Các nhân vật trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu
Kính gửi quý độc giả ba bài tĩnh tâm Mùa Chay của Lm FX Vũ Phan Long, OFM, theo chủ đề “Các nhân vật trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu theo Tin Mừng thánh Luca”.
Bài 1
“Đích thân gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô một lần nữa”:
Phêrô chối Đức Giêsu (Luca 22,54-62)
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, trong phần Mở đầu (s. 3), đã mời gọi: “Tôi mời gọi hết thảy mọi Kitô hữu, dù ở bất cứ nơi nào, ngay vào lúc này, hãy đích thân gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô một lần nữa, hay ít ra, mở rộng lòng mình để cho Người gặp gỡ mình… Xin đừng ai nghĩ rằng lời mời gọi này không có ý nghĩa gì đối với mình, bởi vì “không ai bị loại ra khỏi niềm vui Chúa mang đến”. Chúa không để cho ai mạnh dạn đến với Người mà phải thất vọng cả, hễ khi nào chúng ta bước một bước đến Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng Người luôn luôn ở đó rồi, mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Đây là giây phút để thân thưa với Đức Giêsu Kitô: “Lạy Chúa, con đã để cho mình bị lừa dối; bằng muôn ngàn cách con đã lảng tránh tình yêu Chúa, nhưng con ở đây một lần nữa để làm mới lại giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đón nhận con một lần nữa trong vòng tay cứu độ của Chúa”.
Trong ngày đầu tiên hôm nay, chúng ta sẽ tìm cách đáp trả lời mời gọi của Đức Thánh Cha, dựa vào kinh nghiệm của thánh Phêrô trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, mà thánh Luca kể lại (Lc 22,54-62).
1.- Tại bữa ăn tối và tại núi Ôliu
Trong bữa ăn tối, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (Lc 22,34). Lời tuyên bố này gây sốc mạnh cho Phêrô. Bởi vì Phêrô vẫn chỉ có một lòng một dạ với Thầy, ông chỉ bận tâm đến niềm an vui của Thầy. Do đó, ông cảm thấy rất đau khi nghe một lời tiên báo như thế.
Dù sao ông cũng có mặt trong số những người nghe Đức Giêsu dặn dò sau đó (22,35-38). Rồi ông vẫn có mặt trong nhóm các môn đệ đi theo Đức Giêsu ra núi Ôliu (22,39). Ông cũng có mặt giữa tất cả các môn đệ khác “đang ngủ vì buồn phiền” (22,45) khi Đức Giêsu đi cầu nguyện, vì ở trong TM Lc, Đức Giêsu không chọn riêng ba môn đệ thân tín mà đưa đi cầu nguyện (Phêrô, Giacôbê và Gioan).
Thế rồi đám đông đến bắt Đức Giêsu. Tin Mừng Mc và Mt bảo rằng khi Đức Giêsu bị bắt, “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mc 15,40; x. Mt 26,56), còn trong TM Lc, không hề có việc các môn đệ chạy trốn. Trái lại, sau khi Đức Giêsu tắt thở, tác giả ghi là “đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê; các bà đã chứng kiến những việc ấy” (23,49). “Tất cả những người quen biết”: hẳn là có các môn đệ, và như thế các ông đã không bỏ Đức Giêsu, cũng đã không chạy trốn. Đến đây chúng ta chỉ còn gặp Phêrô thôi. Từ Lc 22,54 đến 23,49, nghĩa là từ khi Đức Giêsu bị đưa ra tòa cho đến khi Người tắt thở, tác giả chỉ nói đến Phêrô mà thôi.
Phêrô “theo Đức Giêsu xa xa” (22,54). Cho dù có “theo xa xa”, ông vẫn đang tỏ ra là môn đệ, và như thế ông đã ông chân thành khi thưa với Đức Giêsu tại bữa ăn tối: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (22,33). Khi theo Đức Giêsu xa xa, Phêrô vẫn duy trì mối dây liên kết ông chặt chẽ với Đức Giêsu từ Galilê.
2.- Tại sân dinh Thượng Tế
“Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ” (22,55). Thế là Phêrô đã đổi trại, đổi phe! Bây giờ không còn di chuyển nữa, Phêrô đã ngưng đi theo Đức Giêsu. Trong khi ở tại núi Ôliu, ông ở giữa các môn đệ, bây giờ ở tại sân dinh Thượng Tế, ông ở giữa “những kẻ đã đi bắt” Người (22,52). Thế là thử thách bắt đầu.
“Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy (syn autô) đấy !”” (22,56). Là người đứng đầu danh sách mười hai tông đồ (6,14), Phêrô đã ở “với Người” (8,1) hơn bất cứ môn đệ nào khác. Cùng với Giacôbê và Gioan, ông đã ở trong nhóm được Đức Giêsu cho đi vào nhà ông Gia-ia “với Người” (8,5). Vào bữa ăn cuối cùng, Phêrô và các tông đồ khác đã vào bàn “với Người” (22,14). Thế mà bây giờ Phêrô “liền chối (arneomai): “Này cô, tôi không biết ông ấy!”” (22,57). Một lời chối thẳng thắn.
Trong khi Đức Giêsu đi đường tiến về nhà ông Gia-ia, và khi Người hỏi: “Ai là người đã sờ vào tôi?” (8,45), “mọi người đều chối” (8,45), nhưng “ông Phêrô nói: “Lạy Thầy, đám đông dân chúng xô đẩy, chen lấn Thầy đấy!”” (8,45). Như vậy, khác với các bạn đồng hành, Phêrô không chối. Nhưng trong khi người phụ nữ được chữa lành chứng băng huyết “kể lại trước mặt toàn dân lý do tại sao bà đã sờ vào Đức Giêsu, và bà đã được khỏi bệnh tức khắc như thế nào” (8,47), Phêrô lại không thể làm chứng gì cả, bởi vì không như Đức Giêsu và người phụ nữ lành bệnh, ông không cảm nhận được một sức mạnh xuất phát từ Đức Giêsu (x. 8,46). Sau này, trong sách Cv, sau khi chữa lành người què tại Cửa Đẹp Đền Thờ, toàn dân nhìn chằm chằm vào Phêrô và Gioan giống như người tớ gái đã nhìn Phêrô khi ông ngồi sưởi: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, […] sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi? […] Chính danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp” (Cv 3,12.16).
