40 ngày Chay Thánh cùng Chân phước Gioan Phaolô II:
Thứ Hai tuần V Mùa Chay:
Sống Khiết Tịnh
Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã vu cho con. (x. Đn 13: 41-62)
Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi. (x.Tv 22)
“Tôi cũng không kết án chị; hãy đi và đừng phạm tội nữa”. (x. Ga 8: 1-11)
Khiết tịnh là sự khẳng định đầy hân hoan của người biết làm thế nào để sống mà cho đi, tự thoát khỏi mọi hình thức nô lệ chính mình. Điều này giả thiết rằng con người đã biết cách chấp nhận người khác, liên hệ với họ, trong lúc vẫn tôn trọng phẩm giá của họ trong sự khác biệt. Người khiết tịnh không phải là người qui ngã, không gắn bó với người khác bằng mối tương quan ích kỷ. Khiết tịnh làm cho nhân cách được hài hòa. Nó làm cho nhân cách được trưởng thành và tràn ngập bình an nội tâm. Sự khiết tịnh tâm hồn và thể xác này giúp phát triển sự tôn trọng bản ngã đích thực, đồng thời làm cho người ta có thể tôn trọng người khác, bởi vì nó giúp người ta thấy nơi họ những con người mà mình phải kính trọng, vì người ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và nhờ ân sủng, người ta là con cái Thiên Chúa, được tái tạo nhờ Chúa Kitô, Đấng “đã kêu gọi anh em từ nơi tối tăm bước vào ánh sáng diệu kỳ” (1Pr 2:9).
Khiết tịnh bao gồm tập sự làm chủ bản thân, một công việc huấn luyện trong tự do của con người. Sự lựa chọn đã rõ; hoặc là con người điều khiển các đam mê của mình và tìm được sự bình an, hoặc để cho chính mình bị các đam mê điều khiển và trở nên bất hạnh (Giáo lý Hội thánh Công giáo, s. 2339). Qua kinh nghiệm, ai nấy biết rằng khiết tịnh đòi hỏi từ khước một số tư tưởng, lời nói và hành động tội lỗi, như thánh Phaolô đã cẩn thận minh xác và chỉ ra (x. Rm 1:18; 6:12-14; 1Cr 6:9-11; 2Cr 7:1; Gl 5:16-23; Ep 4:17-24; 5:3-13; Cl 5:3-8; 1Th 4:1-18; 1Tm 1:8-11; 4:12). Để thực hiện điều này, đòi hỏi khả năng và thái độ tự chủ, đó là những dấu chỉ của tự do nội tâm, của trách nhiệm đối với chính mình và với người khác. Đồng thời, những dấu chỉ này làm chứng một lương tâm trung thành. Sự tự chủ ấy gồm cả việc tránh những dịp có thể gợi lên hoặc thúc đẩy tội lỗi cũng như biết cách khắc phục những thôi thúc của bản năng tự nhiên.
Khi gia đình có sự hỗ trợ thực sự về giáo dục và cổ võ thực tập các đức tính, thì việc giáo dục đức khiết tịnh sẽ dễ dàng và không có xung đột nội tâm, cho dù vào một số thời điểm nào đó người trẻ có thể trải qua những hoàn cảnh nhạy cảm đặc biệt. Đối với những người thấy mình ở trong những hoàn cảnh mà khiết tịnh bị xúc phạm và không có giá trị, thì sống khiết tịnh có thể đòi hỏi một cuộc chiến đấu khó khăn, thậm chí anh hùng. Tuy nhiên, với ân sùng của Chúa Kitô, tuôn trào từ tình yêu của Người đối với Hội thánh, mọi người đều có thể sống khiết tịnh cho dù họ có thể thấy mình ở trong những hoàn cảnh không thuận lợi.
Như công đồng Vatican II dạy, chính sự kiện tất cả chúng ta được mời gọi sống thánh thiện khiến chúng ta dễ dàng hiểu rằng mọi người có thể ở trong những hoàn cảnh mà những hành vi nhân đức anh hùng là không thể thiếu được, dù là trong đời độc thân hay đời hôn nhân, và thực tế thì cách này hay cách khác, Vì thế, đời hôn nhân cũng dẫn đến một con đường hân hoan và đòi hỏi cho sự thánh thiện.
Sự thật và ý nghĩa của phái tính con người, PCF, 17, 18