với thao thức truyền giáo, Cha Gioan Phanxicô đã tiếp tục hành trình đời mình ở nhiều nơi: Hết Bỉ cho đến Myanmar rồi sống ở Thái Lan, và sắp tới trở về với quê hương bên những người anh em ở Hà Nội.
Trải qua hành trình 50 năm, người linh mục già hôm nay vẫn giữ nụ cười tươi trẻ, ấm áp, dù mang nặng những vết thương trên thân thể. Ngài vẫn như áy náy chưa đáp trọn Tình Chúa. Gói trọn mọi tâm tình, Cha chỉ biết nói lên cách ngắn gọn: “Cảm tạ Chúa, cám ơn đời, đã cho con được làm người, được làm con Chúa, để được yêu, được thương”.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha Phêrô Lê Đình Trị OFM, thay lời cho cộng đoàn hiện diện dâng lời chúc mừng quý Cha và Thầy trong ngày hồng phúc Kim khánh Khấn Dòng. Đặc biệt, Cha Phêrô thay mặt cho tất cả những người con của mảnh đất Xuân Sơn, bày tỏ tấm lòng tri ân Cha Gioan Phanxicô, vì tất cả mọi sự, vì những điều tốt đẹp mà Cha đã dành cho cộng đoàn, cho các gia đình, cho từng người trong suốt gần 30 năm hiện diện và phục vụ nơi đây. Cám ơn Cha vì công lao khai phá thuở ban đầu, để vùng Xuân Sơn hôm nay trở thành một phần phong phú của giáo hội, với 6 giáo xứ và giáo họ biệt lập, hàng trăm linh mục tu sĩ đang tu học và phục vụ giáo hội khắp nơi, cùng biết bao con người đang cùng nhau đắp xây cuộc đời theo tinh thần Phúc âm.
Cúi xin Chúa giữ gìn Cha, người đã dành trọn đời mình để phụng sự Chúa trong khó nghèo, theo gương Cha Thánh Phanxicô.
Lộc AnHà