Nhưng vào giờ của quyền lực bóng tối (Lc 22,53), Phêrô không thể nêu ra một chứng từ như thế. Chính vì thế ông chối là không biết Đức Giêsu. Như vậy, ông đã cởi bỏ dây liên kết ông với Đức Giêsu. Khi chối là không biết Người, Phêrô đã loại bỏ lệnh Người truyền ở 12,4-5: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa […]. Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục”. Ông cũng không nhớ đến lời cảnh bảo của Đức Giêsu: “Ai chối bỏ Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên sứ của Thiên Chúa” (12,9). Cuối cùng, ông xác nhận cho lời tiên báo của Đức Giêsu: “Hôm nay gà chưa gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (22,34). Khái niệm arneomai, “chối”, thường quy chiếu về một con người, hơn là về một sự vật. Và hành vi “chối” giả thiết có một quan hệ có trước về vâng phục và trung thành; hành vi “chối” chỉ xảy ra sau khi đã có việc nhận biết người kia và dấn thân theo người ấy.
Cách diễn tả lời chối thứ hai khác với cách diễn tả lời chối đầu. “Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc nhóm họ!” Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này anh, không phải đâu!”” (22,58). Khi nói như thế, ông chỉ trực tiếp chối “nhóm họ”, tức các môn đệ, nhưng cũng là gián tiếp chối Đức Giêsu. Ở 9,23, Đức Giêsu đã bảo: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ (chối) chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Khi di vào sân dinh Thượng tế, Phêrô đã ngồi xuống, ông đã thôi bước theo Đức Giêsu. Thay vì chối chính mình, ông chối là không biết Đức Giêsu. Nhưng khi làm như vậy, ông cũng chối tư cách môn đệ của mình. Khi từ chối vác thập giá mà bước theo Đức Giêsu “dầu có phải vào tù hay phải chết” (22,33), ông chối một phần quan trọng của chân tính của ông. “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (9,24).
Lần chối thứ ba và là lần cuối cùng xảy ra “chừng một giờ sau” (22,59). Khi đó, “có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê” (22,59). Mỉa mai thay, lời này nhắc lại lời Phêrô tuyên bố ở 22,33: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng”. Trong khi người thứ hai nói với Phêrô ở ngôi thứ hai, người thứ ba cũng như người tớ gái đã khiến Phêrô phải chối lần đầu, đều nói về Phêrô chứ không nói với Phêrô: họ nói ở ngôi thứ ba. Và cũng như trong trường hợp thứ nhất, vấn đề là dây liên hệ riêng tư với Đức Giêsu, chứ không phải như trong trường hợp thứ hai với vấn đề là dây liên hệ của ông với các môn đệ của Đức Giêsu. Cuối cùng, thì câu trả lời của Phêrô ở đây cũng giống như trong trường hợp thứ nhất. Ông đã nói với người tớ gái: “Này cô, tôi không biết ông ấy” (22,57). Bây giờ ông nói với người kia, tuy bằng là một cách “đánh trống lảng”: “Này anh, tôi không biết anh muốn nói gì!” (22,60), nhưng cũng gián tiếp chối là không biết Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã tiên báo là Phêrô sẽ chối ba lần là không biết Người (22,34). Như thế, Người đã không lầm về số lần chối. Nhưng Phêrô chỉ chối có một lần rõ ràng là “không biết Đức Giêsu” (22,57). Còn hai lần cuối dường như không nặng nề như lần đầu; như thế, mức trầm trọng giảm nhẹ dần. Khi Phêrô trả lời người thứ ba, “ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy” (22,60). Đức Giêsu cũng nói đúng về thời gian chối ba lần: “Hôm nay gà chưa gáy, thì đã ba lần anh chối […]” (22,34).
Vào lúc gà gáy, “Chúa quay lại nhìn ông Phêrô” (22,61). Cũng như ở 12,42, tác giả gọi Đức Giêsu bằng “Chúa”. Nhưng trong khi ở 12,42-48, Chúa đáp lại một câu hỏi của Phêrô, ở đây Người chỉ nhìn ông trong thinh lặng. Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu nhìn Phêrô. Ở 5,2, trong truyện dành một chỗ quan trọng cho lời của Đức Giêsu, Đức Giêsu đã nhìn thấy “những người đánh cá (có Phêrô…) đang giặt lưới”. Vào dịp đó, “thấy mẻ cá vừa bắt được” (5,9), “Simôn Phêrô phủ phục dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”” (5,8). Ở 22,61, không có đối thoại giữa Đức Giêsu và Phêrô, nhưng sau khi cái nhìn của một nữ tỳ (22,56: “thấy ông”) và của một ông thứ hai (22,58: “có người khác thấy ông”) đã đưa tới hai lần chối đầu tiên của Phêrô, thì cái nhìn của Chúa làm ông nhớ lại: “Chúa quay lại nhìn ông Phêrô, ông Phêrô sực nhớ lời Chúa đã nói với mình: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy đến ba lần” (22,61). Nhớ lại lời Chúa, Phêrô ý thức cách đau đớn về tội của mình.
Kể từ 22,53, với lời tuyên bố “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tăm tối”, Đức Giêsu không hành động như một nhân vật nữa. Các đèn pha rọi thẳng vào Phêrô. Nhờ lời nhắc về cái nhìn của Chúa và lời trích lại những gì Người đã nói, Đức Giêsu lại có những dánh dấp của một ngôn sứ và lại trở thành nhân vật chính của câu truyện này. Thật ra, những kẻ từ hồi đêm đã bắt Đức Giêsu vẫn đang hành hạ Người và thách thức Người như là ngôn sứ (22,63-65).
Vậy, cái nhìn của Chúa đã thức tỉnh ký ức của Phêrô. “Ông sực nhớ lời Chúa đã nói với mình” (22,61), “ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (22,62).
Một khoảng cách đã được thiết lập giữa Đức Giêsu và Phêrô: Phêrô thì ở ngoài, còn Đức Giêsu một mình ở bên trong sân dinh thầy Thượng Tế.
3.- Ra khỏi sân dinh Thượng Tế
Việc Phêrô đi ra ngoài có hai vai trò:
1) Một đàng, việc Phêrô đi ra ngoài đánh dấu bước đầu ông trở lại như Đức Giêsu đã tiên báo ở 22,32. Nói là “bước đầu” bởi vì các giọt nước mắt cay đắng của Phêrô không phải là dấu chỉ cho thấy là ông đã hoàn toàn thoát khỏi cú sàng của Satan. Quả thật, ký ức của Phêrô đã thức tỉnh nhưng chưa trọn vẹn. Cho lúc này, dường như ông mới chỉ có thể nhớ lại những gì Chúa đã báo trước cho ông trong bữa tối cuối cùng mà thôi.
