40 ngày Chay Thánh cùng Chân phước Gioan Phaolô II
Thứ Bảy tuần V Mùa Chay
Tin Mừng Là Lịch Sử Có Ý Nghĩa Siêu Việt
Ta sẽ làm cho chúng trở thành một dân tộc. (x. Ed 37: 21-28)
Chúa sẽ bảo vệ chúng ta, như mục tử bảo vệ đoàn chiên. (x.Gr 31: 10-13).
“Ông nói tiên tri rằng Chúa Giêsu sẽ phải chết (cho dân, nhưng không phải cho dân mà thôi, mà) để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi” (x.Ga 11: 45-56)
Chúng ta tuyên xưng chúng ta tin vào sự thật chủ yếu trong sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu Kitô: Người là Đấng cứu chuộc thế giới nhờ cái chết trên thập giá. Chúng ta tuyên xưng điều đó trong kinh tin kính công đồng Constantinopoli, theo đó, Đức Giêsu Kitô “vì chúng ta chịu đóng đinh dưới thời Phongxiô Philatô, chịu chết và mai táng”. Khi tuyên xưng niềm tin này, chúng ta tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu như một biến cố lịch sử. Biến cố này, cũng như cuộc đời của Người, chúng ta biết đến nhờ nguồn mạch lịch sử chắc chắn và uy tín. Dựa trên căn bản của những nguồn này, chúng ta có thể và mong ước biết và hiểu những hoàn cảnh lịch sử chung quanh cái chết ấy, mà chúng ta tin đó là “cái giá” để cứu chuộc nhân loại ở mọi thời.
Khi Chúa Giêsu tuyên bố Người có quyền tha tội, các luật sĩ coi đó là lộng ngôn, bởi vì duy mình Thiên Chúa mới có quyền đó (x. Mc 2:6). Khi Người làm phép lạ trong ngày Sabbath, khẳng định rằng “con người là chủ ngày Sabbath” (Mt 12:8), phản ứng của người ta cũng tương tự. Từ lúc đó, ý định giết Đức Giêsu đã rõ ràng (x. Mc 3:6): “Họ tìm cách giết Người, không phải vì Người phá luật ngày Sabbath, nhưng còn vì gọi Thiên Chúa là Cha Người, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5:18). Ý nghĩa của những lời này có gì khác hơn: “Quả thật, quả thật, tôi bảo các ông, trước khi có Abraham, tôi hiện hữu” (Ga 8:58). Thính giả của Người hiểu rất rõ ý nghĩa của lời “Tôi hiện hữu”. Vì thế, Chúa Giêsu có nguy cơ bị ném đá. Thế nhưng lần này, Chúa Giêsu ẩn mình đi, và ra khỏi đền thờ”( Ga 8:59).
Sự kiện sau cùng đẩy câu chuyện lên cao và đưa tới quyết định giết Chúa Giêsu là việc Người phục sinh ông Lazarô đã chết tại Betany. Tin mừng Gioan cho chúng ta biết rằng trong buổi họp sau cùng của Nghị viện, người ta khẳng định: “Người này đã làm nhiều dấu lạ. Nếu ta để cho ông ta đi như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta, rồi người Rôma sẽ đến hủy diệt cả nơi thánh lẫn dân tộc chúng ta”. Trong dự đoán và vì sợ hãi, thượng tế Caiphas nói với họ: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn để toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11: 47-50).Thánh sử thêm: “Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày họ quyết định giết Đức Giêsu” (Ga 11: 51-53).
Như vậy Gioan cho chúng ta biết hai mặt trong lập trường của Caiphas. Từ quan điểm nhân loại, một quan điểm có thể mô tả chính xác hơn là kẻ cơ hội, đó là một cố gắng để biện minh cho việc loại trừ một con người bị coi là nguy hiểm về phương diện chính trị, bất kể đến sự vô tội của họ. Từ một cái nhìn cao hơn, theo nhận định của thánh sử, những lời nói của Caiphas, một cách độc lập trong ý nghĩa của ông ta, có một nội dung tiên tri thục sự liên quan đến mầu nhiệm cái chết của Chúa Kitô theo như kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Tiếp kiến chung, 28-09-1988