40 ngày Chay Thánh cùng Chân phước Gioan Phaolô II
Thứ Năm Tuần Thánh
Thánh Thể Là Mầu Nhiệm Đức Tin Và Tình Yêu
Luật dùng bữa Vượt qua. (x.Xh 12:1-6. 11-14)
Chén chúc tụng của chúng ta là sự thông hiệp máu Chúa Kitô. (x.Tv 115)
Người đã bày tỏ tình yêu của Người đối với họ cho đến tận cùng. (x.Ga 13:1-15)
“Đây là mình Thầy hi sinh vì anh em. Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”. (x.1Cr 11:23-26)
“ Con sốt sắng thờ lạy Ngài, lạy Thiên tính giấu ẩn, che khuất dưới bề ngoài này”.
Chiều hôm nay, chúng ta sống lại Bữa Tối cuối cùng, khi trong đêm bị trao nộp, Đấng Cứu thế để lại cho chúng ta Hy lễ Thánh thể là Mình và Máu người, để tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Người, một bí tích của tình yêu, dấu chỉ của sự hiệp nhất và mối dây bác ái (x. Sacrosanctum Concilium, 47).
Các bài đọc của cử hành hôm nay đều nói về các nghi lễ và những việc làm đã được qui định để ghi khắc trong lịch sử kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sách Xuất hành thuật lại một tài liệu thuộc truyền thống tư tế, trong đó thiết lập những luật lệ để cử hành lễ Vượt qua Do Thái. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô để lại cho Giáo hội chứng từ cổ nhất về bữa tiệc Vượt qua mới của Kitô giáo; đó là nghi lễ giao ước mới và vĩnh cửu, do Chúa Giêsu thiết lập tại căn phòng Tiệc ly trước khi chịu khổ nạn. Cuối cùng, được Chúa Thánh Thần soi sáng, thánh sử Gioan tóm lược ý nghĩa sâu xa lễ hiến tế của Chúa Kitô trong hành vi “rửa chân”.
Đó là lễ Vượt qua của Chúa, có nguồn gốc trong lịch sử của dân tộc Israel và nên trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô, Con Chiên của Thiên Chúa hi sinh vì ơn cứu độ chúng ta.
Giáo hội sống nhờ Thánh Thể. Do tác vụ của các Tông đồ và các đấng kế vị, trong một loạt liên tục bắt đầu từ phòng Tiệc ly, những lời nói và hành động của Chúa Kitô được lặp lại, đi theo hành trình của Giáo hội, để trao tặng Bánh sự sống cho con người thuộc mọi thế hệ. “Đây là mình Thầy bị trao nộp vì anh em. Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy…Chén này là giao ước mới trong máu Thầy. Mỗi khi anh em uống máu này, hãy làm để nhớ đến Thầy” (1Cr 11:24-25).
Nhắc lại hi sinh trên thập giá của Chúa Giêsu dưới dạng bí tích, Thánh thể là đỉnh cao của công cuộc cứu chuộc: Thánh thể loan báo và thực hiện mầu nhiệm vốn là nguồn sự sống cho mọi người. Thực vậy, mỗi lần chúng ta ăn bánh và uống chén này, chúng ta công bố cái chết của Người, cho tới khi Người đến (x. 1Cr 11:26).
Sau khi truyền phép, linh mục tuyên bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin”, và dân chúng đáp “Chúa Kitô đã chết, Chúa Kitô sống lại, Chúa Kitô sẽ lại đến”.
Phải, hôm nay chúng ta hiểu một cách đặc biệt rằng “mầu nhiệm đức tin” thực là cao cả, và sự đơn giản của các biểu tượng Thánh thể – bánh và rượu – nhằm để nhấn mạnh hơn đến chiều sâu của nó…
Quyền năng ban sự sống nơi cái chết của Chúa Kitô! Quyền năng thanh tẩy của máu Chúa Kitô nhận được sự tha thứ tội lỗi cho con người thuộc mọi thời và mọi nơi. Sự cao cà của hi sinh cứu chuộc…Mầu nhiệm tình yêu này, “không thể hiểu được” đối với con người, được trao tặng hoàn toàn trong bí tích Thánh thể. Kitô hữu được mời gọi dừng bước trước Thánh thể chiều nay, để thinh lặng thờ lạy…Đây là đức tin của Giáo hội. Đây là đức tin của mỗi người chúng ta trước mầu nhiệm Thánh thể siêu phàm. Lời lẽ hãy dừng lại và hãy kéo dài sự thờ lạy. Trong thinh lặng.
Bài giảng, Thứ năm Tuần thánh, 01-04-1999
Nguồn: daminhvn.net