2) Đàng khác, việc Phêrô đi ra ngoài giúp ông tránh khỏi đồng lõa với những người sẽ chế nhạo Đức Giêsu và xét xử Người. Chúng ta đã thấy việc Phêrô đi vào sân dinh Thượng Tế là như một việc chuyển sang bên đối phương. Khi ngồi quanh bếp lửa với những người khác, ông đã ngưng bước theo Đức Giêsu và có thể nói đã kết nghĩa với “các kẻ đã đến bắt Người, là các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục” (22,52). Như vậy, khi đi ra khỏi sân như thế, Phêrô đã thực hiện một di chuyển tích cực. Ngược lại với các tác giả Tin Mừng khác, Lc kể ba lần Phêrô chối Đức Giêsu (22,56-62) trước khi xảy ra việc người ta chế nhạo Người (22,63-65) và trước khi người ta xử Người (22,66-71). Như thế, khi đi ra khỏi sân dinh Thượng Tế, Phêrô đã giữ khoảng cách với Đức Giêsu, đúng vậy, nhưng cũng giữ khoảng cách với định chế Do Thái khi họ sắp đưa Thầy ông đến chỗ chết.
Theo cách kết cấu của Lc, ba lần Phêrô chối Đức Giêsu đóng một vai trò tích cực. Nếu Phêrô đã mất lòng tin nơi Thầy ông, cái nhìn của Chúa trên ông chẳng sinh hiệu quả gì. Nhưng chuyện không phải là như thế, bởi vì việc chối Thầy đã phát động một tiến trình hoán cải nơi Phêrô. Và khởi đầu của tiến trình này tránh cho Phêrô khỏi giống như Giuđa trở thành đồng lõa với các kẻ giết Thầy. Tất cả chuyện này có được là nhờ lời cầu nguyện của Đức Giêsu.
4.- Kết luận
Hôm nay Đức Giêsu cũng đang nhìn chúng ta. Chúng ta cần phải nhận ra là chúng ta đang ngồi ở đâu: một cách bố trí cuộc sống giống như một bếp lửa sưởi ấm, những người bạn dễ dãi thoải mái, những người đồng lõa trong điều xấu …, những yếu tố đó đã làm cho ta quên bước đi theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu. Người đang nhìn chúng ta. Chúng ta phải ra khỏi cảnh sống đó để bắt đầu kiến thiết lại đời môn đệ. Phải trở lại sống dưới mắt Đức Giêsu. Phải nhớ lại niềm vui của thiên đàng, của Thiên Chúa, khi đón nhận lại một người tội lỗi sám hối.
Đức Thánh Cha Phanxicô dạy: “Thật tốt đẹp biết bao được trở lại với Chúa mỗi khi chúng ta lầm đường lạc lối! Tôi xin nhắc lại một lần nữa: Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta mà không hề biết chán, chính chúng ta mới cảm thấy chán khi cầu xin lòng thương xót của Người. Đấng bảo chúng ta hãy tha thứ cho nhau đến “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22) chính Người nêu gương cho chúng ta: Chúa tha thứ bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác, Người vác chúng ta trên đôi vai êm ái của Người. Không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta phẩm giá mà tình yêu vô hạn và bền vững này ban cho chúng ta. Với một tấm lòng trìu mến không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng nhưng luôn luôn hoàn lại niềm vui cho chúng ta, Người cho phép chúng ta ngẩng cao đầu và bắt đầu lại. Chúng ta đừng chạy trốn sự Sống Lại của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc, điều gì đến rồi sẽ đến. Không có gì khơi nguồn cảm hứng ngoài sự sống của Người thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước!” (EG số 3).
Bài 2
“Chứng từ của các cộng đoàn huynh đệ và hòa giải”
Những con người có mặt trên Đồi Sọ (Lc 23,35-54)
Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô dạy: “Những người bị tổn thương vì những chia rẽ cổ xưa thấy rất khó chấp nhận việc chúng ta kêu gọi họ tha thứ và hòa giải, bởi vì họ nghĩ rằng chúng ta coi thường những đau khổ của họ hoặc giả vờ như mất trí nhớ về những lý tưởng của họ. Nhưng nếu họ nhìn thấy những chứng từ của các cộng đoàn huynh đệ và hòa giải thật sự, điều này luôn luôn là một ánh sáng hấp dẫn. Vì vậy, tôi cảm thấy rất đau lòng khi khám phá ra rằng làm sao trong một số cộng đoàn Kitô hữu và thậm chí giữa những người được thánh hiến, còn có chỗ cho các hình thức khác nhau của hận thù, chia rẽ, vu khống, nói xấu, trả thù, ghen ghét, mong muốn áp đặt ý tưởng của mình với bất cứ giá nào, để đàn áp tương tự như một cuộc tróc nã phù thủy không thương xót. Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai với những hành vi như thế?” (số 100)
“Coi trọng và yêu thương người khác”, một điều dường như đơn giản và dễ dàng quá? Nhưng chúng ta thử nhìn lên quang cảnh Đồi Sọ hôm Đức Giêsu bị đóng đinh xem chuyện “coi trọng và yêu thương người khác” có thật sự dễ dàng không, nêu ra chứng từ về đời sống cộng đoàn huynh đệ và hòa giải có đơn giản chăng.
1.- Các “bóng tối” trên Đồi Sọ
Tin Mừng Luca viết: “Vào khoảng mười hai giờ trưa, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất” (23,44). Bóng tối như một hiện tượng thiên nhiên ấy không là gì so với bóng tối trong lòng những con người.
Chỉ có một tia sáng mờ đục: “Dân chúng đứng nhìn”. Họ không cười nhạo hay chế giễu Đức Giêsu. Đấy là một tia sáng mờ đục. Còn toàn là bóng tối.
Bóng tối thứ nhất. Cho dù là kẻ có tội tày trời, cho dù đó là kẻ thù không đội trời chung, nhưng bị đóng đinh tức là chịu một kiểu hành hình tàn bạo nhất, đau đớn nhất và nhục nhã nhất, và người đó đang hấp hối, thế mà các thủ lãnh Do Thái giáo vẫn cười nhạo miệt thị: họ khoan khoái vì đã khử trừ được một cái gai, một thứ “kỳ đà cản mũi”, họ đang say sưa men chiến thắng. Câu nói chế nhạo sau đây trở đi trở lại như một điệp khúc: “Nếu mi là Đấng Kitô thì hãy chứng tỏ sức mạnh của mình đi!” Lương tâm họ thế nào mà không cảm thấy xót xa cho một kẻ chết thê thảm như thế? Ít ra cũng buông được tiếng thở dài thương cảm chứ? Họ thích chí khi thấy đối thủ “ngã ngựa”. Những thủ lãnh tôn giáo, những người suốt ngày đọc Kinh Thánh, những người suốt ngày tiếp cận với sự linh thánh, với thế giới Thiên Chúa, họ đang giới thiệu được gì về Thiên Chúa? Hẳn là họ nhớ các quy định của luật chứ? Xh 23,1-2 dạy: “Ngươi không được phao tin đồn nhảm. Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu. Ngươi không được hùa theo số đông để làm điều trái; trong một vụ kiện, ngươi không được ngả theo số đông mà làm chứng, khiến công lý bị sai lệch”. Đối với kẻ thù, Xh 23,4-5: “Nếu gặp bò hay lừa của kẻ thù đi lạc, ngươi phải dẫn nó về cho người ấy. Nếu thấy lừa của kẻ ghét ngươi quỵ ngã vì chở nặng, ngươi không được để mặc người ấy; ngươi phải giúp người ấy đỡ lừa dậy”. Con bò con lừa của kẻ thù mà còn phải giúp đỡ, còn chính kẻ thù thì gí cho đến chết! Các thủ lãnh tôn giáo này có thật sự sống dưới con mắt Chúa không? Thật ra họ cũng chỉ là đại diện của vô vàn kẻ có quyền thế, tưởng là phục vụ hạnh phúc của người khác, nhưng chỉ củng cố đia vị của mình bằng mọi giá. “Chúa của họ” thật ra là “cái tôi” của họ.
Bóng tối thứ hai. Lính tráng cũng chế giễu Đức Giêsu. Đức Giêsu với họ chẳng có xung đột gì cả, nhưng họ đã quá quen làm những chuyện xử tử như thế này rồi. Trong lòng họ, không còn chỗ cho sự thương cảm. Đây chỉ là công việc thôi mà! Đưa một con người sang thế giới bên kia bằng phương tiện tàn khốc nhất, mà chỉ là công việc sao? Trong tập truyện Vang bóng một thời, năm 1939, Nguyễn Tuân có đăng một tiểu truyện nhan đề “Chém treo ngành”: Vào cái thời tử tội còn bị chém đầu bằng đao, có một đao phủ chém đầu rất giỏi, ông trân trọng kẻ tử tội nên chém làm sao đề còn một miếng da cổ giữ cho thủ cấp họ khỏi rơi xuống đất! Đàng này toán lính Rôma chế giễu kẻ đang hấp hối: “Nếu mi là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” (23,37). Họ nói thế vì họ nắm bản án: “Đây là vua người Do Thái” (23,38). Họ còn đóng kịch như dâng rượu lên đức vua, để chế nhạo Người. Thật ra ngay cả tấm biển ghi bản án, “Đây là vua dân Do Thái”, thật ra là một cái danh hiệu đầy mỉa mai do quan Philatô tạo ra (x. Ga 19,15.19.22).
Bóng tối thứ ba. Còn hai kẻ tử tội bị đóng đinh hai bên Đức Giêsu thì sao? Có lẽ chưa bao giờ con người lại gần Thiên Chúa như hai anh ấy. Anh nào cũng chỉ cần nghiêng sang một chút, nghiêng sang bên phải hoặc bên trái, là cũng thấy Đức Giêsu đội vòng gai, bình thản chịu đau đớn và chấp nhận mọi sỉ nhục của đám đông. Nhưng trong lòng người mà chúng ta gọi là “anh trộm dữ”, dường như chỉ có mỉa mai và tính toán vị kỷ. “Ông không phải là Đấng Kitô sao?”: đấy là mỉa mai thâm độc. “Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23,39): đây là tính toán vị kỷ. Anh ta dùng lại các lời chế nhạo của các thủ lãnh theo hướng có lợi cho anh. Một con người đã bị đóng cứng trên thập giá và sắp chết thì còn có thể giúp đỡ ai?
Loài người sống không dưới con mắt Chúa! Đúng ra, loài người đang xử Thiên Chúa đấy! Mà họ xử thiếu công tâm, họ xử theo lòng dạ họ, theo sự tính toán của họ, theo quyền lợi của họ. Trước tất cả những lời sỉ nhục và thách thức đó, Đức Giêsu không trả lời một tiếng nào. Thật ra Người đã nói trước rồi, một câu nói bao trùm tất cả vụ xử án quái dị và khôi hài này: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trước mắt Thiên Chúa, chắc chắn những tiếng cười mỉa nhạo báng của các thủ lãnh là đáng kinh tởm, lời chế giễu của toán lính là không thể chấp nhận, lời mỉa mai pha trộn tính toán vị kỷ của tên gian phi là quái gở. Nhưng dưới mắt Đức Giêsu, tất cả đều lầm: Nếu họ biết con người trên thập giá kia thực sự là ai, hẳn họ không dám tỏ ra như thế đâu. Do đo, con không chấp những lời họ thách thức; xin Cha cũng đừng chấp những lời họ thách thức. Trong Vương quốc Thiên Chúa, nổi bật những quy luật khác; mọi giá trị đều bị đảo ngược. Quyền năng Thiên Chúa không được tỏ bày ra bằng cách làm những gì loài người yêu cầu, hay thậm chí thách thức. Không bao giờ Đức Giêsu lại đầy quyền lực cho bằng khi Người bị đóng đinh trên thập giá và để cho cơn say chiến thắng của các đối thủ đổ ào trên mình.
Đã qua rồi thời gian Người tranh luận với các người Pharisêu và chiến thắng họ bằng những lập luận sắc bén, khiến thính giả hứng thú cười rộ. Đã qua rồi những khoảnh khắc các thủ lãnh tôn giáo phải bẽ mặt khi Đức Giêsu làm các phép lạ để chứng minh lời Người nói. Vào lúc này, chẳng có chuyện gì xảy ra cả, chẳng có một phép lạ nào cả. Giờ của loài người đã đến, giờ của loài người mà không có Thiên Chúa thì là “thời của quyền lực tối tăm” (22,53). Mọi bản năng thấp hèn của con người được tháo xiềng. Các đối thủ của Người chiến thắng trên mọi mặt trận. Nhưng đây lại chính là đỉnh cao của quyền lực Thiên Chúa, quyền lực tỏ bày trong sự bất lực. Những bàn tay uy quyền vẫn nắm thế giới trong tay như cầm một hạt đậu phộng, nay bị đóng cứng vào cây gỗ. Những bàn chân có “trái đất là bệ kê”, nay bị đóng chặt vào thân cây khổ giá. Tiếng nói của Đấng Tạo Hóa đã từng làm cho mọi sự từ không nên có, nay chỉ còn là những tiếng rên siết vì đau đớn. Tuy nhiên, sự bất lực này là quyền năng lớn lao nhất, bởi vì đây là sự bất lực được chấp nhận vì yêu thương loài người, để cứu lấy loài người.
“Nếu hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, … Nếu mi là vua dân Do Thái… thì cứu lấy mình đi!”. Hãy chứng tỏ quyền lực của mày! Hãy cho thấy mày có thể làm gì đi!… Ngày xưa cũng như hôm nay, quyền lực vẫn thống trị. Chỉ quyền lực mới mang lại cho lời nói sức mạnh cần thiết. Con người không sống dưới con mắt Chúa, không tin rằng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Con người hôm nay sống dưới mắt nhau nên vẫn muốn có sự kiện, muốn thấy dấu chỉ rõ ràng về quyền lực. Ngay các Tông Đồ cũng không thoát khỏi não trạng đó, vì khi một làng không đón tiếp nhóm, họ đã hỏi Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lc 9,54). Nói chung, các phản ứng như thế chứng tỏ các ông chưa biết Thiên Chúa. Họ đúc ra cho mình một vị Thiên Chúa theo suy tưởng của loài người. Thế nhưng Thiên Chúa hoàn toàn là Thần Khí. Không thể lấy khuôn khổ của lý trí con người mà áp dụng cho Thiên Chúa. Người ta không thể đạt tới Thiên Chúa bằng tưởng tượng và mơ mộng. Các quy luật trần thế về cạnh tranh sẽ thất bại trước mặt Thiên Chúa. Bởi vì Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thì lương thực Người dùng chính là “thi hành ý muốn” của Đấng đã sai phái Người (x. Ga 4,34), cho đến chết trên thập giá; giây phút Người chết trên thập giá cũng chính là giây phút khởi đầu vương quyền của Người. Chính khi Người đạt tới đỉnh cao nhất trong sự vâng phục vào giờ Khổ Nạn là lúc Người bắt đầu hiển trị trong quyền năng. “Thiên Chúa hiển trị trên đỉnh cao thập giá”! Khi tự ý chấp nhận những ràng buộc, những đau khổ, mà không phản kháng, khi tự ý từ khước sự toàn năng, Đức Kitô đã mạc khải trọn vẹn quyền năng Thiên Chúa ra.
Điều khủng khiếp là chính khi Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, cho chính họ, thì họ ra sức chửi rủa Con Thiên Chúa. Chuyện này vẫn đang xảy ra hôm nay khi mà người ta dùng trí tuệ và khả năng làm việc do Thiên Chúa ban mà chống lại Thiên Chúa. Chuyện này vẫn đang xảy ra hôm nay khi trong nhà thờ thì có thánh lễ là mầu nhiệm cứu độ thế giới được tái diễn, mà ngay bên cạnh hay đối diện nhà thờ, người thanh niên công giáo ngồi uống nước, hát karaoke và nói những chuyện ô nhục. Chuyện này cũng đang xảy ra hôm nay khi mà có những kẻ vô công rỗi nghề bình phẩm cay độc những người đang hy sinh thì giờ, tiền bạc và sức lực mà xoa dịu những nỗi đau trên thân xác hay trong tâm hồn người khác.
2.- Các “ánh sáng” trên Đồi Sọ
Thật may mắn. Trong bóng tối dày đặc của trời đất và của lòng người đó, vẫn có những ánh sáng lóe lên.
Ánh sáng đầu tiên xuất hiện ngay bên cạnh Đức Giêsu: người gian phi sám hối, “anh trộm lành”. Chẳng phải vì anh này ở bên phải Đức Giêsu mà anh sám hối; cũng chẳng phải vì ở bên trái Đức Giêsu mà anh kia không sám hối. Tin Mừng không nói bên nào cả. Cái đẹp là trong khi anh kia chỉ thấy Đức Giêsu là một kẻ đáng chửi rủa, thì anh này nhận biết sự thánh thiện của Đức Giêsu, tức là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, điều mà bạn anh và các thủ lãnh tôn giáo không chấp nhận. Anh cũng nhận biết Người là vua khi nói “Giêsu ơi, khi anh vào Nước của anh, xin nhớ đến tôi! (Lc 23,42), điều mà toán lính đưa ra chế giễu.
Ánh sáng kế tiếp là lời viên đại đội trưởng, tức viên chỉ huy toán lính và là chứng nhân cuộc xử tử, tôn vinh Thiên Chúa: “Người này đích thực là người công chính!” “Công chính” đây vừa được hiểu theo nghĩa là “vô tội”, tức là quan điểm của Philatô (23,4.14-15.22), Hêrôđê (23,11) và anh gian phi sám hối (23,41), vừa theo nghĩa là “Đấng được Thiên Chúa tôn vinh”, tức là ông phủ nhận hoàn toàn thái độ “vô đạo” của toán lính dưới quyền.
Ánh sáng thứ ba lúc đầu chỉ mờ đục, đã rạng lên với toàn thể dân chúng: họ không giữ khoảng cách, họ không trung lập, tránh né, vì “khi thấy sự việc đã xảy ra, họ đều đấm ngực trở về” (23,48). Cùng với dân chúng là “các phụ nữ đã đi theo Người từ Galilê” (23.49). Có lẽ các môn đệ và Tông Đồ của Đức Giêsu cũng có đó nhưng họ không được nói đến; họ phải nương vào tư thế của các phụ nữ này thôi: các bà đã và đang “đi theo” Đức Giêsu, các bà công khai trung thành với đời môn đệ của Đức Giêsu, cho đến tận mộ đá.
Ánh sáng cuối cùng đến từ chính giới thủ lãnh: trong khi các thủ lãnh say sưa với cái chết của Đức Giêsu, ông Giôxếp Arimathê, “thành viên của Thượng Hội Đồng, đã không tán thành quyết định và hành động của họ” (23,50-51), ông đi xin thi hài, hạ xác xuống liệm và đưa đi an táng. Một ông Giôxếp này cũng đủ; còn nếu muốn, thì chúng ta có thêm ông Nicôđêmô của Tin Mừng Gioan (Ga 19,39).
3.- Kết
Sống dưới con mắt Chúa, hay sống mà mắt lúc nào cũng nhìn Chúa, sống mà không quên rằng mình là Kitô hữu, là như thế: “Coi trọng và yêu thương người khác”, để rồi nhận ra được sứ điệp về Thiên Chúa từ người khác, nhận ra được chính Thiên Chúa nơi người khác. Làm sao có thể gọi là “coi trọng và yêu thương người khác”, khi chỉ thấy người khác là đối thủ phải loại trừ bằng mọi giá? Làm sao có thể gọi là “coi trọng và yêu thương người khác”, khi chỉ thấy người khác là “công việc” phải giải quyết? Làm sao có thể gọi là “coi trọng và yêu thương người khác”, khi chỉ thấy người khác là kẻ phải phục vụ ta? Thật ra làm sao có thể “coi trọng và yêu thương người khác”, khi mà chính Thiên Chúa người ta còn chẳng kính trọng và yêu thương?
Trên Đồi Sọ hôm ấy, nếu Hoàng đế Rôma được đại diện bởi toán lính vô tâm, các thủ lãnh man rợ, tên gian phi mù quáng, thì Đức Vua Giêsu lại được đại diện bởi anh gian phi biết nhìn thấy, viên sĩ quan có công tâm, dân chúng sám hối, các phụ nữ–môn đệ, và cả Giôxếp Arimathê, thành viên Thượng Hội Đồng biết “mong chờ Nước Thiên Chúa” (23,51) nữa. Chắc chắn là chúng ta ở về phía này chứ? Khi ấy, các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta thật là những cộng đoàn huynh đệ và có sức hòa giải. Khi ấy, dù bóng tối của thế gian có mịt mù, chúng ta vẫn bước vững vàng, vì Đức Giêsu là Ánh sáng đang dẫn đường đưa chúng ta về Thiên Đàng (x. 23,43).
Bài 3
Phục vụ sự sống và bảo vệ phẩm giá con người
Các bà chuẩn bị đi liệm Đức Giêsu (Lc 23,56)
Đã có mặt trên Đồi Sọ để chia sẻ những đau thương của Đức Giêsu cho đến khi Người tắt thở, để phải sống trong bóng tối, nhưng cũng để thấy ánh sáng, chiều nay chúng ta đã đến mộ Đức Giêsu. Tại đây chúng ta chỉ còn gặp ông Giôxếp Arimathê (và có lẽ vài người giúp việc của ông) và các phụ nữ đã đi theo Người từ Galilê; họ đang tẩm liệm thi hài Đức Giêsu để đưa an táng trong mộ đá. Việc các bà đang làm là chuẩn bị hương liệu và dầu thơm để đi tẩm liệm thi hài Đức Giêsu khiến tôi nhớ đến lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với xã hội, bởi sự nhạy cảm, trực giác và một số khả năng của họ, là những gì mà phụ nữ thường trổi vượt hơn nam giới. Chẳng hạn như sự chú ý đặc biệt đến phụ nữ khác, được thể hiện một cách đặc biệt, mặc dù không độc quyền, trong việc sinh sản. Tôi vui mừng vì thấy biết bao phụ nữ chia sẻ trách nhiệm mục vụ với các linh mục, đang góp phần vào việc giúp đỡ các cá nhân, gia đình hoặc các nhóm và có những đóng góp mới về suy tư thần học. Nhưng chúng ta còn phải mở rộng không gian cho một sự hiện diện quyết định hơn của phụ nữ trong Hội Thánh. Bởi vì thiên tài của phụ nữ là điều cần thiết trong tất cả các hình thức của đời sống xã hội…” (số 103).
Chiều hôm nay, khi chiêm ngắm các phụ nữ chuẩn bị đi liệm Đức Giêsu cách đây hơn hai ngàn năm, chúng ta đặc biệt ghi nhận mối quan tâm của người phụ nữ trong việc phục vụ sự sống và bảo vệ phẩm giá con người. Bây giờ chúng ta trở lại với Tin Mừng Luca.
1.- Các phụ nữ đã đến từ Galilê
Sau khi đã đặt Đức Giêsu vào mộ đá, ông Giôxếp Arimathê và các người giúp việc ra về. Chỉ còn lại các bà. Chiều hôm nay không nói được gì về các môn đệ của Đức Giêsu với chứng từ về giáo huấn của Đức Giêsu. Chúng ta đành phải dựa vào các phụ nữ đả nói về đường lối của Đức Giêsu. Tác giả Luca ghi: “Những người phụ nữ đã đến từ Galilê với Người cũng đi theo ông Giôxếp. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị hương liệu và dầu thơm. Nhưng ngày sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền” (Lc 23,55-56).
Các bà này được nhắc hai lần là đã “đi theo Người từ Galilê” (23,49) và “đã đến từ Galilê với Người”. Đây chính là những bà đã được nói đến trước đây (x. Lc 8,2-3): “Cùng đi với Đức Giêsu, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ”. Vậy, Đức Giêsu và các môn đệ có thể thi hành được sứ mạng, là nhờ một phần không nhỏ vào sự giúp đỡ của các bà này. Các bà đã “phục vụ” Đức Giêsu, các bà theo sát kế hoạch của Đức Giêsu nhất, mà đây cũng là kế hoạch của Thiên Chúa. Những người không được nói đến bao nhiêu lại là những người rất gần gũi với Đức Giêsu. Các bà bước theo Đức Giêsu, tức là các bà sống đời môn đệ, các bà hành động mà lại không nói bao nhiêu … Các bà tiếp tục âm thầm đi theo Đức Giêsu lên Giêrusalem và lên Đồi Sọ và sau đó, đã “đi theo” Giôxếp Arimathê, không phải vì đã đổi Thầy, nhưng bởi vì lúc này Giôxếp (và hẳn là cả những người giúp việc) di chuyển thi hài Đức Giêsu vào mộ, nên các bà đi theo ông ấy là để tiếp tục đi theo Đức Giêsu, để tiếp tục phục vụ Người trong những việc cần thiết cuối cùng, ở đây là tẩm liệm lại thi hài. “Nhưng ngày sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền” (23,56): Nói theo kiểu hôm nay, các bà dung hòa được việc giữ đạo, vì giữ điều răn của Thiên Chúa (giữ ngày sabát) với việc bác ái, vì chuẩn bị hương liệu và dầu thơm để tẩm liệm lại thi hài Đức Giêsu. Các bà là điển hình đơn giản và tuyệt đối về đức tin.
Sống dưới con mắt Chúa là như thế đó: trong khi vẫn tôn kính Thiên Chúa, thì cũng chân thành xem có thể làm được gì tốt cho người khác là làm, để người ta sống như là những con người hơn: “Phục vụ sự sống và bảo vệ phẩm giá con người” là như thế. Các bà cũng không phải là những người vô ý vô tứ (“nhanh nhẩu đoảng”!): “Các bà đã chứng kiến những việc ấy (= mọi việc trên Đồi Sọ) … Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào” (23,49b.53b), để sáng hôm sau, khi đi ra mộ, các bà không đến lầm mộ. “Phục vụ sự sống và bảo vệ phẩm giá con người” cũng đòi hỏi một sự quan tâm, một sự ý tứ như thế.
Vào ngày sabát hôm ấy, sau khi đã an táng Đức Giêsu vào mộ đá rồi, các bà còn có thể làm gì hơn là chờ đợi cho qua ngày lễ nghỉ như Luật truyền? Chờ đợi và đau đớn tiếc nuối nhắc lại quá khứ….
2.- Các phụ nữ trong hành trình rao giảng của Đức Giêsu
Từ mộ đá, chúng ta đi nhìn lại phía sau, như quay chậm ngược lại một cuộn phim. Tôi đặt mình vào vị trí một người trong nhóm chiều hôm ấy, tôi xin kể chuyện.
Thầy Giêsu chúng ta không phải là người chủ trương “duy nữ quyền”, như người ta nói hôm nay. Nhớ mà xem! Thầy chưa bao giờ làm một phân tích hay nói một lời chỉ trích minh nhiên các định chế và các quan hệ giữa các tầng lớp xã hội hoặc giữa hai phái nam nữ. Trong thời gian hoạt động, sự khác biệt giữa người nam và người nữ, Thầy chẳng quan tâm. Không như các thầy kinh sư và Pharisêu kia, cứ né các phụ nữ hoài! Thầy chúng ta không như thế! Chính vì thế Đức Giêsu đã vạch trần những méo mó trong cái nhìn về người phụ nữ và trong quan hệ nam nữ. Chị em, anh em có nhớ không? Thầy không ngại nói với các phụ nữ, giảng dạy cho họ, nhận họ làm môn đệ.
Lan man nghĩ lại quá khứ, anh chị em có nhớ không, chúng ta gặp Thầy đi lên Đồi Sọ, mới hôm qua thôi. Lúc đó Thầy đã được ông Simôn Kyrênê vác thập giá giùm. Đang bước thấp bước cao, chập choạng lảo đảo, Thầy gặp “các phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Thầy, Thầy đứng lại khuyên bảo họ: “Hỡi phụ nữ Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!” Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”” (Lc 23,27-31). Thầy Giêsu đã rút từ số phận của Thầy ra một bài học để khuyến cáo các phụ nữ. Nếu các thế lực của sự dữ đã đưa được chính Thầy đến giờ tăm tối này, thì chúng cũng có thể tác động trên các phụ nữ chúng ta đấy, và trên các môn đệ nam nữa. Thành ra phải để ý! Nói với nhau mà để ý. Sức mạnh của tối tăm là một sức mạnh khủng khiếp lắm.
Thầy Giêsu chưa bao giờ thốt ra một lời khinh bỉ hay mỉa mai người phụ nữ, và như thế là khác với thời đại của Người. Sức khỏe của người phụ nữ, Thầy cũng coi là quan trọng như sức khỏe của người nam, vì thế Thầy làm nhiều phép lạ để chiếu cố đến người nữ. Chẳng hạn: Khi chữa bà còng lưng (13,10-17), Thầy bảo: “Bà được tự do!”, ngay trong ngày sabát là Thầy đụng chạm đến lối giữ đạo khe khắt của các thủ lãnh. Nhưng nhờ thế bà có thể ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào người khác, nhìn trời, tôn vinh Thiên Chúa, được cảm thấy mình cũng là một con người. Đi ngược lại nữa, vào những ngày đầu tiên đi hoạt động, Thầy đã chữa mẹ vợ ông Simôn (4,38-39), và “tức khắc bà đứng dậy phục vụ các ngài”. Khi chiếu cố đến ai, Thầy không để người ấy trong tình trạng cũ nữa. Rồi hôm ấy, khi tiến đến nhà ông trưởng hội đường Gia-ia để cứu đứa con gái của ông sắp chết, Thầy gặp một bà bị băng huyết đã mười hai năm. Bà nghĩ đơn sơ, nhưng cương quyết: mình mà sờ vào tua áo choàng của Thầy là khỏi (8,43-48). Rồi bà đã làm. Thầy quay ra hỏi… Bà đã nhìn nhận … Bà đã tỏ ra liều lĩnh có suy tư trong đức tin để có thể nhận được sự sống nhờ cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu. Sống đức tin là phải liều lĩnh có suy tư.
Trong Tông thư Phẩm giá phụ nữ, Chân phước giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nêu bật vai trò của người nữ trong thế giới hôm nay. Người nữ (cũng như người nam) có một đồng minh rất thế lực trên con đường đi tới sự giải phóng chân thực, đó là Chúa Thánh Thần. Trong ngôn ngữ Do Thái cổ (Híp-ri Kinh Thánh), “Thần Khí” là Ruah, là một danh từ giống cái. Dường như giữa Chúa Thánh Thần và phái nữ có một liên hệ bà con! Phải chăng người nữ ở về phía Thánh Thần? Không cần phải nhấn mạnh trên điểm này, chúng ta vẫn biết là có một quan hệ mật thiết giữa Chúa Thánh Thần và người nữ. Bởi vì Kinh Thánh gọi Thánh Thần là “Đấng Bảo Trợ”, “Đấng an ủi”, và “Thần Khí sự sống”, Đấng “sưởi ấm ai giá lạnh và chữa lành các thương tích”. Trong thế giới, có ai hơn được người nữ về những khả năng này?
Lại trở về với các bà để nghe kể truyện Giêsu. Thế rồi ta gặp Thầy Giêsu những ngày còn đi lại giảng dạy trong Đền Thờ. Hôm ấy “Người thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Nhìn cách ăn mặc là biết bà góa. Thầy liền gọi các môn đệ: “Xem này, xem này: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết”” (21,1-3). Thầy thấy được tấm lòng chân thật và hy sinh của bà. Thế là Thầy đã lưu ý các môn đệ học lấy bài học đó. Thầy ca ngợi cử chỉ của bà và đánh giá cao. Trong khi những người kia chỉ cho một cái gì, bà góa này đã cho chính mình. Thầy thấy và biết là người phụ nữ có khả năng đặc biệt, đó là cho tất cả, là cống hiến sự sống mình. Người phụ nữ có một sự nôn nóng và nhạy cảm với việc làm cho mọi sự được đầy đủ. Dường như trong quá khứ, có những lần chị em anh em chúng ta co lại, không dám đánh liều cho đi. Thế là mất một dịp để sống quảng đại hơn, thế là đã để vuột qua một cơ hội để sống tư cách người nữ người nam trong xã hội và Giáo Hội hôm nay!
Hôm ấy cùng Thầy Giêsu, chúng ta đến thăm gia đình Mácta và Maria (10,38-42). Thầy đi với cả đoàn người đấy! Đây là dịp tốt để chúng ta hiểu rằng chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, đó là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thi hành. Chị Mácta tất bật quá sức, Maria cứ ngồi đó nghe Thầy. Thầy khen Mácta ư? Không. Thầy khen Maria. Vấn đề không phải là thôi quan tâm phục vụ người khác, nhưng vấn đề là muốn phục vụ tốt người khác, phải sống Lời Chúa.
Một chuyện quá vui là, hôm ấy, chúng ta gặp Thầy Giêsu trong nhà ông Pharisêu Simôn: đang ăn cỗ, thì một người phụ nữ (7,36-50), “một người tội lỗi trong thành”, ai cũng biết (c. 37), đi vào. Bất kể các quy ước xã hội, bà không sợ hãi gì cả, bà tiến đến. Rồi bằng một cử chỉ thú nhận tội lỗi công khai, bà bày tỏ với Thầy Giêsu những dấu chỉ diễn tả là quý mến, lòng biết ơn và tôn kính mà không một ai đã bày tỏ với Thầy trước đó: “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người”, “lấy tóc mình mà lau”, “hôn chân Người”, “và lấy dầu thơm mà đổ lên” (c. 38; x. cc. 44-46). Lòng biết ơn của bà chan hòa đến độ bà không ngại xõa tóc ra để lau chân Đức Giêsu, cho dù bỏ khăn và xõa tóc ra trước mặt phái nam là một sự ô nhục cùng cực.
Chúng ta còn có thể nghĩ đến bà Êlisabét, vợ tư tế Dacaria, một người biết nhận định về đức tin của chồng mình và người em họ. Nhưng thôi, chúng ta phải dừng lại với người phụ nữ cao cả nhất, Đức Maria, Mẹ của Thầy Giêsu. Maria là một người thiếu nữ của miền Galilê xa xôi đã biết ký thác trọn vẹn bản thân cho Lời Chúa được sứ thần Gabriel chuyển đến. Và thế là Maria trở thành Mẹ, một người Mẹ rất quý yêu sự sống người con cũng là Đấng Cứu Thế, Con yêu dấu của Thiên Chúa, quý yêu nhưng tôn trọng, không bao giờ muốn cầm giữ hay chận đứng sự sống đó lại. Mỗi lần xuất hiện, Maria nói ít nhưng Mẹ hiện diện; sự hiện diện của Mẹ làm “đầy” tập thể. Mẹ trông chừng trên Hội Thánh phôi thai. Có thể nói lễ Truyền Tin đã là một lễ Hiện Xuống nhỏ, bởi vì Thánh Thần đã đến và được Đức Maria đón nhận, như là người nữ đơn sơ và dung mạo cao nhất của đức tin. Do đó, Đức Thánh Cha đã nói trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Thực ra, một phụ nữ, Đức Mẹ Maria, còn quan trọng hơn các Giám Mục” (EG, số 104)! Và khi đến cuối Tông huấn (số 286), Đức Thánh Cha đã dạy: “Đức Mẹ Maria là Đấng biết cách biến một hang nuôi súc vật thành ngôi nhà cho Chúa Giêsu, với một tã vải nghèo nàn và một núi đầy âu yếm. Mẹ là nữ tỳ bé nhỏ của Cha, Đấng đã vui mừng hát lên lời chúc tụng Ngài. Mẹ là người bạn luôn luôn lưu tâm ngõ hầu chúng ta không thiếu rượu trong cuộc sống của mình. Mẹ là người có trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu qua, Đấng hiểu tất cả nỗi thống khổ của chúng ta. Như Mẹ của tất cả mọi người, Mẹ là một dấu chỉ của niềm hy vọng cho những người bị đau đớn vì sinh nở cho đến khi công lý được sinh ra. Mẹ là nhà truyền giáo đến gần chúng ta để đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, mở lòng chúng ta ra với đức tin bằng tình mẫu tử của Mẹ. Như một người Mẹ thật, Mẹ bước đi với chúng ta, chiến đấu với chúng ta, và không ngừng tuôn đổ sự gần gũi của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta”.
3.- Kết luận
Như thế, giáo huấn của Đức Giêsu về đời môn đệ thì có khắp nơi trong Tin Mừng Luca, nhưng các phụ nữ có đó như những tấm gương về lắng nghe và sống giáo huấn của Người. Họ cũng đáng được trân trọng. Có lẽ cảm thấy được trân trọng quá, nên một bà đã cầu nguyện cho chồng rất thật như sau:
Lạy Chúa, con xin Chúa ban cho con ơn khôn ngoan để con hiểu một người đàn ông.
Con xin Chúa ban cho con tình yêu để con biết tha thứ cho ông ta,
và con xin Chúa ban cho con ơn kiên nhẫn để con chấp nhận được tính khí thất thường của ông ta. Nhưng con không xin sức mạnh,
Tại vì nếu con xin có sức mạnh, con sẽ đánh ông ta đến chết thôi.
Nhưng chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria: sống giản đơn, rộng lượng, trung tín, để cũng như Mẹ, chúng ta không ngần ngại trao ban Chúa Giêsu cho người khác, để sinh hạ và dưỡng nuôi sự sống của Đức Giêsu ngay trong lòng Mẹ và nơi người khác, và để can đảm đứng bên cạnh những Đồi Sọ của thế giới này, vì thế giới hôm nay tiếp tục xây lên những Đồi Sọ mới, để chứng kiến sự đau đớn của Chúa Giêsu như Đức Maria đã từng chứng kiến nơi Đồi Sọ ngày xưa, rồi lại vui mừng đón Người sống lại. Tại Đồi Sọ hôm ấy, cũng như tại “những Đồi Sọ mới” hôm nay, những xã hội trong đó con người sống ích kỷ, vô cảm với người khác đến mức vô nhân đạo, khiến sự sống con người bị chà đạp và phẩm giá con người bị xúc phạm, bởi vì người ta không tôn trọng Thiên Chúa, là Chủ sự sống, là Đấng ban phẩm giá cho mỗi người. Ở trại tập trung Đức quốc xã Auschwitz, ngay ngoài cổng, có câu “Ở đây không có Thiên Chúa”. Chính vì ở đấy không có Thiên Chúa, con người đã bị đối xử như con vật. Nhưng thánh Maximilianô Kolbe (1894-1941) đã đưa Thiên Chúa vào trong đó, khi ngài sẵn sàng chết thay cho một bạn tù, và khi giúp các bạn tù khác chết như những người con của Thiên Chúa. Chúng ta hãy liên đới với nhau để làm giảm đi “những Đồi Sọ mới”, và kiến thiết thêm những “ngôi nhà” như ngôi nhà được sách Công vụ nói đến, nơi có các môn đệ và Tông Đồ, có các phụ nữ và Mẹ Maria (x. Cv 1,13-14), cùng cầu nguyện và sẵn sàng ra đi phục vụ sự sống và bảo vệ phẩm giá con người.
Nguồn: kinhthanhvn.org